Đây là chuyến đi thứ 3 của tôi, cũng là chuyến thứ 6, chuyến cuối cùng của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) cho chương trình phỏng vấn 500 lịch sử truyền khẩu. Và Denver
, thành phố cao nguyên được mệnh danh là trái tim nước Mỹ, được chọn để chấm dứt chương trình này.
Tôi hăm hở ghi tên đi Denver, không chỉ vì việc làm hữu ích của Hội VAHF, mà còn vì tình bạn đã nảy nở sâu đậm với các chị trong Hội sau hai chuyến đi Houston và New Orleans.
Ở Houston, tôi đã viết những gì liên quan đến công việc của Hội, riêng phần chuyện vui của mấy chị em khi làm việc chung, vẫn chưa thố lộ. Còn chuyện ở New Orleans thì chưa kể với ai bất kỳ điều gì, tôi sẽ kể, sau khi viết xong về chuyến đi Denver nhiều ý nghĩa, nhiều huyền bí và buổi đi chơi núi vô tiền khoáng hậu!
Muôn dặm tìm nhau…
Tôi đến Denver hôm 20 tháng 7 sau hai giờ bay từ Sacramento, chuyến bay tuy ngắn nhưng khá mệt nhọc.
Phi trường Denver
Khởi hành lúc 11 giờ 45 trưa giờ CA, máy bay vút khỏi phi đạo, và lượn lờ êm ả trên bầu trời trong xanh, hứa hẹn 1 chuyến bay thoải mái. Thỉnh thoảng, phi hành đoàn thông báo lịch trình đường bay, cao độ và thời tiết khí hậu Denver.
Một lúc sau, máy bay đang bay ngon trớn vào vùng trời Colorado, tự nhiên tụt độ cao, vặn vẹo nghiêng phải nghiêng trái, hành khách nhìn nhau, người nhún vai, người trợn mắt, kẻ mím môi. Chợt có tiếng rè rè của máy vi âm, tiếng của một người nam tiếp viên vang lên chậm rãi, pha chút giễu cợt: Ấy, trời Denver nó thế, cứ đến gần phi trường, thỉnh thoảng lại có cơn lốc, cho dù đang là mùa hè nóng chảy mỡ!
Phái đoàn “tuyến đầu frontier” đang chờ xe thân hữu đón tại phi trường (hình Trùng Dương)
Tôi ngồi ở hàng ghế gần đuôi máy bay, nên càng bị lắc mạnh. Thốt nhiên, tôi nghe rõ mồn một những tiếng răng rắc từ cánh máy bay. Chuyện gì nữa đây? Gẫy cánh đại bàng ư? Tôi cầu nguyện Thượng Đế che chở cho mọi người và miên man nghĩ đến 5 chị bạn già cùng những ngày làm việc thật vui với Hội VAHF, tôi lại càng dốc lòng cầu nguyện, đến nỗi, khi tỉnh trí, mới biết mình chỉ cầu nguyện cho mình, quên bẵng những người chung quanh.
Khoảng vài phút sau, máy bay lại bay êm, trời vẫn cao và trong xanh, tiếng người nam tiếp viên lại rỉ rả xướng lên: Xong, quý vị thấy đó, trời lại êm như nhung, máy bay sắp đáp xuống phi trường quốc tế Denver, xin quý vị tắt tất cả máy điện tử, điện thoại, và nhớ cột giây an toàn!
Tôi tiếp tục nhắm mắt cầu nguyện, phòng hờ những bất trắc khác!
Thình lình một tiếng kêu đánh soạt một cái, bụng phi cơ như bị chà sát mạnh, rồi phi cơ rú lên, tôi hé mắt nhìn ra… máy bay vừa đáp xuống và đang lặc lè trên phi đạo!
Tôi thở phào cảm ơn Thưọng Đế đã cho chuyến bay được bình an.
Máy bay ngừng hẳn, tôi đứng lên, ra khỏi ghế, đeo túi xách lên vai, mở ngăn tủ phía trên lôi cái laptop ra và nhập vào dòng người sẵn sàng ra khỏi máy bay.
Mọi người lục tục đi ra, tôi chào người nam tiếp viên đứng ở cửa phi cơ, ông ta đứng tuổi, đôi mắt to và lồi như muốn sụp xuống, nhưng nụ cười rộng mở, với 2 nếp nhăn hằn sâu hai bên mép, kéo dài xuống cái cổ to và ngắn, người ta nói những người như thế, thường có giọng nói ồ ề chậm rãi. Tôi đoán có lẽ người này đã trấn an hành khách lúc máy bay rơi vào vùng gió lốc.
