Menu Close

Đòn bánh tét xe duyên

Thuở sinh thời mẹ tôi thường dạy:

– Con gái phải có: Công, dung, ngôn, hạnh.

Nghe mẹ nói thế cả bọn nhao nhao lên:

– Tam tòng, tứ đức nữa phải không mẹ?

 

Lúc đó anh Hướng Dương chỉ vào bọn tôi mà chê rằng:

– Cẩm Tú Cầu này lười biếng, Hoàng Lan buổi sáng ngủ dậy mắt dính hai cục ghèn, chưa đi đã chạy.Tỉ Muội ăn nói vụng về còn Tường Vi bướng bỉnh. Vậy mẹ thấy mấy cô con gái cưng của mẹ được chi  không?

Chúng tôi tức quá rượt anh Dương chạy, khi bắt được đứa giữ chân, đứa kẹp tay anh lại và tha hồ thọt lét. Anh vùng vẫy và cười rú lên như đười ươi rồi cầu cứu mẹ:

–  Mẹ ơi! cứu con với… với …

Nghe tiếng la mẹ chạy tới giựt tay bọn tôi ra và mắng yêu:

– Tụi bây ỷ thế đông ăn hiếp anh hở?

pic

 

Tranh: Thắm Nguyễn

Tháng ngày trôi, anh chị em chúng tôi sống chan hòa hạnh phúc trong ngôi nhà ấm cúng. Mỗi độ Xuân về muôn hoa khoe sắc, gia đình tôi rộn rịp hẳn lên. Ba yêu hoa nên dành thời gian chăm bón. Bên chén trà cùng bạn bè ba khoe từng khóm hoa, những chậu cây kiểng. Mẹ cặm cụi nấu nướng món thịt đông, thịt ngâm nước mắm. Chúng tôi làm dưa món và rim những  thau mứt đủ loại.

Khi lớn mẹ bày  gói bánh tét. Chị Tú Cầu và anh Dương phải nghe lời hướng dẫn:

“Xóc gạo với chút muối, để ráo nước. Đợi cho gạo vừa khô, vừa mềm, tưới nước cốt dừa, đảo đều tay sao cho gạo thấm đều. Đậu xanh ngâm, đãi sạch vỏ đem nấu, cho thêm chút muối.

Khi đậu chín, cho chút nước cốt tỏi, lấy chày làm nhuyễn đậu, rồi nắm thành thỏi dài chừng 22cm; thịt mỡ lợn rửa sạch, thái mỡ có chiều dài tương tự, nêm chút đường, muối tiêu. Lá chuối tươi rửa sạch, để ráo. Nước cốt dừa nấu chín.

Lá chuối có hai mặt, mặt phấn trắng và mặt xanh láng. Bày lá chuối lên mặt phẳng, lá mặt nọ xếp lên trên lá mặt kia chừng ba, bốn lớp; đổ gạo lên trên lá, tãi gạo thành hình tròn. Đặt nhân đậu, mỡ vào giữa rồi gói bánh thành hình trụ. Dùng dây lạt buộc theo chiều dài của bánh trước, dây vòng quấn ngang sau.”

Chúng tôi ngồi im nghe mẹ giảng. Mới đầu anh chị gói không đều tay… dần dần bánh đẹp được cả nhà khen.

Sau khi bánh đã hình thành mẹ cầm hai đòn bánh thành một cặp cho vào nồi. Bánh tới đâu, đổ nước xâm xấp tới đó. Nấu bánh bằng củi trong vòng 12 tiếng.

Tôi không biết gói nên bị ngồi canh chừng để đun củi vào lò.Thỉnh thoảng chế thêm nước lạnh. Bên bếp lửa hồng có khi tôi ngủ gục.

Mỗi lần khách tới, mẹ luôn khoe thành tích gói bánh tét của đàn con.

