Menu Close

Tâm sự loài cá thác lác còm trong hồ kiếng – Kỳ 1

Bây giờ là tháng năm. Bên ngoài có lẽ tiết trời đang đổi mùa. Những cơn bão tuyết hồi chúng tôi ở vùng Rhode Island mới về đây, nay không còn nữa. Gió lùa qua cửa sổ nhà ông Hai, chúng tôi nghe hơi nóng

ùa theo làm cho bên trong phòng khách như nực nội thêm. Và nước trong hồ nơi chúng tôi ngụp lặn ròng rã mấy tháng nay cũng đang dần dần ấm lại hơn mọi khi. Thấm thoát mà quá nhanh! Mới đó mà ông Hai đã đem hai chị em cá thác còm chúng tôi về nuôi dưỡng cũng đã gần nửa năm rồi, chứ ít ỏi gì! Nửa năm với cái hồ rộng gần ba mươi “ga-lông” như hôm trước chúng tôi có thưa với bạn, kể cũng là tiên một cõi giữa xứ lạ quê người này rồi!

Vẫn ngày hai luợt ông Hai cho chị em cá thác còm chúng tôi mỗi đứa vài con cá mồi bằng ngón tay út. Ăn lấy sống mà chứ đâu phải sống để chỉ cần ăn thôi đâu, phải không bạn?  Nhưng có cái thích thú là khi ông Hai thả vài con cá mồi vào, chúng tôi đứa nào cũng hí hửng mừng lắm. Sống trong hồ nước mà, ba bên bốn bề là một vòng thành bằng kiếng, có kiếm tìm được miếng ăn nào ngoài miếng ăn bố thí của người chủ già nua của mình. Nhưng có điều chúng tôi muốn tâm tình thêm với bạn là cách ăn mồi chạy như vậy có cái thú vị của nó. Con mồi lội lòng vòng như điếng hồn khi gặp chị em tôi lội lòng vòng theo vách hồ. Hiểu được cái lo lắng của những con cá nhỏ, nhưng biết làm sao hơn khi chúng tôi không tìm được thứ gì khác ngoài mớ đá trứng nằm sâu dưới đáy hồ cùng vài ba bụi rong đuôi chồn, cùng vài ba bụi bông súng vừa bén rễ với những cọng non nhỏ rứt như sợi chỉ mành treo chiếc lá mỏng bằng đồng tiền. Và chúng tôi theo bản năng sinh tồn cứ hả miệng nuốt chửng con cá nhỏ lờ khờ. Cái miệng cá thác lác còm mở lớn, chúng tôi ngậm con mồi gọn lỏn với cái đuôi ngoắt qua ngoắt lại thong dong. Và chúng tôi núp mình dưới một bụi rong đuôi chồn chăm rễ dưới lớp đá trứng xanh biếc để nghe cái bao tử no dần, no dần… Riêng về điều này thôi, cái điều “cá lớn ăn cá nhỏ” như cửa miệng người đời thường nói, vậy mà khi chúng tôi vô tới cái hồ kiếng rồi cũng không tránh khỏi. Chị em tôi nghe bà Hai tâm sự với ông Hai:

– Ông ơi, đừng cho cá thác lác ăn cá nhỏ nữa. Tội lắm!

Nghe bà Hai nói vậy, chị em tôi cũng phát rầu. Chuyến này chắc có thay đổi, nhưng chúng tôi không lượng định được sự đổi thay sẽ tới mức nào. Vì nghe ra, bà Hai hiền lắm nhưng bà cũng quyết liệt can ngăn ông Hai trong việc bắt loài cá nhỏ chết cho cá lớn sống phè phỡn, nhởn nhơ giữa vùng nước trong leo lẻo…

Ngồi suy nghĩ một hồi, ông Hai mới trả lời vợ:

– Bà nghĩ coi, hồi đời trước, cá thác lác còm chỉ ăn tép rong thôi. Bây giờ sang đây rồi, người ta tập cho nó ăn cá con quen rồi, làm sao mà sửa lại cho được. Tui cũng biết chuyện tội phước lắm chứ! Nhưng nuôi cá mà bỏ đói nó chắc còn tội cũng không thua gì. Nói thì vậy, để từ từ rồi tui tính lại coi!Nghe ông Hai nói chuyện với bà Hai chúng tôi lại đâm ra lo âu lắm. Và không biết ông Hai tính bằng cách nào đây! Thế rồi, một ngày kia, khi có người bạn vong niên của ông Hai đến chơi, ông Hai mới hỏi:

– Hồi nào tới giờ chú em có nghe ai kể chuyện người ăn thịt người không?

Người bạn nhỏ của ông Hai đáp:

– Dạ, thưa chưa nghe ông Hai. Điều đó có thiệt sao ông Hai?

