Menu Close

Những tháng, những ngày: Cái số long đong

Có tiếng động dưới bếp, tôi giật mình thức dậy, tôi không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào. Hai con tôi đã dậy và sửa soạn đón xe lửa đi học. Tôi hỏi han hai con vài câu và cho chúng biết tôi không đi làm hôm nay, vì không được khỏe.

alt

Bảo Huân

Con bé con nhảy cẫng lên:

– Chiều nay con được về nhà khỏi đi nhà trẻ há mẹ?

Tôi gật đầu đi nhanh vào phòng ngủ che giấu đôi mắt tự dưng lại đỏ hoe. Tôi rửa mặt, thay quần áo, đưa hai con ra ga, và đi thẳng đến nhà bố mẹ tôi. Tôi chưa biết sẽ phải làm gì ngay bây giờ, nhưng cứ đến ông bà cụ trước đã, rồi tính.

Cuộc sống chung quanh nhộn nhịp sinh động. Vạn vật xô vào nhau tranh sống dưới ánh nắng chói chang, đầy năng lực, trong khi tôi cứ rũ ra như dây leo vừa bị gỡ khỏi giàn. Mới tuần trước, tôi vẫn còn đang nghĩ đến mươi năm nữa, khi về hưu, tôi sẽ mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, đủ cho hai vợ chồng vừa ở vừa nuôi đàn gà, đàn vịt. Cuối tuần con cháu về chơi; hoặc hai vợ chồng về thành phố thăm chúng nó. Tôi cố bám vào câu: “vợ cái con cột, chẳng đi đâu mà mất” để tiếp tục xây đắp cuộc sống vẫn còn ông ấy. Tôi đã sống với ông ấy hơn 10 năm rồi, tôi chịu đựng được. Bây giờ có thêm 10 hay 20 năm nữa, nếu cuộc sống cứ như thế hay tệ hơn thế, tôi cũng sẽ sống được. Người ta bảo, về già, con người sẽ dễ dãi hơn, cuộc sống cũng sẽ đơn giản hơn. Tôi không cần gì ngoài một gia đình không tai tiếng. Con cái học hành nên người. Không biết từ bao giờ, tôi đã đánh đổi ước mơ có một tình yêu thơ mộng để giữ lấy thanh danh gia đình và danh dự của riêng tôi. Tôi không màng ông ta sẽ đi với ai, ngay cả sẽ ngủ với ai; tôi không quan tâm đến những rung động đang bị khô héo cạn kiệt trong tôi, tôi chỉ cần dưới mắt mọi người, tôi cũng có một mái ấm gia đình đầy đủ như họ.

Bây giờ ông ấy đòi ly dị, trước sau gì thì mọi người cũng sẽ biết. Trước sau gì tôi cũng phải trả lời những câu hỏi đại loại như: Tại sao vậy? Tại sao lại để ra nông nỗi này? Rồi tôi sẽ phải nghe những lời khuyên dài dằng dặc của những người tự cho là họ đang hạnh phúc: vợ thì phải chiều chồng, cứ đánh phấn thoa son lên cho chồng nó thích, cứ lả lơi õng ẹo cho chồng nó mê. Tại sao lại khư khư  làm theo ý của mình? Cái nết đánh chết cái đẹp bây giờ không còn nữa. Cái đẹp nó đè chết cái nết từ lâu rồi. Còn cảm giác ư? Rõ lẩn thẩn! không có cảm giác thì làm sao đẻ đến hai mặt con? Hơn nữa, đàn bà chính chuyên gia giáo, tại sao lại đề cập đến cái chuyện cảm giác xác thịt thấp hèn ấy! Thôi, nói phải trái với chồng, rồi xin nó bỏ qua mọi chuyện cho gia đình êm thắm!

Chẳng mấy chốc, tôi đã nhìn thấy một hàng những ngọn cau từ vườn nhà bố mẹ tôi vươn cao trên đỉnh dốc đang đung đưa theo gió. Ngọn đồi thấp thoai thoải, mọi ngày tôi vẫn bước lên thoăn thoắt, hôm nay mặt đất cứ như ghì chân tôi lại. Tôi bước lên dốc mệt nhọc chậm chạp như bà cụ 80.

Tôi vừa mở được then cài cánh cổng gỗ, thì mẹ tôi đang dọn mấy luống hoa trong vườn cũng vừa kịp đứng dậy, nhìn ra, và hỏi:

– Không đi làm hôm nay sao con?

Mắt bà đậu lại trên khuôn mặt tôi, lo lắng:

– Chuyện gì vậy?

Tự dưng tôi tủi thân, nước mắt trào ra, tôi lắp bắp lắc đầu:

– Dạ, không có chuyện gì cả mẹ ạ.

Mẹ tôi thu xếp dụng cụ làm vườn, chậm chạp đứng lên:

– Vợ chồng liệu mà bảo nhau, chứ nay mặn mai nhạt, khổ mọi người. Làm sao thì làm, con Út nó sắp lấy chồng, mẹ không muốn gia đình người ta dị nghị.