Năm tháng trôi, anh Hướng Dương vào quân ngũ, chị Tú Cầu lên xe hoa còn lại bốn chị em thừa kế cái nghiệp gói bánh tét. Cũng may mẹ tôi đã sản xuất thêm hai tý nhau nữa đó là Quỳnh Hoa và cu út Đồng Tiền. Chúng phụ lau lá chuối và ngồi canh lò lửa. Gia đình tôi sống êm đềm như mặt nước hồ thu không một gợn sóng đâu ngờ biến cố 1975, Ba bị cải tạo, mẹ gầy hẳn.

Không khí ngày Xuân không được như xưa nữa. Nhưng “giấy rách phải giữ lấy lề” cũng mứt bánh, rượu trà cho qua ngày đoạn tháng.  Nồi cơm độn sắn, ngô, mẹ ngược xuôi kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Kinh tế gia đình càng ngày càng sút kém. Chúng tôi rất sợ Tết đến. Em tôi không có áo mới. Mẹ lôi trong tủ những cái áo dài thời trang đài dự tiệc, cắt hai vạt áo cặm cụi sửa thành áo ngắn cho hai đứa em gái nhỏ nhất. Chúng xúng xính cười toe sung sướng. Đúng là trẻ con thật. Tuổi vô tư hồn nhiên hết cỡ. Tôi, Tỉ Muội, Thủy Tiên đượm nét suy tư lên khóe mắt.

Còn mười ngày nữa Tết, mẹ tập họp chúng tôi lại:

– Năm nay nhà mình nấu bánh tét đem ra chợ bán. Các con cố gắng gói cho ngon và  đẹp nhé!

Thế là mọi thành viên đều chú tâm thực hành. Mỗi đứa phải gói mười đòn. Tay chân rã rời. Bánh để ăn và bán nên chúng tôi cố gắng hết sức mình. Những đòn bánh tròn đều đặn. Thức trắng đêm bên bếp lửa hồng chuyện trò râm ran. Gió hắt hiu. Vườn cây xanh mướt. Hoa xuân đong đưa, nụ hồng tươi thắm. Tiếc là không có Ba, anh Dương và chị Tú Cầu để ngôi nhà thêm ấm áp.

Bánh chín, vớt ra dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mẹ dẫn tôi và Tỉ Muội vượt mấy trăm cây số để lên thăm Ba. Tiều tụy, đôi mắt thâm sâu, Ba vuốt tóc từng đứa. Mẹ không dám khóc chỉ rơm rớm nước mắt vì sợ Ba buồn thêm. Những gói mì, bánh tét, thuốc lá, kẹo bánh và nhiều đồ cần dùng được Ba cầm trong đôi tay cảm xúc. Từ giã Ba chị em tôi chậm bước. Hình ảnh người cha một thời oai phong nay như chú hổ “ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt”. Suy tư bắt đầu len lỏi vào hồn tôi. Kể từ dạo đó tôi nhìn đời qua một lăng kính màu nâu. Tôi biếng cười và cảm nhận trưởng thành hơn trong tư duy về cuộc sống hiện thực. Hình như mẹ hiểu được tâm trạng ấy nên khuyên chúng tôi vô tư để sống. Mẹ nói: “có nghĩ suy cũng không thể thay đổi được những gì mà Thượng đế đã sắp đặt”. Hằng đêm chúng tôi cầu nguyện trước bàn Phật để cho Ba bình an và mau trở về với mẹ và các con. Anh Dương cải tạo trong miền Nam nên mẹ không có điều kiện để vào bới xách được. Thật tội nghiệp cho anh trai của chúng tôi. Đứng trước tượng của đấng Chí tôn trí óc non nớt của tôi nghĩ: “Nhờ có các vị Chúa, Phật với những cuốn kinh thánh cũng như tất cả giáo điều mà các ngài lưu truyền cho nhân loại nên xã hội mới được trật tự.” Con người ta ra đời vốn “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” nhưng những ham muốn, lòng vị kỷ cùng tánh tham lam làm cho họ xâu xé lẫn nhau. Chính những điều răn dạy, những câu chuyện “quả báo” trong sách Phật đã giúp mọi người bớt “tham, sân, si” trở nên hoàn thiện hơn. Vì thế mà chúng tôi đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng. Với lời cầu nguyện khiêm tốn hằng đêm rằng: “cho Ba tôi trở về nhà bình an”.

