Menu Close

Thỉnh nguyện thư xưa và nay

Gần cả tháng qua, từ bản Thỉnh Nguyện Thư do nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng, manh nha một sinh hoạt chánh trị khá thành công, thu hút sự chú ý và tham gia của hằng ngàn người Mỹ gốc Việt trên khắp Hoa Kỳ. Thỉnh Nguyện Thư kêu gọi TT Mỹ Obama dùng các biện pháp kinh tế, ngoại giao, để áp lực đảng cộng sản VN phóng thích tất cả tù nhân chánh trị ở quê nhà. Sự hưởng ứng đông đảo của cộng đồng người Việt tị nạn mang sức nặng chánh trị không nhỏ, đưa đến cuộc gặp gỡ với đại diện Tòa Bạch Ốc chiều Thứ Hai 5-3-2012, mà đại diện Trẻ có góp mặt,  tường thuật. Đây cũng là thời điểm đánh dấu số chữ ký Thỉnh Nguyện Thư vượt quá 133,500. Nhân sự kiện này, mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu đôi điều về thỉnh nguyện thư từ trước đến nay.

Đồng hương DFW ký Thỉnh Nguyện Thư lên Tổng Thống

Thỉnh nguyện thư (TNT) là một hình thức thỉnh cầu của số đông để đề bạt một chuyện gì đó, thường gặp nhất là TNT gởi lên giới thẩm quyền. Thỉnh nguyện thư được nhiều người bảo trợ, có thể bằng sự hiện diện, có thể bằng chữ ký trên văn bản chánh thức, hoặc trong thời đại ngày nay có thể qua mạng Internet. Thông qua TNT, ngay cả một người dân… thấp cổ bé họng có thể trở nên tiếng nói đối kháng có trọng lượng một cách nhanh chóng và công khai, ở mọi cấp độ chánh quyền, từ giới hạn địa phương đến phương diện quốc gia.

Theo truyền thống lâu nay, thỉnh nguyện thư còn được dùng ở Mỹ dưới một hình thức khác trong mùa bầu cử, để xác định một ứng cử viên ra tranh cử hợp lệ. Ở nhiều tiểu bang và địa phương, có yêu cầu ƯCV phải thu thập một lượng chữ ký tối thiểu nào đó, trước khi được ghi tên lên phiếu bầu cho cử tri chọn lựa vào ngày bầu cử.

Trên thế giới ngày nay, người ta có đủ loại TNT, với mọi đề tài / mối quan tâm, từ cứu vớt các loài thú vật hiếm, chống săn bắn bừa bãi, đến kêu gọi… tẩy chay người đẹp Kardashians… Bên Anh, từng có TNT đòi quan toà tuyên án nặng hơn các tội phạm dùng dao hại người. Ở Đại Học University of Canberra (Úc), sinh viên có thời  phát TNT đòi cứu lấy chương trình tiếng Nhật.

Có thể điểm qua vài Thỉnh Nguyện Thư nổi tiếng thế giới xưa nay. Thời cuối thập niên 1980, từng có một vận động gom góp hằng triệu người khắp thế giới ký vào TNT đòi trả tự do cho lãnh tụ Nelson Mandela, có thể đã góp phần đưa đến sự kết liễu nền cai trị độc tài, phân biệt chủng tộc “Apartheid” ở Nam Phi. Năm 2009, nhân hội nghị bàn về hiểm hoạ thay đổi khí hậu, tên gọi là Copenhagen Summit, đã có khoảng 15 triệu chữ ký trong thỉnh nguyện thư http://www.avaaz.org/en/copenhagencrisis gởi lên các lãnh tụ thế giới. Tháng Năm 2009, giới cử tri và chánh khách bảo thủ ở Mỹ đệ trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ một bản TNT khổng lồ, dầy 61,000 trang giấy, gồm 1.3 triệu chữ ký của những người bất ưng dự luật cải cách y tế của TT Obama (khi đó chưa thành luật). Tháng Chín 2011, tổ chức “The Body Shop International” trình 7 triệu chữ ký TNT gởi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, lên tiếng chống nạn mãi dâm trẻ em trên thế giới. Gần đây nhất, đầu năm 2012, hơn 7 triệu người sử dụng đã ký vào thỉnh nguyện thư của hãng Google tại địa chỉ https://www.google.com/landing/takeaction, bày tỏ chống đối 2 dự luật PIPA / SOPA phản tự do cá nhân.

