Lời Tòa soạn: Trẻ nhận được và đã đăng bức thư cùng những dòng tâm tình của một một dược sĩ trẻ đang làm việc tại một bệnh viện tại thành phố Austin, TX về những kỷ niệm của “cái thuở ban đầu” trên đất Mỹ.
Nhân bài viết này, Trẻ mở ra chuyên mục “Bất chợt một cảm xúc”, theo như chủ đề một cuộc thi viết ngắn mà Trẻ đã từng tổ chức trước đây, để mời gọi độc giả Trẻ chia sẻ những tâm tình, kỷ niệm và cảm xúc của mình, không giới hạn nội dung, không gian và thời gian câu chuyện.
Bài chọn đăng trên mục độc giả này sẽ không nhận được nhuận bút nhưng toà soạn sẽ gởi báo biếu theo yêu cầu.
Trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng của các bạn và xin gửi về địa chỉ toà soạn hoặc email: bientap@trenews.net
Những người bạn của Ba tôi
Đây là dòng hồi tưởng lại thời quá khứ êm đẹp và hạnh phúc của gia đình tôi.
Nén nhang của Má và của các con, các cháu gởi đến cho Chồng, cho Ba và cho Ông của chúng tôi. Và cho tất cả những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Kim Diệu
Nghe Má kể, năm 1960, Ba cưới Má, đó là một đám cưới nhà binh vì đàng trai toàn là bạn bè của Ba trong đơn vị Quân Vận thuộc tiểu khu Khánh Hòa. Ông đơn vị trưởng là người đại diện đàng trai vì ông bà Nội của tôi ở tận Cần Thơ không ra được. Má tôi từ giã mái trường trung học bán công Lê Quý Đôn mà hiệu trưởng lúc bấy giờ là ông Cung Giũ Nguyên để lấy chồng. Ba tôi sau khi ra trường bộ binh Thủ Đức nhận đơn vị ở Nha Trang và ở trọ nhà ngoài phố xéo nhà của ông Ngoại tôi. Ông chơi cờ tướng rất giỏi nên chiều chiều sau giờ làm việc hay qua chơi cờ với ông Ngoại. Ba đã gặp Má nơi đây và một thời gian sau hai người nên duyên phận.
Và tôi đã được chào đời tại Nha Trang cát trắng. Nơi đêm đêm tiếng sóng xa đưa như lời ca trong bài “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ người đã bị chết trong tù cải tạo sau 1975.
Sinh ở Nha Trang nhưng mãi đến mấy chục năm sau tôi mới về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nha Trang hôm nay không còn đẹp như ngày xưa nữa. Má tôi nói Hòn Chồng bây giờ không còn cảnh thơ mộng, êm ả như ngày nào.
Mấy năm sau đó Ba tôi đổi nhiệm sở mới là Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở Qui Nhơn, nơi đây hai em trai kế của tôi ra đời. Đơn vị của Ba chưa có trại gia binh nên gia đình tôi ở ngoài phố.
Một thời gian sau Ba tôi lại theo sư đoàn về miền Nam trước, đóng ở Sa Đéc. Sau đó Má cùng ba chị em tôi và cô giúp việc từ Qui Nhơn rời gia đình của Ngoại vào sau. Lúc đó chị em tôi còn nhỏ. Má nhờ một người bạn lính của Ba đưa ra xe lửa để vô Sài Gòn.
Vô tới Sài Gòn tìm tới địa chỉ một người bạn lính của Ba mà Bác gái làm việc tại bệnh viện Grall. Chúng tôi ngủ lại nhà hai Bác một đêm. Sáng hôm sau, Bác trai đưa chúng tôi ra xe đò về Sa Đéc. Bây giờ chẳng còn nhớ tên 2 người bạn đó của Ba, nhưng lòng luôn cám ơn các Bác.
Từ nhỏ đến lớn Má tôi sống ở miền Trung chưa hề biết Sa Đéc là ở đâu, dù nơi đây là quê chồng, vậy mà hôm nay phải cùng với ba con nhỏ và cô giúp việc về Sa Đéc trong lúc đứa nhỏ nhất mới có mấy tháng tuổi thôi.
Về tới Sa Đéc, Ba đón chúng tôi về ở trong một khu gia binh của quân đội. Tôi còn giữ được một tấm hình đã bạc màu thời gian trong đó dãy nhà 3 căn, căn đầu của chúng tôi và căn cuối là của bác Chà.
Bấy giờ ông bà nội ở Cần Thơ nên chúng tôi hay về thăm. Nhà ông bà Nội ở đường Phan Thanh Giản trong một con hẻm. Trên con đường này có ngôi trường rất nổi tiếng mà Ba tôi đã học là trường trung học Phan Thanh Giản, sau 1975 cũng bị đổi tên. Ngôi trường này đã từng đào tạo những người con ưu tú góp phần chung tay tạo dựng đất nước miền Nam thân yêu, trong đó tôi biết được có cả ông Viện trưởng viện Đại Học Cần Thơ: Nguyễn Duy Xuân, đã chết oan nghiệt trong trại tù cải tạo ở miền Bắc xa xôi.
