Menu Close

Cái chết của một dư luận

Vừa qua, có hai dự luật nhằm chống nạn trộm cắp bản quyền và điều hành internet bị dư luận phản ứng dữ dội, khiến Quốc Hội phải… xếp xó. Dự luật của Hạ Viện mang tên “The Stop Online Piracy Act” (SOPA), và dự luật tương tự bên Thượng Viện gọi là “The PROTECT IP Act” (PIPA).  Cả hai dự luật có điểm chung là cho chánh phủ liên bang thêm quyền hạn để khống chế và truy tố nạn trộm cắp bản quyền. Tuy nhiên, những người chống đối cho rằng những đạo luật này quá sơ sài, thiếu sót, và vi hiến nghiêm trọng. Trẻ thử điểm lại vài nét nổi bật qua sự kiện hiếm thấy này.

alt

Thanh Dũng
Trong một chiến dịch phản kháng rầm rộ chưa từng thấy, hãng Google hối thúc người sử dụng ký tên vào thỉnh nguyện thư chống các dự luật “kiểm duyệt internet”. Người sử dụng internet hễ nghe đến “kiểm duyệt” là sợ… hết hồn vì nghĩ đến viễn cảnh bị an ninh mật vụ lăm lăm rình mò như Trung cộng hay Việt Nam.

Hôm 18-1-2012 được xem là ngày mở màn cuộc phản kháng “online” rộng lớn chưa từng thấy chống dự luật Stop Online Piracy Act (SOPA).  Cùng với Google, có Craigslist, Wikipedia, Mozilla, Flickr, WordPress, Tumblr… và hằng trăm trang web lớn nhỏ khác quyết định đóng cửa tạm thời “blacked out” nhằm… để tang cho tự do internet.

alt

Theo “Fight for the Future’s”, một tổ chức vô vụ lợi, đã có hơn 115,000 trang web tham dự cuộc phản kháng online này. Toà Bạch Ốc thì nói đã có 103,785 người gởi thỉnh nguyện thư về thông qua chương trình “We the People”.

alt

Chiến dịch phản kháng chưa từng thấy

Khắp thế giới ảo, hằng triệu người sử dụng, bằng cách này cách khác, tham gia phản kháng. Theo nguồn tin Google, hơn 7 triệu người ký thỉnh nguyện thư và hơn  887,000 gọi điện thoại về các văn phòng Dân Biểu liên bang để tạo áp lực với các dự luật.

Trang Wikipedia thì cho biết hơn 162 triệu người đã xem thấy biểu ngữ phản kháng “imagine a world without free knowledge” (thử tưởng tượng một thế giới không có tự do tư tưởng) chỉ trong vòng 24 giờ họ đưa lên.
Trang Wikipedia dẫn đầu nhiều trang web lớn nhất… trong cuộc để tang này, tự tắt đèn trang nhà, để phản đối 2 dự luật SOPA, (Stop Online Piracy Act) và PIPA (Protect I-P Act) đang được Quốc Hội cứu xét.

alt

Trang Wikipedia lên tiếng

Hiệu ứng tức thì. Nội các chánh phủ Obama lẫn Quốc Hội Hoa Kỳ đều tỏ ra lắng nghe phản kháng của dân chúng. Toà Bạch Ốc tuyên bố không hậu thuẫn bất cứ đạo luật nào mà “làm suy giảm tự do truyền đạt tư tưởng”. Các nhà lập pháp cũng từ chối bỏ phiếu trước khi dự luật được viết lại.

Những người hậu thuẫn các dự luật này bất thần thấy mình là thiểu số. Đa phần những người phản kháng đều… ủng hộ nỗ lực ngăn ngừa vi phạm tác quyền. Nạn trộm cắp bản quyền, giả mạo sản phẩm phi pháp gây thiệt hại mỗi năm hằng tỉ Mỹ kim và mất hàng ngàn công ăn việc làm. Tuy nhiên, cũng hầu như tất cả đều… đồng tình rằng dự luật SOPA đi quá trớn, chánh phủ vượt quá thẩm quyền, và vi phạm quyền tự do ngôn luận được quy định trong Tu Chánh Án thứ nhất “First Amendment”.

Một ngày sau cuộc phản kháng, Quốc Hội mau lẹ đem dự luật này đi… cất. Đến giờ chưa biết bao giờ một dự luật mới sẽ được soạn thảo, trong khi SOPA trong hình hài hiện tại thì bị niêm phong vô thời hạn.

Đây là bài học đắt giá cho những nỗ lực  kiểm soát tự do internet, muốn gia tăng kiểm duyệt. Kết quả này là chiến thắng rõ ràng của công nghệ cao “high tech” trước kỹ nghệ giải trí Hollywood. Nó cũng đòi hỏi những đạo luật khác, đầy đủ và hợp lẽ hơn. Chỉ trong 1 ngày Thứ Tư đó, ít nhất 6 vị Thượng Nghị Sĩ đã bảo trợ dự luật đồng loạt rút tên. Sang Thứ Sáu, người đứng đầu phe đa số Thượng Viện, TNS Harry Reid tuyên bố đình chỉ bỏ phiếu vô thời hạn cho đến khi có dự thảo thoả đáng hơn.

Dự án đã có thể cho Bộ Tư Pháp khởi tố các website bị nghi là vi phạm bản quyền, phong toả hệ thống chi trả “credit card”, cũng như ngăn cấm các chương trình tìm kiếm chỉ đến các trang này.

Một trong những chánh trị gia thảo luật, TNS Patrick Leahy, cho rằng trộm cắp bản quyền tốn kém mỗi năm $50 tỉ, trong khi hàng giả hàng nhái (băng đĩa nhạc chẳng hạn) lan truyền trên internet khiến thiệt hại $135 tỉ năm 2010.

Những người chống đối thì cho rằng dự luật ép các hãng internet kiểm duyệt người sử dụng, làm chi phí vận hành lên cao.

Sau khi một cơn… gió bụi lắng xuống, người ta cũng bàn tán nhiều về các thế lực đồng tiền phía sau trận chiến bản quyền.

Kết quả trước mắt: Dự luật chống sao chép, bảo vệ bản quyền thế là bị… giam vô thời hạn trước khi được đưa ra trước sàn Quốc Hội.

Kẻ thua cuộc là Hollywood và kỹ nghệ giải trí, đã tiêu tốn nhiều triệu Mỹ kim vận động thúc đẩy các đạo luật này ráo riết, ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Một trong những điều khoản chánh của dự luật là cấm người sử dụng vào những trang web có thể chứa nội dung… mượn đỡ từ nơi khác mà… chưa trả tiền, thí dụ như phim ảnh và âm nhạc.

Các hãng internet và kỹ thuật cao thì dựa vào sức mạnh thế giới ảo và hằng triệu người sử dụng để phản pháo dự luật này, sợ rằng sẽ mở đường cho việc kiểm duyệt ngặt nghèo, hạn chế tự do internet, và quyền tự do ngôn luận.

Cái giá của chiến thắng cũng không nhỏ. Sau các thống kê, những hãng Google Inc, Facebook, eBay Inc và Amazon.com cùng với cộng đồng thương mại internet đã hao tốn $1.2 tỉ từ 1998 đến nay, so với hơn $900 triệu tiền vận động từ kỹ nghệ giải trí.

Cuộc chiến lạ, có thể chưa từng thấy, giữa cộng đồng internet cũng cho thấy sức mạnh ghê gớm của thế giới mạng ảo. Nhiều người Việt có thể cũng kỳ vọng chính phương tiện này có thể mở một con đường thay đổi cho tình thế quê nhà hiện nay.
TD