Cuộc sống đạm bạc, rau dưa qua ngày. Xuân đi rồi lại đến. Gia đình tôi vẫn nương theo nồi bánh tét để sống. Nồi bánh to dần, lượng khách biết tiếng bánh tét nhà họ Lê đông hơn. Cứ như thế, mẹ theo nghề nấu bánh vào mỗi độ Xuân về. Tôi đề nghị mẹ cho tôi phụ thêm bằng cách mua hoa Lay Ơn để bán kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Mẹ đồng ý, thế là tôi đạp xe lên tận Kim Long mua hoa về bán.

Chiều hai mươi lăm Tết chúng tôi hăm hở ra quân. Quỳnh Hoa trông coi gian hàng bán bánh tét. Nói là gian hàng chứ chỉ là chiếc ô lớn xòe rộng che cái bàn trên đó để bánh. Người qua lại rất đông. Hàng bán chạy. Nồi bánh tét sôi sùng sục suốt ngày lẫn đêm. Tỉ Muội cùng mẹ tay thoăn thoắt gói. Số bánh bán chạy làm ánh mắt mẹ tươi hơn. Những bó hoa của tôi bán hết sạch trong ngày. Tối ba mươi Quỳnh Hoa uể oải nộp tiền cho mẹ. Sau khi đếm mẹ la:

– Con học lớp tám rồi mà sao ngơ ngơ rứa, để người ta bốc trộm bánh. Chừ  thiếu tiền hai đòn.

Hoa không nói cúi mặt khóc tấm tức.

– Lớn chừng đó mà còn dại. Sau ni biết làm chi mà ăn.

Bị mắng em chạy vào buồng khóc to.

Tỉ Muội chế dầu vào lửa:

– Con ni biết ăn thôi… không biết làm chi mô mẹ ạ. Năm tới để con bán cho.

– Oan cho em lắm chị ơi!

Nó vừa ôm tôi vừa kêu oan.

– Hồi chiều có cụ ăn xin. Áo quần rách rưới tiều tụy. Cụ đứng gần nhìn em với đôi mắt thèm khát. Hình như cụ ấy đói và vô gia cư. Thương cảnh khổ của cụ em liền gói một đòn cho. Cụ sáng mắt và cám ơn rối rít. Ngồi bệt xuống đất cụ mở ra và ngấu nghiến ăn một cách ngon lành. Xót quá! em biếu cho cụ thêm một đòn nữa và dặn “cụ giữ lấy thêm đòn bánh này để ăn trong ngày Tết”. 
Cụ nhìn em một lát rồi từ đôi mắt kèm nhèm ấy ứa ra những giọt lệ. Chân cao, chân thấp lầm lũi cụ bước.

Đang đứng ngoài cửa buồng nghe Hoa nói thế mẹ xúc động:

– Thôi đừng khóc nữa…

Ba mẹ con ôm chầm lấy nhau sụt sùi và nghĩ thầm: Nhà mình nghèo rồi mà có kẻ nghèo hơn…

Mồng bốn Tết, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Ai cũng nhắc đến ba và anh Dương đang đón Xuân nơi rừng sâu núi thẳm.

Bóng ai đó thập thò ngoài cửa sổ. Mẹ chạy ra:

– Thưa bác, đầu năm chúng cháu chúc bác và gia đình khỏe.

– Hai cháu là bạn của đứa nào trong nhà bác?

– Dạ thưa không.