Ông Hai mới từ từ kể lại câu chuyện Cấp Ảm, tự là Trương Nhụ, người Bộc Dương; tổ tiên có người sủng thần của Vệ quân ngày xưa. Hiếu Cảnh Đế băng, thái tử lên ngôi, Cấp Ảm được làm Yết Giả. Một hôm quận Hà Nội cháy, lửa lan ra thiêu rụi mất hơn ngàn nóc nhà, vua sai Cấp Ảm đi quan sát. Tới khi về lại báo cáo rằng :

“- Vô ý cháy nhà, cháy lan hàng xóm, can gì phải lo. Thần đi qua quận Hà Nam, hơn một vạn gia đình nghèo khó của quận này bị nạn lụt và hạn hán, có gia đình cha con ăn thịt nhau, thần đã kính cẩn tự tiện lấy danh nghĩa là sứ giả của Thiên tử mà xuất thóc của kho quận Hà Nam, phát chẩn cho đám dân nghèo đói. Thần xin nộp lại phù tiết mà chịu cái tội đã “kiểu mệnh” (giả mệnh lệnh vua).

Vua khen và tha không bắt tội, đổi đi làm quan lệnh huyện Vinh Dương. Cấp Ảm cho việc làm quan lệnh là điều sỉ nhục, nên cáo bệnh về quê. Vua hay tin ấy, vời Cấp Ảm, bổ làm trung đại phu.”(1)

Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai có vẻ trầm tư lắm về câu chuyện Cấp Ảm trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Rồi ông Hai mới mang chuyện cá ăn thịt cá ra kể cho người bạn nhỏ nghe. Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai không dám đưa ra ý kiến gì vì nhiều lẽ. Trước nhất là vì chỗ thân tình, mà ý kiến của bà Hai cũng đúng lắm. Nuôi con cá này mà bắt con cá kia làm mồi thì chỉ là cái điều bất nhân. Còn nuôi cá mà không cho nó ăn, bỏ đói bỏ khát lại là điều quá bất nhẫn. Ngồi suy nghĩ một hồi, người bạn nhỏ của ông Hai mới nói:

– Đâu, ông Hai tính lại coi cách nào hợp với trời đất cứ theo đó mà làm, miễn thế nào cá nuôi không bị đói mà cá nhỏ cũng không bị chết oan là cách hợp lý nhất.

Với đôi hố mắt sâu muôn thuở, ông Hai nhìn chúng tôi một chặp lâu rồi mới nói:

– Để tui thử tập cho nó ăn tép xem sao. Chứ bây giờ bỏ mồi ngang xương, có nước hai con cá thác lác còm này có ngày sẽ tiêu đời!

Nằm chèo queo một góc hồ, chị em chúng tôi nghe ông Hai nói vậy cũng đang lo. Lo vì không biết tép ở đây làm sao ông Hai kiếm được. Lại nữa, chúng tôi lo vì lâu quá không ai cho mình ăn tép, không biết mùi tép có tanh không? Hiểu được cái lo đó, ông Hai từ từ giảm lần cá mồi. Thay vì mỗi ngày hai con, nay ông Hai cho chúng tôi mỗi đứa một con duy nhất. Lần hồi, vài bữa sau, ông Hai cho thêm một miếng tép nhỏ đông lạnh. Nói là tép, nhưng ở đây sao nó lớn lắm. Ở bên sông Cửu Long mình và trên các rạch ngòi các giống tép rong, tép đất, tép bạc con nào con nấy nhỏ xíu hà. Thành ra, một con tép ở đây cắt ra được năm bảy miếng mồi tùy theo lớn nhỏ khác nhau. Vì bụng chưa no do mồi cá bớt lại, nên chị em thác lác còm chúng tôi nhắm nháp thử miếng tép ông Hai xắt mỏng cũng tàm tạm nhưng chưa mạnh miệng lắm.

pic


Cá thác lác còm (Clown Knife). (Nguồn : Bing Web)

Chuyện đời nghĩ cũng ngộ, hồi còn lang bạt kỳ hồ khắp các vùng sông nước tận miệt quê mùa, món gì ăn cũng ngon miệng. Nhưng có điều là lúc bấy giờ mình phải tự tìm kiếm thức ăn, chứ không như bây giờ mỗi ngày đều được ông Hai cung phụng đầy đủ ngày hai bữa ròng rã mấy tháng trường. Mà việc tự tìm kiếm miếng ăn là việc cực chứ có đâu như ông vua Cỏ hồi đời xửa đời xưa chỉ nằm đó chờ cho sung rụng ngay vô miệng, chờ cho cỏ bò tới bên ngai vàng rồi mới bắt đầu nhởn nhơ thưởng thức vị chua ngọt của mọi vật ở đời. Không biết có phải nhờ vậy mà mình ăn ngon chăng? Còn bây giờ, suốt ngày lội lòng vòng quanh hồ rồi tới cữ lại được ăn, nên đâm ra õng ẹo, khen chê miếng ngon miếng dở, mồi này mồi nọ, làm khổ thêm tấm thân già của ông Hai hơi bộn bộn.

(còn tiếp)

Chú thích:(1) Sử Ký Của Tư Mã Thiên do Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, nhà xuất bản Lá Bối, in lần thứ hai, 1972, Sài Gòn.

pic