Menu Close

Chat đi!

Trangđài muốn khởi xướng “CHAT Đi!” để qua các cuộc trao đổi thân mật về những đề tài mà các bạn trẻ quan tâm, mục này xin được làm diễn đàn lưu động nối kết các bạn trẻ Việt gốc “hải ngoại”toàn cầu và trao đổi những suy nghĩ về các thế hệ ngoại biên. 

“CHAT Đi!” phóng cái nhìn mới về sự hiện diện của người Việt hải ngoại: để coi đó là một sự bắt đầu, một sự khai phóng của Hương Việt đi vào quỹ đạo thế giới, trong ý thức về những đa tuyến trầm ca của lịch sử dân tộc.

Trò chuyện cùng 
Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Hồ Đình Nghiêm 
thực hiện

Hồ Đình Nghiêm: Ban đầu là một cảm nhận, rất ngắn, gửi tới diễn đàn Da Màu. Trình bày sự mến chuộng về bài viết của người ký tên Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Tên gọi, những tâm tình dàn trải trong bài viết đã có hấp lực lôi kéo tôi, lôi cho đến hết năm con Mèo. Năm Rồng “vờn nguyệt giỡn mây” đang tới, và mang theo nó một bất ngờ nằm ngoài trông đợi. Hãy cho tôi tưởng tượng đây là lộc đầu năm tôi hái được, từ một cành hoa xa xôi, nở trong mộng mị, chiêm bao có đầy ở thế giới ảo.

Xin cám ơn chị Trangđài đã mở cửa cho tôi, kẻ tò mò, được lân la kề cận. Trước tiên tôi muốn hỏi chị, chị có tin tới một chữ Duyên? Hãy thử nhớ lại, thuở ban đầu, duyên do gì đã xúi giục chị làm thơ, viết văn và treo chúng trên những trang báo điện tử?

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: Nhà văn Hồ Đình Nghiêm đầu năm định làm ông thầy bói, bắt mạch xem tôi có “duy tâm” không chứ gì? Duyên thì tôi tin chứ, mà tôi tin vào cả Duyên do Trời tạo và Duyên do Người dựng (cũng như Duyên do Đất lập, cho đủ Thiên Địa Nhân). Mà Duyên thì tôi nghĩ là song phương. Cái chuyện lôi kéo độc giả, cái tên và cái chữ của anh cũng có phần chủ mưu đối với nhiều người mà!

Việc treo bài trên mạng đối với tôi chỉ là một sinh hoạt rất bình thường của người cầm bút hiện nay. Tôi tập viết từ nhỏ, những bài thơ hồi sơ cấp, đăng báo tường ở Việt Nam. Bị con chữ nó ám từ đó, tới giờ vẫn còn, có thể nặng hơn, nhưng đã tìm ra đôi cách để ám lại nó, tuy vẫn vụng về và chưa được đắc ý. 

À, xin anh cẩn thận! Cái thế giới ảo không hẳn là không thực đâu nhé! Nghĩ xem, cái mạng ảo đã chuyển núi dời non và nêm nếm lại đời sống của chúng ta đến chừng nào rồi. 

HĐN: Vâng, nhờ chị mách, tôi đã ngộ, và tin: ảo là thật lúc này, thật đôi khi là ảo lúc khác. Cuộc sống nhờ vậy sẽ thi vị hơn lên, cám ơn chị. Dù gì thì tôi cũng ngoan cố làm thầy bói lần nữa, sáng mắt chứ không mù lòa: rằng chị là người thành đạt, học vị cao, hoàn tất nhiều công trình, nhiều bằng cấp. Thầy bói thắc mắc: những thành tựu ấy có mang lại lợi ích, sự hỗ tương, bổ sung thêm cho người đa tình đèo bồng nợ văn chương? Tôi đoán, với lịch làm việc đặc kín thế kia, chị tìm đâu ra khoảng trống để gửi tấc lòng đi xa, chút mơ mộng? Những bạn văn tôi quen đều ca một câu vọng cổ ai oán: Chịu thôi, thời giờ eo hẹp quá xá quà xa!

TGT: Anh hỏi một lúc đến mấy câu, câu nào cũng mênh mông. Ông thầy bói này sáng quá, làm tôi bắt đầu lo rồi.

