Menu Close

Tuổi thơ & Con đường đi học – Kỳ 3

Cánh đồng tháng ba khô khốc. Vào buổi chiều còn phảng phất mùi khói đốt đồng từ dưới kinh xáng Bốn Tổng hoặc miệt Đìa Bèo theo gió chạy tràn về tới tận mé vườn tre làm cho cảnh vật thêm rạo rực vào mùa cày bừa phơi đất sau những ngày cắt gặt mỏi mệt. Đây tát đìa, kia bắt lóng, người đâm lươn, kẻ gánh cá, đâu đâu cũng vui tươi nhộn nhịp thái bình. Chúng tôi đi học về cũng men theo những xe bò kéo cá về nhà nhiều lần tối mịt.

Thuở nhỏ đi học như đi chơi, vậy mà bài nào cũng thuộc nằm lòng. Thầy tôi luôn cho điểm cao bằng cây viết chấm mực đỏ. Lúc bấy giờ học vần xuôi, vần ngược, cửu chương, Quốc văn Giáo Khoa Thư, vài ba chữ Tây nữa. Nhưng có lẽ hồi đó tôi thích nhất mấy chữ Tây vỡ lòng dễ nhớ nhất này: mon père, ma mère, mon frère, ma soeur… mà mỗi lần đi bắt dế, thả diều hay bắt ổ cu, ổ chim tôi đọc lầm thầm mon père là cha tôi, ma mère là mẹ tôi, ma soeur là chị tôi, mon frère là anh tôi, đến nằm lòng. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi miên man nghĩ ra một điều nhỏ nhoi về giá trị của sự bắt đầu. Tuổi thơ bắt đầu đi học bằng những chữ vỡ lòng và chữ vỡ lòng nào cũng bắt đầu dạy về yêu thương, về lòng biết ơn, về sự trong sáng, hiền hòa, ấm áp, dễ thương biết bao! “Cha tôi, mẹ tôi, chị tôi, anh tôi” không phải là những chữ nghĩa diễn đạt những tình tự thiêng liêng để cho tuổi thơ nhận ra rằng cha, mẹ, anh, chị là những chất liệu ngọt ngào, ấm áp thì còn là gì nữa ở trên đời này!?

Thầy Cầm hiền khô dạy lớp Năm. Thầy Trang dạy lớp Tư không bao giờ biết cầm chiếc roi mây dài để đánh vào mông học trò. Thầy Ngân dạy lớp Ba, nghiêm ơi là nghiêm; học trò đứa nào học đến lớp của thầy cũng xanh mặt. Trường làng tôi chỉ có ba lớp và ba thầy giáo dạy hoài như vậy, nên chúng tôi đứa nào cũng phải qua ba bậc như ba nấc thang. Sau khi đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học vào cuối năm học lớp Ba, chúng tôi tiếp tục lên lớp Nhì, lớp Nhất tại trường tiểu học bổ túc Bình Hòa. Ngôi trường gạch quét vôi vàng nằm cạnh ngôi đình thờ vị Thần linh nhất vùng quê này. Giữa sân trường là cột cờ cao vòi vọi cắm giữa vòng tròn cẩn gạch xung quanh trồng đầy hoa mười giờ xen kẽ những luống rau diệu tía màu đỏ thẫm. Mỗi sáng, khi mặt trời vừa lên khỏi rặng cây phía trước sân trường, những cánh hoa mười giờ màu tím dưới chân cột cờ bắt đầu nở rộ.

Một lớp học xưa (Nguồn Mộc Nhân Lê Đức Thịnh)

Lên tới lớp Nhì tôi học với thầy Nhì, khó ơi là khó! Trên bàn thầy lúc nào cũng có một củ tre để thầy sẵn sàng gõ vào đầu cốc cốc đau điếng. Thêm một cây thước bảng dày một phân, dài năm tấc luôn để lại trên bàn tay tuổi thơ những vết tích đỏ bầm. Vậy mà rồi cuối năm học, chúng tôi đứa nào cũng được lên lớp Nhất và không bao giờ biết giận thầy, mà thương thầy ngày một già thêm, mệt mỏi thêm. Lớp Nhất trường này do thầy Chánh dạy. Thầy Chánh lại làm Hiệu Trưởng nữa, nên thầy rất nghiêm với tất cả học trò của trường, không riêng gì lớp Nhất. Thầy hiệu trưởng khó có tiếng, cả làng đều biết. Giờ thầy dạy, lớp học như đêm dài qua chậm, con muỗi cắn còn chưa dám đuổi chứ đừng nói đập cho nó một cái chách lên da. Ngày nào thầy cũng dọn bài và ngày nào thầy cũng giận học trò vì không thuộc bài. Như một thói quen, trước khi mở sổ điểm danh để kêu tên học trò dọn bài, thầy Chánh cởi tất cả những gì thầy đeo trên tay như cà rá, đồng hồ. Cùng lúc ấy chúng tôi hồi hộp, trái tim đập ầm ầm mà xanh mặt. Vì lần nào cũng như lần nào, thầy tôi giận lên là đánh những bạt tai năm ngón rành rạnh lên mặt học trò nên thầy sợ đeo cà rá, đồng hồ gây thương tích cho học trò của mình. Đôi lúc thầy bắt học trò nằm dài trên nền gạch tàu hứng những lằn roi mây đau điếng mà rươm rướm nước mắt cúi đầu chào thầy ôm tập về chỗ ngồi. Có một điều kỳ lạ là cha mẹ nào cũng muốn cho con mình học lớp Nhất của thầy Chánh và học trò của thầy không bao giờ biết oán trách thầy, trái lại yêu kính thầy mãi mãi dù sau này thành người, lớn khôn ra đời làm việc.

