Xe quay trở lại, chạy bon bon trên đoạn đường cũ, tài xế Hương Thái không biết sẽ đi đến đâu, đi bao xa. Nhưng đã lấy lại bình tĩnh, Hương Thái vừa lái xe, vừa líu lo hứa hẹn sau công tác, sẽ chở chúng tôi đi ngắm suối,
đi lên đỉnh núi chót vót vẫn còn đóng băng tuyết, và đi tắm nước nóng: nếu chỉ tắm hai tiếng, da sẽ căng, tắm 1 ngày, da sẽ thẳng và ngâm nước nóng 3 ngày nổi lên… sẽ cải lão hoàn đồng, trẻ mãi không già… thế là tinh thần chúng tôi lại phấn chấn, tỉnh ngủ hẳn, chẳng còn lo đường về.
Sau cùng, hai xe cùng đậu trước nhà lúc 11 giờ rưỡi khuya, chúng tôi bước xuống xe, mặt mũi tóc tai xơ xác, nhưng vẫn hiên ngang nở những nụ cười thật tươi trước tấm chân tình của chủ nhà, và có lẽ cũng là nụ cười chiến thắng, vì sau cùng cũng tìm được nơi ngả tấm lưng già sau một ngày rong ruổi từ trên trời xuống dưới đất.
Mọi người khệ nệ khiêng hành lý xuống xe, cảm ơn tài xế Hương Thái, tài xế Bob và bịn rịn chia tay hẹn ngày tái ngộ.
Vẫy tay vẫy tay chào nhau, một lần cuối, một lần cuối cùng… ta đi vô!
Chúng tôi vào nhà, lại tay bắt mặt mừng, ríu rít nói cười. Chị Quý dành cho 6 chị em 3 phòng ngủ lớn trên lầu, giường chõng, chăn gối sắp xếp gọn gàng, chúng tôi chỉ việc tắm rửa thay áo quần và ập lên giường mà ngáy thôi!
Tôi ngủ chung phòng với chị Linh, vừa đặt lưng xuống nệm, tôi đánh một giấc đến sáng bạch, mở mắt ra mà cứ tưởng như ở nhà, chưa nhớ ra là đang đi… công tác thiện nguyện! Ui cha, sao mà khoẻ quá, mọi mệt nhọc hôm qua đâu mất tiêu.
Tôi xuống nhà dưới, chị Quý đã sắp sẵn nước nóng để pha café và oatmeal cho bữa ăn sáng. TGiang đã ra thăm khu vườn và rối rít khen giàn nho đang ươm trái. Tôi pha vội ly café và chạy ra xem. Vườn nhỏ gọn và xinh quá! Có những ngõ ngách thật dễ thương với con lạch nhân tạo vòng quanh, nước chảy róc rách. Giàn nho nặng trĩu những quả, che gần kín khung cửa chia đôi khu vườn, từng chùm nằm đè lên nhau, thấy mà mê. Chị Hoan nói nấu canh chua với nho xanh ngon như canh sấu ở ngoài Bắc, cả bọn lại hứa hẹn sẽ xin mỗi người một chùm để mang về nấu canh chua!
La cà ngoài vườn một lúc và thanh toán xong ly café, chúng tôi lục tục thay xiêm y để đến nhà thờ dọn dẹp, trang hoàng phòng làm việc, sửa soạn đón tiếp đồng hương tham dự phỏng vấn, bắt đầu từ ngày mai.
Trưng bày phòng làm việc (Hình Trùng Dương)
Sáng thứ năm, vẫn còn là ngày làm việc, nên đường đông xe. Denver sáng sớm không thấy sương, chỉ thấy nắng chan hòa từ phía chân trời. Một vài nơi có dãy thông bạc cao ngất, nhưng tất cả cũng bị bao phủ bởi nắng sớm.
Phải hơn 45 phút, chúng tôi mới đến nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức. Khuôn viên nhà thờ có cả trường tiểu học, nhưng bây giờ đang là hè, nên khu vực này vốn yên lặng, lại càng tĩnh lặng hơn.
Chúng tôi chia nhau dọn dẹp, bày biện, treo posters giới thiệu Hội, hình ảnh và trích đoạn câu chuyện của những người được phỏng vấn trước.
