Menu Close

Miếng ngon trong văn tùy bút Vũ Bằng

Tạm chia tay với Trăng Thiền và mùi dạ lý hương. Tạm chia tay với Trăng Hồng và những bài ca của một thời yêu nhau. Chia tay… Chia tay… Để nói về miếng ăn. Nghe có vẻ dung tục nhưng rồi các bạn sẽ thấy, miếng ăn là vật chất thật đấy, nhưng nó cũng là tinh thần và gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, cảm xúc. Nhất là với nhà văn Vũ Bằng, miếng ăn càng quan trọng lắm lắm. Ông viết tới ba cuốn sách để nói về miếng ăn: Miếng Ngon Hà Nội, Món Lạ Miền Nam và Thương Nhớ Mười Hai. Nói tới món ăn, ông xuýt xoa, kêu trời kêu đất và dùng những lời lẽ thậm xưng khiến nhiều người phải mỉm cười. Vâng. Quả đúng là Vũ Bằng nói rất hay, viết rất tuyệt về các món ăn, nhất là những món ăn của đất Bắc quê hương ông.

Vậy chúng ta sẽ nói về miếng ăn (mà là miếng ngon) trong văn tùy bút của Vũ Bằng. Và cũng xin thưa: Hôm nay Nguyễn viết về Vũ Bằng và các miếng ngon của ông, còn vì một lý do rất đỗi riêng tư, thân thiết nữa. Đó là, mở đầu cuốn “Miếng Ngon Hà Nội”, ông Vũ đã viết cho người vợ tấm cám của mình lời đề tặng thiết tha: “Thân mến tặng Quỳ, người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi thưởng thức miếng ngon đất Bắc; để kỷ niệm những ngày vui sống trên đầm Linh Đường ngào ngạt hương sen.” Những lời đề tặng đó khiến Nguyễn lại nhớ tới hiền nội của mình. Nàng cũng là con gái đất Bắc, khi về với Nguyễn đã cho chồng ăn những món không thể nào quên và ăn ở đâu cũng không thấy ngon bằng: bún riêu, bún thang, bánh đúc, cà bung, măng hầm, cá thu kho nước trà, bánh tôm… Bây giờ, ngồi đọc văn tùy bút của Vũ Bằng, nỗi nhớ trong lòng lại dâng lên dào dạt. Nhớ ơi là nhớ. Không nhớ làm sao được khi “Ở Vũ Bằng, món ngon là một phương diện của cuộc sống”. Cũng như gió thổi chim kêu ngoài vườn, mây bay sếu bay ngang trời… là một phương diện khác. Cũng như những đêm trăng tháng Giêng, “hai đứa” dắt nhau trên đường Giảng Võ đi xem chèo, như một đêm đầu tháng Hai “hai đứa” ăn chung một quả vú sữa rồi đánh tam cúc cho tới nửa đêm về sáng, như lúc hai vợ chồng mới gặp nhau, mới yêu nhau, cùng ngồi trên một bãi cỏ ven hồ Bảy Mẫu thả chân xuống nước và cùng ngây ngất vì hương gió ngát mùi sen thơm dội về ban đêm v.v… lại là một phương diện khác nữa. Tất cả những cái đó quấn quít lấy nhau. Cái hạnh phúc của đêm thả chân xuống nước, cái hay ho của tuồng chèo, cái đẹp của đất trời cây cỏ chim muông, cùng với cái ngon của miếng trầu ngày xuân ăn với cau “tiên đầm”, của những trái vải ăn trong vườn cây ở Vụ Bản trong không khí buổi mai trong văn vắt… cái này gợi lại cái kia, cái kia nhắc đến cái nọ, chúng cùng bổ túc cho nhau, cùng tôn nhau lên. (theo Võ Phiến)

Nhà văn Vũ Bằng và tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội”

Với Vũ Bằng, cái ăn liên hệ đến nhiều thứ tình cảm: tình đất nước, xóm làng, tình gia đình. Chẳng hạn, ông viết:

“Gió thu một tiếng bên tai, Thuần, lư sực nhớ đến mùi Giang Nam”

… Một chén trà sen do nhà ướp; mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời; một nồi cơm gạo tám ăn với thịt rim; bát canh cần bốc khói xanh nghi ngút; mấy quả cà Nghệ giòn tan hay mẻ cốm Vòng ăn với chuối tiêu trứng cuốc… tất cả những thứ đó, gợi cho ta một nỗi thèm tiếc mờ mờ, như làm rung động tới những nơi thầm kín nhất của lòng.

