Menu Close

“Speak English” Qui định nói tiếng Anh nơi công sở

Dũng Trần là một nhân viên của hãng sản xuất phụ tùng cho xe hơi ở Kansas. Anh bị sa thải sau hơn 9 năm chăm chỉ làm việc. Anh kiện hãng ra toà và một trong những lý do anh đưa ra là anh đã bị kỳ thị khi người quản lý bắt tất cả những người trong nhóm anh phải nói tiếng Anh khi làm việc và họp hành.
 
Qui định chỉ được nói tiếng Anh nơi công sở nghe rất vô lý và bất công, nhưng hãy tìm hiểu thêm về vấn đề này trong lãnh vực luật pháp.

Theo thống kê của báo Monthly Labor Review tỉ lệ người di dân tăng không ngừng trên Hoa Kỳ dù chính sách di dân đã khó khăn hơn và thời gian giải quyết hồ sơ bị đình trệ lâu hơn.  Cùng với làn sóng người di dân tăng không ngừng thì nhân công ở hãng xưởng cũng trở nên đa chủng tộc.  Do đó hãng xưởng Mỹ phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến các sắc dân thường xuyên hơn.

Một trong những qui định mà hãng xưởng Mỹ áp dụng thường xuyên, và cũng thường bị lên án, là cấm các sắc dân khác nói tiếng mẹ đẻ của họ khi làm việc.  Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt rạch ròi rằng có nhiều chuyện có thể là sai trái hoặc đi ngược với lương tâm đạo đức của con người, nhưng vẫn không phải là một vi phạm về luật pháp.

Việc bắt buộc nhân công phải nói tiếng Anh khi làm việc có thể phần nào đó phản ảnh sự hiện hữu của việc kỳ thị trong một doanh nghiệp, nhưng nó được đội dưới nhiều hình thức khác nhau để biện hộ cho qui định của họ. Vì không vi phạm luật pháp nên tòa án thường vẫn làm ngơ và thường hiểu ngầm rằng công ty tư nhân có quyền ra những qui định riêng miễn sao những qui định đó có phần nào liên quan đến bản chất của công việc hoặc doanh nghiệp.

Những lý do mà doanh nghiệp thường đưa ra để áp dụng qui định chỉ được nói tiếng Anh khi làm việc mà tòa án chấp nhận là hợp lý bao gồm:

Khi một nhóm nhỏ dùng một ngôn ngữ khác mà những người khác không hiểu có thể dẫn đến sự chia rẽ, mất tinh thần đoàn kết giữa những chủng tộc khác nhau trong nhóm.  Đối với khách hàng, có thể gây ra sự khó chịu hoặc mất lòng vì họ e ngại không biết họ có phải là trò cười của câu chuyện hay không. Chẳng hạn trong một vụ kiện liên quan đến một nhà thờ lớn ở Philadelphia. Vị linh mục đứng đầu đã cấm tất cả các nhân viên nói tiếng Phần Lan trong thời gian làm việc ở nhà thờ vì ông cho rằng nhà thờ là nơi mà cần xây dựng mối quan hệ thoải mái, tự nhiên giữa các con chiên của Chúa. Nói một thứ tiếng mà có người không hiểu có thể được hiểu là cô lập người khác, hoặc gây sự chia rẽ. Tòa công nhận đây là một lý do hợp lý.

Trong vụ kiện Garcia v. Gloor một người khách hàng đã khiếu nại rằng 2 nhân viên Mễ đã nói chuyện trong lúc làm việc mang tính chất tình dục bằng tiếng Tây Ban Nha. Thế là người chủ bắt tất cả nhân viên phải nói tiếng Anh khi làm việc để có thể dễ dàng kiểm soát và quản lý những lời nói khiếm nhã của nhân viên. Tòa án tuyên bố đây là nội qui cần thiết liên quan công việc.

Vụ kiện Gutrrez v. Municipal Court of the Southeast Judicial District  và vụ Garcia v. Spun Steak thì lý do an toàn sản phẩm và an toàn trong sản xuất dây chuyền lại được đưa ra để người quản lý và chính quyền có thể kiểm tra từng bộ phận của sản xuất một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tòa cũng công nhận đó là qui định hợp lý.

Tuy nhiên cơ quan chánh quyền lại bị khó khăn nhiều hơn trong vấn đề áp dụng những chính sách mang tính chất phân biệt đối xử.  Chẳng hạn trong vụ kiện Ruiz v. Hull ở Arizona khi hiến pháp tiểu bang được thay đổi và bắt buộc tất cả nhân viên chính quyền chỉ được sử dụng tiếng Anh, lại bị tòa án cho là bất hợp pháp vì tòa cho là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền bình đẳng của hiến pháp liên bang.

Ngoài ra, qui định chỉ được nói tiếng Anh khi làm việc và tiêu chuẩn hoặc trình độ tiếng Anh liên quan đến công việc của nhân viên là hai cái hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn một nhân viên tiếp khách ở văn phòng đòi hỏi phải có một khả năng viết và nói Anh ngữ lưu loát. Nhưng nhân viên làm việc phổ thông không thể nào bị bắt buộc phải có một khả năng Anh văn lưu loát khi công việc của họ không đòi hỏi phải tiếp xúc với người khác. Tòa án thường cân nhắc kỹ càng yếu tố này khi phán xét. Tòa cũng thường xem xét về nội quy của doanh nghiệp xem nó có được thông báo và áp dụng đồng bộ hay không. Nếu quy định chỉ được áp dụng cho riêng một sắc dân mà những sắc dân khác lại không, thì tòa mới cho đó là một sự kỳ thị chủng tộc.

Nói tóm lại quy định chỉ được nói tiếng Anh khi làm việc là một việc nhạy cảm vì nó liên quan đến việc đối xử những sắc dân không phải là bản xứ, và việc này cũng thường bị chỉ trích. Nhưng thường thì nó không phải là một vi phạm luật pháp, vì luật pháp Hoa Kỳ tuy nghiêm, nhưng cũng cho doanh nghiệp tư nhân rất nhiều quyền tự do để quản lý doanh nghiệp họ. Âu đó có lẽ  cũng là một khía cạnh của chủ nghĩa tự do và tính chất của nền kinh tế thị trường.

AT