Đất nước Việt Nam hôm nay, đi tới đâu, nơi chốn nào, thành phố hay thôn quê đều thấy hai chữ văn hóa, nhìn thấy nhiều hai chữ văn hóa, cảm thấy rằng hai chữ ấy đã bị lạm dụng một cách quá đáng.
Ở thành phố, khi chạy xe ngoài đường nhìn đâu đâu cũng thấy: Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi, Nhà Văn Hóa Thanh Niên, Khu Dân Cư Văn Hóa… Ngoài thành phố thì có Thị Trấn Văn Hóa. Còn Gia Đình Văn Hóa thì đâu đâu cũng nghe nhắc tới.
Thử nhìn lại, văn hóa ấy nằm ở đâu?
Ở những ngã ba, ngã tư đều có đèn giao thông. Nhưng khi có đèn xanh xe chạy đã đành, mà đèn đỏ đã bật lên, thiên hạ cũng chạy, lại càng chạy thật nhanh. Trong cái luồng xe kia, tôi muốn dừng đèn đỏ cũng khó, tôi bị cuốn vào đó.
Tôi không hiểu tại sao trong một năm thì lại có những tháng gọi là “an toàn giao thông”. Còn những tháng kia thì cứ chạy ẩu. Những chiếc xe lớn không bao giờ nhường cho xe nhỏ. Thậm chí khi mình bật xi nhan và kỹ nữa là giơ tay xin đường thì các xe đằng sau vẫn chạy lao tới và còn bóp kèn inh ỏi không cho mình qua đường. Có khi mình chạy đúng mà họ chạy ẩu thì mình vẫn cứ bị chưởi như thường.
Tôi là người mà từ nhỏ đến lớn sanh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng tôi lại rất sợ giao thông ở đây. Lẽ ra thành phần sinh viên, học sinh phải gương mẫu nhưng cứ mỗi lần tan trường là họ chạy xe hàng ba hàng tư. Có gây trở ngại cho ai họ cũng mặc kệ, “vô tư”.
Tranh THẮM NGUYỄN
Và có một lần trong khuôn viên trường, xe tải ra vô nhiều vì đang xây cất, xe tôi đang chạy thì một chiếc xe tải trờ tới, một chiếc honda bỗng chen giữa xe tôi và xe tải. Tôi phải thắng lại, xém té xuống con mương bên đường. Nếu không thắng lại, hoặc là honda sẽ té vào xe tải hoặc té vào xe của tôi. Tôi nhìn biết đó là sinh viên, và chiếc xe đó vô bãi giữ xe của khoa tôi. Vậy là tôi đón em sinh viên đó ngay cổng khoa và nói chuyện, cuối cùng em xin lỗi tôi, khi đó tôi vẫn còn run vì sợ.
Còn bây giờ đến vấn đề xả rác.
Sinh viên ở lại trường buổi trưa, ăn cơm xong, dù có thùng rác, nhưng họ vẫn vứt bao nylon, hộp giấy… đầy dưới những gốc cây bàng cây liễu trong sân trường. Ngồi đâu vứt đó cho tiện.
Nơi cơ sở giáo dục của bậc đại học mà ý thức của những vị trí thức tương lai còn như vậy.
Huống chi người dân ngoài xã hội. Bước vào quán ăn thì dưới chân bàn, giấy vệ sinh trắng xóa, la liệt. Có giỏ rác dưới chân bàn, nhưng khách vẫn cứ liệng xuống chỗ họ đang ngồi ăn một cách bình thường.
Ngoài công viên ở bến Ninh Kiều, rác cũng đầy ra sau mỗi buổi sáng các người độ tuổi về hưu tụ tập thể dục dưỡng sinh. Họ mua đồ ăn sáng, rồi tùy tiện vứt rác. Chiều chiều người ta đi chơi thì rác tiếp tục được xả tự nhiên dù ở nơi đó đều có thùng rác.
Tôi vẫn còn các tấm hình bến Ninh Kiều ngày xưa, cảnh đẹp thơ mộng. Ninh Kiều bây giờ dơ bẩn và xô bồ.
Trên xe khách thì sao? Không khác gì trong quán ăn hay công viên, xe đỗ bến thì lơ xe phải dọn quét các thứ rác do ăn quà hàng mua dọc đường.
Người ngồi phía sau xe honda chạy ngoài đường, ăn uống và cũng vứt giấy, lon thoải mái xuống lòng đường.
Theo cách suy nghĩ của tôi ở Việt Nam bây giờ đâu đâu cũng là những cái không tốt, không đẹp của con người tràn lan nhiều quá.
Cái xã hội mà tôi đang sống đây, đi đâu cũng thấy đầy rẫy cái xấu. Có người đã than thở rằng cái xấu này đã trở nên bình thường, quen thuộc trong xã hội Việt Nam chúng ta.
Kim Diệu