Những lúc đó ta không thể không liên tưởng tới những ngày dịu ngọt bên cạnh mẹ già, vợ dại dưới cái mái nhà cũ kỹ rêu phong. Ngọn đèn không sáng lóe nhưng đủ soi một cách thân mật vào những mái tóc thân yêu; tiếng ca hát không nhiều nhưng đủ làm cho tim ta ấm áp; mà bữa cơm tuy là thanh đạm, nhưng đủ để cho ta ngon miệng hơn là ăn vây, ăn yến.”

Trong Miếng Ngon Hà Nội, Vũ Bằng tả nhiều thứ quà đặc biệt của Miền Bắc: Ngoài phở, còn có bánh cuốn, bánh đúc, cốm vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, các loại bún, chả cá, tiết canh, cháo lòng, hẩu lốn…

Nghe thật là hấp dẫn. Ta hãy nghe Vũ Bằng tả phở:

“Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có… Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

“Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được…”

Đó là món phở. Trong tiết trời mưa phùn và gió lạnh hôm nay, đọc Vũ Bằng tả phở, lòng chợt dưng dậy lên ý thích được ngồi trước một tô chín gầu có nước béo hành trần thơm phức. Và đây là món chả cá:

“Trên lớp rau thìa là êm ái mướt xanh như nệm cỏ, những miếng cá nục nạc màu vàng nghệ nằm thảnh thơi như những đứa bé nằm chơi ở cánh đồng quê trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.

“Tiếng mỡ nóng phi hành hoa rưới lên kêu lép bép mới làm cho lòng khách ăn rộn ràng làm sao! Một miếng bún, một miếng bánh đa, rồi hành tây, hành ta, rau thơm, mùi, lạc rang, kèm một hai miếng chả chấm đẫm mắm tôm chanh ớt, và từng miếng to, sau khi đã đưa cay hớp rượu, khà khà! Béo quá, bổ quá, bùi mà thơm ngon quá…”

Thủ bút của nhà văn Vũ Bằng
Các bạn có đồng ý với Nguyễn là Vũ Bằng viết về chả cá cứ như là một bản hòa âm rực rỡ. Người nào có ăn chả cá Thăng Long ngày xưa hay chả cá do vợ hiền nấu mới thấy cả trời mê say, thèm ơi là thèm. Và bây giờ ta kết thúc bằng món “hẩu lốn”:   

“Một buổi chiều đông, hoa rét trở về với mưa xanh, gió thu, anh bước vào nhà, tự nhiên thấy ngào ngạt một mùi thơm… Hỏi: “Ờ, nhà làm món gì mà ngát thế?”. Đáp: “Hôm nay lạnh, làm món hẩu lốn ăn đấy mà!”

“Vợ đã biết tính chồng hơi khó, thích món gì mà không đủ vị thì hay “lẫy”, cho nên từ buổi trưa đã phải mua đủ các thứ rau cần thiết như thìa là, cải cúc, cải xanh, rau cần… Bao nhiêu thứ đó rửa sạch, để cho ráo nước. Xong đâu đấy, mới đi lấy tất cả những món ăn còn lại của bữa cỗ hôm qua để riêng ra một chỗ, đợi giờ chồng về thiếu mười phút thì bắc vấu lên bếp, bắt đầu làm món ăn thích ý của chồng. Bát thịt lợn ninh với măng khô cho vào trước, rồi đến bát miến, long tu, bào ngư, vây, bóng, kế tiếp trút vào sau. Lại còn đĩa gì kia nữa? Giò, chả cũng cho vào nốt, và cho vào luôn cả mấy miếng phì tản, thịt quay, mấy cọng hành, và chớ có quên đĩa thịt gà luộc và bát chim hầm với hạt sen và cốm!

… “Ngoài sân, mưa lăn tăn làm ướt giàn thiên lý. Mấy con ngỗng trời bay tránh rét, buông ở trên bầu trời xám màu chì mấy tiếng đìu hiu. Cơm vừa chín tới, hẩu lốn lại nóng hổi, bốc khói lên nghi ngút, mà ngồi ăn ở trong một gian phòng ấm cúng với một người vợ má hồng hồng vì mới ở dưới bếp lên, có họa là sất phu lắm mới không cảm thấy cái thú sống ở đời!”
Ôi, ta sẽ còn gặp nhiều, nhiều đoạn văn tuyệt vời nữa của Vũ Bằng khi đọc suốt hai cuốn Miếng Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai của ông. Đặc biệt, bóng dáng người vợ hiền luôn thấp thoáng. Âu cũng là hợp với lòng trời và ý người. Sau đây, Nguyễn xin kết thúc bài tản mạn của mình bằng một lời của Vũ Bằng đề tặng vợ một lần nữa, lần này ở cuối tập “Thương Nhớ Mười Hai”: 

“Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu chót bài “Tháng chín” thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. 

Thân mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu.”

TN