Một con đường ở Sài Gòn đã trở nên bất hủ với câu hát “Trả lại em yêu khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát. Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhòa”, nơi có đại học Luật ngày xưa.
Cũng như vậy. Lại cùng thời điểm ấy, Take It Easy là bản nhạc quen thuộc của nhóm Eagles, tung ra năm 1972. Khởi đầu đoạn phiên khúc thứ 2, Glenn Frey của nhóm Eagles đã viết “Well, I’ m a standing on a corner in Winslow, Arizona,” (À, tôi đang đứng ở góc đường ở thị trấn Winslow, bang Arizona). Chỉ vậy thôi mà câu hát ngắn ngủi đó là nguồn nhựa sống cho việc kinh doanh du lịch ở Winslow.
Bản nhạc này vốn là một sáng tác của Jackson Browne, dự định cho album đầu tay của anh. Glenn Frey vốn là bạn và cũng là hàng xóm của Jackson nghe được ca khúc này rất thích thú nên Jackson đã tặng bản nhạc này cho Glenn để ghi âm cho nhóm nhạc (lúc đó là mới toanh) Eagles. Glenn đã viết lại đoạn phiên khúc thứ 2, trong đó có các chi tiết đáng nhớ như đứng ở góc đường bất hủ đó và thấy một cô gái lái chiếc xe Ford chạy chậm lại nhìn ngó anh…
Eagles chọn bài Take it easy làm đĩa đơn đầu tiên của nhóm, làm bài hát mở đầu album đầu tay của nhóm cũng như có mặt trong tất cả các đĩa tuyển tập của Eagles. Ca khúc leo lên hạng 12 top Billboard vào năm 1972. Năm 1994, Eagles tái hợp, quay trở lại chinh phục gần như toàn bộ thế giới với các bản nhạc của mình được chơi lại bằng guitar thùng, bằng các nhạc cụ mộc. Take it easy cũng có mặt trong đĩa, kẹp giữa hai bài The last resort và In the city.
Du khách chụp hình tại góc đường huyền thoại
Những tiếng tăm rực rỡ đó khiến thị trấn Winslow quyết định phải làm điều gì đó cho xứng tầm. Ở góc đường Second và đại lộ Kinsley, cạnh xa lộ 66, một công viên được dựng lên và đặt tên là công viên “Standin’on the Corner” (lấy ngay lời hát từ bài Take it easy)
Một bức tượng đồng được dựng lên, hình bằng người thật một chàng ca sĩ với mái tóc bồng bềnh, ôm đàn guitar. Nhưng người dân địa phương chỉ ra là bức tượng đó không phải là Jackson Browne lẫn Glenn Frey mà là một ca sĩ vô danh nào đó. Một chiếc xe Ford màu đỏ rực đậu kế bên. Bức tường gạch sau lưng bức tượng là một bức bích họa của họa sĩ John Pugh, vẽ một cô gái tóc vàng đang ngồi trong chiếc xe tải và nhe răng cười, giống hệt như lời mô tả của bài hát.
Mỗi ngày, có hàng trăm du khách đến đây xem, chụp ảnh góc đường huyền thoại và đã vực dậy thị trấn nằm cạnh đường ray xe lửa đầy bụi bặm này. Bob Hall, giám đốc điều hành của phòng thương mại thị trấn Winslow kể lại “Nhiều khi tôi thấy họ viếng thăm góc đường này lúc 2, 3 giờ sáng. Thật kinh ngạc, góc đường này đã tạo ra điều kỳ diệu cho Winslow.”
Thật ra công viên này không được mở ra đến năm 1999, rất lâu sau khi bài Take it easy nổi tiếng trên khắp thế giới.
Trong thập niên 60, Winslow là một thị trấn giàu có đầy hứa hẹn vì nằm kề bên đường 66. Nhưng vào thập niên 70, khi đường liên bang 40 bỏ qua thị trấn này, các cửa hàng kinh doanh ở địa phương dần biến mất, các dịch vụ du lịch cũng cuốn gói theo, Winslow chật vật trong vòng 20 năm. Năm 94, khách sạn La Posada được mở lại và hồi sinh dịch vụ du lịch ở đây. Một quỹ có tên “Standin’ on the Corner” được lập ra. Trong vòng 2 năm trời từ năm 1997 đến 1999, quỹ này tìm kiếm các nguồn tài trợ cũng như bàn tính ý tưởng thiết kế công viên.
Ông Bob Hall nhớ lại trước đó, du khách cứ chạy lòng vòng trong thị trấn, dừng lại tự chụp hình ở bất cứ góc đường nào. Quỹ “Standin’ on the Corner” đã “dụ” được một gia đình ở địa phương hiến tặng mảnh đất ở góc đường hiện tại để tập hợp du khách lại một điểm.
Công viên này đang giữ vai trò chính yếu trong kế hoạch phục hưng thị trấn Winslow, vốn có dân số cỡ 10,000 người. Một nhà hát ngoài trời và một trung tâm mua bán đang được lên kế hoạch xây dựng trong hai năm tới.
Thậm chí, một liên hoan Standin’ on the Corner được tổ chức hàng năm với hy vọng thu hút hàng ngàn du khách đến tham dự. Năm 2011, Standin’ on the Corner Festival được tổ chức vào ngày 23-24 tháng 9
Công viên hiện nay cũng tấp nập khách, thường ở độ tuổi trung niên, bận đồ da, cưỡi mô tô. Một nhóm dân chơi xe người Ý vừa rời đi, nhường chỗ cho mấy gia đình khác đến từ Arizona. “Tôi luôn muốn được ở khách sạn La Posada,” Mary Keller, 32 tuổi đến từ Phoenix, nói, nhắc đến khách sạn lịch sử ở gần đó. “Vì vậy, chúng tôi quyết định dừng lại nghỉ ngơi ở đây.” Một cửa hiệu bán đồ lưu niệm bên kia đường bán mọi thứ liên quan đến “Standin’ on the Corner” và mở những ca khúc của Eagles liên tục, dĩ nhiên là không thể thiếu bài Take it easy. “Nè, chụp giùm tôi tấm hình,” một du khách nhét chiếc điện thoại di động vào tay một người đi ngang qua nhờ chụp hình.
Ông choàng tay qua khoác vai bức tượng đồng với một nụ cười tươi rói…