Menu Close

Đĩa DVD

Triệu Minh

Mấy năm trước, băng nhựa VHS (Video Home System) thống trị thị trường phim ảnh (video), nhưng nay đã bị DVD hoàn toàn thay thế. Chiếc máy chơi đĩa DVD (DVD player) lần đầu được tung ra thị trường vào tháng 3 năm 1997, gọn nhẹ và có nhiều tính năng, đã dần dần đẩy lui những đầu máy chơi VHS vào dĩ vãng. Quý vị ghiền coi phim bộ, nay được coi những tập phim truyện Trung Quốc và Đại Hàn hoàn toàn trên các đĩa DVD với hình ảnh rõ ràng sắc nét, không cần phải cuộn băng (rewind) hoặc quay nhanh (fast forward) để tìm đoạn phim muốn coi.

Từ băng nhựa đến đĩa DVD

Tên gọi

DVD lúc đầu là chữ viết tắt của Digital Versatile Disc (Đĩa Số Đa Dụng) hoặc Digital Video Disc (Đĩa Hình ảnh Số) nhưng nay chữ DVD không còn biểu trưng cho gì hết. Đối với đa số người Việt, khi nói DVD ta thường liên tưởng đến các đĩa phim ảnh nhiều hơn là chứa dữ liệu.

Cấu tạo

DVD có cùng kích thước (đường kính 120 mm) và độ dày (1.2 mm) như CD, được chế tạo bằng cùng một thứ vật liệu và theo cùng một phương pháp. Chúng ta đã tìm hiểu cách cấu tạo của CD trong số báo trước. Các dữ liệu trên DVD được encode (ghi mã) dưới dạng các pits và bumps nhỏ trên đường track của đĩa. Điểm khác biệt với CD là DVD có thể có một hoặc 2 lớp (layers), chứa được nhiều dữ liệu hơn, thường gấp 7 lần. Chẳng hạn: Một CD chỉ chứa được 74 phút âm nhạc, nhưng một DVD có đủ chỗ chứa một phim truyện dài, 8 giờ âm nhạc, hoặc rất nhiều dữ liệu. Phim dài đó có thể có:

– Hình ảnh với độ phân giải cao, dài tới 133 phút;

– Đường âm thanh (soundtrack) có thể chứa được 8 loại tiếng nói với kỹ thuật âm thanh nổi;

– Phụ đề có thể bằng 32 thứ ngôn ngữ.

Dung lượng của DVD

DVD có thể chứa nhiều dữ liệu hơn CD vì những lý do sau đây:

– Mức chứa dày đặc hơn: Các pits và bumps trên DVD nhỏ hơn nên chứa được nhiều hơn.

 

So sánh mật độ của CD và DVD

– DVD có thể có tới 4 lớp (layer), mỗi mặt hai lớp. Tia laser có thể đọc được lớp thứ hai xuyên qua lớp thứ nhất. Một đĩa hai mặt/hai lớp có dung lượng lên tới 15.9 GB, chứa được trên 8 giờ coi phim.

– Tia laser sử dụng đọc đĩa DVD có bước sóng ngắn hơn và hẹp hơn để phù hợp với mức độ dày đặc của các pits và khoảng cách giữa các rãnh dữ liệu.

DVD Video

Tuy sức chứa rất lớn, nhưng các dữ liệu hình ảnh (video data) của một phim truyện dài không thể bỏ vừa vào một DVD, mà phải ép lại (video compression). Một nhóm các chuyên gia phim ảnh gọi là Moving Picture Experts Group (MPEG) thiết lập các tiêu chuẩn để ép phim ảnh.


Đầu máy DVD

Muốn bỏ  phim  lên đĩa DVD, nó được encode (chuyển mã) thành dạng MPEG-2 và rồi chứa vào đĩa. Hình thức ép này là tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Máy chơi đĩa DVD có chứa một bộ phận giải mã (decode) MPEG-2 để chuyển những dữ liệu đã ép thành thành phẩm chúng ta có thể thưởng thức được. Một phim trung bình, nếu không ép lại, phải mất cả năm trời mới tải (download) về máy điện toán được nếu đường truyền là dây điện thoại thông thường.

Tiêu chuẩn MPEG-2 và cách thức giảm kích thước dữ liệu

Một phim truyện thường được quay với tốc độ 24 frame (khung hình) một giây (24 fps), nghĩa là mỗi giây có 24 hình ảnh hiện ra trên màn hình. Nhật và Mỹ dùng một tiêu chuẩn gọi là NTSC, hiện ra 30 frame mỗi giây, liên tục thành 60 fields, mỗi field có một đường hình ảnh luân phiên chạy ngang màn hình. Các quốc gia khác dùng tiêu chuẩn PAL, trình chiếu 50 fields một giây nhưng độ phân giải cao hơn. Do khác nhau về số khung hình và độ phân giải, nên một phim cần được chuyển thành hệ thống NTSC hoặc PAL và dùng đúng loại máy chơi đĩa mới coi được.

TM