Trung Dân
Tôi không thể nào quên được giọng hát trầm buồn, nhưng mãnh liệt của Anh Trương, người nghệ sĩ nhiệt tình và thẳng thắn của Nha Trang vùng cát trắng với gió biển dạt dào tình yêu dân tộc, trong đêm tiệc Mừng Xuân Nhâm Thìn tại nhà hàng Jumbo (Jan 29, 2012). Và tôi cũng không thể nào ngủ được vì tiếng gào hùng dũng của Linh Vũ, anh MC dễ mến nhất vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, khi giới thiệu bản nhạc trở thành thời thượng “Anh Là Ai?” của ca nhạc sĩ trẻ yêu nước Việt Khang, đang bị ngụy quyền Cộng sản đàn áp nhốt anh trong tù.
Tôi là một trong những người tị nạn thầm lặng trong cộng đồng; ngồi trong một góc tối của nhà hàng, quan sát xung quanh, đa số người tham dự thật trẻ từ 20 đến 30, và có khá nhiều gương mặt ít khi xuất hiện. Họ vui vẻ, ăn uống hòa đồng, cổ võ rộn ràng, thoải mái, vỗ tay ủng hộ tích cực.
Ban tổ chức, vài người chạy tới lui để điều phối chương trình mà lúc đầu chỉ hy vọng khoảng 250 người tham dự (25 bàn), nhưng thực tế cuối cùng, “những người âm thầm” đến đông hơn dự trù, trên 568 người, dù ban tổ chức không quảng cáo, hay e-mails rầm rộ như các tổ chức khác. Tôi gọi là những người thầm lặng, vì chúng ta ít khi gặp mặt những người này thường xuyên trong cộng đồng trước đây.
Có phải đây khởi đầu một hiện tượng lạ của một cộng đồng đoàn kết vừa xảy ra?
Nhạc sĩ Việt Khang
Phải chăng sự hình thành của những người thầm lặng đã nhìn thấy sự nhiễu nhương trong cộng đồng cần một “đổi mới”, hay là sự trỗi dậy của đa số quần chúng tự do, vì tình yêu thương dân tộc đang bị bọn cầm quyền cộng sản đàn áp dã man trong nước. Họ bắt đầu ý thức, cổ vũ cho sự “Đứng Lên… Chống Lại Bạo Quyền” của đồng bào trong nước?
Hình ảnh “Quân – (Thiếu tá Phan-Rang, Nghiêm Hòa, anh Chí..) Dân – (người dân tham dự) Cán – (Trung Dung, Annie Bui, Kim Hòa) Chính – (Linh Vũ, Thái Lĩnh, Anh Trương…)” cùng quan khách: các ông-bà, nam thanh-nữ tú tham dự, ca hát đề huề hợp tác nhau nhịp nhàng, hoàn tất chương trình văn nghệ như mong muốn.
Tôi tự cảm thấy xấu hổ cho chính mình; vì thiếu trách nhiệm cộng đồng, nhiều năm qua sống tệ hơn một “ký sinh trùng”, không mang ích lợi cho tha nhân, như một người nhận xét: “Cái nhục không phải là cái khiếp sợ trước cường quyền Cộng sản đàn áp; nhưng cái ghê tởm nhất là, cái thờ ơ vô cảm của con người hèn nhát bị cộng sản nhồi sọ, đe dọa trước sự đánh đập dã man, giết người vô tội của cán bộ cộng sản mà chính mình ngoảnh mặt làm ngơ…”, không có còn một chút “trung bình lương thiện” của con người.
Tôi về, không ngủ được, vì tiếng gào thét của MC Linh Vũ, hay tiếng ca trầm thống của Anh Trương qua bản nhạc “Anh Là Ai?” đã đánh thức lương tâm của một người tị nạn bao năm thầm lặng. Tôi đi lại giữa căn phòng vắng, và băn khoăn, tự hỏi: “Đã đến lúc chúng ta phải làm gì?”
Có ai còn nhớ những gì xảy ra ngày 17-12-2010 từ vùng biển Địa Trung Hải? Như là một đợt sóng thần Tsunami “vùng lên, tràn ngập”, tin nóng lan dần trên thế giới, khởi đầu càn quét vào các chế độ độc tài, từ Phi Châu, Trung Đông đến Á Châu từ tin một sinh viên nghèo bán hoa lài… .
Có thể lắm “sự kiện Trung Dung” nổi lên làm sạch sẽ cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng cho mọi người chú ý đến đất nước Việt Nam? Nơi ca nhạc sĩ Việt Khang có thể trở thành “biểu tượng” khởi đầu công cuộc cách mạng Hoa Sen như biến chuyển lịch sử đã bắt đầu tại Tunisia, Bắc Phi (North Africa)? Khi sinh viên Mohamed Bouazizi, 26 tuổi đã tự thiêu làm bừng lên ngọn đuốc cháy lan làm hàng triệu người dân Tunisia cảm kích vùng dậy trong suốt 3 tuần lễ đấu tranh, và đã giật sập chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali (74 tuổi) sau 23 năm chuyên chế độc tài đảng trị. Chưa đầy 30 ngày (14-01-2011) Ben Ali từ chức và đưa gia đình chạy trốn ra ngoại quốc (Arab Saudi).
Còn chần chờ chi nữa khi mùa Xuân mới đã tới.
TD
Seattle
(Một người thầm lặng nói lên tiếng nói “bên lề”
buổi tiệc Cộng Đồng Mừng Xuân)