– Chúng con ly dị mẹ ạ.

Tôi lại rũ ra, tôi đâu có muốn ly dị. Ông ta muốn, ông ta đòi. Ông ta không muốn sống với tôi, tôi chữa lại:

– Anh ấy đòi ly dị.

Mẹ tôi vịn vào thân cây Lan Hoàng Hậu, giọng bà lạc đi:

– Các anh các chị có muốn làm gì thì xin để cho con Út nó lấy chồng đã.

Tôi nắm tay mẹ, muốn nói với bà là tôi đang rất cần bà. Tôi muốn dựa vào mẹ để được sống, sống an lành như một đứa con được chiều chuộng nâng niu, không phải là cuộc sống đầy bất trắc của một người vợ như tôi đang gánh chịu. Tôi muốn tâm sự với bà và hỏi bà tại sao tôi không thể cùng chồng hưởng hạnh phúc lứa đôi để phải đến nông nỗi này.  Tôi muốn bà thương tôi, bà hãy vì tôi mà bảo vệ tôi, đừng vì quan niệm sống của người ngoài như tôi đã và đang sống.

Tôi muốn nói với bà cái hạnh phúc của tôi mà bà và mọi người đang thấy, chỉ là màn kịch vụng về do tôi thủ vai chính với sự phụ diễn gượng gạo của ông ấy. Nay ông ấy không muốn diễn chung nữa, vở tuồng bắt buộc phải hạ màn. Tôi muốn nói với bà, hạnh phúc không phải chỉ là sự sống chung, không phải là sự giao hợp theo nhu cầu sinh lý, mà phải là sự hòa hợp của tình yêu và lễ nghĩa, như thế hạnh phúc mới thực sự hiện hữu và giá trị. Một điều nữa, tôi muốn mẹ tôi hiểu rằng môn đăng hộ đối không nên là tiêu chuẩn quan trọng trong hôn nhân. Hẳn nhiên, hôn nhân của tôi không do gia đình ép buộc, nhưng sự chọn lựa của tôi đã dựa vào những tấm chắn như tăm tiếng gia đình đôi bên, như phải có nghề nghiệp được trọng vọng trong xã hội, nhà cửa, xe cộ… Trớ trêu thay, những tấm chắn này đã che khuất giá trị tư cách con người, điều mà tôi luôn miệng nhắc đến và ca tụng.

Tôi vẫn nắm chặt tay mẹ, mặt tôi nhòe nhoẹt nước mắt nước mũi:

– Anh ta đòi ly dị, con không thể xin lùi lại hay làm nhanh hơn.

– Anh chị đã có đời sống của mình, anh chị cũng nên nghĩ đến người khác.

Tôi theo mẹ vào nhà, và đối diện với bố tôi.

Bố tôi đang đọc báo ở family room. Căn phòng có cửa sổ và cửa lớn mở ra hướng đông nên hứng trọn ánh nắng ban sớm và cũng là căn phòng ấm nhất vì gần bếp. Tôi se sẽ chào bố tôi. Ông cụ ừ, nhưng vẫn chăm chú đọc báo. Tôi đi nhanh vào phòng tắm để chùi nước mắt và lau mặt. Tôi chưa thể gặp bố tôi, đầu óc tôi chưa có một ý tưởng nào có thể dùng để chống đỡ và bênh vực cho chính mình. Tôi đứng thật lâu trong buồng tắm vì nước mắt cứ trào ra không thể ngăn được. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao không cầm nổi sự nức nở. Một lúc sau, nước mắt không còn chảy nữa thì hai mắt tôi đã sưng bọng lên, chẳng thể giấu được bố tôi. Tôi mở cửa đi ra thì cũng kịp nghe bố tôi gọi:

– Con vào đây cho bố nói chuyện.

Bố tôi gầy và không hồng hào như những người cùng tuổi, bố tôi bị bệnh tim và bệnh thận, lại chỉ muốn ăn uống kiêng khem chứ không muốn uống thuốc. Hôm nay hình như bố tôi gầy hơn, quầng thâm ở mắt nhiều hơn, túi da dưới mắt nhăn nhiều hơn, tôi không dám nhìn bố, nước mắt lại trào ra. Bố tôi chỉ chiếc ghế bảo:

– Con ngồi xuống đây, kể cho bố nghe đầu đuôi câu chuyện.

Mẹ tôi ngồi bên cạnh bố, hai mắt đỏ hoe:

– Chị làm sao thì làm, nhà mình mới ăn hỏi con Út.

Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào, bắt đầu từ đâu và sẽ nói những gì. Chuyện của hai vợ chồng tôi đâu phải mới xảy ra, nó bắt đầu từ ngay sau ngày cưới kìa. Nhưng tôi giỏi che giấu nên mọi người cứ tưởng tình yêu của chúng tôi như ngọn lửa bùng cháy muôn thuở ở các đài tưởng niệm tử sĩ, chứ đâu biết rằng tình yêu của chúng tôi như nén hương chỉ bùng lửa khi được đốt, rồi tự gom lại thành một đốm sáng nhỏ từ từ tắt lịm khi cháy đến chân hương. Tôi chẳng có gì ngay từ đầu thì làm sao kể với bố mẹ được.

Tôi nghẹn ngào:

– Con cũng không biết tại sao.

– Anh ấy có bảo gì trước khi bỏ đi không?

– Dạ không.

– Thế làm sao con biết anh ấy đòi ly dị?

– Ông ta nói với con như thế.

– Anh ấy còn nói gì nữa không?

– Chỉ có thế thôi bố ạ.

– Con có nói gì làm phật lòng anh ấy không?

– Dạ không.

Tôi thương bố tôi quá, lúc nào ông cụ cũng nghĩ phần lỗi về mình, về con mình, để xin lỗi mọi người, để được thoát khỏi mọi phiền hà. Bố tôi hay bảo: “Một sự nhịn chín sự lành, nhịn người một chút không có gì xấu, mà ngược lại chính là để rèn luyện tâm tính ôn hoà hơn”. Chị em chúng tôi chịu ảnh hưởng cách giáo dục phải nhũn nhặn này, nên sự chịu đựng, nín nhịn đã vượt quá người thường. Chuyện gì cũng muốn cho xong, cho êm, bất kể những tai hại có thể ảnh hưởng đến mình, chỉ với mục đích duy nhất là giữ gìn khuôn thước gia đình.

Mẹ tôi ngập ngừng:

– Vợ chồng nào mà không cãi cọ, trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, vợ cái con cột cứ thế mà giữ. Đụng một tí thì đòi ly dị, chị có hai con gái, đừng làm gương xấu cho chúng nó.

Tôi rên rỉ:

– Mẹ ơi, nào phải con muốn đâu, ông ta đấy chứ, ông ta có người khác, ông ta đòi bỏ con từ mấy năm trước, cái năm con bị ốm liệt giường liệt chiếu, không có mẹ, thì con đâu còn sống để bây giờ ông ấy đòi ly dị.

– Anh ấy đã tu tỉnh trở về, chị cũng chẳng nên nói mặn nói nhạt làm gì… Đàn ông họ thế cả, ăn thua người đàn bà phải biết giữ, biết xây chứ không nên đạp đổ.

Tôi muốn nói với mẹ là tôi đã câm như hến từ sau khi bắt gặp ông ấy sánh đôi với người đàn bà đẫy đà ấy. Tôi đã tảng lờ như người mù khi thư của người tình ông ấy được gửi đến địa chỉ nhà của tôi. Tôi đã lặng lẽ gồng mình chịu đựng khi ông ấy nằm phủ lên người tôi. Tôi đã sống trong cái thế giá con nhà, để bảo vệ cái gia sản nhân phẩm, cái mẫu mực tư cách mà bố mẹ đã dạy tôi. Mẹ ơi, con phải chịu đựng đến thế nào nữa?
Bố tôi đứng lên bảo:

– Con ngồi đó cho mẹ dặn vài điều rồi lên phòng khách bố có chuyện riêng cần nói với con.

Lòng thương bố lại dâng lên, bố tôi vẫn y như ngày nào, khi cần dạy con, cụ luôn tìm một nơi để chỉ có hai cha con, bố tôi kiên nhẫn nghe chúng tôi kể lể và hình như chưa bao giờ chị em chúng tôi bị bố la mắng, hình như chẳng bao giờ tôi nghe bố tôi nặng tiếng với mẹ tôi. Trong khi mẹ tôi dạy dỗ chúng tôi theo bản tính bộc trực, đơn sơ của bà, đôi khi nặng lời, xa cách, đôi khi bà nhân cơ hội nói bóng gió những điều bà không bằng lòng về bố tôi, nhưng chỉ vài tiếng sau bà lại quên hết và gia đình lại yên vui.

Tiếng mẹ tôi sụt sịt trong nước mắt:

– Cái số của mày nó lận đận long đong về đường chồng con, nhưng cứ phải ăn ở nhân hậu trước sau, thế nào trời cũng nhìn lại con ạ. Thôi, lên phòng khách xem bố có dặn gì.

Tôi đứng lên, muốn cầm tay mẹ, muốn nói với mẹ rằng tôi không tin vào số mạng, tôi chẳng làm gì nên tội, ngay cả ở kiếp trước lẫn kiếp này. Vì nếu tôi đã, thì tôi chẳng thể được làm con của bố mẹ, được ăn học, được có các em hiền lành và có được hai đứa con ngoan ngoãn; nếu tôi đã, thì tôi chẳng thể che giấu được cảnh đời bẽ bàng của mình cho đến ngày hôm nay.

PDH
-01/12