Menu Close

Những người ở biển

Với tuổi này tôi không còn hào hứng với những chuyến du lịch đến các thắng cảnh, kỳ quan của thiên nhiên nữa, tuy rằng niềm đam mê xê dịch vẫn còn nguyên như thời trẻ. Tôi thích đến với con người, với cuộc sống của con người, hơn là đến với thiên nhiên.

Có ai đó nói rằng, du lịch là đổi từ chiếu rượu này qua bàn rượu khác, rời những người bạn này để đến với những người bạn khác; du lịch là đi, đi tìm bạn, hay tìm đến với những con người! Vì vậy, khi Song, một người bạn, rủ tôi đi ra đảo Lý Sơn, tôi đồng ý ngay, trong lòng nghĩ rằng mình sẽ đến với những người đang sống ở vùng đảo xa của đất nước, nơi đầu sóng ngọn gió, xem họ sống như thế nào, hơn là đi để ngắm cảnh biển trời. Vậy là lên đường. Chúng tôi đi bằng xe đò từ Sài Gòn ra Sa Kỳ, Quảng Ngãi, rồi đi tàu nhỏ từ Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn.

Đến cảng, tàu ghe tấp nập cập bến, rời bến. Tôi nhảy xuống con tàu nhỏ, chụp vội vài tấm hình.

alt

Chuẩn bị chuyển cá lên xe

Những người phụ nữ đang sắp và cân cá để chuyển lên xe, họ có một điểm chung trong trang phục, đó là những cái mũ đang đội. Mỗi cái một màu sắc, mới cũ khác nhau, nhưng đều rộng vành để che mưa nắng.

alt

Những người lựa cá ở cảng Sa Kỳ

Anh thanh niên khá đẹp trai nói với lên, giọng nằng nặng của dân miền biển, “Eng âu, chụp thiệt đợp ngheng, cho mấy cô ở Sề Gòn thấy tui là mê hồn luôn.”/ “Tất nhiên rồi, trai thành phố làm sao có được thân hình lực lưỡng nắng gió, làn da mặn mòi hấp dẫn, như anh bạn được. Để tôi quảng cáo cho nhé. Mà anh có muốn về Sài Gòn sống không?” / “Thôi, về trển lồm sao mè đi bộn được. Nhớ đổ lém!” “Đi bộn, nhớ đổ ?” Phải một lúc tôi mới hiểu ra “bộn” là “bạn” (đi bạn là đi đánh cá ngoài khơi xa) và  “đổ” là “đảo”. Tôi nhớ đến hình ảnh của anh Vọi trong truyện dài Trống Mái của Khái Hưng.

alt

“Dành cái đầu con nè để tối lai rai, ngheng!”
Này, hãy nhìn cánh tay và bàn tay của bác ngư phủ.
Tuyệt đẹp phải không bạn?

alt

“Ảnh đâu rồi mà chị làm một mình vậy?” / “Mỗi người một việc. Tui vá lưới, ảnh đi câu. Giờ thì ảnh đi nhậu rồi, trưa về ngủ một giấc rồi tối đi.”

alt

“Tui 68 rồi, bả nhỏ hơn tui 6 tuổi. Không đi bạn được nữa, thì tối tối chèo loanh quanh kiếm chút cá qua ngày vậy mà. Thương bả chứ sao hổng thương, có hai ông bà già cui cút với nhau cho tới chết mà.”

alt

Trời mờ sáng, tôi ra bãi chờ tàu đi bạn vào bến. Những gia đình cùng kéo nhau ra đón người nhà về sau chuyến đánh bắt xa bờ. Họ kể, có những cuộc chờ đợi người thân mỏi mòn trong đau đớn và vô vọng. Đó là những ngày bão dữ, người đi không trở về. Không cả chút tin tức còn sống hay đã chết. Đó là những chuyến bị bọn cướp Trung Quốc bắt, làm sao xoay xở ra tiền để chuộc mạng người.

alt


Khi viết đến đây thì tôi xem được tin và ảnh này:

Ngày 26/02/2012. Theo Đài truyền hình vệ tinh Phụng Hoàng dẫn nguồn Kyodo News, bộ đội biên phòng số 25 của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Trung bộ VN, đã thổ lộ rằng tàu cá số 22 đang lúc đánh cá tại vùng biển Tây Sa ” Nam Hải ( tức là Hoàng Sa mà người VN gọi ” ND ), vốn có tranh chấp với TQ, đã bị tàu Hải giám TQ bắn, thân tàu trúng đạn bị hư hại. Bài báo nói, phía TQ bắn vào tàu cá, đồng thời xịt vòi rồng.
Thật man rợ! Tôi tin rằng bạo lực không thể làm chúng ta khuất phục!

alt

Và em bé trên đất liền này, một em bé vô danh đang bước đi với lòng yêu nước trên tay, cũng tin như vậy. Chúng ta không khiếp nhược khuất phục, biển đảo mãi mãi là một phần máu thịt của dân tộc ở phía ngoài khơi xa!