Đến trưa, mấy chị em có cơ hội chào hỏi và trò chuyện thật vui với Đức Ông Quang. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi gặp một vị linh mục rất mực cởi mở, thân thiện và tài ba. Đức Ông luôn hỏi chúng tôi còn cần ngài giúp gì nữa không? Từ thức ăn, nước uống, bánh trái… đến những vấn đề tâm linh, ngài luôn sẵn sàng. Ngài cũng tặng cho Hội 400 CD nhạc không lời do ngài hòa âm để bán gây quỹ cho Hội.
Sáu chị em hội ngộ Đức Ông Nguyễn Quang (Hình Trung Dương)
Buổi chiều, anh Long đi đón chị Mỹ Ngọc đến từ Nam Cali, người thì còn nguyên vẹn, nhưng hành lý thì thiếu một valise nhỏ, hãng máy bay sẽ tìm rồi đem đến sau!
Chiều tối lúc 6 giờ, TGiang và tôi, có buổi nói chuyện trên đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại tại địa phương. Với sự giúp đỡ tận tình của anh Vũ Hùng giám đốc đài, và anh Việt Quyền, người thực hiện chương trình, chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ với thính giả đồng hương Denver mục đích việc làm của Hội, cũng như trình bày thành quả của những chuyến đi trước.
Qua làn sóng của VNHN tại Denver, đã có nhiều đồng hương liên lạc với Hội, ghi tên tham dự cuộc phỏng vấn.
Anh Việt Quyền chở chúng tôi về nơi trọ của các em sinh viên, cũng lâm vào cảnh lạc đường. Tôi nghiệm ra rằng Denver thiếu đèn đường và bảng chỉ đường quá nhỏ, không chỉ gây trục trặc cho khách mà còn cho chính cư dân địa phương!
Chúng tôi dùng cơm tối với các em Hoài, Nina, Paul và Nam An, sau đó chia tay.
Sáu chị em lên chiếc xe SUV chị Hương Thái cho mượn, tìm đường về nhà anh chị Hùng-Quý. TGiang hiên ngang ngồi sau tay lái, xe phom phom trên đường đêm, hơi có sương trong không khí, thật dễ chịu. Mọi người rất yên tâm vì đã có cái GPS chỉ đường, chỉ ngặt cái gương chiếu hậu bên phải bị gãy, khổ chủ đã quấn băng keo, nhưng gương vẫn rũ xuống, nên mỗi lần sang lane phải, chị Trùng Dương nhìn trước ngó sau và hô to: qua, thế là tài xế vọt qua.
Tuy nhiên không phải cứ dựa vào GPS mà về đến nhà được, GPS đôi lúc không uống rượu, nhưng say, lảm nhảm chỉ đường lung tung, khiến tài xế bị confused và 2 phụ xế (chị Hoan và tôi) sốt ruột, bèn tranh nhau chỉ đường, mỗi người một hướng!
Đến đoạn đường quen thuộc, mọi người thở phào, nhưng vì đường đang sửa, nên phải đi thêm một đoạn, và quẹo ngược lại, mới vào đến con đường nhỏ dẫn vào ngõ. Tài xế xa lộ TGiang có những cú quẹo gắt rất trứ danh, bánh xe rít trên đường đêm đánh tan cơn buồn ngủ.
Đồng hồ chỉ 11 giờ khuya, chúng tôi vừa lò dò xuống xe thì đèn trong nhà đã bật sáng, chị Quý đón chúng tôi với nụ cười tươi. Thật không còn gì vui và hạnh phúc hơn!
Tôi đã yên vị trên giường nhưng không ngủ được, vì nghĩ đến ngày mai thứ sáu 22 tháng 7, khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, tôi sẽ được gặp các nhân chứng liên quan đến những biến động của đất nước; tôi sẽ được chia sẻ những niềm vui cũng như những đắng cay trong cuộc đời của họ, và tôi lại được sống với lịch sử.
Hẹn nhau từ phá núi khai sông
Sáng thứ sáu, chúng tôi dậy thật sớm, uống café, ăn sáng thật nhanh và lên xe trong yên lặng, dường như 6 chị em đều mong chờ những ngày làm việc quý báu và hiếm có trong đời.
Vẫn còn sớm khi chúng tôi đến nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức, chưa đến giờ làm việc, nhưng ai cũng bồn chồn, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ, nhìn ra cửa.
