Trong chiến dịch thủ tiêu Osama bin Laden ở Pakistan toán đặc nhiệm của Hải Quân Hoa Kỳ (Navy Seals) lập tức phá hủy chiếc trực thăng tàng hình bị lâm nạn khi đột nhập vào dinh thự của bin Laden.
Duy chỉ có phần đuôi của máy bay là còn nguyên vẹn và nó chứa đựng những thiết kế siêu đẳng tối mật liên quan đến kỹ thuật tàng hình mà chưa có nước nào đạt được trừ Hoa Kỳ. Trung Quốc liền liên lạc với Pakistan tỏ ý định muốn mua phần đuôi đó nhưng Hoa Kỳ đã ngăn chặn và thu hồi kịp thời.
Việc này nói lên khao khát cháy bỏng của TQ về vấn đề hiện đại hoá quân sự.
Tốc độ phát triển kinh tế một cách chóng mặt cộng với nỗ lực hiện đại hóa quân sự quy mô cũng như chính sách đối ngoại mang tính chất tung hỏa mù của Trung Quốc đang gây lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trường thế giới.
Tranh : BẢO HUÂN
Kinh Tế và Quân Sự
Khi kinh tế trên thế giới vẫn còn bị xuống dốc hay trì trệ thì Trung Quốc giữ vững mức phát triển trung bình từ 9% đến gần 10% hằng năm. Theo Trading Economics, nền kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển tột bực của nền kinh tế Trung Quốc là do hiệu quả của chính sách xuất nhập cảng mà chính quyền Trung Quốc áp dụng. Từ những thành công nhất định trong lãnh vực kinh tế mà chính quyền Trung Quốc đã có được ngân sách để thực hiện nhu cầu hiện đại hóa quân đội và thỏa mãn tham vọng bành trướng trên thế giới. Tuy nhiên sự tiến triển và thay đổi về tư tưởng chính trị trong nước đã không được nhanh chóng như Hoa Kỳ và các phương Tây mong đợi. Khi lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến được sự đổ vỡ của khối liên bang Nga lúc Nga cải cách theo kinh tế tư bản, họ lại càng tin tưởng vào đường lối tập trung quyền hành tuyệt đối trong đảng cộng sản nhưng lợi dụng cái mạnh của kinh tế thị trường để nuôi dưỡng chế độ cộng sản. Do đó kinh tế Trung Quốc dù có thoáng mang màu sắc kinh tế thị trường nó không hẳn là theo đường lối của chủ nghĩa tư bản để khuyến khích và tạo điều kiện cải tổ xã hội một cách toàn diện. Ngược lại nền kinh tế Trung Quốc bị điều khiển chặt chẽ bởi chính quyền cộng sản và những thành phần đầu não của Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm những lỗ trống của thị trường mà trám vào chứ không tuân theo một tiêu chuẩn hay nguyên tắc công bằng của kinh tế thị trường trong thế giới tự do.
Trong lãnh vực quân sự Trung Quốc không ngừng tăng cường ngân quỹ và chi phí quân sự. Năm 2010, chi phí quân sự của Trung Quốc thông báo là 80 tỉ đô la. Nhưng các nhà quan sát thì cho rằng con số chính xác có thể lên đến 150 tỉ đô la, một con số đáng gờm so với các quốc gia trong khu vực Châu Á, chẳng hạn như Việt Nam ngân sách quốc phòng chỉ là 2.6 tỉ đô cho năm 2011, Philippines là 2 tỉ, và Thái Lan là 5.5 tỉ đô. Tuy nhiên chi phí quốc phòng của Trung Quốc vẫn thua xa Hoa Kỳ với 729 tỉ.
Trong nỗ lực tái tạo mối quan hệ giữa hai nước sau khi Trung Quốc đình chỉ cộng tác quân sự với Hoa Kỳ vào đầu năm ngoái, khi Hoa Thịnh Đốn thông báo việc buôn bán vũ khí với Đài Loan vào tháng Giêng, thì tháng 5 vừa qua, phái đoàn Trung Quốc gồm 24 thành viên đứng đầu bởi tướng Chen Bingde, tổng tham mưu trưởng quân đội cùng các sĩ quan, viên chức cao cấp trong ngành tình báo, ngành vũ khí nguyên tử đã được mời thăm viếng vài căn cứ quân sự Hoa Kỳ và thảo luận cùng các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ. Tướng Michael Mullen, người đứng đầu trong bộ tham mưu liên quân Hoa Kỳ phản ảnh sự e dè của Hoa Kỳ với Trung Quốc khi ông phát biểu trong buổi họp báo rằng “chúng ta không nên chờ đến khi khủng hoảng quân sự mới tìm hiểu nhau.” Ngay cả Trung Quốc cũng muốn trấn an Hoa Kỳ và thế giới nên đã lên tiếng trong tờ báo quân đội quốc gia tháng 6 vừa qua rằng Trung Quốc không phải là mối lo ngại cho Mỹ vì Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ 20 năm trong kỹ thuật và khoa học quân sự. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đồng thời tiếp tục tuyên truyền với các nước láng giềng rằng họ không bao giờ đe dọa các nước trong khu vực Châu Á. Ngay cả bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie tuyên bố rằng Trung Quốc cam kết hòa bình và ổn định trong vùng biển Đông. Nhưng thực tế, Trung Quốc lại thường xuyên tập trận và biểu dương lực lượng trên vùng biển tranh chấp và từng ăn hiếp Phillippine cũng như Việt Nam.