Ra khỏi máy bay, tôi theo đoàn người đi lấy hành lý. Nơi lấy hành lý y chang như ở phi trường Atlanta, tức là hành khách phải lên 1 chuyến tàu điện, phải cẩn thận theo dõi lời nhắc nhở về các trạm ngừng của tàu, vì tàu chở cả khách đến lẫn khách đi, nếu sơ ý thì sẽ … thất lạc và thất sắc, phải chạy tới chạy lui, vô vàn trở ngại.
Vì đã có kinh nghiệm đau thương tại phi trường Atlanta, nên tôi bình chân như vại, ra vẻ là dân… du lịch từng trải chính hiệu, lên xe điện, xuống xe điện đúng nơi đúng chỗ, tôi ung dung chờ chiếc valise màu nâu đỏ xuất hiện ở cuối băng chuyển.
Nhìn đồng hồ mới có 2 giờ chiều CA, tức 3 giờ, giờ Denver, còn hơn một tiếng nữa, máy bay của Triều Giang mới đáp. Chúng tôi hẹn chờ nhau để được đón chung 1 chuyến, đỡ nhọc công thân hữu. Tôi điện thoại tìm chị Trùng Dương, chị ấy đã đến Denver từ 10 giờ sáng, vì chọn nhầm chuyến bay!
– Chị đang ở đâu vậy?
– Hương hả? Đến rồi hả? Chị đang ở lầu 6, em ở đâu?
– Em vừa lấy hành lý xong, chưa biết đang ở lầu nào!
Tôi trả lời chị T.Dương và tìm vị trí của mình. Không ngờ tôi đang ở lầu 5, chỉ cần lên một thang lầu, gặp ngay chị T.Dương.
Hai chị em nói chuyện một lát, T.Giang điện thoại báo máy bay đã hạ cánh an toàn, chị Hoan, chị Linh từ Houston cũng đã đến, còn chị Mỹ Ngọc thì mai mới đến.
Tất cả gặp nhau ở lầu 6 và ra cửa để được đón.
Chị T.Dương và tôi đi ra ngoài thì gặp T.Giang với một núi hành lý, những thùng, những hộp to kếch xù đựng tài liệu triển lãm của Hội. T.Giang giới thiệu anh Long cũng đến từ Austin, giọng ca vàng Nam Cali, sẽ là linh hồn của đêm triển lãm và gây quỹ của Hội tại Denver; và Hoài, sinh viên tình nguyện giúp phần thu hình cho Hội lần này, thay thế Jason đã nhập học vào trường Y khoa tại Houston. Chị Hoan và chị Linh cũng trờ tới, đang chễm chệ trên chiếc xe được dùng để chở hành khách… già yếu chạy vòng vòng trong phi trường! Nhìn hai chị như hai mẫu hậu sau cuộc tổ tôm thua cháy túi! Gặp nhau đã vui, lại nhìn thấy nhau trong tình huống đặc biệt thì lại càng vui hơn, và cảm nhận được hạnh phúc. Mười ngày ở Denver, chúng tôi sẽ lại được cùng nhau làm việc, sẽ được chia sẻ những phần đời nhiều ý nghĩa của đồng hương, và sẽ được chung hưởng những ân tình của thân hữu dành cho Hội.
Đường đời muôn lối
Chúng tôi có tất cả 7 người, chia nhau đi hai xe, một xe của anh Bùi Nguyên Tường bà con với anh Long, và một xe của chị Hương Thái – bạn cũ của T.Giang hồi chị còn ở Austin.
Chúng tôi lên xe với hành lý và trực chỉ nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nơi Đức Ông Nguyễn Quang là Cha Chánh Xứ, cho Hội mượn chỗ để làm việc trong suốt 10 ngày ở Denver.
Nhà thờ Đức mẹ Lộ Đức (hình trên website http://www.ourladyoflourdesparish.org/)
Đường từ phi trường về thành phố sao mà lạ, xa lộ không to, không rộng như Cali, nhưng không gian hai bên đường bát ngát chỉ có trời và đất, thỉnh thoảng có vài cây thông lá bạc lùi nhanh về phía sau xe. Tôi đã đọc những bài viết về trượt tuyết, về những cuộc du lịch tại núi rừng bạt ngàn Denver, nhưng bây giờ nhìn qua khung cửa xe, có ráng nhìn, cũng chỉ thấy chân trời xa tuốt luốt, không một bóng cây!
Ông Bob – bạn chị Hương Thái – vừa lái xe vừa chỉ đường cho T.Giang – tài xế bắt buộc của nhóm trong những ngày sắp tới – cho biết: Denver chỉ có hai xa lộ, xa lộ đông tây I-70 hướng về phía núi và xa lộ nam bắc I-25 chạy dọc theo chân núi. Tôi nhủ thầm: Thế thì cũng dễ, lỡ lạc xa lộ này thì quẹo qua xa lộ khác, chẳng đến nỗi phải lạc đường như ở New Orleans!