Về chuyện học hành, tôi theo học nhiều chuyên môn vì nhiều lý do, nhưng chỉ xin đề cập đến hai lý do chính ở đây. Thứ nhất, 19 năm học hành của tôi ở Việt Nam giống như một lớp Thiền do chính tôi tự tìm công án. Chương trình “cải cách giáo dục”,  do chính quyền mới áp đặt trên những người sinh năm 1975 như tôi và sau đó, không cho tôi một kiến thức căn bản nào. Nó là một lối giáo dục bỏ ngõ (chứ không phải mở ngõ). Bỏ ngõ, vì nó không có người đủ tư cách và khả năng để đứng lớp và điều hành hệ thống giáo dục (chính xác hơn là “bộ máy nhồi sọ”). Do đó, khi đến Mỹ năm 1994, tuy phải làm nhiều việc tạp dịch để mưu sinh ban đầu, tôi vẫn luôn đi tìm những cơ hội để “gây vốn” lại cho kiến thức của mình. Học không chỉ trong trường lớp, mà cả ở trường đời. Thứ hai, tôi có ý hướng phục vụ xã hội, và tâm nguyện rằng, mình cần tự đào luyện cho đến nơi đến chốn để được hữu dụng. 

Viết, đối với tôi, không chỉ là việc gửi một tấc lòng đi xa. Viết là sống. Viết là uống nước. Thử ăn cá kho tộ mà không uống nước cả ngày. Đến lúc được uống, thì nước ngon hơn bất cứ thứ gì trên đời. Viết là để thở. Không viết như bị ngộp. Ngộp lâu ngày sẽ chết. Viết là để yêu, vì tôi thường viết về những gì mình yêu. Một chọn lựa ích kỷ, nhưng từ cái ích kỷ đó, tôi mới chia được cái hạnh phúc của riêng tôi với cuộc đời, nhất là với những ai cũng yêu những cái tôi yêu. Và việc viết (sống, theo nghĩa bóng) luôn được hội lực với không chỉ cái học, mà cả việc sống (nghĩa đen) của tôi nữa. Cái học hỗ trợ cho việc viết, nhưng cái học sẽ khô khan và chán phèo nếu không có sáng tạo. Cái học sẽ thành mồ chôn con người nếu họ không dùng nó một cách chủ động.

Khi viết (trên bàn phím hay trong đầu), tôi luôn cảm thấy mình đang đi nước đôi, đi hai hàng, bị kẹt ở giữa, và luôn luôn thất bại với ý định làm thông ngôn cho hai thế giới của kinh nghiệm và của chữ nghĩa. Và vì vậy, tôi luôn là học viên của môn học rất hào hứng nhưng khó khăn này. Học viên tuy chăm chỉ, nhưng lưu ban kinh niên.
HĐN: Ồ, hóa ra chị sinh năm 1975, nếu bằng số tuổi của chị hiện giờ, tôi nhớ mình là một thằng con trai vẫn dại khờ, có nghĩa là cà lăm, không nói năng lưu loát và hay ho được như chị. Tôi thật sự lấy làm thích thú được nói chuyện với chị, kèm theo chút đề phòng, vì đối diện mình là một cô tuổi trẻ tài cao. 1975, chị chào đời vào một thời điểm đáng nhớ, đó là đốm mực hoen ố khó nhạt phai trong tâm tưởng người Việt lưu vong ở thế hệ trước. Xin chị cho biết vài cảm nhận của chị, một cái nhìn của người sinh vào  khúc quanh “hòa bình” về cuộc chiến tương tàn ngày cũ?

TGT: Ông nhà bói HĐN hơi… rộng lượng rồi! Tôi không có tài gì, và lúc nào cũng là học trò mới trong cuộc đời này. Ông thầy bói không cần đề phòng làm gì.

Tôi sinh vào mùa Thu, nên vẫn còn nằm trong bọc nước ối trong ngày 30 tháng 4, 1975. Tuy nhiên, chắc chắn những bấn loạn bên ngoài đã trực tiếp truyền qua cơ thể và tâm tư của Mẹ vào tôi. Khi có mang lần đầu, tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu nói về quan hệ mật thiết giữa thai nhi và thai phụ. Có lẽ chính những cái kinh hoàng, hoảng hốt, vô vọng mà Mẹ tôi trải qua lúc ấy đã giúp tôi dễ dàng bắt được sự thông cảm với những người tôi đã phỏng vấn về kinh nghiệm chiến tranh và di dân trong các dự án nghiên cứu sau này. 