Nhắc lớp Nhì, lớp Nhất, con đường đi học của tuổi thơ tôi cũng dài thêm và nhiều lần hồi hộp. Tôi phải đi bộ xa hơn và dĩ nhiên tôi vẫn còn ấu thơ nên ổ chim sẻ trên mái trường lợp ngói đỏ chót làm cho những lằn roi mây của thầy tôi bớt đau, những bạt tai của thầy tôi bớt rát. Rồi những câu chuyện cổ tích về cây đèn Thần, chiếc nhẫn Thần được thầy Nhì kể làm lớp học bớt buồn xo vì những củ tre thầy vừa gõ gõ lên đầu vào buổi sáng. Mỗi ngày tôi phải đi ngang qua chùa Hòa An nằm phía bên kia sông bất động, bên này là một đồn canh của lính giáo phái Hòa Hảo. Mỗi ngày tuổi nhỏ của tôi thấp thỏm đi ngang qua đồn lính. Rồi những trái khế vàng ửng rớt đầy bên Thánh Thất Cao Đài với những cánh hoa hướng dương vàng rực gần mương hội đồng như những chặng đường tuổi nhỏ của tôi ngày xưa ấy rong chơi vô tư lự đến thần tiên. Chúng tôi lại phải nhắm mắt chạy qua một khúc đường vắng ngắt khỏi vườn thầy Đạt, cách Thánh thất Cao Đài vài trăm thước vì nghe đồn đãi rằng khúc vắng có ma. Ở nhà quê, dường như ai cũng tin về những điều huyền bí dù nhiều lúc không có thật, nhưng nói hoài thành linh hiển, có thật. Rồi vậy mà tin, người lớn không ai giải thích, trẻ con thì lại sợ mất hồn, mất vía nhưng cũng thích nghe kể chuyện ma vào ban đêm nhưng không đứa nào dám ngồi thòng hai chân xuống đất.

Mặc dù học lớp Nhì, lớp Nhất, thầy tôi khó “giàn trời mây”, nhưng tôi cũng mê những trò chơi ở nhà quê. Nào là chơi u hấp té giập môi, nào là thảy đáo với những đồng tiền bằng ngói đỏ mài tròn lẵn quí như tiền thật, nào là nắn con tu hú bằng đất sét thổi chơi mỏi miệng mà không chán. Tôi cũng mê bắt những ổ chim dòng dọc treo tòn ten trên bụi mây gai làm bằng những lá sậy được giống chim bé nhỏ này dùng cái mỏ nhỏ xíu của nó tước những cọng dây thật  mịn màng. Những ổ chim này làm giày mang thật êm chân. Chiều nào, chúng tôi cũng rủ nhau ra sân lúa chia hai đội đá banh với trái banh làm bằng những bẹ chuối hột bó rơm bên trong tròn lại. Mùa hè, tôi cũng thích theo tiếng ve kêu trên tàu lá chuối, trên nhánh cây ổi bên hông nhà để bắt những con ve sầu kêu rả rích suốt ngày. Rồi những con cam, con quít, con bửa củi cũng làm cho tuổi nhỏ của tôi say đắm, quên những lần bị đòn răn dạy của mẹ cha….

Nhắc đến tuổi nhỏ, có lẽ tôi không thể quên những ngày học Hè tại một trường thuộc Thánh thất Cao Đài làng Bình Hòa có tên là “Đạo Đức Học Đường” vào những ngày tôi học hết lớp Ba, đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, sắp chuyển ra lớp Nhì trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa. Tía tôi bảo, học như vậy cho cứng và cũng để tôi khỏi chơi lỗ cua, lỗ còng suốt ngày. Vì là trường của tôn giáo, nên ngoài việc học chữ, chúng tôi được dạy nhiều về luân lý, đạo đức nhằm trau dồi lễ nghĩa, đức hạnh. Dù còn rất nhỏ, nhưng tôi lại thích những ngày học ở đây với thầy giáo Lưỡng, mà tôi thường gọi thân mật là cậu Sáu, vì thầy có liên hệ bà con với bên ngoại của tôi. Buổi học thường bắt đầu bằng những bài đồng nhi mà tất cả học trò cùng đọc với nhau thật trang nghiêm và thật đều. Lâu quá tôi không còn nhớ lời những bài ấy, nhưng tôi nhớ là tôi rất thích thú được đọc đều đều, lên giọng, xuống giọng như vậy. Ngày trước đi học ngày hai buổi, nhà lại xa trường, nên học trò đứa nào cũng cơm gói mo cau, cá kho mang theo. Đến buổi nghỉ trưa chờ giờ học chiều, chúng tôi đem cơm ra “ngọ phạn điếm” cùng nhau ngồi ăn, đông rần rần, vui lắm.

(Còn tiếp)