Lời Tòa soạn: Để săn ảnh loài chim Cú Tuyết, hai nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn đã thực hiện một cuộc hành trình từ Florida lái xe băng qua nhiều tiểu bang, đi và về hơn bốn ngàn bốn trăm miles để đến miền Bắc Canada nơi mà thường xuyên những ngày dưới 0 độ F. Mời quý độc giả theo chân hai nhiếp ảnh gia này trong loạt bài Mùa Đông, Đi Vê Hướng Bắc.

Tác giả ở “bên cầu biên giới” bắc ngang sông Mississippi
Trời chập choạng, hai lữ khách rời khu trạm nghỉ Chatanooga hướng ra xa lộ. Tôi bó gối trên ghế, não bộ đang bắt đầu trạng thái linh hoạt sau khi uống gần trọn ly café ice latte.
Đoạn xa lộ I-24 nối liền giữa hai thành phố của tiểu bang Tennessee: Chatanooga và Nashville. Chúng tôi đang ghé ngang quê hương của ông Vua Nhạc Rock & Roll nổi tiếng, và đến tiếc rẻ đã chẳng thể viếng thăm căn nhà Graceland của Elvis ở Memphis- một tư gia có nhiều khách viếng thăm thứ nhì nước Mỹ, sau Tòa Bạch Ốc của tổng thống Obama. Tôi lục tìm cái CD, mở nghe lại ca khúc yêu thích. Giọng ca Elvis Presley trầm ấm, say đắm, da diết giữa đêm vắng:
Are You Lonesome Tonight?
Do you miss me tonight?
Are you sorry we drifted apart?
…………………..
“Are You Lonesome Tonight”, ca khúc bất hủ được viết bởi Roy Turk & Lou Handman vào năm 1926, Elvis đã thâu tại phòng thâu RCA ở thành phố Nashville vào tháng 4 năm 1960. Tôi chợt nhiên miên man suy tưởng khi thưởng thức âm hưởng đầy hoài niệm của bản nhạc tình tuyệt vời này.
Đêm thênh thang. Chiếc Chevy Impala độc hành trên xa lộ không đèn. Mấy cái đĩa nhạc CD replay hàng giờ liên tục, cảm xúc tôi thay đổi theo tần số sóng âm, lúc êm ả ru ngủ khi thì xập xình kích động màng nhĩ.
Xe chạy qua vùng quê heo hút, cảnh vật tẻ nhạt. Tôi chú ý đến mấy cái bảng billboard dọc đường quảng cáo motel vùng này chỉ $29/đêm; chợt ngẫm nghĩ ai sẽ là người thiết tha du lịch đến cái chốn hẩm hiu này.
Bình xăng dần cạn sau hàng giờ trên xa lộ. Chúng tôi dừng ở một trạm xăng nhỏ, khu vực này giá xăng $3.45 một gallon. Thường, những trạm xăng gần xa lộ luôn tiện lợi nhưng giá xăng cao hơn những khu trong phố, dù chỉ mươi phút bất tiện nhưng chúng tôi có thể thoải mái đổ đầy bình xăng với giá rẻ hơn vài chục cent. Du lịch đường xa, điều bạn quan tâm nhất là gì: giá xăng dầu. Kinh tế càng phục hồi, thì giá cả tại các trạm xăng có khuynh hướng càng gia tăng. Chi phí trung bình quốc gia của xăng hạng thường (regular unleaded gasoline) nói riêng đã 8% cao hơn trong năm nay, hiện tại là $3.529 / gallon, theo AAA. Dù nhu cầu nhiên liệu giảm đi 10%, dân Mỹ lái xe ít hơn nhưng số tiền phải chi cho xăng dầu lại tăng hơn.

