Menu Close

Trẻ thơ trong mắt, Quê Hương trong tim

Tiếng cười đùa của trẻ trong vườn chơi vọng ra như một sự kích thích kỳ lạ đã khiến tôi phải dừng chân khi đi bộ ngang qua đó, và tò mò bước lại gần hàng rào để nhìn vào trong sân. Đó là một vườn trẻ rộng được bao bọc chung quanh bằng cửa lưới mắt cáo, nổi bật với bức tường màu hồng và hàng chữ đỏ đậm “Child Care Castle”.

alt
Đinh Cường

Dưới chân tường được sơn viền một hàng cỏ xanh, điểm lấm tấm vài bông hoa vàng, tím. Trong sân chơi, những đứa bé tóc vàng, tóc nâu, ở nhiều độ tuổi khác nhau đang leo trèo  trên cái “monkey bars”, vài bé khác đang ngồi chơi cát. Ở xa một chút về phía trái sân chơi, lại một nhóm bé trai đang tụ tập thay phiên nhau tuột nhanh trên chiếc cầu tuột đầy màu sắc xoắn nhiều vòng. Khoảng giữa sân có hai bé gái đang thong thả đạp xe đạp nhựa quanh đường vòng xi măng ven bờ cỏ tròn.  Một trong hai bé gái trông rất bụ bẫm, khi chạy ngang qua chỗ tôi đang đứng, bé cười và giơ bàn tay xinh xắn lên vẫy vẫy tôi, tôi mỉm cười đưa tay vẫy lại bé.

Tiếng cười nói mỗi lúc một tăng theo sự thích thú của trẻ trong giờ chơi ngoài trời nắng ấm… Ôi, trẻ thơ sao mà dễ thương quá! Trẻ thơ thật là niềm vui lớn của các bậc cha mẹ, những mầm non nhân tài cho tương lai mai sau. Mải mê nhìn những đứa trẻ không cùng màu da, không cùng tiếng nói với mình, tôi như đang quên đi thời gian và nơi chốn, chợt nhớ trẻ thơ Việt Nam, nhớ vô cùng! Trên nửa bước đường nghề nghiệp của tôi ở quê nhà, trẻ thơ luôn là người bạn gắn bó bên tôi mỗi ngày ở trường mẫu giáo, những người bạn nhỏ đã mang đến cho tôi nụ cười, nước mắt, sự bé bỏng dễ yêu và cả sự sợ sệt cần được bảo vệ.

Tràn ngập trong tư tưởng, tôi đã gặp lại những đôi mắt tròn xoe nhìn tôi ngơ ngác trong ngày khai giảng năm nào. Những tiếng khóc thét giãy giụa khi rời bàn tay mẹ để sang tay cô, tôi cố dỗ bé này bằng cách đưa đồ chơi thì bé vất đi, quay sang bé khác dụ xem chiếc cặp mẹ mới mua, bé cũng đá văng. Tiếng khóc vẫn nối tiếp nhau không ngớt làm tôi thật nhức đầu, mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo. Ngày đầu tiên trẻ ba tuổi đi học là thế, ngày đầu tiên tôi bước vào thế giới tuổi thơ thật lúng túng với dấu giày đạp của trẻ còn hằn in trên ngực áo trắng. Dấu giày đó luôn nhắc nhở tôi phải làm thế nào để trẻ có cảm giác an toàn bên cô giống như ở nhà với mẹ, phải làm sao để trẻ thích đến trường, phải làm sao, làm sao?? Câu trả lời không chỉ từ những định nghĩa suông trong các bài học lý thuyết sư phạm mà tôi đã học qua. Nó phải bắt đầu từ lòng yêu trẻ nồng nàn, từ sự kiên nhẫn và biết sống hòa mình với trẻ thực sự như một người bạn cùng chơi, cùng nghịch, cùng chia sẻ những sáng kiến ngây ngô… Tôi yêu trẻ có lẽ một phần vì chức năng làm chị cực nhọc, luôn bận rộn với công việc chăm sóc đàn em nhỏ, vất vả lắm, vậy mà tôi vẫn thấy vui theo những tiếng cười đùa cùng sự nghịch ngợm của các em. Tôi yêu trẻ bằng tất cả tấm lòng tha thiết, đêm nằm mơ cũng thấy trẻ thơ bu quanh bên tôi, và có khi còn thấy các em tôi nhỏ lại như ngày xưa tôi vẫn thường ẵm bế. Sự tha thiết chân thành đó đã hun đúc cho tôi niềm say mê trong tình yêu nghề nghiệp. Tôi yêu trẻ không phải bằng lời nói suông hay sự giả vờ chăm chút trẻ trước mặt cha mẹ hay người thân của bé. Tôi yêu trẻ cũng như trẻ đã yêu tôi từ trong ánh mắt luyến tiếc vào lúc giờ học đã hết, từ cái nắm tay bịn rịn khi trẻ phải về nhà với mẹ. Tôi yêu trẻ trong từng ngôn ngữ non nớt, từng điệu bộ bắt chước tôi. Tôi đặt hết tình yêu trong cả những lời ca tôi dạy cho trẻ, mỗi ngày tôi phải làm ca sĩ vài lần trước những khán giả bé bỏng đang mở to cặp mắt vào tôi hết sức chú ý.