Đường đông xe, mọi người nhích từng chút một, ông Bob cho biết từ phi trường về đến nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức khoảng 30 phút là nhiều, nhưng đã cả giờ đồng hồ, vẫn chưa thấy nhà thờ đâu cả.
Sau cùng, xe cũng đến được đường South Logan và vào đến sân giáo đường. Chúng tôi mệt nhừ, theo nhau bò ra khỏi xe.
Khi vừa đến nơi, chị Hương Thái và ông Bob đi lấy thêm một xe khác, để nhường 1 xe cho chúng tôi mượn; Anh Long về nhà anh Tường, còn T.Giang và Hoài đi gặp Đức Ông Quang để thu xếp nơi làm việc, và chỗ ở cho các em sinh viên tự nguyện giúp hội.
Còn lại 4 chị em chúng tôi lảo đảo tìm chỗ ngồi, chỉ muốn nằm dài trên thảm cỏ xanh rì, vì Denver ở độ cao một dặm (khoảng 1,600m) trên mặt nước biển, khiến chúng tôi khó thở và ngáp ngáp như cá mắc cạn!
Mệt quá, không thể đứng lên nổi! (Hình Trùng Dương)
Trời về chiều, nắng dịu bớt, chúng tôi cảm thấy dễ thở hơn, chị Hương Thái và Bob đã trở lại thêm 1 xe. T.Giang từ văn phòng Đức Ông Quang đi ra, nét mặt thoải mái hân hoan, mọi việc chắc hanh thông. T.Giang tuyên bố:
– Thế là tạm xong. Đức Ông cho tụi mình mượn 3 phòng để phỏng vấn, 1 phòng để triển lãm và tiếp khách. Theo chương trình đã bàn từ trước, mình sẽ làm việc từ ngày mai cho đến Thứ Sáu tới, Thứ Bảy sẽ đi núi, đi suối nước nóng với chị Hương Thái. Còn bây giờ thì đi ăn cơm tối, rồi về chỗ trọ.
– Ăn cái gì đơn giản thôi, như Mac Donald chẳng hạn, rồi về nghỉ chứ mệt quá rồi!
Tôi vừa rên rỉ, vừa chống tay đứng dậy khỏi thảm cỏ.
Ý kiến các chị:
– Thức ăn Việt Nam hay món gì có chút nước, chứ gặm bánh mì thì nuốt không nổi đâu!
Tất cả lại vất vả leo lên 2 xe, trực chỉ hướng nhà hàng Việt Nam, mà đến bây giờ, tôi cũng không biết hướng nào!
Bữa cơm tối đầu tiên tại Denver thật ngon và no nê, các món mì hoành thánh, thịt nướng cuốn bánh tráng, và cả bánh xèo, đã được nhắm tới cho bữa ăn tối! tôi không nhớ tên nhà hàng, nhưng dễ thương và sạch sẽ. Ăn xong, lại kéo nhau sang chợ mua thêm xôi, trái cây, mì gói, theo kiểu tích cơ phòng hàn. Sau đó 2 xe nối đuôi nhau về nơi tạm trú là tư gia của Thầy Sáu Hùng và chị Kim Quý.
Hai xe do 2 tài xế thổ dân tại Denver là ông Bob và chị Hương Thái điều khiển, khoảng 30 phút sẽ về đến nơi, chúng tôi yên chí lớn, lim dim mơ màng…
Trời về đêm, mọi người thấm mệt và hơi lạnh, đi hoài vẫn chưa tìm được nhà Thầy Sáu vì hai xe lạc nhau! Hai bên điện thoại ơi ới: lạc đường rồi, không biết đang ở đâu cả!
Tôi ngồi trên chiếc xe do chị Hương Thái lái, chị ấy thố lộ không quen đường ở Denver, chỉ quen lái xe loanh quanh trên núi! Chị nhờ chúng tôi coi tên đường để nói cho ông Bob, nhưng bảng ghi tên đường bé xíu, chúng tôi vừa đeo kính, vừa căng mắt, vừa chồm ra ngoài cửa kính, cũng chẳng đọc được gì cả, nên chị Hương Thái lại càng cuống. Tôi nhớ lúc từ phi trường về nhà thờ, ông Bob nói Denver chỉ có hai xa lộ, tôi đã lạc quan nghĩ sẽ không bị lạc đường, ai dè, Denver ngõ ngách tùm lum, chúng tôi như lạc vào mê hồn trận.
Đồng hồ chỉ hơn 10 giờ khuya, mà đường về thì không biết hướng nào. Xe chạy đến một đoạn có đèn sáng, T.Giang nhìn thấy tên đường, hoan hỉ báo cho ông Bob, thì được biết chúng tôi đã đi quá xa, cần phải quay ngược lại… rồi tính!
Phạm Diễm Hương
(Còn tiếp)