Sáng thứ Bảy cuối năm, người Việt tị nạn khắp nơi đang sửa soạn đón thêm một cái Tết xa quê, Xuân này con không về thì phải đón nhận một tin không vui, người nhạc sĩ của bài hát đã thấm vào tim gan bao nhiêu người từ thời chinh chiến chia ly ấy đã qua đời: Nhạc sĩ Nhật Ngân.Ông mất vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 21 tháng 1 tại tư gia sau một thời gian ngắn nhập viện vì di chứng ung thư bao tử đã giải phẫu từ năm 92. Tin ông mất rất đột ngột làm sửng sốt những người nghe nhạc, vì mới đây ông còn là giám khảo vòng chung kết cùng với Trúc Hồ và ca sĩ Lệ Thu của cuộc thi Giọng Ca Vàng tổ chức tại một hí viện ở Garland, TX. Năm nay ông bảy mươi tuổi.
Nhạc sĩ Nhật Ngân
Ông tên thật Trần Nhật Ngân. Sinh tại Thanh Hóa và lớn lên tại Đà Nẵng. Cựu cán bộ tâm lý chiến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1982. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1959.
Theo Trường Kỳ: “Nhật Ngân đã có một quá trình hoạt động trong lãnh vực âm nhạc từ 40 năm qua. Đó là một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc, tác giả của nhiều ca khúc giá trị – với số lượng lên tới hàng trăm bài, không kể đến những nhạc phẩm Mỹ hoặc Pháp do ông soạn lời Việt. Không những thế, ngoài việc sáng tác ca khúc, Nhật Ngân còn là tác giả của nhiều nhạc kịch rất quen thuộc trong các chương trình video.
Trần Nhật Ngân, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa và là con út trong một gia đình sáu người con. Vì thân phụ là một công chức thường phải di chuyển nhiều, nên Nhật Ngân cũng đã từng sống ở nhiều nơi: Huế và Đà Nẵng.
Ông vào Sàigòn học hết trung học ở trường Võ Trường Toản và lấy được mảnh bằng tú tài, ông trở ra Đà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Trước đó, tại Đà Nẵng và Huế, Nhật Ngân đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục và sau đó ở Sài Gòn, qua sự hướng dẫn của những người thân trong họ là giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Thế Phiệt và Nhật Bằng…
Nhật Ngân lập gia đình vào năm 1969 và có ba người con. Người con gái lớn của ông tên Ngân Khánh, đã tốt nghiệp cử nhân về âm nhạc Đại học Fullerton, nam California. Ông đã lấy tên Ngân Khánh để ký dưới một số nhạc phẩm như “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”, “Cám Ơn.”
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông khá đồ sộ. Có thể chia làm 2 giai đoạn:
1- Giai đoạn trong nước: Tôi Đưa Em Sang Sông, Đêm Nay Ai Đưa Em Về, Ngày Vui Qua Mau, Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ, Lời Đắng Cho Một Cuộc Tình, Nỗi Buồn Con Gái, Cho Vừa Lòng Em, Lời Tình Tự, Tình Buồn Trong Mưa, Trách Ai Vô Tình, Xin Chia Buồn, Trời Còn Mưa Không Anh, Rước Xuân Về Nhà, Xin Làm Chim Rừng Núi, Giã Từ Vũ Khí, Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh…
2- Giai đoạn tại hải ngoại: Tôi Biết Tôi Sẽ Buồn, Vẫn Mơ Về Đà Nẵng, Quảng Nam Quê Ta Ơi, Tình Yêu Và Chiếc Bóng Bay, Về Đây Hỡi Em, Có Mất Gì Đâu, Hãy Hát Lên Tình Yêu, Bao Giờ Gặp Lại Em, Một Đời Tiếc Nuối, Một Đời Tìm Nhau, Một Lần Dang Dở, Ngày Mình Thôi Yêu Nhau, Sỏi Đá Buồn Tênh, Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu…
Ngoài ra ông phổ thơ khá nhiều: Hương (thơ Nguyễn Long), Kiếp Sau (thơ Trần Mộng Tú), Một Thời Đà Nẵng Dấu Yêu (thơ Luân Hoán), Con Đường Năm Xưa (thơ Lê Hân), Khản Cổ Gọi Tình Về (thơ Trần Yên Hòa), Hồi Âm (thơ Thành Tôn), Phượng (thơ Nguyễn Nam An), Thôi Cười Cho Em Vui (thơ Hạ Quốc Huy), Nỗi Nhớ Bỗng Quay Về (thơ Hồ Thành Đức), Ngày Trở Lại Hội An (thơ Hoàng Lộc), Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ (thơ Trần Trung Đạo), Chút Tình Cho Huế (thơ Phan Xuân Sinh), Xa Vắng Mẹ (thơ Thái Tú Hạp), Chia Tay (thơ Trần Mộng Tú), Hương Tình Muộn (thơ Hương Thảo), Mặt Trời Độ Lượng (thơ Nguyễn Bình Thường)…
Một số ca khúc ngoại quốc ông viết lời Việt: Về Đây Hỡi Em (nhạc Pháp), Mưa Trên Biển Vắng (nhạc Pháp), Tình Xưa Xa Rồi (nhạc Trung Hoa), Bến Thượng Hải (nhạc Trung Hoa)…
Nhật Ngân còn viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân những ca khúc được phổ biến như: Bao Giờ Ta Gặp Lại Ta, Cảm Ơn, Chiều Qua Phà Sông Hậu, Em Vẫn Hoài Yêu Anh, Hai Trái Tim Vàng, Hạnh Phúc Nơi Nào, Hồn Trinh Nữ, Lính Xa Nhà, Lửa Mùa Hạ, Mùa Phượng Tím, Mùa Xuân Của Mẹ, Ngàn Đợi Chờ Mong, Ngày Xuân Thăm Nhau, Người Tình Và Quê Hương, Qua Cơn Mê, Rộn Ràng Niềm Vui, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Tình Trinh Nữ, Trời Huế Vào Xuân Chưa Em, Yêu Một Mình, Xuân Này Con Không Về, Vòng Tay Yêu Thương, Mắt Xanh Con Gái…
Ông mất đi để lại niềm thương tiếc không những cho những thế hệ cùng thời với ông mà cả những thế hệ trẻ sau này, mà qua nhạc của ông họ cảm nhận được tâm tình và ước mơ của những người lớn lên và sống trong cuộc chiến đã qua- Xuân Này Con Không Về, Một Mai Giả Từ Vũ Khí…