Trẻ mẫu giáo nào cũng vậy, với sự phát triển thể lực dồi dào, nhất là trẻ 5 tuổi hầu như không bao giờ biết mệt khi chơi đùa, chạy nhảy, rượt đuổi nhau. Có những năm tôi dạy lớp 5 tuổi, đôi khi trẻ có những câu hỏi bất ngờ, thử thách tôi phải tìm ra câu trả lời thỏa đáng, ví dụ như: “Cô ơi tại sao trời mưa vậy cô?”  hoặc: “Cô ơi mặt trăng đến từ đâu hả cô? Sao chỗ nào cũng có mặt trăng?”… Những câu hỏi liên quan đến đời sống hàng ngày đại loại như thế, trẻ của tôi cứ quay tôi đến chóng mặt, cộng thêm sự tập trung chú ý không được lâu của các em khiến tôi phải đổi mới cách dạy nhiều lần để thu hút trẻ. Mỗi ngày khi ở trường về, tôi mệt rũ cả người, giọng nói thì khàn đặc, cổ họng khô rát vì cả ngày phải ca và “hét”. Nhưng ngay ngày hôm sau, như một buổi sáng trong lành sau cơn mưa, tôi vào lớp với một nguồn năng lực mới bởi nụ cười, ánh mắt, tiếng nói của trẻ truyền sang cho tôi, và đặc biệt là những đôi mắt mở to nhìn tôi chờ đợi một bài hát. Lại bắt đầu những hoạt động thể dục, tô vẽ, cắt dán, đọc thơ, ca múa… Tôi yêu quá, tôi nhớ quá, bài hát tập thể dục buổi sáng nhịp nhàng từng động tác với trẻ: “Dậy đi thôi nào dậy đi thôi, chim hót vang khi thấy ông mặt trời, dậy ra sân em tập em chơi, cùng với chim em hót em cười…” Tôi thích điệu vỗ tay nhanh chậm hòa nhập cùng tiếng đồng ca, âm thanh vang đều ra ngoài cửa lớp nghe vui tai làm sao! “Nào ai ngoan, ai xinh ai tươi, nào ai yêu những người bạn thân, tìm đến đây, ta cầm tay múa vui nào…” Ôi nhiều lắm, sao tôi thèm được hát lại những giai điệu xinh tươi ấy quá, những giai điệu mà bây giờ đã chỉ còn là kỷ niệm… Kỷ niệm của tôi mãi mãi là trẻ thơ Việt Nam, là ngôi trường nhỏ với tiếng hát ngân xa, là những hoạt động vui chơi hằng ngày bên trẻ, là những san sẻ kinh nghiệm làm việc cùng các bạn đồng nghiệp.

Tôi xa quê hương đã mười lăm năm tròn, mười lăm năm chưa phải là dài cho một cuộc hành trình đi tìm tự do, và cũng không là quá ngắn để bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi mà ngôn ngữ, phong tục hoàn toàn khác biệt. Mười lăm năm chất chứa bao nhiêu ước mơ, thương nhớ, mong có một ngày trở về thăm quê hương sao tôi vẫn chưa thực hiện được. Tôi thường theo dõi tin tức từ quê nhà qua những trang web để biết sự  đổi thay sau 35 năm “hoà bình”, nhất là sau ngày tôi rời quê hương. Vẫn chẳng có sự thay đổi nào đáng kể cho nền giáo dục mầm non, tôi đau xót với tình trạng trẻ em nghèo thất học ngày càng nhiều. Thương cho số phận trẻ thơ ở miền Trung trong cơn lũ lụt hàng năm, con đường đến trường của các em giờ thì mờ mịt quá, không biết ngày nào truờng lớp sẽ được xây cất lại khang trang cho các em. Bao nhiêu năm chính phủ cộng sản được sự trợ giúp của các nước ngoài, mở cửa cho các doanh nhân khắp nơi đến làm ăn, thuế kinh doanh thâu cũng khá nhiều, chưa kể nguồn tiền từ Việt kiều về thăm quê hương và làm từ thiện. Thế mà chính phủ cộng sản vẫn không muốn thành lập một nền giáo dục miễn phí cho trẻ em tiểu học từ các làng xã cho đến quận huyện. Ngân sách quốc gia đã không có khoản nào dành ra để chi phúc lợi cho dân nghèo. Nó đã bị thâm lạm vào túi riêng của các cấp lãnh đạo, làm giàu cho cá nhân họ. Số phận trẻ thơ đã bị bỏ quên, giáo dục mầm non chỉ chăm chút bề nổi ở các thành phố lớn nhờ vào sự đóng góp của các bậc phụ huynh có tiền!!? Tôi chán ngán khi biết rằng các em vẫn chưa học được một chút gì thực trong lịch sử thăng trầm của đất nước Việt Nam. Vẫn cái giọng điệu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, các em sẽ không bao giờ biết được trong quá khứ vì sao có cả triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi, vì sao nhà nước có chiến dịch đánh tư sản, đuổi dân đi kinh tế mới, bắt buộc tuổi trẻ phải đi lao động, vì sao đã có hàng vạn ngàn sĩ quan “Ngụy” đã bị tù tội, đày ải… Càng nghĩ tôi càng buồn cho đất nước mình, nỗi chán nản bất chợt chạy nhanh trong tôi từ chân lên tới óc. Tôi cảm thấy mũi mình cay cay và một giọt mặn rơi trên bờ môi khô đắng.

Tiếng cười đùa của trẻ đã hết, sân chơi im vắng từ lúc nào mà tôi không hay biết. Từ xa đâu đó tôi như vẫn còn nghe những tiếng trò chuyện vọng lại với ngôn  ngữ không phải là của mình. Sau bao nhiêu lần đứng bên ngoài hàng rào để nhìn ngắm những đứa trẻ khác màu da cho nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ trẻ Việt Nam. Tôi đã thực sự bước vào trong hàng rào tuổi thơ trên đất Mỹ, để cô trò cùng bập bẹ với nhau những bài học ngôn ngữ đầu đời, những lời hát. Có trẻ còn bập bẹ giỏi hơn tôi vì hiển nhiên bé đang học tiếng mẹ đẻ của bé cơ mà. Điều này đã làm tôi nhớ Việt Nam nhiều hơn vì sự lẻ loi đơn độc của mình giữa môi trường làm việc. Trước mắt tôi là trẻ thơ da trắng, da màu với những nụ cười chúm chím trên vành môi bé xinh. Trong tim tôi là hình ảnh trẻ thơ Việt Nam nghèo khổ, gầy gò, lem luốc và ngôn ngữ Việt bất tận đến muôn đời. Đầu óc tôi vẫn mơ một ngày về trên quê huơng để thấy sự đổi thay lớn mạnh của nền giáo dục mầm non, để tương lai trẻ thơ tốt đẹp hơn, những tiếng hát vút cao hơn…

Trong giấc mơ, tôi có một thế giới riêng cho trẻ: một toà lâu đài với đầy đủ đồ chơi và nhiều nhân vật huyền thoại trong chuyện cổ tích. Tôi sẽ kết hợp nhà trẻ của tôi giữa hai nền văn hoá Mỹ-Việt, tôi sẽ dành tất cả những thứ đẹp nhất, mới nhất cho trẻ em. Tôi sẽ mang những hạt giống hoa lavender về trên đất nước mình để trồng chung quanh toà lâu đài như một hàng rào tím biếc. Tôi cũng sẽ kết những vòng hoa cho các bé gái cài lên tóc. Ồ, tôi sẽ phải làm một cái sân khấu nhỏ để cho trẻ chơi ca hát nữa, và sẽ dành thì giờ làm những tiết mục văn nghệ bỏ túi vào những dịp lễ Tết để mời quí phụ huynh đến xem… Tôi biết ước mơ của tôi và con đường trở về quê hương trong niềm mơ ước đó hãy còn xa lắm khi mà tiếng nói chống đối việc nhượng đất cho Trung Cộng của tuổi trẻ yêu nước còn bị dập tắt. Sự thật vẫn còn bị bưng bít, đạo đức suy đồi, lòng nhân đã bị biến hoá theo đồng tiền. Trẻ thơ trở thành nạn nhân của sự suy đồi thảm hại đó… Tôi buồn bã nhìn lên cành cây khô đã trụi lá, có vài con chim sẻ không sợ lạnh vẫn vô tư nhảy chuyền cành. Bên trên đỉnh cây một tổ chim vừa mới hình thành, tôi chăm chú nhìn cái ụ rơm nâu ấy. Một tòa lâu đài xinh xắn với những đứa bé tí hon đang chạy loanh quanh bên trong hàng rào hoa tím. Trẻ thơ đang cười trong mắt tôi và quê hương vẫn ngự trị trong trái tim tôi thật đằm thắm. Không phải là mơ đâu, tôi sẽ trở về một ngày dù đường còn xa…

TL