Bạn hiền,
Một chuyện tình đẹp như mơ mới xảy ra hồi tuần rồi ở thành phố Bowling Green, tiểu bang Kentucky. Câu chuyện tình được kết thúc bằng một đám cưới diễn ra trong viện an dưỡng Rosewood.
Cô dâu, Dana Jackson, tuổi đời vừa tròn một thế kỷ và chú rể, Bill Strauss, 87 tuổi, tức là chỉ kém cô dâu chừng một con giáp thôi. Cụ bà Dana thú nhận là cụ đã lên xe hoa 3 lần, lần đầu là hồi 85 năm về trước, ở tuổi 15. Còn về cụ ông thì báo chí không nói rõ ông lấy vợ năm mấy tuổi, chỉ cho biết là ông đã từng có một cuộc hôn nhân kéo dài 55 năm.
Chắc khỏi cần nói thì bạn hiền cũng biết là một nửa kia của hai cụ đã đi bán muối từ lâu rồi. Xem qua đoạn phim đám cưới được đăng trên YouTube với nhan đề: “Never Too Late For Love: 100 Year Old Lady Gets Married!”, BTL tôi thấy cái đám cưới này tuy không được tổ chức rình rang, nhưng cũng đầy đủ các lễ nghi, dưới sự chứng kiến của quan viên hai họ và các nhân viên y tá của viện an dưỡng. Đoạn phim bắt đầu với cảnh cụ Dana ngồi trên xe lăn, dùng chân trái để lăn bánh, sau đó cụ tâm sự là sắp đến ngày sinh nhật thứ 100 của cụ rồi, và cụ muốn đi thêm bước nữa sau khi bước qua tuổi thế kỷ. Sau đó là cảnh bà cụ mở quà sinh nhật, cắt bánh sinh nhật, rồi ngồi đó để được trang điểm, mặc áo trắng cô dâu, đeo khăn voan ngày cưới thật lộng lẫy. Còn chú rễ Bill thì mặc sơ-mi trắng, áo vest đen, đeo nơ đen và cài bông hồng tím. Thú thật với bạn hiền, BTL tôi thấy ông cụ Bill này 87 tuổi nhưng nom còn khỏe như vâm, lúc đang ngồi trên xe lăn, được cô nhân viên viện an dưỡng hỏi cụ có hồi hộp không, có cần cô nắm tay không. Ánh mắt của cụ Bill nhìn hơi man dại, vừa nói vừa nhìn không rời cô nhân viên này, cụ còn dở giọng tán tỉnh, nói cô muốn nắm thì nắm, sau đó cười phì và để cho cô gái trẻ ôm mình. Có lẽ trong giây phút đó cụ quên mất cô dâu là ai!
Theo tin từ viện an dưỡng thì cụ Bill có nhãn lực rất yếu, có thể gọi là mù cũng được, cụ nói khi cô dâu tiến đến từ giữa các dãy ghế cụ sẽ phải dùng trí tưởng tượng, cho đến khi chỉ còn vài xentimet thì cụ mới thấy được người vợ sắp cưới. Đoạn phim dài chỉ hơn 2 phút kết thúc ở đoạn cô dâu và chú rể ngồi trên xe lăn, đứng ở giữa là vị mục sư, cất tiếng hỏi cụ bà Dana: “Bà có chịu nhận ông Bill làm chồng, bà có hứa đi cùng với ông qua cơn bỉ cực, để yêu ông và tôn trọng ông suốt những ngày còn lại của cuộc đời bà không?” Cô dâu nói: “Tôi chịu”, sau đó vị mục sư giới thiệu với quan khách cặp tân lang và tân giai nhân, rồi chú rể đang ngồi trên xe lăn chồm qua hôn cô dâu nghe cái chót.
Cũng may là ở tiệc cưới không nghe ai chúc hai cặp vợ chồng này “trăm năm hạnh phúc!”, vì chúc như vậy chẳng khác gì trù ẻo cụ bà chết sớm vì bà mới ăn sinh nhật thứ 100 chỉ vài giờ trước đó. Cũng không nghe thiên hạ chúc hai người sống với nhau cho đến ngày tóc bạc, răng long, vì chúc như vậy cũng bằng thừa.