Tôi kiểm lại phòng phỏng vấn, ghế ngồi, nước uống cho khách, máy quay phim, danh sách người tham dự phỏng vấn, bản ghi sơ lược tiểu sử.
Tự nhiên tôi hồi hộp và tim đập loạn xạ khi nghĩ đến những vị khách tại Denver, có lẽ tôi xúc động khi biết mình sẽ đối diện với những nhân chứng sống của lịch sử.
…Người đàn ông khoảng thất tuần, dong dỏng cao, nét mặt khắc khổ, thái độ từ tốn, khẽ khàng, trái ngược hẳn với bộ quân phục hào hùng dũng mãnh một thời của binh chủng Dù mà ông đang mặc. Chúng tôi bắt đầu buổi phỏng vấn, tôi hỏi và ông kể, ánh mắt của ông lúc thảng thốt, lúc tối sầm, khi nhắc đến trách nhiệm của người lính VNCH và họa mất miền Nam. Danh dự và Trách nhiệm của người lính Dù năm xưa vẫn còn nguyên, bất chấp hoàn cảnh và thời gian!
Nhìn ống kính của máy quay, ông nói như đang chịu tội với lương tâm, và như đoan quyết một tương lai sáng đẹp cho quê hương. Thế hệ của ông đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho tổ quốc, ông tin tưởng thế hệ kế tiếp sẽ đem được tự do, dân chủ về cho Việt Nam.
…Tôi chạy theo cuộc hành trình gian nan khốn khổ của người mẹ trẻ và đứa con gái nhỏ vài tháng tuổi ở vùng kinh tế mới, khi miền Nam bị mất và người chồng là một sĩ quan QLVNCH bị đi tù cải tạo. Nước mắt đầm đìa, chị kể lại những tháng năm đói khát, cô đơn, bất kể nắng cháy, mưa dầm, một mẹ một con ngày ngày bên bờ rẫy, đào xới những củ khoai còi cọc. Tiếng chị văng vẳng: “Chị thấy không? ngay trên đất nước mình mà không sống được, tại sao vậy?, em phải đi và sẽ không bao giờ trở về, cho đến khi nào không còn những con người cộng sản độc ác man rợ ấy!”. Tôi rưng rưng gật đầu: sẽ có ngày!
…Những ngày kế tiếp, từng vị khách góp thêm những nét đặc biệt vào trang sử Việt như một cánh chim sắt của không quân Việt Nam Cộng Hòa không trở về căn cứ năm 73; uẩn khúc của trận chiến Hoàng Sa năm 74; tâm tình của cô bé 10 tuổi lạc gia đình trên chuyến tàu vượt biên năm 75; sự bất hạnh của cô bé lai 9 tuổi giữa tai ương của đất nước; nỗi lòng của vị dân biểu quốc hội VNCH trong giờ phút cuối của miền Nam; giấc mơ về một Việt Nam dân chủ của ông thầy giáo cũ ở Cần Thơ, của người cựu sĩ quan hải quân QLVNCH…
Bất giác tôi nghĩ đến các em trong chuyến làm việc tại Denver: Hoài kể ông nội của em chết trong trại tù cải tạo, ông ngoại chết trên đường vượt biển. Paul, sinh viên Luật năm thứ 2, là cháu ngoại của chuẩn tướng Lê quang Lưỡng, vị Tư Lệnh sau cùng của Binh chủng Dù /QLVNCH muốn biết về thời điểm lịch sử mà ông ngoại mình đã sống và cống hiến. Nina Lu, cô bé sinh viên gốc Trung Hoa, cùng mẹ chạy thoát khỏi Trung quốc, chọn làm việc với VAHF, đã xúc động trước sức sống và lòng yêu chuộng tự do của người dân Việt Nam, Nina ao ước người dân Trung Hoa cũng có được bộ sử trung thực như thế này. Nam An, sinh viên từ Canada bay sang giúp hội, vì yêu hình ảnh nữ sinh Trưng Vương của Mẹ trước năm 75…
Các em trong chuyến đi Denver và các em sinh viên của 119 trường đại học toàn Bắc Mỹ, hoặc tham gia ủng hộ Hội VAHF, hoặc lên tiếng chống tệ nạn buôn người, hay hỗ trợ các phong trào đòi dân chủ cho Việt Nam… tất cả các em, là những người Mỹ gốc Việt đầy lòng nhân ái, yêu Tự Do, hãnh diện về nguồn cội của mình, muốn tìm hiểu lịch sử trung thực của cha ông để giữ gìn và bảo vệ; các em cũng là những ngọn đuốc, là niềm hy vọng của thế hệ trước, hai thế hệ dường như đã hẹn nhau từ phá núi khai sông.
