Kẻ chọc quê có nghề
William Francis Blankenship, 22 tuổi, sau khi bị còng tay không hiểu sao vẫn chôm được chiếc xe duy nhất của Đội Cảnh Sát Chống Ma Túy (Police Drug Squad) tại Kouts, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Indiana.
Sau đó hắn gọi về sở cảnh sát để hỏi chỗ… mồi thuốc trên xe gắn chỗ nào. Các nhân viên đội chống ma túy tức tốc truy đuổi và cuối cùng tìm được chiếc xe đã rách nát, tả tơi chìm một nửa dưới nước vào hôm sau. Họ đang tiếp tục truy nã gắt gao Blankenship.
Dắt chó phải có bằng
Thường thì các lực lượng Police Drug Squad có khuyển quân để đánh hơi ma túy. Có thể họ sẽ phải nhờ đến các vị mũi thính này trong việc tìm kiếm Blankenship. Cảnh sát San Francisco thì thảnh thơi hơn, họ không bị mất xe nhưng lại nghe lắm lời càm ràm về các chú cẩu thiếu “chuyên nghiệp” cắn sủa nhau rầm trời ngoài công viên. Do vậy, nơi đây vừa ban hành luật muốn dắt chó phải có bằng. Dắt một hai con thì không sao nhưng 4 con trở lên phải có bằng “huấn luyện” chó.
Chuyện nọ xọ chuyện kia
Xứ Mỹ ưu ái cho giống chó không phải không có lý do của họ. Vừa rồi, cảnh sát San Diego County nghe hàng xóm báo cáo một người ưa bạo lực sao đó khiến chó kêu ăng ẳng suốt ngày. Cảnh sát đến hỏi thăm chủ nhân thì phát giác ra đây là một trại trồng cần sa, với trên 100 cây tươi tốt và đủ loại “phụ tùng”, trị giá khoảng $300,000 đô la.
Gian nan đời ủn ỉn
Chú ỉn Starky
Chủ nhân nông trại cần sa tại gia nọ chắc chắn sẽ không thể bào chữa là trồng làm cảnh. Ehren Penix, một cư dân ở Lawrence, tiểu bang Kansas không thích trồng cây mà chỉ ưa nuôi thú cảnh. Tuy nhiên con thú cảnh của ông đang gặp trở ngại về luật lệ và ông đang nỗ lực vận động để điều chỉnh. Bởi vật cảnh của ông là một chú heo tròn quay. Theo ông, nếu chăm sóc, huấn luyện, heo cũng khôn ngoan và sạch sẽ như bất kỳ thú nuôi nào khác.
Chú heo tên Starky 1 tuổi, 70 lbs, rất ngoan và dễ thương. Chú lẽo đẽo đeo bám ông như một chú chó con và rất tình cảm.
Hội đồng thành phố Whether Lawrence, đại diện là bà Cynthia Wagner cho biết điều chỉnh và soạn thảo một luật mới về thú nuôi khá mất thời gian và phức tạp. Do vậy bà cần Penix chứng minh rằng:
– Chắc chắn người nuôi sẽ không… mổ thịt chú ỉn.
– Chú ỉn sẽ không nặng đến… vài trăm pound.
– Phải… thử máu để chắc chắn không bị bệnh… thần kinh (một dạng vi rút tên pseudorabies có thể lây sang chó mèo)
– “Đăng ký lý lịch” với Sở gia cầm và cấy “microchip” để tìm kiếm khi sổng chuồng.
– Không nặng hơn 80 lbs
– Không có mùi… heo.
Penix, vốn là giáo sư Luật trường Đại học Kansas University cho biết ông sẽ tiếp tục vận động chính quyền hợp pháp hoá cho thú nuôi ỉn của mình, và tin rằng thành phố sẽ bớt định kiến để người dân có thể làm những điều họ vui thích, kể cả chăm sóc một con lợn.
Cuộc tái ngộ sau nửa thế kỷ
Con người ta có nhiều điều để vui thích, cho dầu không hề nuôi lợn. Cụ thể là kỳ trước Trẻ đăng tin bà Lena Pahlsson, người Thụy Điển tìm được chiếc nhẫn cưới thất lạc cách đây 16 năm khi nhổ cây cà rôt. Có thể nói bà rất may mắn. Nếu nói về may mắn kiểu này thì Brent Aguirre, một cư dân Salt Lake City, tiểu bang Utah xem ra có phần nhỉnh hơn.
Bốn mươi lăm năm trước đây ông bị bà mẹ càm ràm mãi về việc đánh mất chiếc nhẫn ra trường tốt nghiệp trung học Bonneville High School, Utah năm 1966.
Sau đó ông đi lính và tham dự chiến tranh Việt Nam, vào lực lượng Không Quân Hoa Kỳ. Trong thời gian tại ngũ, ông di chuyển đơn vị 9 lần. Do vậy chiếc nhẫn đầy kỷ niệm gần như vĩnh viễn xoá sổ. Ngoài kỷ niệm, đó là chiếc nhẫn khá giá trị mà bố mẹ ông đã gắn mặt ngọc xanh loại đắt tiền.
(ảnh : Chiếc nhẫn của Aguirre)
Một lần rảnh rỗi, ông trình bày nỗi lòng mình trên Facebook, thì có một người trả lời là họ đang giữ một chiếc nhẫn y như vậy. Ông hẹn gặp vợ chồng nọ sau Lễ Giáng Sinh vừa rồi và nhận lại khi kiểm chứng rõ ràng tên họ khắc trên chiếc nhẫn. Tiếc là mẹ của Aguiree không còn để chứng kiến niềm vui và những giòng nước mắt của con trai.