Andy Nguyễn ở một trạm xăng Tennessee
Tôi bước vào trạm xăng mua thêm vài món snack, Andy nhanh nhẹn lau chùi mặt kiếng xe, gương chiếu hậu, và đổ xăng. Chúng tôi quen với việc lái xuyên bang trong đêm nên việc giữ kiếng xe sạch, không vết bẩn để không bị cản tầm nhìn, rất quan trọng trong nguyên tắc an toàn lái xe; vì khi thiếu ánh sáng mặt trời, mắt người nhận diện màu sắc kém hơn, do đó thị lực cần độ sáng gấp đôi so với những người trẻ tuổi. Việc lái xe ban đêm phụ thuộc vào 90% khả năng quan sát của người cầm tay lái. Khi thị giác đã quen với bóng tối thì việc tập trung, quan sát cũng khá thư thả và điều thú vị là chúng tôi không phải căng thẳng giữa dòng xe cộ tấp nập. Để chống chọi với cơn buồn ngủ giữa khuya, bạn có thể kích thích não bộ bằng những cảm giác căng thẳng, “rùng rợn” khi tập trung nghe những audio đọc truyện ma kinh dị của Nguyễn Ngọc Ngạn!
Trên xa lộ, một cửa hàng rộng lớn bán pháo, đèn chớp sáng rùm trời, rất thu hút du khách. Qua những chuyến đi inter-states trong nhiều năm trở lại, chúng tôi nhận xét rằng những tiệm bán pháo rất thông dụng ở các tiểu bang “nhà quê” miền trung và nam nước Mỹ. Trong khi những khu thành thị ở nhiều tiểu bang có luật cấm bán/đốt pháo vì lý do an toàn, những vùng thôn quê đồng trống không bị ảnh hưởng bởi luật này. Nếu gặp giữa ban ngày tôi cũng thường tò mò ghé mua và đốt tại chỗ vài phong pháo thử “vận may”, hay mua về để dành cho mùa Tết Nguyên Đán năm sau.
Trời sáng dần. Tấp ngang McDonald’s, tôi nạp năng lượng bằng 2 cái bánh táo nướng nhẹ calories và 1 bình sữa non-fat; Andy thì xực gọn 2 cái hashbrowns khoai tây chiên.
Xe dần tiến lên độ cao, tôi cảm giác lùng bùng màng nhĩ. Khí áp và địa thế thay đổi suốt chiều dài chuyến đi; từ những miền đồng bằng (Florida, Georgia) lên đến vùng đồi núi chập chùng.
Dãy núi Appalachian Mountains lờ mờ trong màn sương sớm. Đây chỉ là một đầu của dãy núi chạy dọc qua nhiều tiểu bang miền Đông nước Mỹ và Canada; điểm cuối dãy đá này ở Nova Scotia. Một lần, lái xe qua đoạn đèo núi hiểm trở West Virginia, mưa đêm như thác nước mịt mù tầm nhìn, tôi mở quạt nước tối đa, giảm tốc độ xuống chỉ 15mph chậm hơn giới hạn tốc độ 40 mph, vẫn nơm nớp cảm giác bị tai nạn. Dọ dẫm qua từng cua quẹo, hơn nửa giờ sau tôi nhẹ nhõm thoát khỏi cơn giông của vùng núi đồi hiểm nghèo đó.

Downtown St. Louis
Rạng sáng, chúng tôi đến St. Louis và tìm vào khu downtown. Andy gọi St. Louis là “thành phố Thép” vì nơi này có rất nhiều cầu sắt được xây trong nhiều thập niên qua. Downtown St. Louis lờ mờ trong màn sương mù ảm đạm, phố cuối tuần thưa thớt khách vãng lai. Chúng tôi tìm được parking trong khu phố cũ, rồi lội bộ đến khu Riverfront cạnh bờ sông Mississippi hùng vĩ danh tiếng. Tôi đứng chụp hình ở “bên cầu biên giới” bắt ngang dòng sông Mississippi.
Một kiến trúc hình vòng cung mỗi lúc một lớn dần trong tầm mắt, sừng sững mờ ảo trong màn sương mù.Thoạt nhìn, trông như cây cầu vòng thép khổng lồ ẩn hiện kỳ bí giữa những đám mây.

Đặng Mỹ Hạnh dưới chân cầu vòng Thép
Tỉ lệ giữa người và kiến trúc đồ sộ
Khó có thể tưởng tượng đây là một “kỳ quan” của con người –Gateway Arch – một kiến trúc tuyệt đẹp; được chọn trong một cuộc thi vẽ kiểu cho đài tưởng niệm vinh danh những người tiên phong về miền Tây Mỹ vào năm 1947 (sau khi Đệ Nhị Thế Chiến vừa kết thúc). Cầu vòng Gateway Arch không chỉ là biểu tượng của thành phố St. Louis mà còn là Đài Tưởng Niệm Quốc Gia (Jefferson National Expansion Memorial).
Hàng giờ ê ẩm trên ghế xe nên hai chúng tôi không chút phàn nàn leo hàng chục bậc thang cấp để được cảm giác chạm tay vào mặt thép lạnh của chân móng cầu vòng. Công trình vĩ đại này đã được bắt đầu vào năm 1963 với hai đầu cầu vòng cách nhau 630 feet, và được xây lên cao dần và nối lại ở điểm cao nhất (630 feet) vào năm 1965. Với kinh phí 13 triệu đô, Gateway Arch được xây cất bằng thép, rất vững chắc, và có thể chịu đựng những luồng gió mạnh và động đất.
Tôi ngước nhìn lần cuối “cây cầu vòng thép” với tất cả sự ngưỡng mộ.Văn minh phải chăng chính là trình độ chế ngự thiên nhiên của con người?
Rời St. Louis, cơn mưa rỉ rả suốt dọc đường. Tôi giở xem lại tấm bản đồ hành trình chi chít những biển chỉ dẫn, phương hướng, lộ trình-như cấu trúc và hình dạng cuộc sống- cuốn hút và phức tạp.
Sau mỗi chuyến đi xa, tôi luôn mang cảm giác mình đang lớn thêm và trái đất dường như dần nhỏ lại…
Email:songlove@ndshow.com