Menu Close

Ngưu Lang Chức Nữ: một thực tế


Toàn cầu hóa và đời sống “di động”

Khi cô cháu gái của tôi bắt đầu đi chập chững và bập bẹ những âm thanh chưa chịu tuân thủ “quỹ đạo Việt ngữ” thì tôi đang đi học xa nhà.  Mỗi ngày, tôi gọi điện thoại cầm tay về thăm nhà qua chương trình mobile-to-mobile miễn phí. Lần nào, con bé cũng nhất định tham gia. Nó ư ư e e, vụng về cầm lấy điện thoại áp sát vào tai. Và đối với con bé, tôi đồng nghĩa với cái điện thoại của Mẹ tôi. Con bé có thói quen điểm danh tất cả mọi người trong nhà. Ai có mặt thì nó nhận diện, ai không có mặt thì nó chỉ về phía phòng ngủ của người ấy. Đến lượt tôi, nó sẽ chỉ vào cái điện thoại. Đó, dì Sáu của nó nằm trong cái điện thoại.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, tiến trình toàn cầu hóa càng tạo thêm nhiều cơ hội cho con người di chuyển và sinh sống ở nhiều nơi khác nhau vì nhiều lý do khác nhau, từ thăng tiến công việc, học hành, cho đến du ngoạn giải trí. Ở Mỹ, một đời sống lưu động vốn không phải là điều mới lạ. Tuy nhiên, cường độ lặp lại của lối sống di động ngày càng tăng thêm theo bước tiến của toàn cầu hóa. Một thực tế của đời sống hiện nay là hiện tượng thay đổi nơi sinh hoạt và sinh sống khá thường xuyên của một số thành phần xã hội mà công việc và lối sống gắn liền với nhiều địa điểm.

Một đời sống di động, vốn được lãng mạn hóa trong thời sơ sinh của xe lửa xuyên lục địa hay thời thơ ấu của kỹ nghệ hàng không trong các thế kỷ trước, nay trở thành một hiện thực hết sức tự nhiên và bình thường. Kẻ lãng du “Vagabond”  không còn là một ngoại lệ, mà là một thường lệ – thậm chí một danh hiệu thương mại. Đặc biệt, nếu chúng ta nhìn vào các chương trình tu nghiệp của các chuyên viên, đây không chỉ là cơ hội để phát triển kỹ năng mà còn là dịp để đi cho biết đó biết đây. Trau dồi kiến thức chuyên môn hay thu thập thông tin cập nhậts chuyên ngành qua những khóa huấn luyện ngắn hạn được “tưởng thưởng” bằng những “bonus” chẳng hạn như những chuyến du ngoạn ở những nơi tổ chức tu nghiệp. Và thường thì địa điểm luôn là một trong những yếu tố được dùng để quyến rũ tham dự viên.  Những địa điểm nổi tiếng, những thành phố lớn, và cả những địa danh trên đà bùng nổ được tận dụng tối đa để đưa con người đến mọi miền thế giới.

Điều cần được nói đến ở đây là những thử thách trong lối sống di động này. Tuy sự đa dạng và phong phú của một đời sống di động là một điều rõ ràng, những khó khăn và thiệt hại trong lối sống này cũng hiển nhiên không kém. Trong khi vinh hạnh được sống và thẩm thấu một vùng đất mới trong một thời gian ngắn là một hứa hẹn cho một kinh nghiệm cụ thể và một sự gắn bó khá thân mật với miền đất ấy, không như việc “cưỡi ngựa xem hoa”  trong một chuyến du lịch ngắn hạn, cái vinh hạnh ấy cũng đồng nghĩa với những điều chỉnh nhất thiết từ không gian sống, tình cảm, cho đến việc làm quen với đời sống hằng ngày ở mỗi nơi.  Và đến một lúc nào đó, và điều này khác nhau tùy theo tâm tính của mỗi người, sự di động cũng làm cho tinh thần mỏi mệt và tình cảm bị chi phối đến mức độ làm cho mỗi cuộc di chuyển là một sự căng thẳng và mất mát. Miền đất mới không còn là một giấc mơ đầy hứa hẹn nữa. Trái tim bắt đầu đi tìm một mái ấm, và tinh thần mong mỏi một sự ổn định.