Bây giờ, với những hiểu biết thu nhận được qua nghiên cứu và kinh nghiệm sống trong một môi trường Việt hải ngoại, tôi nhìn về 30 tháng Tư như một cuộc đắm tàu, và sau cuộc đắm tàu đó, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác phải trôi bập bềnh giữa biển và trôi vô hạn định. Mãi đến mười chín năm sau, chúng tôi được chương trình đoàn tụ gia đình ODP của chính phủ Mỹ kéo vào bờ. 

Mới lên bờ, tuy còn ngoi ngóp, nhưng tôi xắn tay vào việc tìm hiểu về cuộc đắm tàu và những hậu vận và cả tiền kiếp của nó. Tôi đã ghi lại chứng từ của hàng trăm người về kinh nghiệm của họ trước, trong, và sau cuộc đắm tàu ấy. Nhưng tất cả những lời kể đó vẫn đứng ngoài tôi, tuy chúng vẫn làm tôi thao thức bao đêm, làm tôi bật khóc (bất ngờ) trong những lần thuyết trình. 30 tháng Tư đối với tôi vẫn là một tiềm thức bất thành văn – nó là những cảm nhận thông qua cơ thể của Mẹ, khi tôi chưa có tư duy, và những nhận định thông qua cuộc đời của đồng bào hải ngoại khi tôi tập vào đời.

Nên dù có biết lịch sử của bao nhiêu dòng đời đi nữa, thì tôi vẫn nhìn về 30-4-1975 với một khoảng cách: khoảng cách về thời gian và về kinh nghiệm. Có một sự khác biệt lớn giữa kinh nghiệm trực tiếp và kinh nghiệm ghi nhận. Nhiều người thoát khỏi Việt Nam ngay sau 1975 vẫn hỏi tôi về hoàn cảnh sống tại Việt Nam sau đó. Họ sẽ không bao giờ hiểu nổi cái kinh hoàng của những năm tháng hậu chiến. Cũng vậy, tôi sẽ không bao giờ có được cái nhận thức và cảm nghiệm trực tiếp của Tháng Tư Đen, nhưng tôi vẫn luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh của thế hệ cha mẹ và hỏi: họ đã làm gì để vượt qua những hầm đen hố thẳm này?

alt

Trangđài (bìa phải) trong một buổi thảo luận về chương trình Fulbright tại United Nations Plaza, Manhattan, 2007.

HĐN: Chị nhắc về Mẹ, chị tìm hiểu “quan hệ mật thiết” giữa chị và hài nhi khi chị mang thai. Mọi chuyện đã sang trang, giờ này chị quan niệm thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội? Tôi nghi ngờ dường như vẫn còn đó lối suy nghĩ lệch lạc: Đàn ông vẫn luôn muốn làm chủ… Chị có gióng lên tiếng nói nào không? Một hình thức phản kháng.

TGT: Câu hỏi này cần được trả lời theo hoàn cảnh địa phương, nếu không nói là cá nhân. Và cũng không thể trả lời một cách trọn vẹn trong vài câu được. Nhiều người đã làm luận án, viết sách, lập diễn đàn về đề tài này, ra chính sách, lập phong trào, vân vân, nhưng nó vẫn còn là một cuộc chơi chỉ mới mở màn. Ở đây, tôi chỉ có thể đưa ra vài nhận xét rất cô đọng. Mỗi phụ nữ có một hoàn cảnh rất riêng biệt. Nhận xét của tôi phản ánh cái nhìn của một người có gia đình và có con, lớn lên ở Việt Nam nhưng đang sinh sống tại Mỹ, tuy nhận xét đó có thể rất khác với nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh sống.

Cho phép tôi lặp lại là mối quan hệ mật thiết giữa thai nhi và thai phụ (trong thứ tự này), vì thai nhi tuy là người đến “lập nghiệp”trong bụng thai phụ, nhưng lại là người quyết định cả tiến trình thai nghén và những thay đổi trong cơ thể người mẹ. Tiến sĩ Peter Nathanielsz, trong quyển The Prenatal Prescription, (2001, Harper Collins) đã nói về vai trò chủ động của thai nhi trong thai trình. 