Hơn 7 triệu chữ ký ủng hộ Google khiến 2 dự luật PIPA và SOPA, kiểm duyệt tự do internet, bị… xếp xó vô thời hạn.

Cuộc phản kháng của Google mang tên “End Piracy, Not Liberty” chính là điểm nhấn cho hình thức thỉnh nguyện thư trên Internet. Khoảng một thập niên qua, TNT online càng lúc càng phổ biến, trở thành một  công cụ thông tin và phản kháng hữu hiệu thời thế kỷ 21. Đặc điểm chung là chúng dễ dàng, mau lẹ, thu hút nhiều người nhất là giới trẻ.

Cô Molly Katchpole, 22 tuổi, năm ngoái mở TNT than phiền về dự định tăng $5 phí sử dụng debit card của nhà băng Bank of America. Trước kia, một khách hàng… vô danh, hành nghề giữ trẻ tại gia–như Katchpole có lẽ chỉ có thể kêu ca với đôi ba người bạn–cùng lắm đóng tài khoản, rồi… thôi. Nhưng nay bản TNT của cô đã thu hút hằng trăm ngàn người ký tên yểm trợ, khiến giới điều hành nhà băng cũng đành phải… chào thua ý chí khách hàng.

Thỉnh Nguyện Thư “online” chứng tỏ sức mạnh lẫn ảnh hưởng chánh trị trên thực tế. Các nhà lập pháp Mỹ có trang web chuyên mở TNT để cử tri yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ can thiệp chuyện gì đó tại http://www.petition2congress.com. Ngoài ra, còn có thể kể những trang TNT online nhiều ảnh hưởng khác như www.Avaaz.org; www.PetitionSite.com; www.ipetitions.com; www.petitiononline.com; www.GoPetition.com, v.v…

Cũng cần điểm qua 2 trang TNT online khá đặc biệt. Trang www.Change.org, tổng hành dinh đặt tại San Francisco, ban đầu chỉ thu thập 1,000 chữ ký, nay lên khoảng 25 triệu mỗi tháng. Theo đà phát triển, “Change.org” dự định mướn thêm nhân viên, từ 100 người lên đến 200 trước cuối năm nay. Hãng “Change.org” cũng toan tính mở rộng ra 20 nước khác trong năm tới. Còn trang www.Care2.com, ra mắt năm 1998, chú trọng các vấn đề môi trường và nhân quyền, có 18 triệu thành viên và hơn 10,000 bản TNT khác nhau mở ra mỗi tháng.

Chính từ các vận động này đã dẫn đến quyết định từ Toà Bạch Ốc của chánh phủ TT Obama, cho mở trang TNT “We The People” hồi Tháng Chín 2011. Đây là trang TNT trực tiếp của văn phòng tổng thống, đặt tại địa chỉ chánh thức của Toà Bạch Ốc. Mọi người Mỹ trên 13 tuổi, sau khi tạo một trương mục “account” với WhiteHouse.gov, đều có thể đề đạt TNT, hoặc ký tên vào các TNT hiện hữu, để thỉnh cầu Tổng Thống ra tay giải quyết một vấn đề nào đó. Các TNT phải có ít nhất 25,000 chữ ký trong vòng 30 ngày để được nhân viên Toà Bạch Ốc cứu xét.