Cô gái ấp úng.

– Mời hai cháu vào nhà chơi.

Cả bọn ngạc nhiên sửng sốt vì hai người khách rất lạ. Cô gái chừng mười tám, chàng trai khó đoán tuổi vì khuôn mặt rất thư sinh, da trắng môi đỏ nhưng cơ thể nở nang như lực sĩ.

Bọn tôi chạy vô buồng, vạch màn nghe lóm.

– Thưa bác đây có phải là lò bánh tét: “Lê Văn” không?

– Đúng là lò bánh tét “Lê Văn”, nhưng không phải lò chuyên nghiệp. Mỗi khi Tết đến mấy em nghỉ học gói vài trăm đòn bán kiếm tiền để tiêu.

– Gia đình con luôn mua bánh Tét nhãn hiệu này, ăn rất ngon nên chúng con mạo muội ghé đến chúc Tết hai bác.

– Cám ơn các cháu. Dùng tí mứt do bàn tay của các em ở nhà làm nhé!

Bọn tôi ngạc nhiên vì suốt mấy năm bán bánh Tét không một ai quan tâm như hai nhân vật này.

– Anh trai con rất thích bánh Tét nhà bác. Vậy khi nào chúng con có thể đặt một ít để ăn bác có gói không?

– Khoảng mươi đòn trở lên bác mới gói. Một hai đòn không thể.

– Dạ chúng con xin chúc gia đình bác an khang hạnh phúc. Chào bác con về.

Cô gái nói nhiều, cậu anh trai không một lời nhưng cứ đưa mắt tò mò nhìn quanh ngôi nhà.

Cô em kéo anh trai đi. Đến ngõ cậu còn ngoái đầu lại như tiếc nuối điều gì?

Hàng tháng, cậu Tiến, tên chàng trai đều đến nhà tôi đặt bánh tét. Dần dần quen, được biết Tiến là con nhà giàu đang sở hữu những cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Ngoài ra gia đình chàng còn nhận thầu xây cất nhà ở. Chàng đến hoài đâm ra thân. Tiến săn đón, nhất là quan tâm đến chuyện học tập của chúng tôi. Chàng muốn kiểm tra giùm bài vở và chữ viết của quí cô nương nhà này.

Sau một thời gian chàng thích chuyện trò với Tỉ Muội hơn. Năm đó chị vừa ra trường ngành sư phạm mẫu giáo.

Tình nồng tự lúc nào? Bén duyên ra sao? Nào ai biết?

Sau hai năm tìm hiểu Tiến cầu hôn cũng đúng lúc Ba tôi được tha về.

Đám cưới tổ chức vào ngày gần Tết. Năm đó chúng tôi được tha không bị gói hay ngồi canh nồi bánh nữa.

Ngày mồng một Tết, hai vợ chồng anh về thăm nhà ba mẹ tôi.

Trong bữa ăn, Anh Tiến đưa ra một tờ giấy hơi nhàu với dòng chữ :

“Ai may mắn
Ăn được đòn bánh tét
Do chính tay em gói
Sẽ được Trời xe duyên”

Khuôn mặt chị Tỉ Muội đỏ rần. Chị không ngờ một phút cao hứng lãng mạn chị đã ghi tờ giấy ấy gói vào bao ni lông đặt giữa đòn bánh, và đòn bánh ấy lọt vào tay Tiến.

Bé Đồng Tiền chu môi chế nhạo:

– Lỡ tờ giấy rơi vào tay một cụ già hay một cô gái chị có dám yêu không?

Cả nhà hiểu ra và cười vang lừng.

Tỉ Muội nguýt yêu chồng:

– Gớm! rứa mà giữ kín tới hôm ni mới “bật mí”.

Ngoài kia nắng Xuân xênh xang. Gió xuân reo bên thềm. Muôn hoa khoe sắc thắm. Xa xa một cánh én vụt bay cao…

VYVY