Các bạn thân mến,
Bây giờ thì mình đang ở Úc, nhớ lại chuyến bay dài ngoằng, nếu tính cả thời gian ngồi chờ ở phi trường tại Mỹ và Úc
(vì phải chuyển máy bay) tới lúc bò được về tới nhà, tổng cộng là 22 tiếng đồng hồ. Thần sầu thiệt!
Mọi năm mình đi Úc hay các nước khác, cũng tròm trèm chừng đó thời gian, nhưng chẳng mệt mỏi gì, khoẻ re. Lên máy bay, mình đọc một hơi mấy cuốn truyện, sau đó xem phim, mà sức khoẻ vẫn còn có vẻ hùng dũng lắm. Thế mà năm nay, xem xong cuốn “Phùng Quán: Ba phút Sự Thật” mỏng dính, đã thấy mỏi mắt, lim dim muốn ngủ. Ngủ một giấc, mở mắt ra thấy phim hay, muốn xem, nhưng chỉ được mươi phút mắt đã nhức, lại nhắm lại. Chẳng hiểu tại đôi mắt già nua, hay tại cái tuổi đã chất chồng. Thôi, tại cái gì thì tại, cứ vui sống thì cuộc sống sẽ vui!
Như các bạn biết, bên Mỹ hay Âu châu hoặc Việt Nam , bây giờ đang là cuối Thu, thời khắc của lá vàng chín nẫu, thì Úc đang ở giai đoạn cuối Xuân. Thành phố Brisbane của tiểu bang Queensland thuộc miền bắc Úc, nơi mình ở, khí hậu thật tuyệt vời. Sáng sớm gió còn hơi mát lạnh, nhưng đến gần trưa, trời bắt đầu oi bức và nắng chang chang. Hoa lá cây cối như được thêm năng lượng, chợt tươi thắm hơn, những nụ hoa, chồi lá vươn lên như chực bung nở, nhất là phượng Tím Jacaranda dịu dàng là thế, nhưng dưới nắng, cũng trở nên rạo rực quyến rũ.
Nói đến Phượng, hồi nào tới giờ chúng ta chỉ quen Phượng Vỹ, mỗi lần hè đến, Phượng Vỹ nở hoa đỏ chót lộng lẫy. Phượng nở báo hiệu mùa thi, mùa “Lưu bút ngày xanh”. Nhưng ở Úc, ngoài Phượng Vỹ còn có Phượng Tím Jacaranda, xứ này lại trồng nhiều Phượng Tím. Các bạn cứ tưởng tượng Brisbane là thành phố đồi núi, với những con dốc cao, những bìa rừng thấp, và Phượng Tím chập chùng tím ngan ngát, có tuyệt không cơ chứ!
Về thăm nhà lần này, mình muốn trở lại thăm rừng Phượng Jacaranda của ngôi nhà cổ xưa Wolston, nhưng vẫn chưa đi được. Bây giờ sống giữa trời đầy hoa tím, mình muốn kể về Phượng Tím, bắt đầu từ ngôi nhà Wolston 20 năm về trước.
o0o
Hồi đó cũng vào cuối Xuân như bây giờ, Ann, cô bạn trẻ học cùng lớp, đã rủ mình đến thăm ngôi nhà ấy. Mình nghĩ chắc tại mình hay kể với Ann là mình yêu thích những gì cổ xưa, và mình thương nhớ quá khứ. Đã có nhiều buổi, Ann ngồi hàng giờ nghe mình rỉ rả về cuộc sống cũ, về trường xưa, về những con đường nhiều kỷ niệm ở Đà Nẵng, Sàigòn. Những nơi chốn ấy đã là quá khứ cũ rích, và lại cách xa mình cả một đại dương, thế mà mình cứ nhớ như in, đôi lúc còn như dựa vào đó mà sống nữa. Mình biết Ann nghe thì nghe, chứ làm sao hiểu nổi quãng đời thanh xuân quý báu của mình.
Mình nhớ…. Ngôi nhà Wolston tọa lạc trên con đường im vắng, hàng cây cổ thụ hai bên đường như muốn đổ xuống vì nhiều cành rậm lá. Ann đậu xe sát bên lề đường, mình xuống xe, đứng tần ngần trước ngôi nhà, chiếc cổng gỗ thấp và rộng, màu gỗ đen mốc, hơi xiêu vẹo, làm tăng vẻ u uất, trống vắng.
