Menu Close

Tuổi thơ & Con đường đi học – Kỳ 2

Con đường đến trường học của tôi còn phải đi qua cái cua Vàm Nha với căn nhà của “ông Kiên khùng”, bao bọc chung quanh bởi những cây xoan tây mọc không theo hàng lối nào giống như những loại cây hoang dại.

Sở dĩ trong xóm gọi ông với cái tên không thanh bai và ít kính trọng như vậy vì ông bị bệnh tâm thần khá nặng. Ông Kiên lại sống một mình trong căn nhà lá lụp xụp với một con chó phèn sủa nồ nồ mỗi khi có ai đi ngang. Cứ mỗi lần đi ngang qua cua quẹo này, mấy đứa học trò nhỏ chúng tôi nhắm mắt chạy thí mạng nhiều lúc muốn hụt hơi, mặt tái xanh không còn chút máu vì sợ ông Kiên mà cũng sợ con chó phèn của ông nữa. Tiếng đập thình thịch của trái tim trẻ thơ cứ kéo dài đến khi vào lớp học. Lần nào cũng như lần nào, tôi không bao giờ dám đi ngang ngôi nhà ủm sụp này một mình, mà phải chờ các bạn khác cùng đi, vậy mà đứa nào cũng sẵn sàng co giò chạy như trối chết… Sau này “ông Kiên khùng” chết khô trong căn nhà dột nát ấy càng làm mấy đứa học trò nhỏ chúng tôi càng sợ ông Kiên về hiện hình, le lưỡi đứng núp ngay ngã ba đường, nên càng âu lo thêm gấp bội phần.

Từ cua quẹo Vàm Nha này, một con đường đất nhỏ cặp bờ sông dẫn về chợ Cần Đăng, đi ngang một sóc Miên với những căn nhà sàn cao lêu nghêu mang đầy dáng vẻ đặc biệt của người Miên vùng Tri Tôn (Xà Tón). Còn một con đường rải đá xanh lấy từ vùng Núi Sập nằm giữa thửa ruộng gò đầy cỏ chỉ là con đường dẫn về ngôi trường Sơ Đẳng Tiểu Học Vàm Nha, nơi mà lần đầu tiên tôi bắt đầu những bài học vỡ lòng, mở cái dốt, cái ngu của tuổi ấu thơ.

Đường đến trường

Con đường đi học của tôi không phải luôn luôn theo con đường khô ráo như vậy. Vào tháng nước ngập, con sông chảy ngang qua làng dâng lên cao, nhiều lúc tràn qua con đường đất cuồn cuộn như thác. Dòng nước trong leo lẻo đến đỗi chúng tôi nhìn rõ nhiều bầy cá lòng tong, cá linh rượt nhau rần rần trong nước. Thường thường những chỗ bị nước dâng ngập như vậy bà con hay lấy chà tre, nhánh me nước rào lại vì sợ người qua lại làm đất bị trôi lở. Tuổi thơ của tôi phải đi qua những con đường ngập lụt như vậy để đến trường, nhiều lần bị té quỵ dưới nước, quần áo, cặp vở bị ướt mem như chuột lột. Khi nước dâng ngập lên không còn đi bộ được, chúng tôi cùng nhau đi học bằng xuồng. Có khi chị tôi đưa hoặc quá giang những đứa bạn cùng xóm có xuồng từ nhà đi xuyên qua cánh đồng ngập lụt. Trên cánh đồng nước tháng Tám, tháng Chín những thân lúa mùa nặng mình xiên xiên theo chiều gió nằm rạp mình khi lườn xuồng lướt qua tạo ra tiếng cọ sát rào rào, một loại âm thanh quen thuộc thân thương của những ngày thơ ấu chốn thôn quê. Ngồi trên xuồng nhưng tay tôi lúc nào cũng rà rà trên mặt nước vớt vài cọng rong, ngắt một bông súng ma vừa trờ tới be xuồng hoặc một ổ nhện trên lá lúa nào đó gần be xuồng mà trong lòng đầy thích thú. Chị tôi rất cưng em, nên tôi chưa lần nào bị chị tôi rầy la bao giờ.