Dong ruỗi đời lính Ba tôi lại ra miền Trung, về Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Tiểu Đoàn đóng tại Phú Tài. Mẹ lại bồng bế con đi theo Ba. Lúc này tôi mới học lớp một khoảng 6,7 tuổi. Gia đình tôi được ở trong đơn vị có một dãy nhà cho lính ở, tôi còn nhớ cứ vào buổi ăn cơm là chúng tôi xuống nhà bếp của trại để đòi ăn cơm cháy, các chú lính biết ý, lúc nào cũng vui vẻ lấy cơm cháy cho tụi tôi. Tôi còn nhớ mãi mùi cơm cháy thơm ngon và rất giòn vì được nấu trong những cái chảo gang thật to. Ăn cơm cháy là no, đến nỗi quên bữa cơm nhà. Ba tôi biết được la cấm, không cho xuống làm phiền các chú.
Những ngày Chủ nhật không đi học, chúng tôi đi chơi quanh trong doanh trại dưới bóng mát của cây dương, cây trứng cá… Chúng tôi cùng mấy bạn con của các Bác, các Chú trong trại vui chơi với nhau, nhất là vào những dịp lễ như Giáng Sinh, Phật Đản, được chở đi xem xe hoa và lãnh quà.
Chúng tôi còn được đi tắm biển, đi coi phim rạp ở thành phố Qui Nhơn. Rạp này có lần đang chiếu phim bị VC phá hoại làm chết người rất nhiều. Tôi nhớ con đường từ Phú Tài đến Qui Nhơn rất đẹp, hai bên là ruộng lúa xanh rì đúng là phong cảnh thanh bình nếu đừng có chiến tranh do việt cộng gây nên. Chúng tôi được đi chơi tu viện Nguyên Thiều ngôi chùa đẹp, lớn và thăm lăng vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Và cuối cùng cuộc đời quân ngũ của Ba tôi là trở về lại miền Nam: Ba Xuyên (Sóc Trăng). Lúc ấy tôi mới học tới lớp 5, và nói giọng miền Trung. Đầu tiên gia đình tôi ở trại gia binh Nguyễn Duy Hòa nằm trên con đường có chùa Mã Tộc còn gọi là chùa Dơi. Trại này của Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận. Tôi lại có bạn mới để vui đùa với nhau. Chúng tôi phụ mẹ lấy nước do xe bồn chở vào cung cấp cho khu gia binh, và nhà nào cũng có nhiều thùng phuy để chứa.
Ở đây đứa em trai út của tôi ra đời tại bệnh viện quân y Trương Bá Hân.
Sau khi sanh người em út, gia đình tôi chuyển đến trại gia binh Cao Thắng đối diện với trại lính nơi Ba tôi làm việc, chúng tôi thường băng ngang qua con đường chính đi Mỹ Xuyên để đi vô trại chơi. Rồi đi bộ đến chùa Dơi, ở đây dơi rất nhiều. Nhưng bây giờ theo Thầy trụ trì nói dơi bị săn bắt gần hết, chùa phải giăng lưới để bảo vệ chúng.
Tôi và hai em trai kế học trường trung học công lập Hoàng Diệu. Trường này không bị đổi tên cho đến hôm nay.
Trước trại gia binh có một trường tiểu học dành cho con em của lính và mỗi buổi bắt đầu từ 5h30 đến tối là chị em tôi cùng với các bạn học võ Thái cực đạo. Trong trại có đoàn hướng đạo quân đội, chị em chúng tôi đều tham gia, gồm các anh chị, bạn bè đủ mọi lứa tuổi, mà chú Trung là một người lính phụ trách. Mỗi sáng chủ nhật chúng tôi họp mặt sinh hoạt tại quảng trường kế dinh ông tỉnh trưởng có anh chị Hải Châu, Huyền Châu, Bình là 3 chị em con bác đại tá Điều. Anh Tâm nhà gần trường Hoàng Diệu và anh cũng là một võ sinh giỏi của võ đường nơi chúng tôi học. Chúng tôi thường đi cắm trại và say sưa hát những bài hướng đạo:
“Màn đêm buông rơi theo ánh lửa dần tàn
Tình anh em ta theo ánh lửa tràn lan
Tim ta đây còn khắc ghi bao nhiêu mối tình mặn nồng…”, “ Nào về đây ta họp mặt cùng nhau
Cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi
Anh với em ta cùng sống vui trọn ngày
Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau…”, “Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…”
Còn nhớ tại sân vận động Ba Xuyên, trong một buổi cắm trại, rồi văn nghệ có mặt ông tỉnh trưởng Ba Xuyên. Ông là người dẫn đầu đám trại sinh đi vòng quanh sân, vừa nắm tay vừa ca hát “ … Đi, đi khắp nơi mà không tốn tiền…”. Đó là một trong những kỷ niệm mà tôi vẫn còn nhớ.