Ghi nhớ ân tình
Ở Denver chúng tôi cũng có những bữa cơm ân tình với gia đình thân hữu như các nơi khác: cá khô New Orleans nướng ở nhà Thầy Sáu Hùng- chị Quý; canh rau đay, cà pháo muối xổi chấm mắm tôm ở nhà anh chị Hoàng Gia Viễn; bữa cơm toàn đồ biển, ăn mệt nghỉ với gia đình Đoàn Lệ-Đông Sương; bữa tối ở ngôi nhà trên đỉnh gió hú của anh chị Bùi Nguyên Tường với Đức Ông Quang và nhiều bạn hữu có món gỏi rau muống, khoai lang nướng. Sau bữa ăn, chúng tôi còn hát cho nhau nghe… từ “Áo lụa Hà Đông”, “Anh còn nợ em”, “Nước non ngàn dặm”, “Thu hát cho người”, “Ca Trù Hồng Hồng Tuyết Tuyết”, rồi chia tay với “Giờ này còn nhìn nhau, ngày mai ta không còn thấy nhau…”
Chúng tôi còn có những kỷ niệm mà cả đời người chưa dễ có:
Đó là bữa cơm trưa do chị Kim Loan nấu mang lại, chúng tôi mời người tù 25 năm – anh Lê văn Hiếu – đến ăn cùng, gọi là bữa ăn mừng anh gia nhập Hội VAHF. Bữa ăn mừng mà chúng tôi ai cũng cơm chan nước mắt… Anh ngừng ăn, kể chầm chậm rành rọt: anh bị giam ở ngoài Bắc, khu nhà giam tù tử tội, bọn họ xâu người tù thành một xâu bằng những cái cùm chân dài từ đầu nhà giam này sang đến cuối nhà giam kia… chân ló ra ngoài, mặc kiến, sâu, chuột, bọ gặm nhấm, tử tù không thể nào trốn thoát… đêm nào có tiếng mở và kéo cùm rít lên trong đêm, anh em tù chỉ còn biết đọc kinh cho nhau… Cảm giác kinh khủng ấy vẫn ám ảnh anh… nước mắt chúng tôi chan hòa theo tiếng anh nức nở. 25 năm nhục hình có thể làm héo mòn thể chất, nhưng khí phách người tù không mảy may suy suyển. Chúng tôi cảm phục anh, và xin cảm tạ anh đã đến với Hội.
Đó là bữa ăn tối nhiều kỷ niệm tại nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức với Đức Ông Quang, chúng tôi ăn bún riêu chị Kim Loan nấu và nghe Đức Ông kể về chuyến vượt biên đáng nhớ của ngài. Trên chuyến hải hành sóng gió, lúc ấy Đức Ông là một chủng sinh, ngài đã đỡ cho một bé gái chào đời, và đặt tên là Nguyệt Mặc, cô bé hiện nay là bác sĩ tại thành phố Adelaide, Nam Úc. Chuyến tàu sau đó bị hải tặc, thảm cảnh đã đến với các phụ nữ trên tàu, trong đó có bé gái mới 13 tuổi.
Đó là buổi sáng đi với nhau đến thánh địa Cabrini uống nước Thánh; leo gần 400 bực thang để chiêm ngưỡng Đức chúa Thánh Tâm, và đi tắm suối nước nóng, cả bọn xúm nhau ngồi chung 1 bồn đôi, khua nước cười đùa như trẻ con. Buổi chiều nhông nhông trên xe pick up – chúng tôi gọi là xe cây – vào thành phố đến khách sạn Hyatt, thay đổi xiêm y, dự đại hội của Sinh Viên Việt Nam Vùng Bắc Mỹ (Union of North American Vietnamese Student Associations (NAVSA). Trong dịp này, Hội VAHF đã triển lãm “Di Sản Văn Hoá Người Việt Tại Hoa Kỳ”.
Triển lãm “Di Sản Văn Hoá Người Việt Tại Hoa Kỳ” trong đại Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ kỳ 8
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Đại Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ, thật không ngờ các em nhiều tài quá, các em học giỏi và lại đa tài, từ hát đến nhảy các vũ điệu, thật điêu luyện.