Nhìn lại, trước đây người tị nạn gốc Việt cũng từng có nhiều đợt vận động TNT khác nhau. Một TNT yểm trợ Giáo Xứ Thái Hà và quyền tự do tôn giáo thu được 3,517 chữ ký gởi lên Đức Giáo Hoàng Benedict 16, Tổng Thơ Ký LHQ, TT Hoa Kỳ, và nhiều lãnh tụ thế giới khác. Năm 2010, một TNT khác, gởi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và ngoại trưởng nhiều cường quốc, thu được 17,752 chữ ký, đòi đảng cộng sản VN ngừng khủng bố đàn áp các nghĩa sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ quốc nội. Gần đây, khi nhà đối kháng Huỳnh Ngọc Tuấn và gia đình bị an ninh mật vụ liên tục khủng bố, có TNT thu thập hơn 3,500 chữ ký gởi lên Quốc Hội Hoa Kỳ đòi áp lực Hà Nội ngừng gây khó dễ với họ…

Nhưng có thể nói chưa từng thấy một chiến dịch gây chú ý, khiến dư luận xôn xao bàn tán, lẫn dự phần đông đảo như bản TNT của nhạc sĩ Trúc Hồ ở địa chỉ https://wwws.whitehouse.gov/petitions#%21/petition/stop-expanding-trade-vietnam-expense-human-rights/53PQRDZH. Có thể vì đây là trang của Toà Bạch Ốc, dù còn mới, nên đã nhận được nhiều chú ý, cách riêng trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Giới trẻ California tổ chức giúp đồng hương ký thỉnh nguyện thư.

Một thuận lợi nữa là TNT nhận được sự phổ biến mạnh mẽ của đài SBTN, có đi kèm với hướng dẫn cặn kẽ cách thức ký tên, giúp thu hút nhiều người. Đa phần giới truyền thông người Việt cũng góp tay, ra mặt yểm trợ, kêu gọi đông đảo đồng hương tham dự. Đây là sự kiện có thể nói là hiếm thấy trong sinh hoạt chánh trị của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ–một loại nghị hội Diên Hồng thời World Wide Web.

Sau khi TNT ra mắt, nhiều nhóm người Mỹ gốc Việt trẻ ở Nam California liền tập hợp yểm trợ. Liên đoàn cử tri Việt Mỹ cũng tổ chức rầm rộ ở San Jose. Hôm Thứ Bảy 25 Tháng Hai, hằng trăm người Mỹ gốc Việt ở Nam California xuống đường ký TNT. Hôm sau, đến Cộng Đồng Người Việt Massachusetts làm tương tự…

Chiến dịch này thoát ra cả biên giới nước Mỹ. Liên Hội Người Việt Canada cũng lập trang web yểm trợ. Chánh phủ Canada chưa có phương tiện tương tự như của Toà Bạch Ốc, nên Liên Hội kêu gọi người Việt ở Canada ký tên vào thỉnh nguyện thư trên giấy, theo phương cách cổ điển, để chuyển cho các Dân Biểu ở Quốc Hội Liên Bang. Và bên Âu Châu, người gốc Việt cũng đệ thư vận động lên Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, đòi cắt đứt bang giao và đưa đảng cộng sản VN ra Toà Hình Án Quốc Tế La Hague…

Chữ ký thứ 100 ngàn ngày 29-2-2012

Qua thành công của TNT gởi lên TT Obama lần này, có thể thấy nổi lên 2 nhân vật sáng giá trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt: nhạc sĩ Trúc Hồ tác giả TNT; và  Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc Uỷ Ban Cứu Trợ Người Vượt Biển BPSOS. Đây là hai  người chứng tỏ được uy tín và khả năng hiệu triệu, tổ chức nhiều người Việt trên khắp Hoa Kỳ cùng tranh đấu cho một mục tiêu chung. Cả hai vị đặc biệt thành công trong việc hướng dẫn, khích lệ giới trẻ dấn thân sinh hoạt cộng đồng. Những phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bờ đông-tây nước Mỹ, giúp hằng ngàn người Mỹ gốc Việt bớt nỗi e dè, một lần này cùng hợp lực tạo nên một hào khí mạnh mẽ, cũng có thể là một dịp để khối cộng đồng người Việt tị nạn nhìn nhận lại sức mạnh chánh trị của mình, chuẩn bị cho các bước kế tiếp khi hữu sự.

TD