Trại gia binh Cao Thắng mà gia đình tôi ở hình chữ U, chúng tôi ở dãy giữa nhìn ra đối diện với trại lính. Dãy nhà gồm có gia đình chú Sanh, gia đình chú Vị, gia đình chú Tuấn… Mỗi nhà đều có hầm tránh đạn ở dưới giường để trốn khi bị pháo kích. Chúng tôi chạy xuống hầm khi nghe tiếng pháo và mỗi lần như vậy bọn tôi khóc thét lên. Ba tôi thì chạy vô trại cùng với các người lính khác. Má tôi vừa lo cho Ba tôi vừa dỗ dành chị em tôi. Tiếng kẻng báo động vang trời.
Và có một chuyện về Ba tôi, em trai tôi hôm đó bị bệnh nghỉ ở nhà, nhưng lại chạy qua đơn vị chơi, khi băng ngang qua đường thì bị một chú lính đụng té vì chú ấy cũng chạy nhanh, các chú lính trong trại chạy ra, chú lính đó biết lỗi và nói với Ba tôi là nghe tin em trai chú đã bị tử trận nên chú mới chạy nhanh về nhà cho gia đình hay. Ba tôi còn chia buồn và nói chú ấy cứ đi đi còn Ba tôi thì chở em tôi vô quân y viện Trương Bá Hân. Đi từ buổi sáng mà mãi tận đến trưa Ba tôi mới về, ở nhà Má tôi lo lắng định vào bệnh viện thì thấy Ba tôi về, áo quần dính đầy máu. Má tôi hốt hoảng, ba tôi nói khi chở em tôi tới bệnh viện thì thấy có chiếc trực thăng chở lính bị thương về, Ba chạy tới tiếp tay với y tá, nên áo quần dính đầy máu.
Đến gần cuối năm 1974, Ba tôi phát bệnh điều trị tại quân y viện Trương Bá Hân một thời gian rồi chuyển lên Tổng y viện Cộng Hòa. Khi Ba tôi được chuyển đi bằng trực thăng, có nói với chú thượng sĩ Hòa (thường vụ đại đội):
– Là tôi đi chữa bệnh, chú ở nhà buổi sáng lo cho anh em lính ăn sáng, nấu xôi cho các chú lính ăn.
Rồi Ba tôi mất ở quân y viện. Tôi vẫn còn nhớ các chú lính khóc nhiều lắm, ai cũng đều thương nhớ Ba tôi dù Ba tôi tính nóng, rất thẳng, nhưng thương lính. Ba tôi có la rầy các chú lính nhưng không bao giờ ghi vào quân bạ. Ba tôi thường nói chuyện với các Bác bạn của Ba tôi nếu mình ghi vào như vậy khi người chỉ huy mới đến họ nhìn vô quân bạ của người lính đó thì sẽ không tốt cho họ.
Tôi và các chú lính đi đón Ba tôi về bằng xe quân đội. Đám tang của Ba tôi có phủ lá cờ Tổ Quốc, có Bảo quốc huân chương, có hai Chú sĩ quan đứng gác trước quan tài, sau đó đưa về Cần Thơ chôn một chỗ với ông Nội tôi. Xe tang chạy ngang qua ngôi nhà nơi Ba tôi được sanh ra và lớn lên. Nơi đây các người bạn tuổi thơ của Ba tôi đã đợi sẵn để đưa tiễn lần cuối. Ôi đau đớn biết mấy cảnh sanh ly tử biệt và sau đó gia đình tôi dọn về nhà của ông bà Nội tại Cần Thơ cho đến ngày mất miền Nam 30/4/1975.
Khi viết những dòng kỷ niệm này, chúng con xin cảm ơn tất cả các Bác, các Chú, bạn của Ba con trong quân ngũ đã giúp đỡ gia đình con trong thời quá khứ. Thời gian trôi qua, Má con dù không còn nhớ tên, nhưng những tấm lòng đó không bao giờ chúng con quên. Và cuối cùng chúng con không bao giờ quên hình bóng Ba, người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Tưởng nhớ tới Ba và các Chú các Bác, sau 1975 những lúc lễ lạc có chào cờ thì nhất định tôi không hát và tôi cũng không nhìn lên lá cờ đỏ đó, bởi chính nó, chính chế độ này đã làm cho gia đình tôi tan nát, tương lai là ngõ cụt.
KD