Menu Close

Vài con số trước thềm Super Tuesday

Tối Thứ Ba tuần này, khi Trẻ đang trên máy in, đã có các kết quả bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hoà ở hai tiểu bang Arizona và Michigan. Sang Thứ Bảy 3-3-2012 đến tiểu bang Washington. Nhưng cột mốc lớn, có thể quan trọng nhất, là ngày “Super Tuesday” vào Thứ Ba tuần tới 6-3-2012. Chúng tôi xin điểm lược vài nét đáng chú ý trước sự kiện này.

alt


Thanh Dũng
Nhận xét chung là các ứng cử viên “ƯCV” Cộng Hoà kỳ này yếu, không có gương mặt lãnh tụ sáng giá. Điều này phản chiếu qua sự bất ổn định, với các ƯCV khác nhau thay phiên dẫn đầu trong những cuộc thăm dò. Sự lỏng chỏng này biểu hiện qua lá phiếu cử tri, trao phần thắng ở nhóm 3 tiểu bang đầu tiên cho 3 ƯCV khác nhau (lần đầu tiên từ 1980): tiểu bang Iowa (Rick Santorum thắng), New Hampshire (Mitt Romney thắng) và South Carolina (Newt Gingrich thắng).

Nói chung, ông Mitt Romney, cựu Thống Đốc tiểu bang Massachusetts đều tay nhất. Ông thường nhận được khoảng 25% cử tri hậu thuẫn. Có 2 lần điểm ông lên cao đến khoảng 40%. Vào tuần đầu Tháng Giêng, lúc ông suýt thắng bầu cử sơ bộ ở Iowa, rồi thắng New Hampshire. Và tuần đầu Tháng Hai, khi ông thắng Florida và Nevada. Hiện thời, ông Romney được khoảng 25-30% cử tri Cộng Hoà hậu thuẫn, ngang bằng hoặc thua cựu TNS Rick Santorum chút ít. Mặc dù luôn dẫn đầu, điểm đáng chú ý, đến nay ƯCV Mitt Romney phải đương đầu ít nhất 4 đợt thử thách lớn, chúng tôi tạm gọi là 4 “đợt sóng” — các sự kiện mà những người chỉ trích ông Romney chỉ ra như là bằng chứng nhiều người trong đảng Cộng Hoà chưa yên tâm về ông, và luôn trông ngóng người thay thế. 

Đợt sóng thứ nhất mang tên Rick Perry, đương kim Thống Đốc Texas. Khi ông Perry nhảy vào cuộc đua, các cuộc tranh luận tổng thống “Presidential Debate” đầu Tháng Chín hầu như ngay lập tức trở thành những màn đấu khẩu tay đôi giữa Rick Perry và Mitt Romney, trong khi các ƯCV khác… chầu rìa.

Đợt sóng thứ hai mang tên Herman Cain, thương gia thúc đẩy kế hoạch kinh tế “9-9-9” được rất nhiều tán thưởng. Vào cuối Tháng Chín, đầu Tháng Mười 2011, trước khi uy tín đổ vỡ vì các vụ lăng nhăng tình ái, ông Cain liên tục đứng đầu bảng thăm dò cử tri, dẫn trước ông Romney khoảng 4-10 điểm.

Đợt sóng thứ ba mang tên Newt Gingrich, cựu Chủ Tịch Quốc Hội. Trong suốt cuộc đua, nói chung Gingrich nhận được ít hậu thuẫn trừ 2 dịp. Và cả 2 lần ông đều qua mặt Mitt Romney, tạm thời dẫn đầu đảng Cộng Hoà. Đầu Tháng Mười Hai 2011, Gingrich được gần 40% cử tri hậu thuẫn, vươn lên cầm đầu, lúc đó Romney khoảng 20%, và các ƯCV khác chỉ vài %. Ông Gingrich nổi lên chánh yếu nhờ tài hùng biện, khiến ký giả điều hợp các buổi tranh luận… đớ lưỡi, làm người xem thích thú. Và cuối Tháng Giêng 2012, ông đạt khoảng 30%, cũng dẫn đầu, sau chiến thắng ngoạn mục ở South Carolina. Tuy nhiên, đến nay, cử tri ủng hộ ông chỉ còn khoảng 15%.
Đợt sóng thứ tư mang tên Rick Santorum, cựu Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Pensylvania. Vào Tháng Hai, ông thắng liền 3 tiểu bang Colorado, Minnesota và Missouri, vượt lên đứng đầu. ƯCV Santorum tiến bước khá vững. Đầu Tháng Giêng ông được 20% cử tri hậu thuẫn (vượt Gingrich). Sang đầu Tháng Hai, ông được 30% hậu thuẫn (hoà Romney). ƯCV Santorum lợi dụng uy tín thấp của Mitt Romney (đến nay đã thua 5 trong 9 cuộc bầu cử sơ bộ), tham vọng tạo nên cuộc đua song mã. Hiện tại, khoảng 35% cử tri Cộng Hoà ủng hộ Santorum, giúp ông dẫn đầu. Kết quả bầu phiếu ở tiểu bang Michigan vào Thứ Ba 28-2-2012 có thể là cuộc sống mái cho ƯCV Romney.