Vào mùa khô, dạo tháng Hai, tháng Ba, chúng tôi không đi qua con đường làng để đi học, mà lại lội băng qua cánh đồng lúa mùa vừa gặt xong vào tháng Chạp, tháng Giêng. Con đường mòn như con trăn ngoằn ngoèo từ vườn tre của ông ngoại tôi dẫn về con lộ đá mà những cộ lúa bông, những xe lúa hột do những đôi trâu, đôi bò đã ì ạch kéo kẽo kẹt qua cánh đồng này không biết bao nhiêu lần đã để lại. Mỗi lần có cơn gió thổi thốc qua hay những con “trốt” xoáy tròn cuốn tung bụi mù nhiều lúc làm tấm thân bé nhỏ của tôi cùng chiếc cặp đệm bàng muốn bay theo gió. Buổi chiều vào những ngày nắng ráo này, chúng tôi theo con đường liên tỉnh nối ngã ba Lộ Tẻ Mặc Cần Dưng với Tri Tôn để đi tắt về nhà. Con đường vắng ngắt, lâu lơ lâu lắc mới có một chiếc xe đò chở hành khách từ Long Xuyên về mệt mỏi chạy ngang qua. Hai bên lề đường là những cây thù lù, dây lăng trung, dây nhãn lồng, những bụi mắc cỡ đầy gai nhọn. Tôi còn nhớ những buổi chiều đi học về như vậy, chúng tôi ăn đầy bụng những trái thù lù chín đỏ, những trái nhãn lồng chua chua ngọt ngọt, những trái lăng trung ruột trắng mà giòn giòn mát miệng. Những chiếc lá mắc cỡ đang xòe ra, khi chúng tôi vô tình hoặc cố ý đụng nhẹ vào, những chiếc lá nhỏ của loài hoa dại e ấp xếp lại thật dịu dàng. Con đường lộ đá này còn đi ngang qua hàng thốt nốt khoảng mười gốc, cao vòi vọi với thân hình kịch cợm, sần sùi, tròn tròn bằng thân những cây dừa lão của ông ngoại tôi trồng cặp bờ mương. Ngọn gió buổi chiều giữa cánh đồng trống lướt qua tán lá thốt nốt cứng lúc nào cũng rào rào… Ở đó, chúng tôi lúc nào cũng nhận ra mấy chị cưỡng, chị nhòng lông đen lợt xen những chiếc lông cánh màu trắng, mỏ vàng tha những cọng rơm hoặc cỏ khô về lót ổ trên cao. Đôi lúc chúng tôi cũng bắt gặp vài cặp cu cườm tranh mái đá nhau phành phạch từ ngọn một cây thốt nốt khác. Còn mấy chị dơi ngủ ngày nữa chứ! Không đếm xuể, đen đặc, chúng đang đeo những móng chân cứng ngắc vào những tàu lá thốt nốt lao xao như chiếc chõng tre nhà quê kêu kẽo kẹt… Ở dưới quê, nông dân biết dơi thích ngủ trên những tàu lá thốt nốt, nên người ta chỉ dùng loại lá này làm chuồng để dụ dơi về ngủ lấy phân dơi bán cho những người làm rẫy, mà nhất là rẫy dưa hấu. Dưa hấu vào mùa Tết mà bón phân dơi, ruột dưa chín đỏ au, ngọt ơi là ngọt! Những buồng thốt nốt trái tròn tròn, nhỏ hơn trái dừa, để lộ lớp vỏ ửng màu huyết dụ ngà ngà đen bóng lưỡng mà tôi nhớ một lần tôi bị té sông chết chìm được vớt lên và cứu sống, chị tôi cho tôi ăn lần đầu tiên loại trái thốt nốt này. Cơm thốt nốt màu trắng không mấy ngon nhưng có hương thơm vô cùng hấp dẫn như loại trái thị lạt nhễu mà để gần mũi có mùi thơm đáo để, phát ghiền. Nhớ lần ấy, tôi bị chết chìm vào năm tôi chưa đi học. Cũng tháng Năm nước sông đục ngầu là mùa cá chốt đặc sông. Tôi thích cầm cần câu đi gần mé sông móc mồi dế câu cá suốt ngày. Lưỡi câu vướng một nhánh chà và tôi vói tay gỡ lưỡi câu, rồi trượt chân lăn tuốt xuống sông. Và cứ thế mà uống đầy một bụng nước, chết lúc nào không biết. Đến khi được cứu sống, tỉnh lại tôi còn sợ mất hồn, mất vía nhiều ngày sau. Tôi nhớ mẹ tôi thương con, ôm tôi vào lòng vừa mừng, vừa chảy nước mắt mà không trách mắng con một lời nào vì nhiều lần mẹ đã căn dặn mà tôi lại ham câu, nên mới ra nông nỗi. Từ lần đó tôi sợ xuống gần bờ sông, bờ rạch một mình cho tới lúc tôi đi học. Người cứu sống tôi, về sau khi lớn tôi biết được là một cô gái có cái tên giống con trai, cô Phán. Cô là con của một ông xã trưởng cùng làng. Về sau này, cô được cha mẹ gả chồng về xã Mỹ Hội Đông quận Chợ Mới, An Giang. Nhưng hồng nhan bạc mệnh, cô bị cảm gió nặng và mất vào năm tôi còn cải tạo trong rừng tràm. Mấy dòng này như một lời cảm ơn cô Phán dù muộn màng của một người chết hụt hồi còn bé nhỏ năm xưa.

LTT