Menu Close

Lúa nhiều mùa

Kinh xáng Bốn Tổng ngày…tháng…năm …

Chú Ba bầy trẻ,

Mấy hôm rày, hèn lâu, tui mới lại viết thơ thăm chú thím và sắp nhỏ. Lâu quá là lâu như vậy vì lo cắt lúa mùa mưa hổm rày. Bây giờ ở nhà làm lúa tới ba mùa chứ không phải như ngày xưa chỉ một mùa, hai mùa như lúc chú còn ở nhà.

Làm nhiều, chi phí nhiều, cũng chẳng được bao nhiêu chú Ba à! Nào phân, thuốc sâu, thuốc cỏ, mướn cày bừa, cắt gặt đâu cũng vào đấy, “mèo lại hườn mèo”, lúa cũ đổi lúa mới, có khi còn lỗ công nữa đó chú!
Ở đời này, “tận nhân lực” mới “tri thiên mạng” nhưng đất bùn mà tận dụng quá, đất cũng thành chai cóng, chẳng còn nhựa, còn phân phướng gì, nên phải xài phân hoá học. Hễ cái gì mà tận dụng quá rồi có ngày sẽ kiệt quệ. Mà lúa Thần nông này cũng kỳ quá chú, không có phân lạnh, phân tiêu đen, phân tiêu sữa, phân kali mà nhà quê mình còn gọi nôm na là “phân muối ớt” thì lúa như con nít thiếu sữa, thiếu cơm, không lớn, không nở nang nổi.

Vậy mà bắt đầu có rải phân sương sương là có bươm bướm, có sâu thấy mà ngộp. Hết đợt này tới đợt khác, hết loại sâu này tới loại sâu khác, triền miên, hà rầm, nhiều lúc chạy tiền không kịp mà mua ba cái thuốc sâu, thuốc rầy.

Xịt thuốc rầy trên đồng lúa Thần Nông

Đó là tui nói mình may mắn còn chút ít tiền, còn uy tín nên mới hỏi han, mượn chác được đầu trên xóm dưới chút đỉnh để mà mua thuốc trừ sâu. Chứ nếu không, cũng phải vay hỏi với tiền lời bạc mười, bạc mười lăm, bạc hai mươi, cũng đành cam chịu. Nếu không có tiền là sâu ăn rụi hết, chứ chẳng chơi.

Tui nhắc sơ sơ mấy loại sâu để chú nhớ cái nghề làm ruộng lắm ba chìm bảy nổi này, nào sâu keo, sâu lá, sâu ống, rầy cám, rầy nâu. Đó là tui chưa kể lúa bị bịnh đạo ôn, bịnh ung thư, bịnh đốm lá, lúa ngã, lúa sập, lúa rực lá chưn, chuột bọ, cỏ gạo có đuôi, cỏ chát, cỏ bông, lác, u du, cỏ chỉ, cỏ lông heo và trăm thứ cỏ khác… Trăm thứ là trăm họa cho người làm ruộng, mà thứ nào cũng phải dùng thuốc hết mới diệt được những cái họa này nghe chú. Tiền thôi là tiền!

Nhưng trong các loài côn trùng có lẽ loài rầy nâu là độc hại hơn hết. Rầy mà đeo dưới gốc lúa, nếu không kịp phát giác và xịt thuốc liền, trong vài hôm cánh đồng lúa đỏ rực như mùa lúa chín; nhưng mà nó chín háp chú Ba à, lép ráo trọi!  

Nhắc loại rầy nâu, nhớ năm ấy cách nay hai chục năm, nạn rầy nâu này thật khủng khiếp. Giống lúa “Thần Nông 8” rầy nâu ưa lắm. Mới chiều hôm trước mỗi gốc lúa lác đác năm ba con, sáng hôm sau rầy đeo đen gốc, nhiều lúc thấy rầy mà tối tăm mày mặt. Năm ấy, người ta xịt thuốc rầy bằng vàng cây, vàng lượng chứ không phải vàng khâu, vàng chỉ, nhưng rầy vẫn hoàn rầy.