alt

Một cảm tình viên tí hon của ƯCV Rick Santorum, cựu Thượng Nghị Sĩ từ tiểu bang Pensylvania. ảnh Getty Images
Đến nay, ƯCV ổn định nhất có lẽ là Dân Biểu Ron Paul, thường chiếm khoảng 10%-15% cử tri ủng hộ, và không xê dịch nhiều. 

alt

ƯCV Ron Paul (phải), Dân Biểu liên bang từ Texas, được nhiều người mến mộ vì dễ gần, hóm hỉnh, nhưng tuổi tác và quan điểm cứng rắn khó đưa ông đi xa. ảnh Reuters
So sánh với các ƯCV Cộng Hoà, TT Obama của đảng Dân Chủ thường dẫn điểm. Thách thức của ông là con số bị dân chúng bất mãn “disapproval” thường cao hơn tán đồng “approval”.

Sức mạnh, sự linh hoạt của các chiến dịch vận động còn tuỳ thuộc vào khả năng gây quỹ tranh cử. Đầu năm đến nay, ƯCV Mitt Romney quyên góp trên $6.5 triệu. Newt Gingrich được hơn $5.5 triệu. Hai ƯCV Ron Paul và Rick Santorum suýt soát $4.5 triệu. Điều này cho thấy lợi thế vượt trội của Romney. Tính chung, các ƯCV Cộng Hoà đến nay quyên góp được khoảng $170 triệu, ít hơn nhiều so với kỳ bầu cử 2008, vào thời điểm này đã đạt $238 triệu. 

alt

Ông Newt Gingrich, cựu Chủ Tịch Hạ Viện thời 1990, có tài hùng biện nhất trong 4 ứng cử viên Cộng Hoà. ảnh Getty Images
Bên Cộng Hoà, ƯCV Mitt Romney gây quỹ nhiều nhất, tổng cộng khoảng $64 triệu. Điều khá độc đáo là người kiếm ít tiền nhất, Rick Santorum, thì lại đang dẫn điểm Mitt Romney ở nhiều cuộc thăm dò cử tri.

Kỳ tranh cử này có sự góp mặt của các tổ chức yểm trợ độc lập, gọi là các “Super PACs” (Political Action Commitee). Họ không bị ràng buộc bởi luật giới hạn tài chánh, nên ai muốn góp bao nhiêu tuỳ hỉ. Tuy nhiên, đổi lại, các PACs phải hoạt động biệt lập, không có bất cứ liên hệ nào với các chiến dịch tranh cử. Thường họ dùng tiền quyên góp để mua quảng cáo, nhằm hậu thuẫn hoặc đả kích một ƯCV nào đó. Đến nay, thống kê không chánh thức cho thấy các “Super PACs” này đã tiêu xài khoảng $130 triệu trong chiến dịch tranh cử 2012.

Nhóm Super PAC tên gọi “Restore Our Future” hậu thuẫn Mitt Romney đã chi trả khoảng $25 triệu. Nhóm Super PAC “Winning Our Future” tốn khoảng $12.5 triệu yểm trợ ƯCV Newt Gingrich. Nhóm Super PAC “Red, White, & Blue” bồ tèo của ƯCV Rick Santorum bỏ ra $3.5 triệu.

Các Super PACs của bên Cộng Hoà nhiều tiền nhờ được một số tỉ phú, triệu phú vung tiền tài trợ. Ngược lại, “Super PACs” của TT Obama chỉ mới bỏ ra có khoảng $625,000. Trong số 10 Super PACs quyên góp tiền nhiều nhất, chỉ 2 nhóm “House Majority PAC” và “Super PAC” của TT Obama là có khuynh hướng thiên tả.

Mặc dù vậy, khả năng tự gây quỹ tranh cử của các ƯCV vẫn là quan trọng nhất, để họ có đủ tài chánh trang trải cho chiến dịch tranh cử lâu dài và tốn kém: quảng cáo, lương nhân viên, chi phí đi lại, v.v… Trên phương diện này, TT Barack Obama vận động giỏi nhất. Đến nay, ông quyên góp được trên $150 triệu cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống. