Menu Close

Áo lụa Hà Đông

Phụ nữ, không phải đôi khi, rất khó hiểu. Họ thường ăn mặc, trang sức thật hấp dẫn nhưng hễ có người (đàn ông) ngắm nghía thì lại không muốn để người ta nhìn. Chẳng hạn nếu họ mặc một chiếc váy mini mà thấy ông nào chăm chú nhìn vào thì ngay lập tức họ sẽ lấy túi xách che lại. Tuần qua, công chúa Mary của Đan Mạch, trong một buổi đại yến tiếp nữ tổng thống của Phần Lan, đã làm một cử chỉ tương tự như thế khiến ông Pentti Arajarvi, đệ nhất phu quân Phần Lan, khá mất mặt. Buổi đại yến được nhiều đài truyền hình quay phim và chiếu lại với những lời đàm tiếu về ông. Có phải hoàng gia Đan Mạch cố tình chơi xấu chính phủ Phần Lan hay không? Một đại yến như thế chắc chắn mọi quan khách đều được sắp chỗ trước. Không có chuyện tình cờ người này ngồi kế người kia. Không biết vì sao, ông Arajarvi (đã 63 tuổi), được xếp chỗ ngồi cạnh nàng Mary trẻ đẹp mà lại không ngồi cạnh chồng của nữ hoàng Margrethe để đàn ông với nhau dễ nói chuyện hơn. Nếu hoàng gia muốn sắp xếp nam nữ ngồi xen kẽ thì đúng ra ông Arajarvi phải được ngồi cạnh với nữ hoàng chứ? Thành ra, ông Arajarvi ăn rồi… ngồi không, có lẽ chẳng biết nói hay làm gì, đành liếc nhìn chiếc áo dạ hội lộng lẫy cùng với những viên ngọc đen lấp lánh trên cổ trắng ngần của công chúa Mary cho hết giờ. Ai ngờ, nhìn chỉ chút xíu đó thôi mà cũng thành chuyện lớn! Có thể một phần cũng tại vì công chúa Mary cố tình đưa bàn tay lên che ngực khi vừa thấy ông Arajarvi liếc nhìn như thế. Không riêng gì đệ nhất phu quân, có lẽ nhiều người đàn ông bình thường (và khỏe mạnh) khác cũng muốn chiêm ngưỡng cái cổ áo dạ hội với đường cắt may rất đài các chạy vòng phía dưới những viên ngọc kiêu sa của công chúa Mary.

alt

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng (Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông?)             

alt

Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình (Với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt)

Không lẽ một xã hội Âu châu cởi mở như Đan Mạch và Phần Lan ngày nay mà lại bảo thủ hơn cả Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ? Thời ấy, Nguyên Sa đã làm bài thơ Áo Lụa Hà Đông với những lời rất gợi cảm mà chẳng có ai nói gì.

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Nắng Sài Gòn mà ở… trần cũng toát mồ hôi chứ nói gì mặc áo lụa. Vậy mà thi sĩ Nguyên Sa đang đi giữa phố gặp một cô gái mặc áo lụa thì chợt thấy… mát! Cũng chiếc áo lụa ấy mà được treo trong tủ kính một tiệm may thì không biết nhà thơ Nguyên Sa có thấy mát gì không? Hay là văn hóa Việt Nam thời ấy cũng bảo thủ nhưng khi được diễn tả bằng thơ thì… không sao? Nếu quả thật vậy thì đàn ông, để tránh bị đàm tiếu như ông Arajarvi, nên học cách làm thơ kiểu Nguyên Sa. Lỡ bị bắt gặp đang tò mò muốn biết đấy có phải là nước biển hay chất liệu gì khác mà… đẹp thế, đàn ông có thể lịch sự hỏi… nhỏ:

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

HNH