Thiếp đưa chàng về dinh

Tôi nhớ, ở vùng quê ngoại tôi thuộc xã Bình Phú Đông ở huyện Gò Công ngày xưa, lúc tôi còn sinh sống ở quê nhà, mỗi khi có một đôi vợ chồng trẻ mới lấy nhau, thì họ “ra riêng” bằng cách xây một căn chòi hay mái lều nhỏ gần nơi cư trú của cha mẹ bên chồng. Thường thì các cặp uyên ương “ra riêng”  mỗi độ ra Giêng. Rồi sau một thời gian, khi con cái bắt đầu được nhập khẩu trong gia đình mới, thì đôi vợ chồng lại mở mang nhà cửa, cất thêm một cái chái phía sau hay cất thêm một gian bên để có đủ chỗ cho gia đình sinh sống. Việc tòng phu, đã hằng bao thế kỷ là một quy luật bất biến cho người Việt, nay không còn là thông lệ nữa, nhất là ở những cộng đồng ngoại biên. Và ở nhiều nơi, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được một mảnh đất gần nhà cha mẹ để gầy dựng mái ấm mới.

Ở Mỹ, chuyện ra riêng đối với một số gia đình trẻ là tất yếu, nhưng vẫn có rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn tam đại đồng đường, duy trì nếp sống thân thiết này.  Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay cũng linh động hơn trong vấn đề quyết định chỗ ở.  Nhiều khi các đức lang quân cũng vì chọn lựa tốt nhất cho cả hai, sẽ “theo nàng về dinh”.Tôi không dám ăn theo định kiến phổ cập ở Mỹ là phụ nữ có giá hơn nam giới, vì tôi muốn tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ. Một điều mà tôi nhận xét trong đời sống của người Việt ở hải ngoại hiện nay là, bên cạnh những quy luật giới tính nhất định, tương quan nam nữ trong xã hội và trong quan hệ cá nhân đã trở nên hài hòa hơn – tuy vẫn còn nhiều mặt nên cải thiện. Vì tình yêu, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con cái, nhiều bậc mày râu đã khẳng khái chọn điều tốt nhất cho mình cho dù chọn lựa đó – trong quan điểm trước đây – xem chừng hơi thiệt thòi cho họ.

Một điều khác cần được đề cập đến là chiều kích pháp lý và nhân sinh quan trong xã hội Âu Mỹ. Với khả năng lao động và quyền bình đẳng do pháp luật ấn định, phụ nữ ngày nay cũng có quyền và môi trường để mưu sinh. Điều này không có nghĩa là họ bắt buộc phải trở thành cột trụ kinh tế của gia đình, nhưng đồng lao cộng khó với chồng để cưu mang gia đình mới. Trong mối tương quan mới này, thiếp đưa chàng về dinh không có nghĩa là chàng lệ thuộc vào thiếp.  Ngược lại, với thách đố trong đời sống kinh tế hiện nay, cả hai vợ chồng đều cần tận lực để cùng mưu tạo thu nhập và chu cấp cho gia đình. Trách nhiệm cơm áo được san sẻ với nhau, và tạo điều kiện cho quan hệ vợ chồng được thăng hoa trong tinh thần hỗ tương.

Phương cách để “trị” sự ngăn cách

Tình nhân muôn thuở như nhau.  Họ căm thù sự ngăn cách. Ở những bến đỗ và bến đi của dòng đời, người ta vẫn bắt gặp những đôi tình nhân rưng lệ trước giờ ly biệt hoặc nhảy cỡn lên ôm chầm lấy nhau trong phút tái ngộ. Cuộc đời sao ngắn ngủi như một gang tay, và đợi chờ trong tình yêu càng làm cho cuộc đời ngắn còn nửa gang tay. Và khi tình yêu ấy nồng nàn trong nghĩa vợ chồng, thì có những ánh mắt lưu luyến bên lề đường khi tiễn chân ở phi trường, hay những lắng lo mỗi khi phi cơ cất cánh, những đêm khó ngủ khi nhớ đến người phối ngẫu ở mãi nơi xa, những xót xa khi biết chồng đi làm vất vả và sống xa cha mẹ vì “vợ gần không cưới anh cưới vợ xa” mà lại không được vợ chăm sóc, hoặc chạnh lòng khi biết chồng thèm cơm vợ nấu mà không dám nói vì không muốn vợ trăn trở. Cái giá của sự ngăn cách quá lớn cho tình yêu và gia đình.  Nên những ngưu lang chức nữ cần thuốc để trị chứng bệnh đương đại này. 

Thường xuyên trò chuyện với nhau là một cách để giết khoảng cách, tuy khoảng cách ấy chẳng chịu “chết”  hộ.  Dành thời gian để liên kết với nhau bằng những cách có thể, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng sống ở những múi giờ khác nhau tại Hoa Kỳ. Nếu cả hai cùng đi làm hay có thời khóa biểu nhất định, thì việc định giờ để hàn huyên qua điện thoại hay gặp nhau trực tuyến qua webcam sẽ cho phép vợ chồng có dịp nâng đỡ nhau về đời sống hằng ngày. Cũng nên xếp thời khóa biểu cho những chuyến gặp gỡ thăm viếng nhau, và tận dụng mỗi cuộc tương ngộ như một tuần trăng mật mini.

Những hình ảnh người chinh phụ hình như không xa lạ đối với thế kỷ hai mươi mốt này, dù hình ảnh ấy có là hình ảnh của một người phụ nữ ở thời đại Đoàn Thị Điểm đi nữa.  Đó là vì có nhiều phụ nữ vẫn canh cánh mong chồng biền biệt phương xa, đánh trận với chiến tranh kinh tế – thậm chí chiến tranh vũ trang.  Những tưởng ngày nay, khoa học kỹ thuật và kỹ nghệ thông tin đã cho phép con người nhận được tin tức từ vạn dặm xa chỉ trong vòng tích tắc đồng hồ.  Thế nhưng có những điều khoa học không làm nổi: để mang một món quà đến cho người thân, người ta vẫn cần người phát thư; để thỏa nỗi nhớ thương mong đợi đối với người thân, bao người vẫn vượt dặm trường trong những dịp lễ thường niên để đoàn tụ với gia đình.  Khoa học không thể “nhớ” thay hay “gặp” thay cho con người được.

Quyết liệt cho ngày châu về hợp phố

Nhưng cho dù có trăm phương ngàn cách đi nữa, thì ngăn cách vẫn là đêm trường tăm tối, là sàn khiêu vũ nơi mà nỗi tương tư vật vã trong tức tưởi. Tất cả những “linh dược” để xoa dịu những đợt sóng gầm của nỗi xa nhau đều là chữa tạm. Giải quyết duy nhất cho những đôi vợ chồng ở hai địa chỉ là: trùng phùng.

Tùy hoàn cảnh của mỗi đôi bạn, việc thu xếp để cùng nhau sinh sống và làm việc tại cùng một địa phương lệ thuộc vào những yếu tố liên quan đến công việc và học hành. Nếu xem việc học là một “công việc,” thì nói chung nơi định cư hay tạm cư dài hạn lệ thuộc vào công việc cá nhân. Trong thời đại mà sự linh động trong đời sống đưa đến khả năng một gia đình hay cá nhân dời đổi nơi sinh sống khá thường xuyên so với các thời đại trước đây, thì thái độ và não trạng “chống-trị ngăn cách” là yếu tố cần thiết.  Khi hoàn cảnh buộc phải xa nhau, dự án đầu tiên và bức bách của một đôi vợ chồng là phải làm sao tìm cách đưa nhau về cùng một tổ ấm.

Đôi khi chúng ta có thể thắc mắc: chẳng hiểu ngày xưa, khi phải xa nhau, thì người ta làm gì cho đỡ… ức?  Khi mà điện thoại chưa có mặt, không kể đến điện thoại cầm tay. Ngày nay, từ điện thoại nhà, điện thoại di động, cho đến email, thư tín… đều cho phép con người liên lạc với nhau nhanh chóng và dễ dàng.  Thế nhưng, điều cần nói ở đây là hiệu ứng của niềm xa cách. Tất cả những phương tiện thông tin kể trên đều có phản ứng phụ của nó. Được nghe giọng phu quân qua điện thoại có thể xoa dịu nỗi nhớ mong, nhưng đồng thời, giọng nói quen thuộc ấy cũng gợi trong lòng người vợ niềm ao ước có được giọng nói ấy rót vào tai mà không phải thông qua cái điện thoại vô duyên tuy hữu dụng kia. Khi mới xa nhau, có thể hai vợ chồng còn muốn “hôn gió” nhau qua điện thoại.  Nhưng có thể lâu ngày, những nụ hôn điện thoại ấy trở nên vô dụng: hôn nhau, nhưng thực ra là hai cái điện thoại được…. hôn.

Ngay cả webcam, tưởng chừng như một phương tiện để làm ngắn khoảng cách và khuây khỏa nỗi nhớ mong, cũng trở nên một chướng ngại vật. Đó là bởi vì, tuy đôi bạn có thể thấy nhau và trò chuyện với nhau “trực tuyến” qua webcam, nhưng chính sự trực tuyến ấy lại là một sự tấn công vào thực tế ngăn cách của họ. Nói yêu nhau qua webcam mãi, cũng đâm tức vì không được chia sẻ một cuộc sống chung. Tưởng tượng cùng ăn tối với nhau qua webcam mãi cũng trở nên vô nghĩa. Nhịp điệu hằng ngày của một đôi vợ chồng chỉ có thể được triển nở và được thực sự nếm trải khi họ được thức dậy bên nhau hằng ngày và thấy nhau trong mỗi niềm vui nỗi sầu.

TG-TN

Tháng bảy mưa ngâu.  Mong quạ đội cầu.