Thời kỳ đồ khổ, tai trời nạn dân mà! Trăm thứ trút lên đầu, lên vai người nông dân nghèo chịu đựng. Xịt thuốc lúc đầu còn đỡ đỡ nhưng rầy như ôn, như binh; hết đợt rầy này đến đợt rầy khác, rầy đâm ra lờn thuốc. Riết rồi, lòng tham lam mấy người bán thuốc sâu như con quỉ trong bụng đã xúi giục họ bán luôn cái lương tâm, coi thường cái quả báo nhãn tiền bằng cách bán thuốc giả nhe chú.

Loại thuốc Basa, là loại thuốc chuyên trị giống rầy lúc đó, mà cũng đầu hàng, vì thật tình thuốc thiệt đâu có bao nhiêu. Mỗi chai thuốc Basa thì cỡ một phần ba chai là thuốc thiệt, còn lại hai phần ba chai họ pha thêm dầu lửa trắng, nên xịt hoài mà rầy vẫn sống nhăn.

Chú thử tưởng tượng loại rầy độc này mà xịt thuốc giả chẳng khác nào tắm cho nó mát, nó mập thè lè cái bụng, trong khi đó lúa càng ngày càng khô, càng rụi, người làm ruộng càng ủ rũ âu sầu nhìn miếng ruộng mà chảy nước mắt. Riết rồi chỉ còn có cách châm một mũi lửa cho nó cháy rụi  cho khuất con mắt rồi vì bị rầy với nạn thuốc sâu giả này.

Cả vùng Bốn Tổng lan sang Lấp Vò, Cái Nai, Cái Tàu Thượng, Cái Sao, Bắc Dục, Phú Hòa, Cái Sắn, Tân Hiệp, Mặc Cần Dưng, Ba Thê, Núi Sập biết bao nhiêu người tàn mạt vì rầy nâu, vì thuốc sâu giả này chú! Cái cảnh tiền mất tật mang nó sờ sờ. Vàng vòng, lúa thóc, tiền của cũng theo mây, theo khói mà bay lên tới Ngọc Hoàng trên chín từng mây xanh.

Còn mấy người bán thuốc sâu giả tiền đựng đầy nón lá, đầy giỏ xách đệm bàng, đầy bao cà ròn, đếm mỏi tay, nhưng rồi cũng chẳng còn gì chú Ba à. Họ trốn đi khỏi chợ quận này biệt tích từ đó đến giờ, không nghe tăm hơi gì. Có người nói đã gặp họ đâu ngoài Long Xuyên một vài lần, áo quần lam lũ lắm và lúc nào cũng che cái nón lá sùm sụp như trốn nợ. Mà cái này còn hơn nợ nữa nghe chú, vì nó vừa gian manh, vừa thất đức tới mấy đời sau lận!

Tôi nghĩ mà phục dân ruộng mình độ lượng hết sức, giận thì có giận, nhưng người ta cũng bỏ qua, phú cho Trời. Vì ông bà xưa nói hoài: “Trời cao có mắt” mà! Lại nữa “của tàu rồi cũng đổ âm ty” hết chú Ba à.

Mà quả thiệt y như hai với hai là bốn. Năm ấy và mấy năm sau này, trong xóm kinh xáng Bốn Tổng mình, bà con nghe nói vợ chồng ông chủ tiệm ấy giờ nghèo sặc máu. Và cả xóm, cả làng, cả quận mình, ai ai cũng xầm xì:

“Ngày xưa quả báo thời lâu, ngày nay quả báo một giây nhãn tiền!”

Tui mới sực nhớ hồi nhỏ mình học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có bài học thuộc lòng “Buôn bán phải thật thà”, nghĩ mà ý nghĩa quá nghe chú Ba:

 

“Tin nhau buôn bán cùng nhau,  
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời.  
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,  
Pha phôi thật giả, tìm đường dối nhau.   
Của phi nghĩa có giàu đâu, 
Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền.”

(Ca dao)

Coi vậy mà ca dao, tục ngữ ở nhà quê ông bà xưa của mình đặt ra, câu nào cũng trúng quá là trúng. Thiệt tình, nhiều lúc làm ra được hột lúa, hột gạo, hột cơm cũng đắng cay dữ lắm nghe chú Ba, tỉ như:

“Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”

(Ca dao)

Chuyện đời, nói hoài không hết, mà chuyện đời làm ruộng nó lại càng dài bạt ngàn và lắm khi trào nước mắt. Phải vậy hông chú Ba!?

Anh của chú
Hai Trầu

LTT