Thắng Đào. Một nghệ sĩ ballet thượng thặng. Một đạo diễn giàu sáng tạo. Một tâm hồn thiết tha với lịch sử, mẫn cảm với tâm sự của người thân. Chiến tranh. Anh nghĩ đến chiến tranh, dù anh chưa từng đối mặt với nó. Nhưng cái vết xước của chiến tranh còn rỉ máu trên cuộc đời mẹ, nên anh biết, chiến tranh vẫn còn lảng vảng đâu đây, vẫn còn trong thớ thịt làn da. Nên từ nhỏ, anh đã thấm nghiệm rằng, người phụ nữ Việt, qua bao giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, vẫn gánh chịu nhiều cay đắng nhất, nhiều thiệt thòi nhất, nhiều đau đớn nhất. Nên khi đã thành danh trên sân khấu quốc tế, anh về nhà, để vỗ về vết đau của mẹ, qua “Vết Lăn Trầm.” Một sự báo hiếu thật thấm thía, thật đáng yêu, thật nhiều xúc động. Thật ý nghĩa. Đến rưng rưng.

Thắng Đào
New York. Và Thắng Đào.
New York, New York. Anh là một cư dân của Upper West Side. Một thường trú nhân tại Trung tâm nghệ thuật thế giới. Là thành viên của Thủ đô sáng tạo.
Thắng vượt biển cùng mẹ và anh khi mới hai tuổi, từ nơi chôn nhau cắt rốn, Đà Nẵng. Ba mẹ con đi nhiều lần, nhưng đều thất bại. Công an hăm dọa sẽ bắn chết nếu bị bắt vượt biên lần nữa. May thay, cả nhà thoát được trong lần cuối.
Gia đình định cư tại Thành phố các thiên thần, California. Thắng tìm cách xin vào các trường chuyên. Anh tham gia tập múa sau giờ học, và đã tự xin vào một trường tư, Viện Nghệ Thuật bậc Trung học, tại Los Angeles.
Trong những năm trung học, Thắng nhận ra rằng mình rất yêu ballet. Anh cố gắng hết mức trong ba năm học tại Academy. Năm tốt nghiệp trung học, Thắng đoạt được giải Spotlight, và được chọn vào trường danh tiếng Julliard School tại New York. Gia đình anh ủng hộ. Thắng khăn gói lên đường, một mình đến Thủ đô sáng tạo.
Julliard School là một trường danh giá nhất trên thế giới về nghệ thuật trình diễn, tọa lạc tại New York City với thành phần sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng giữa cái háo hức của một tương lai đầy hứa hẹn, Thắng đăm đắm nỗi nhớ nhà. “Nhớ nhà quá,” anh nói. Không có hơi ấm mẹ cha. Đói khát không khí gia đình. Thắng đã làm gì để vượt qua giai đoạn chuyển tiếp đó? “Chỉ biết cố gắng, chỉ biết tiếp tục, chỉ biết chịu đựng,” anh nói.
Vì nỗi đam mê, tài năng, và tính chuyên cần của Thắng, các giáo sư đã quan tâm đặc biệt đến anh, và sau giờ học, đã cho phép anh tập làm biên đạo. Đây là bước đầu hình thành người đạo diễn Thắng Đào của hôm nay. Anh nhớ lại, “Tập làm biên đạo thích ghê! Nhưng các thầy cô bảo phải xây dựng một chỗ đứng trong lãnh vực trình diễn trước đã, rồi mới đi vào biên đạo được.” Thắng nghe theo. Ra trường cử nhân, văn bằng BFA, Boston Conservatory. Nhưng anh tiếp tục học thêm, và tốt nghiệp cao học tại New York University.
Thắng được nhận vào Công ty danh tiếng Stephen Petronio. Sáu năm. 2001-2006. Lưu diễn Châu Âu. La cà trên phố, ngồi quán càphê, nghe người dân bản xứ nói chuyện. Anh không muốn làm khách du lịch ‘hàng loạt’. Muốn lắng nghe. Muốn thẩm thấu. Muốn cảm nhận. Muốn hiểu. Muốn sống. Muốn thở.

Thắng Đào Dance Company TDDC
Năm 2006, sau khi đã khẳng định vị trí của mình trong lãnh vực trình diễn ballet, anh nghỉ trình diễn để bắt đầu đi vào đam mê chính: biên đạo. Anh lập công ty Thắng Đào Dance Company TDDC để vừa thực hiện được những chương trình mà anh muốn, đồng thời có dịp hỗ trợ cho các nghệ sĩ bạn bè trong ngành.
Tuy yêu ballet, nhưng Thắng muốn đưa nghệ thuật múa đến gần với quần chúng hơn. Anh muốn đi vào những thể hình hiện đại, khám phá những cách diễn đạt mới, tạo ra những không gian sáng tạo mới. Với TDDC, Thắng tổ chức Contemporary Dance Festival hằng năm. Những vũ điệu hiện đại. Những cách diễn đạt tân thời. Những đề tài cận đại. Những cảm xúc của hôm nay. Chính một trong những demo mà Thắng thực hiện cho Đại hội thường niên giúp anh đoạt giải Princess Grace.