Nhưng khi chứng kiến các em yên lặng, xúc động theo dõi đoạn phim ngắn của loạt phim Việt Story, chúng tôi thật hãnh diện và yên tâm rằng, dòng máu Việt vẫn ở trong các em, lịch sử Việt sẽ được các em gìn giữ.
Đó là buổi đi thăm đầu nguồn suối, thăm vùng núi Denver huyền bí thần kỳ. Chỉ đến khi chiếc xe cây do chị Hương Thái cầm lái, ì ạch bò lên núi, tôi mới ngửi được mùi thông, thông xanh thông bạc bạt ngàn. Hương Thái ngừng xe bên dòng suối, nước suối trắng bạc và lạnh ngắt, chúng tôi ngồi vắt vẻo trên khúc cây vắt ngang dòng, thả chân xuống nước, rồi nằm trên bờ đá nghe suối róc rách… nếu có ai hẹn ta bên bờ suối, thì thơ mộng biết bao!…
Đó là những giây phút hồi hộp khi xe cứ tiếp tục bò lên đỉnh núi bằng con đường độc đạo, đất đá lởm chởm đường núi quanh co, trong khi cả bọn phải trở về vì có buổi hẹn phỏng vấn anh Nam Lộc! Càng đi, càng xa mặt đất, tưởng như chạm được những tảng băng tuyết, trời càng nóng gắt và càng nghẹt thở. Chị Hoan bị hở van tim nên cứ nghẹt thở… dần dần. Tôi ngồi bên cạnh quạt lia lịa để chị có chút gió và cầu trời cho xe…đi xuống!
Nhưng xe đã lên đến đỉnh núi cao ngất ngưởng, chị Hương Thái bảo mọi người có thể ghé thăm tiệm bán đồ kỷ niệm một chút rồi sửa soạn xuống núi.
Đường xuống núi tráng nhựa, nên xe chạy nhanh hơn, nhưng không thể nào về kịp giờ đã hẹn cho buổi phỏng vấn. Phải hẹn lại một giờ sau. Xe vẫn chạy, chị Hoan vẫn khó thở. Giờ hẹn đã trôi qua, xe vẫn chạy nhưng chưa định được… hướng về. Hẹn lại giờ, ở địa điểm khách sạn Hyatt cho dễ kiếm. Xe bon bon, chạy thẳng, quẹo phải, quẹo trái… vẫn chưa nhận ra con đường quen dẫn đến khách sạn!
Sau cùng cũng tìm được Hyatt Hotel, TGiang xuống xe, tất cả chạy trước vì đã trễ giờ hẹn, còn lại cả bọn tìm chỗ đậu xe, và kéo nhau lếch thếch vào đại sảnh của khách sạn, tìm chỗ dựa tấm thân già, vật vờ thở dốc. Lúc đó, Hương Thái mới cho biết, đây là lần đầu tiên chị lái xe cây lên núi theo con đường mòn đất đỏ!!!
Xe “cây” và đoàn lữ hành (Hình Trùng Dương)
Sau một ngày đi chơi… mệt nhọc, buổi tối về phải đóng thùng vật liệu triển lãm, dọn dẹp sắp xếp hành lý để sáng mai lên đường về nhà, tôi không mệt, mà nuối tiếc 10 ngày qua thật nhanh.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi khuân hành lý xếp đầy trên xe cây của chị Hương Thái để ra phi trường. Ui cha, giây phút tạm biệt sao mà buồn! Trước khi đi, ai cũng biết là sau chuyến 10 ngày này, sẽ tạm chấm dứt những chuyến đi chung, cả nhóm sẽ bước vào giai đoạn 2, chuyển ngữ, dịch thuật 500 hồ sơ phỏng vấn, thực hiện phim Việt Story; thế nhưng, cứ nghĩ đây là trạm cuối, và bây giờ là giây phút cuối… sẽ không còn thấy nhau, tự nhiên rưng rưng và bắt đầu nhớ Denver, nhớ 5 chị bạn già, nhớ các em sinh viên… theo tâm trạng của Thanh Tâm Tuyền… ôm nhau trong tay mà đã nhớ nhau ngày sắp tới…
Phạm Diễm Hương
08/2011