Menu Close

Nụ hôn tình ái

Môi ta đẫm ướt môi nàng
Người như bay bổng, mơ màng, lâng lâng…

Cảm giác dễ chịu nhưng khó tả ấy đã được ghi lại trong bài cổ thi Mahabharata của Ấn Độ chừng ba ngàn năm trước đây.

Không biết bài thơ này có giá trị như thế nào trong văn chương nhưng chắc chắn nó đã trở nên vô giá trong lịch sử nhân loại, nhất là đối với các nhà nhân chủng học. Những nhà khoa học này cố sức tìm kiếm những bằng chứng đầu tiên về con người đã tình tứ hôn môi nhau. Họ tìm hoài nhưng chỉ có được mỗi bài thơ này là bằng chứng… xưa nhất. Chính vì quá ít bằng chứng nên các sử gia đã phải suy diễn… lịch sử. Họ cho rằng hơn 300 năm trước khi Chúa Jesus ra đời, loài người vẫn chưa biết hôn môi để yêu đương, ngoại trừ người dân xứ Ấn Độ. Mãi đến khi Alexander Đại đế của Hy Lạp đem quân xâm lược xứ này (và thất bại rút quân) thì phụ nữ Hy Lạp (rồi sau đó Âu châu)  mới bắt đầu biết được mùi vị ái tình qua đôi môi.

Nói như thế cũng có lý! Tuy nhiên, khi các khoa học gia này suy luận về sự ra đời của nụ hôn tình ái thì nghe rất… phản khoa học. Giáo sư nhân chủng học Vaughn Bryant của đại học Texas A & M bảo rằng nụ hôn có từ chuyện đánh hơi người đối diện. Thuở xưa, thời chưa có tiếng nói, loài người ngửi hơi nhau để (đoán) biết tâm trạng, sức khỏe, và địa vị xã hội. Trong những lần ngửi hơi (thường ở quanh mặt) như vậy, họ vô tình chạm phải môi nhau và cảm thấy sướng… sướng. Từ đó, loài người biết hôn môi!

Có thể giáo sư Vaughn Bryant quên rằng trước khi biết ngửi hơi để chào hỏi nhau, loài người đã biết làm gì để giữ gìn giống nòi. Chẳng lẽ trong những lần ấy (ấy), không lần nào họ vô tình chạm phải môi nhau? Lẽ nào họ lại làm rất… uể oải cho xong chuyện? Hơn nữa, cho dù đợi đến khi biết chào hỏi ngửi hơi nhau, chưa chắc loài người đã thật sự muốn hôn môi. Đơn giản là vì không ai biết làm sạch răng. Thời ấy, mũi con người rất nhạy (để có thể chào hỏi nhau chẳng hạn). Thời bây giờ, một đứa học trò tiểu học làm biếng không chịu đánh răng thường xuyên cũng đủ khiến thầy cô giáo không dám đứng gần bên để chỉ bài cho nó. Huống gì vào thời đó, mùi thức ăn đọng lại cả đời trong các kẽ và chân răng làm sao tạo cảm hứng để môi kề môi cho nhau? Chắc chắn phải đợi sau khi loài người tìm thấy cách làm thơm miệng hay ít ra khử được mùi hôi miệng thì chuyện hôn môi tình tứ mới (tình cờ?) nghĩ ra.

Trong tình ái, đẹp và sạch phải đi đôi. Đẹp bao nhiêu đi nữa mà dơ dáy và hôi hám thì vẫn khó có thể đem đến sự đam mê nồng nàn. Có lẽ nhà thơ Xuân Diệu cũng đồng ý như thế khi ông viết:

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời.

HNH