Tôi muốn nói về việc này cũng để đưa ra một nhận xét về tương quan nam nữ. Đàn ông có lẽ không bao giờ hiểu nổi sự tận hiến của người mẹ đối với con cái, tại sao họ có thể làm tất cả vì con. Chồng tôi hay phàn nàn là tôi có ông xã nhỏ khi ảnh ngộ ra mình đã tuột xuống hàng hai. Hồi mới mang thai, tôi hay nhắc chồng “nói chuyện”với con buổi tối. Tôi nói với con cả ngày mà vẫn có chuyện để nói. Chồng tôi đêm nào cũng chỉ đúng thủ tục, và chỉ bấy nhiêu thôi: “Chào con. Ba đây. Con khỏe không?” Thai nghén và sinh nở cho người phụ nữ một nhân sinh quan và vũ trụ quan rất khác với đàn ông. Nhưng điều đáng nói ở đây là: chồng tôi không muốn bị lép vế, ngay cả khi “lép”với cục cưng của ảnh. Vậy thì chắc là như HĐN nói, đàn ông vẫn muốn đóng vai chủ sự, ngay cả trong chuyện được yêu (vốn có vẻ như một nghịch lý, vì được hàm chứa vai trò bị động).

Trong xã hội nói chung, sự bình đẳng nam nữ vẫn còn rất giới hạn, ngay cả ở các nước tự coi là văn minh, tiến bộ. Mỗi nơi có những điểm hay và điểm dở. Ở Mỹ, phụ nữ có nhiều quyền bình đẳng và nhiều cơ hội, nhưng họ vẫn lãnh lương thấp hơn, ít được giữ các vai trò lãnh đạo hay chuyên môn như nam giới. Một số chuyên ngành vẫn còn là đặc quyền cho nam giới. Trên thế giới, tình trạng “bần cùng hóa” nữ giới  (feminization of poverty) vẫn còn là một thách đố lớn. Hơn nữa, phụ nữ vẫn có những khác biệt về thể lý so với nam giới, và vai trò của họ trong sứ mạng duy trì sự sống của nhân loại vẫn là một trách nhiệm lớn mà xã hội vẫn coi như một việc họ phải làm, mà không tạo điều kiện thuận lợi cho họ chu toàn việc này. Một người mẹ trẻ với công việc toàn thời gian và một mức sống trung bình sẽ phải luôn tranh thủ để vừa mưu sinh vừa chăm sóc con, không có được thời gian cần thiết để hồi sức sau khi sinh, hay tận hưởng niềm vui được làm mẹ. Như vậy, họ bị thời khóa biểu khống chế, và gánh nặng tài chính kềm tỏa.

Cho nên khi chọn sinh con, người phụ nữ vẫn không được xã hội hỗ trợ, và tuy phong trào có con đang rầm rộ ở Hollywood và trên báo chí Mỹ, những vất vả, hy sinh trong việc nuôi dạy chăm sóc con vẫn nằm trên vai người phụ nữ, mặc dù thống kê ở Mỹ cho thấy các ông bố hiện nay đang đóng một vai trò tích cực hơn trong việc chăm sóc con so với những thập niên trước.

alt
Tác giả trong một buổi thảo luận về chương trình Fulbright tại United Nations Plaza, Manhattan, 2007.

Tôi cũng tin vào giá trị của tinh thần mẫu hệ, vốn là văn hóa gốc của Việt Nam và sau này bị chế độ trọng nam khinh nữ của Tàu lấn ép. Tuy vậy, cái sức sống tiềm tàng vẫn còn tuôn chảy trong nếp sống của người Việt. Cái Nguyên Lý Mẹ vẫn còn hiện diện qua nhiều cách trong tiềm thức cộng thông của chúng ta. Giới nhân chủng học cho rằng phần lớn các văn hóa trên thế giới đều khởi đi từ chế độ mẫu hệ. Có lẽ xã hội loài người rồi cũng sẽ tìm ra một cân bằng giới tính sau những giai đoạn mất thăng bằng.
Tôi đã nói nhiều quá rồi, mà vẫn chưa đi đến đâu. Tôi xin dừng ở đây.

HĐN