Menu Close

Khách sạn ly dị

Thường thì người ta tìm đến khách sạn để nghỉ ngơi, thư giãn và làm mới quan hệ vợ chồng. Nhưng ở Hà Lan có loại khách sạn ngược lại. Nơi đây  khách đến một lần là đường ai nấy  đi. Khách  sạn này có tên “Khách Sạn Ly Dị” (Divorce Hotel), nơi chuyên giúp những cặp vợ chồng muốn ly dị nhanh chóng hoàn thành ước nguyện chỉ trong vài ngày thay vì kéo hàng tháng theo thủ tục.

Giá mướn khách sạn trọn gói. Trả tiền chung nhưng ở… riêng. Có luật sư và cố vấn để giúp làm tất cả giấy tờ cần thiết và góp ý.

Khi họ rời khỏi khách sạn là… ai về nhà nấy. Các giấy tờ pháp lý sẽ hoàn tất vài tuần sau đó. Divorce Hotel là một hệ thống liên kết của các khách sạn trên toàn Hà Lan, có loại rẻ và mắc tiền nhưng quan trọng là luôn có mặt luật sư và cố vấn rành rẽ về các thủ tục pháp lý trong lãnh vực ly dị.

Nhân viên nơi đây cũng đã được huấn luyện để không tò mò, tọc mạch hay ngạc nhiên trong những tình huống to tiếng hay căng thẳng của khách mà nhiệm vụ của họ làm mọi cách để khách thấy thoải mái nhất trong giờ phút… ly biệt này.

Ly biệt là chia tay và rồi tiếp tục cuộc sống, chỉ không chung …lối mộng. Game thủ Chen Rong-yu ở Đài Loan thì khác. Con đường anh đi rất diệu vợi khi anh đã miệt mài “chiến đấu” và “anh dũng hy sinh” sau hơn  23 tiếng liên tục trên máy game và nằm gục luôn trên máy. Chuyện các game thủ ngủ gật trên bàn phím là chuyện thường như cơm  bữa. Do vậy nhiều người đi qua lại thấy Chen nằm trước bàn phím suốt 9 tiếng mà không hay biết anh đã đến nước… Thiên đàng.

Chơi game thì nhiều người cùng sở thích nhưng giống nhau nhiều thứ như Emilie Falk, và người em song sinh Lin Backman, 30 tuổi, thì hơi hiếm. Họ là hai chị em song sinh tại Indonesia, vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi và được hai  vợ  chồng Thụy Điển nhận làm con nuôi. Sau 30 năm, tình cờ qua Facebook họ gặp lại nhau. Cả hai có nhiều điểm khá trùng hợp, như cùng chọn nghề giáo viên, cùng lấy chồng một  ngày, đều ly dị và bỗng nhớ đến nhau cùng một thời điểm, khi họ bắn lời trên Facebook.

Warren Melamed, 65 tuổi, một người ở Wilson County, Tennessee không rõ có cần gặp ai không  nhưng rõ ràng ông vô cùng bực mình khi vội vã ra parking lấy xe thì bị một chiếc xe khác bịt lối. Ông ta leo lên chiếc xe đó nổ máy dời đi. Không may, đó là xe cấp cứu.. Các nhân viên cấp cứu đang chích thuốc cho  bệnh nhân thì bỗng thấy chiếc xe… nhúc nhích, chạy tới chạy lui điều mà suốt cuộc đời hành nghề họ chưa từng gặp. Cảnh sát can thiệp và người đàn ông vội vã đó trở nên thư thả hơn ở trại giam.

Người Mỹ nói chung có cuộc sống khá bận rộn. Không chỉ khiến đôi người nổi quạu khi không lấy được xe mà còn bận rộn đến nỗi không kịp… sinh con. Do vậy Mỹ  luôn cấp “quota” nhận công dân mới từ các quốc gia hàng năm để làm trẻ hoá đội ngũ lao động. Tuy nhiên, một công dân như ông Taufeek Khanjar có lẽ không làm chính sách này thêm hào hứng. Ông Khanjar, gốc Iraq, định cư tại South Cheam, Surrey, Anh quốc được 6 năm với con gái đang làm việc tại đây. Ông quyết định nộp đơn để xin nhập quốc tịch Anh và được chấp thuận ở tuổi… 104 (ảnh). Theo ông Khanjar, nếu bạn muốn làm một điều gì “mới” thì không bao giờ trễ, trừ việc kiếm… vợ!

Ông Khanjar nhập quốc tịch còn Jesse Macklin, 29 tuổi, tại Greensburg, Pennsylvania thì nhập… nhà giam vì “nghề” quay phim. Đúng ra Macklin chưa bị bắt cho đến khi một cô gái báo cho cảnh sát là những đoạn phim… con nhộng của cô không rõ từ đâu được truyền khắp trường. Cảnh sát lần theo manh mối và tìm được chỗ nấp của một “ẩn sĩ”. Anh rình trên trần nhà của tiệm Sunkissed Tanning suốt 2 tháng để quay 54 phụ nữ đến tắm nắng nhân tạo, trong số đó có cô gái cùng trường mà anh hí hửng gởi đi khắp nơi. Với thành tích này, Macklin có thể tạm xa trường khoảng… 7 năm!