Ann có vẻ thành thạo, nhấc cánh cổng, đẩy sang một bên và bước vào sân, mình theo sau Ann, thảm cỏ xanh có hoa tím phủ kín được cắt tỉa gọn gàng. Hình như có một bóng người vừa rời khỏi chiếc trường kỷ đen ở hàng hiên trước ngôi nhà, mình hỏi Ann:
”Có người sống trong căn nhà này không?” Ann mở to mắt: ”Không! Không có ai ở đây cả, đây là ngôi nhà cổ xưa nhất của thành phố, thuộc giòng họ Wolston! Ngôi nhà đã trở thành “Historic House” dành cho du khách thăm viếng… Có gì vậy?” Mình lắc đầu im lặng.
Ngôi nhà có bề ngang rất rộng và bề sâu chỉ đủ cho chiều dài của một căn phòng nhỏ. Các phòng nằm sát cạnh nhau, cùng nhìn ra sân trước, cùng hướng về sân sau.
Mình theo Ann đi vào phòng khách, sang phòng ăn, vào phòng ngủ… đâu đó như có sự sống. Mình nói với Ann cảm giác này, Ann mỉm cười, lắc đầu: ”Đã bảo là không có ai sống ở đây cả, đừng nghĩ ngợi vẩn vơ!”
Mình bước ra khỏi cửa phòng khách để ra khu vườn phía sau. Không thể gọi là vườn, mà phải gọi là cánh rừng với một màu tím ngát. Màu tím dịu dàng tha thiết phủ kín không gian.
Từng hàng cây dáng vẻ thanh tú, được trồng ngay ngắn bên nhau trên một khu đất rộng dễ chừng cả mẫu, các ngọn cây đan vào nhau, như những gắn bó thân thiết chẳng thể rời. Mình nhớ hôm ấy không có người khách nào viếng thăm ngôi nhà ngoài Ann và mình, nên cả hai đã nằm xuống thảm hoa tím để thưởng thức không gian trữ tình, thơ mộng. Ann thì thầm: “Đây là rừng cây Jacaranda, một loại Phượng, nở hoa vào mùa Xuân, kéo dài đến cuối Hè. Hoa có màu xanh tím, và hồng tím, cô có thể gọi Jacaranda là Jac hay Phượng Tím. Hoa Jac không thơm, nhưng mùi gỗ của nó thì không thể chê vào đâu được, thơm lắm… Cô có ngửi thấy không, nó đang tỏa hương thơm ngát cả đất trời.”
Phượng tím Jacaranda
Mình ngửi thấy chứ, mùi gỗ ấy có vị ấm, nồng nàn, và hình như có vị cay cay của tràm Mimosa, và của dầu thông… cái mùi quen thuộc của núi rừng Đà Lạt. Bầu trời giăng đầy hoa tím, đúng như Ann nói, những tàn Phượng hướng về phía sân trước, có màu tím xanh, tím mát, còn tàn Phượng hướng về phía cuối vườn, có hoa màu tím hồng, tím đỏ. Ann tiếp tục nói: “Bà cố của tôi tên là Ann, là chủ nhân cuối cùng của ngôi nhà này, tên của tôi được đặt để nhớ đến Bà. Bà Ann đẹp lắm, ảnh người thiếu phụ treo phòng ngủ là bà đấy. Bà sống một mình, nghe mẹ tôi nói bà có người yêu, nhưng hai người không lấy nhau. Tôi nghe kể, họ đã từng ngồi với nhau ở dưới gốc cây này, chính nơi này. Cô có thấy chữ Ann ở khắp thân cây không? Những dấu vết tưởng là vỏ cây sần sùi, nhưng chính là những nét gạch chữ Ann đấy. Rừng Phượng này là kỷ niệm của bà, bà mất khi chưa đến bốn mươi.”
Mình ngồi dậy, xem kỹ thân cây, vuốt ve từng vết sần sùi li ti, hạnh phúc chắc đã được gửi nơi đây, và thương đau chắc cũng ngút ngàn trời đất. Mình đã đi trong trời tím, trong nắng tím, cho đến cuối vườn thì gặp con lạch nhỏ, có vài ba con vịt đen tuyền, miệng thoa son đỏ chót đang tíu tít bên nhau. Bầu trời cuối vườn đã đổi sang màu tím hồng, màu của âu yếm, nồng nàn.
Mình tự hỏi có phải bà Ann và người tình đã ngồi bên nhau dưới tất cả những gốc Phượng này không? Có phải họ luôn dựa lưng vào thân Phượng và hướng về cuối vườn trong những phút hạnh phúc cũng như lúc thương đau không? Có phải vì thế mà tàn Phượng hướng về phía ấy có màu của tình yêu, màu tím hồng, tím đỏ không? Có phải vì thế mà mỗi cây Phượng trong khu rừng này đều có hai màu không? Một màu tím xanh tươi mát thơ ngây, và một màu của tình yêu tím đỏ? Mình nhớ đã đi ngược lại phía trước căn nhà, dù nắng đã sắp tắt, mình vẫn phân biệt được phía sân trước, rừng Phượng có màu tím xanh, phía sân sau, rừng Phượng có màu tím đỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Mình nhớ đã đi theo thứ tự từng gốc Phượng để tìm dấu vết mối tình của Bà Ann, gốc cây nào cũng có chữ Ann, thỉnh thoảng bị mất vài nét vì sự trưởng thành của cây. Nhưng cứ đi qua vài gốc, mình như bị gọi trở lại để nhìn kỹ hơn một chữ nữa bên cạnh chữ Ann, nhưng không thể nào nhìn rõ được. Tên ấy, hình bóng ấy, không còn là của Ann, thì chắc với một huyền bí nào đó, nó cũng bị phai nhòa, bị lãng quên trong rừng Phượng? Có phải thế chăng?
Đến chiều tối, từ giã ngôi nhà của Ann, mình nghĩ mình sẽ trở lại vào mùa Xuân năm sau, nhưng từ đó đến nay, mình đã không trở lại, cũng không có cơ hội đi ngang qua ngôi nhà Wolston nữa.
Mình yêu Phượng Tím từ ngày ấy, và chẳng phải đi tìm, vì cứ đến mùa Xuân, Phượng Tím nở chan hòa trong thành phố, óng ả, dịu dàng ở từng góc vườn, từng con đường, từng khu phố. Chập chùng trong không gian tím đỏ ân tình, chan chứa tình yêu, thỉnh thoảng có những mảng trời xanh tím ngan ngát. Nếu chịu khó dò theo hướng của những chùm hoa tím xanh, sẽ bắt gặp những gốc Phượng còn non, thơ ngây lả lơi trong gió. Những gốc Phượng ấy còn vị thành niên, chưa đến tuổi yêu đương, để chia sẻ tình yêu với những đôi tình nhân, chưa được nghe những lời ân ái, chưa được cùng thổn thức những đắng cay, ly biệt, chưa được sống và chết với tình yêu. Trong khi đó hàng Phượng Tím ở hai bên bờ sông Brisbane, tím hồng tím đỏ vì đã ở tuổi xế chiều, cái tuổi đẹp nhất, đằm thắm nhất, chín chắn nhất, để có cuộc sống lãng mạn, tuyệt diệu với cuộc đời:
“Anh chết đi để cho mình gặp lại,
Trong giấc mơ Anh sẽ đến tìm Em
Em sẽ siết Anh trong vòng tay và mãi mãi
Ngạo với thời gian, ánh sáng với hương đêm.”
(Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh- Minh Đức Hoài Trinh)
Mình nhớ hồi còn ở Úc, vào mùa Xuân và mùa Hạ, mỗi buổi trưa khi xong việc làm, mình thường đến bờ sông, thả bộ trên con đường tím mơ màng. Mỗi ngày mình chăm chú xem màu hoa, và tìm xem gốc Phượng nào trong tuần đã nhận ân tình nhiều nhất, vì nước mắt hay tiếng cười của đôi tình nhân sẽ khiến hoa Jacaranda thắm màu hơn, người ta nói như vậy.
Hoa phượng tím Jacaranda
Phía sau vườn nhà ông bà Cụ mình, cũng có cây Phượng Tím. Ngày ấy, Phượng còn thanh xuân, cành vươn cao, ẻo lả trong gió, hoa tím xanh phơn phớt, duyên dáng lạ kỳ. Bây giờ Phượng đã có tuổi, có tàn lớn, hoa nhiều, rụng tím cả vườn sau. Mọi năm, lúc Phượng nở hoa, Mẹ mình hay bắc ghế ngồi dưới bóng mát của Phượng và lấy chân khều những hoa rơi trên cỏ, Bố mình thì quét hoa vun vào góc vườn. Hai năm nay, Mẹ mình không còn, chỉ còn ông Cụ lủi thủi quét sân. Có lần ông Cụ nói bâng quơ: “Hình như hoa Phượng nhà mình càng ngày càng sẫm mầu con ạ! Nó cứ tím đỏ, chứ không còn tím xanh xanh như xưa nữa.” Mình nghĩ Phượng đã đổi màu từ những ngày Bố Mẹ mình hạnh phúc bên nhau cùng quét hoa, dọn vườn dưới gốc Phượng. Bây giờ Mẹ mình không còn, Bố mình nhớ kỷ nệm và màu hoa xưa, nên mới như chợt thấy hoa đổi màu.
Có tiếng chổi quét sân và tiếng ho húng hắng của ông Cụ ngoài sân sau, cái sân đang tím sẫm hoa Jacaranda, mình ra phụ ông Cụ, xin ngừng gõ ở đây.
Phạm Diễm Hương
11/11 Jacaranda.