Thắng Đào – Photo Jerry Lacay
Thắng Đào đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ballet, và như một con bướm đã nhập cuộc, anh ẩn hiện khắp nơi, như một họa sĩ thực thụ, pha những gam màu mới trên sân khấu, đưa những chất liệu mới vào vũ điệu. Anh tung kỹ thuật ballet vào lịch sử cận đại, để nó đi vào những quỹ đạo mới, biến tấu mới. Thắng đã từng cộng tác với the Metropolitan Opera, và Little Orchestra Society. Anh đã trình diễn ở rất nhiều nơi tại Hoa Kỳ, như Boston, New York City, và Austin. Thắng Đào, người nghệ sĩ ballet, luôn nhận được sự ca ngợi nồng nhiệt từ báo chí: The Boston Globe, Austin 360, và The New York Times.
Thắng nói nhiều về ảnh hưởng của lịch sử và văn hóa Việt Nam trong “Vết Lăn Trầm.” “Vết Lăn Trầm” mang một căn tính song tộc, thẩm thấu hai dòng văn hóa và biểu đạt được hai mảng di sản riêng biệt: lịch sử Việt và nghệ thuật ballet Tây phương. Tiếng hát Khánh Ly, trong dòng nhạc Trịnh, như con ong xứ lạ, bay vào cánh hoa Ballet, gieo những hạt phấn mới. Hoa nhuận sắc, cánh biến tấu, hương như huyền thoại. Vũ điệu, xét cho cùng, thì cũng chỉ là những động tác độc lập, có thể được hiểu theo nhiều cách, nhiều câu chuyện khác nhau. Nếu tiếng hát Khánh Ly đã quyến dụ Thắng Đào đi vào dự án sáng tạo này, thì chính tiếng hát Khánh Ly vẫn tiếp tục là la bàn để những vũ điệu được hướng theo một con đường lịch sử, và nhờ vậy, mặc lấy hơi hướm da vàng.

Poster “Vết lăn trầm”
Anh gọi “Vết Lăn Trầm” là một cuộc hồi hương. Một sự tìm về. Quay lại mái nhà xưa. Về nhà. Nhà tổ, ngoại biên. “Vết Lăn Trầm” được khai màn vào tháng Ba năm 2010 ở Texas, một phần của ngôi nhà nhiều ‘căn’ của Việt tộc hải ngoại. Chương trình đã gây chấn động mãnh liệt cho nhiều người Việt đến xem, và giúp đưa khán giả Việt đến với ballet. “Vết Lăn Trầm” ngay lập tức được The Austin Critics Table đề cử cho hai giải: Best Choreographer (dành cho đạo diễn Thắng Đào) và Best Ensemble. Sự hưởng ứng nồng nàn của cả khán giả và giới bình luận đã khiến cho Ballet Austin đưa “Vết Lăn Trầm” đi lưu diễn thêm bốn lần nữa vào tháng 10 năm sau.
Chính ở buổi diễn đầu tiên mà Cô Nguyễn Anh Lan, Hội Trưởng của Hội Văn Hóa Khoa Học, với văn phòng trung ương tại Houston, đã bị “Vết Lăn Trầm” chinh phục. Tuy đến với sự tò mò, Cô đã yêu vở múa đến nỗi sau chương trình, Cô đi vào hậu trường để tìm Đạo diễn Thắng Đào. Để rồi tháng Tư năm 2011, Hội Văn Hóa Khoa Học đã đưa “Vết Lăn Trầm” về nguồn một cách trang trọng bằng cách thực hiện chương trình tại Houston, Texas, lại một ‘căn’ nữa của mái nhà Việt tộc hải ngoại.

Một vũ điệu trong Vết Lăn Trầm
Tháng 10 năm 2011, qua sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Việt Báo cùng Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ đã đưa “Vết Lăn Trầm” về Quận Cam, lần đầu trình diễn tại Rose Center Theatre, bên cạnh Tòa đô chính của thành phố ‘da vàng’ Westminster, California.
Cuối cùng thì Thắng đã ‘về đến nhà,’ về đúng cái ‘căn’ mà Thắng thao thức muốn ‘về’ nhất, là Tiểu Sàigòn. “Thủ đô Việt hải ngoại.” Little Sàigòn, Quận Cam. Giấc mơ đã thành, sau bao lần tìm lối. Và qua “Vết Lăn Trầm,” anh vừa truy nhận nhân diện da vàng của mình, vừa đền ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Nhất là Mẹ. Mẹ đã rất khổ – khổ nhất nhà, như những người phụ nữ Việt Nam khác, trong chiến tranh.
Sao Thắng nói nhiều về Mẹ vậy? Tôi thừa biết không phải chỉ vì Thắng yêu Mẹ. Anh bật mí, “Thì tại vì Mẹ cũng cưng Thắng lắm. Cưng nhất nhà.” Anh cười hạnh phúc, rồi như để tìm sự ‘công bằng’ cho cái chuyện mình được Mẹ cưng nhất, anh giải thích, “Tại Thắng hay nói chuyện với Mẹ, tâm sự với Mẹ nhiều, và cũng hay lo cho Mẹ nữa.”
Có bà mẹ nào lại không ‘yêu nhất’ một người con như Thắng? Và có nhiều bà mẹ Việt Nam tôi đã gặp, cũng rất cưng Thắng, và không chừng cưng nhất nữa là. Và với những trái tim Việt bao dung rộng mở đón anh, Thắng đã thực sự về đến nhà.