Chính Sách Đối Ngoại
Châu Phi: Trung Quốc sẵn sàng cộng tác với những nước độc tài ở Châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở lục địa này. Trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây ra điều kiện là các nước như Sudan, Nigeria phải cải tổ guồng máy chính quyền và cải thiện đời sống người dân cũng như bảo đảm an ninh trong khu vực thì mới vào đầu tư. Trong khi đó Trung Quốc chỉ có một yêu cầu đơn giản là không công nhận Đài Loan là một nước độc lập. Các công ty Trung Quốc với sự hỗ trợ của chính quyền tung tiền đầu tư hạ tầng cơ sở ở những nước Phi Châu giàu tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy quyền khai thác nguyên liệu và tài nguyên nuôi dưỡng nền công nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc ra điều kiện là những dự án đầu tư này chỉ được mướn nhân công Trung Quốc. Thế là tiền Trung Quốc đầu tư lại về lại tay người Trung Quốc và tạo công ăn việc làm cho người dân Trung Quốc ở nước ngoài.
Châu Mỹ La Tinh: Trung Quốc cũng hợp tác với những nước Châu Mỹ La Tinh như Chile, Peru, Argentina và nhập về những nguyên liệu và tài nguyên mà Trung Quốc thiếu. Ngoài ra thị trường các nước đó cũng bị Trung Quốc thao túng với những sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc. Ngay cả xe Trung Quốc “Cherry” bán rất mạnh ở thị trường Châu Mỹ La Tinh đến nỗi họ phải lên danh sách “waiting list” cho khách hàng muốn mua xe đời năm 2012. Ngược lại các nước Châu Mỹ La Tinh lại không được thuận tiện chút nào khi muốn cạnh tranh bán hàng qua thị trường Trung Quốc vì giá thành không rẻ bằng mà mẫu mã lại không được đa dạng. Để vuốt ve các nước này trong việc thiếu cân bằng mậu dịch, Trung Quốc lại hứa hẹn và đầu tư hạ tầng cơ sở cho các nước Châu Mỹ La Tinh nhưng nhìn chung những đầu tư này rất giới hạn vì nó chỉ liên quan trực tiếp đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như xây đường sá, hệ thống vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên các nước Châu Mỹ La Tinh vẫn chấp nhận sự khập khiễng để được phần nào cải thiện nền kinh tế vốn đã chậm phát triển hay bị cô lập bởi các nước phương Tây giờ lại càng thê thảm hơn bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trung Đông: Ngay cả vùng Trung Đông thì Trung Quốc cũng không tha dù đây là khu vực Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng rộng từ lâu và đầu tư rất nhiều trong lãnh vực quân sự lẫn kinh tế. Lợi dụng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran cũng như các nước Ả Rập thường không ổn định, Trung Quốc sẵn sàng chờ cơ hội đi cửa sau trong vấn đề dầu hỏa.
Nhận xét tổng quát
Chính trường thế giới sau chiến tranh lạnh (Cold War) càng trở nên phức tạp. Không còn đâu những cạnh tranh đơn thuần về việc chạy đua vũ trang mà thay vào đó là một sự tranh giành ảnh hưởng đa dạng liên quan đến kinh tế, quân sự, và chính sách ngoại giao. Chính sách của Trung Quốc hiện tại là muốn thâu tóm được càng nhiều càng tốt tài nguyên thiên nhiên của các nước trên thế giới để bảo đảm sự phát triển của nền công nghiệp Trung Quốc không bị gián đoạn. Đồng thời dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để đi đến những hợp đồng béo bở mở rộng và thao túng thị trường thế giới. Mặt khác Trung Quốc tỏ vẻ ôn hòa trong vấn đề quân sự với cường quốc như Hoa Kỳ nhưng lại bắt đầu lộng hành hơn với các nước nhỏ trong khu vực Châu Á. Rõ ràng Hoa Kỳ vẫn có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhưng Hoa Kỳ bắt đầu lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc và cũng không tin tưởng vào thiện ý bề ngoài của Trung Quốc.
Nhưng như người Mỹ thường nói “keep your friends close, and your enemies closer”. Tạm dịch “giữ bạn ở gần, và kẻ thù lại càng gần hơn”. Và đó là lý do Hoa Kỳ duy trì và phần nào tỏ vẻ hợp tác với Trung Quốc trên vấn đề ngoại giao nhưng thực sự chỉ muốn kiềm chế Trung Quốc. Trớ trêu thay lời nói trên chính là lời khuyên của người tướng Tàu Sun-tzu trong “The Art of War”.
Anh Thư