Hầu như loài thú nào có thể huấn luyện cũng được loài người trưng dụng. Người ta nuôi thú để làm việc, từ việc đồng áng, làm trò đến canh cửa giữ nhà. Trâu bò được nuôi để kéo cày. Ngựa làm phương tiện vận chuyển. Chó để giữ nhà. Ấy là những vùng đất còn nghèo khổ kia, chứ những nơi đã được kỹ nghệ hóa thì chó được nuôi để làm kiểng, ngựa để chạy đua và trâu bò để vắt sữa và để uýnh lộn.
Đấu bò là cổ tục lâu đời của Tây Ban Nha, người đấu bò, matador, là những người thích cảm giác mạnh, và người xem là những kẻ thích nhìn máu chảy. Không thiếu những matador bị giết tại đấu trường hoặc chịu tàn tật suốt đời vì bò điên say máu. Những con bò bị đâm bị chém cho đến chết. Khi con vật lăn ra chết thì người ta hỉ hả ra về và thưởng cho anh chàng matador kia một mớ tiền. Chẳng may khi matador bị bò húc lòi ruột hay giày xéo thì ráng chịu. Người xem đấu bò, người đọc bản tin nọ ái ngại chừng 5 phút rồi thôi. Người ta vẫn nuôi và huấn luyện bò để đấu, khán giả vẫn mua vé để xem ào ào. Nghĩa là cái trò được xem là “thể thao” giải trí kia vẫn thu hút cả ngàn vạn người xem lẫn người đấu, và chẳng có chính phủ nào cấm đoán cái việc sắt máu này cả.
Trường đấu bò ở Cheongdo, Nam Hàn
Nam Hàn cũng có các trận đấu bò. Không biết tự bao giờ món đấu bò xuất hiện tại nơi này. Ngày trước, là một món thể thao tại thôn quê, rơi vào quên lãng khi người địa phương xoay ra xem truyền hình và theo dõi các món thể thao như đá banh, bóng chày (baseball). Chỉ trong thập niên vừa qua, đấu bò tái xuất hiện và trở nên một trò thể thao hấp dẫn trên toàn quốc. Người Nam Hàn xem các cuộc đấu bò như những trận đua ngựa của dân Ăng Lê hay trận Kentucky Derby của Huê Kỳ. Khác với đấu bò của Tây Ban Nha, đấu bò tại Nam Hàn là trận đấu giữa bò và bò. Nghĩa là hai con bò đọ sừng, đọ sức với nhau.
Trận đấu diễn ra như thế này: Hai con bò, hai tảng thịt cỡ vài tấn sầm sập đâm vào nhau, khi hai cái đầu (bò) kia húc trúng chỗ thì những mảng da và lông bay tứ tán và máu chảy. Trận chiến kết thúc khi một con bò quẫy đuôi, một hình thức đầu hàng. Người Nam Hàn kể rằng đấu bò nghe có vẻ sắt máu chứ từ trước đến giờ chẳng có con bò nào chết cả?! Đôi khi, hai con bò đứng ngó nhau, “kênh” nhau một lúc, rồi một con từ từ bỏ đi, và con bò kia cứ như thế mà thắng trận. Trận đấu kết thúc sau 5-10 phút, nhưng cũng có khi trận đấu kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ vì hai con bò tranh giải thực sự là đầu…bò! Đại khái là như thế, Dế Mèn xem một khúc phim ngắn do H. đem về mà chán quá vì chẳng thấy có cái chi để dòm! Thực ra thì quanh đấu trường cũng có vài thứ để ngó, như những cô gái nhảy múa kiểu “cheerleader” trong các trận đấu thể thao tại Hoa Kỳ, và ban nhạc đập trống, gõ cồng cho thêm phần xôm tụ.
Bò tranh tài
Tại Nam Hàn, bò được nuôi khoảng hai năm, lớn cỡ 1,000 cân Anh thì được đem ra giết thịt; người ta chọn những con bò đấu từ đàn bò sắp làm thịt kia. Bò nuôi để đấu được lựa chọn theo các tiêu chuẩn riêng, cũng như loại ngựa đua được lựa chọn. Bò đấu có tai nhỏ, mắt gườm gườm như mắt rắn (?), sừng lớn với cái cổ rộng và chân thấp. Bò có thể đấu trận cho đến khi 15 tuổi. Như những trại nuôi ngựa đua, nông dân Nam Hàn nuôi bò để đấu cũng dùng những phương thức chăn nuôi, huấn luyện riêng biệt. Con bò không phải chỉ để ăn no vác nặng mà sẽ đem lại niềm hãnh diện nên chủ nhân cũng cưng chiều đặc biệt hơn. Chủ nhân quấn sừng bò non bằng thép tạo dạng vũ khí, và trước khi đem đấu, sừng được mài cho sắc. Thực phẩm nuôi bò đấu cũng khác thường, ngoài rau đậu các con bò kia còn được cho ăn thêm tôm cá và rắn. Sau khi được ăn no, bò đấu được huấn luyện bằng cách cho vác nặng, lôi kéo những vật nặng để gia tăng sức mạnh cho các bắp thịt ở cổ. Trước trận đấu, bò được cho uống sâm và cả những món thức uống thêm “năng lực” dùng cho con người để bồi bổ thêm. Ngày ra trận, chủ nhân cho bò uống soju, một loại rượu chế biến từ ngũ cốc, để nó thêm say sưa mà nóng máu!
Trong các trận đấu, chủ nhân đứng quanh đấu trường, reo hò, giậm chân, vung tay, cổ võ thúc hối con bò của mình. Con bò thắng trận được tham dự các trận đấu quốc gia, nghĩa là chủ và bò đi từ đấu trường này sang đấu trường khác để tranh giải. Thắng trận đấu bò dường như có tính cách “danh dự” (cho chủ nhân) nhiều hơn là giá trị thực tiễn về tiền bạc. Con bò sáng giá nhất sau trận đấu ở mức quốc gia đem lại 10 triệu won, khoảng 6,700 mỹ kim, các con bò khác đem lại 200-350 mỹ kim sau mỗi trận đấu; so với tiền ăn tiền nuôi… quả là chẳng thấm tháp chi! Có lẽ người ta muốn “sống” lại những giá trị xưa cũ, niềm hãnh diện chỉ dành riêng cho các phú hào thủa trước khi chỉ có những người rủng rỉnh tiền bạc mới có thể nuôi bò và đem đấu? Ngày nay không cần tán gia bại sản, một người trung bình cũng vẫn có thể nuôi bò và đem bò đi tranh giải. Nghĩa là cái thú vui kia không còn là trò chơi riêng của nhà giàu.
Các cô gái nhảy múa kiểu “cheerleader” tại trường đấu
Mới đây, quốc hội Nam Hàn vừa thông qua đạo luật cho phép mở sòng cờ bạc, những trận đấu bò cũng được xếp chung vào các loại cờ bạc, người ta có thể đánh cá và chính phủ có thể thu thuế. Những tờ quảng cáo du lịch của Nam Hàn cũng bắt đầu nói đến các địa điểm đấu bò như một trò chơi “quốc hồn quốc túy” của quốc gia này.
Như thế những người nuôi bò đấu tại Nam Hàn sẽ có cơ hội làm giàu như những người chủ ngựa đua ở Ăng Lê và Hoa Kỳ? Còn những trận chọi gà, đấu chó thì sao nhỉ? Đến bao giờ thì người ta bắt đầu thu thuế, làm giàu từ việc những con gà, con chó cắn xé nhau chí chết?
TLL