Bạn hiền, thông thường sau đám cưới thì phải có tuần trăng mật. BTL tôi không thấy tin tức báo chí nói gì về vụ này, chỉ nói là sau ngày cưới thì cụ ông sẽ dọn qua ở chung phòng với cụ bà. Âu cũng là niềm vui an ủi ở cái tuổi gần đất xa trời cho hai cụ, ở trong viện an dưỡng không có con cháu bên cạnh, nay có bạn đời thủ thỉ cũng đỡ tủi. Đa số các ý kiến trên mạng đều cho đây là một chuyện tình lãng mạn, có hậu. Tuy nhiên cũng có một thiểu số nghĩ là hai ông bà cụ này muốn làm nổi, ngần ấy tuổi rồi, sống được bao lâu nữa mà còn bày đặt bon chen cưới hỏi làm chi cho phiền phức.
Chắc bạn hiền nghĩ là cô dâu ở tuổi 100 như cụ bà Dana phải là kỷ lục, nhưng không phải vậy. Cái kỷ lục cô dâu cao niên thuộc về bà cụ Minnie Munro của xứ Úc Đại Lợi, cụ lên xe hoa năm 1991 ở tuổi 102, chú rể bằng tuổi con cụ là ông Dudley Reid lúc đó chỉ có 83 tuổi thôi. Tuy nhiên, kỷ lục này đến năm 2006 bị một cụ bà người Mã Lai phá vỡ. Cô dâu tên là Wook Kundor, đã 21 lần xuất giá tòng phu. Cụ lên xe hoa lần thứ 22 ở lứa tuổi 104. Điều đặc biệt là chú rể chỉ đáng tuổi cháu hay chắt của cụ mà thôi. Muhammad Musa, chồng của cụ, lúc đó tuổi đời chỉ mới 33. Musa tâm sự là lúc đầu ông tội nghiệp cho cụ bà tuổi già mà phải sống thui thủi một mình không có con cháu bên cạnh, thế rồi tình thương hại biến thành tình yêu lúc nào không hay. Hôn nhân của cặp vợ già chồng trẻ này sau này có vấn đề, nhất là sau khi Musa bị nghiện ngập. Chán chồng bê tha hút xách, cụ Wook quyết định ly dị và hiện tại mặc dù tuổi đời đã đúng 110 cụ Wook đang đi kiếm người chồng thứ 23!
Thậm chí bây giờ nếu lên xe hoa ở tuổi 110 cụ Wook cũng không phải là người giữ kỷ lục cao niên trong ngày cưới. Cái kỷ lục đó thuộc về cây đại thụ gốc Ấn Độ, cụ Hazi Abdul Noor, lập gia đình lần thứ hai hồi năm ngoái, khi cụ vừa tròn 120 tuổi. Năm 2005 khi vợ qua đời, cụ Noor kêu các con kiếm vợ cho mình. Lúc đó cụ Noor đã 114 tuổi, kiếm được một bà kế mẫu 100 tuổi mà còn khỏe mạnh để chăm sóc cho bố già thật là một điều khó khăn vô cùng, nhưng rồi cuối cùng các con của cụ cũng kiếm được cô dâu chỉ bằng nửa số tuổi của bố. Cô tên là Samoi Bibi, 60 tuổi, có nghĩa là còn nhỏ tuổi hơn con út của chú rể. Cụ Noor tuy chỉ có 2 con trai và 4 con gái từ đời vợ trước, nhưng nhân số gia đình từ đó tăng theo cấp số nhân, hiện cụ có tất cả 122 con, cháu, chắt, chít. Cô dâu Bibi cũng từng có một đời chồng, chồng của cô mất và cô không có con, bây giờ tự nhiên phải chăn một đàn con, cháu hơn một trăm đứa, mệt nghỉ!
Theo tin tức từ Ấn Độ, đám cưới của cụ Noor có đến trên 500 khách trong làng đến dự. Đám cưới ở làng quê xứ Ấn Độ chắc chắn không có đình đám như đám cưới của hoàng tử William và công chúa Kate của xứ Ăng-Lê hồi năm ngoái, nhưng dù cho đám cưới hoàng gia hay đám cưới nhà quê hay bất cứ cái đám cưới nào khác, tất cả đều giống nhau một điểm là cô dâu chú rể long trọng thề sống bên nhau trọn kiếp, “till death do us part”, chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta.
Những lời thề thốt trên chót lưỡi đầu môi rồi có giữ được đâu, rồi chưa chết mà cũng chia tay hà rầm. Nói gì thì nói, chứ những cái đám cưới của các cụ ông cụ bà tuổi đời quá 10 bó thì bạn hiền phải công nhận với BTL tôi là những lời thề thốt đó muốn giữ cho trọn là điều rất dễ thực hiện.
Dù sao thì BTL tôi cũng chúc cho các cụ hạnh phúc mãi mãi (không dám giới hạn số năm), cho đến ngày… đi xa!
BTL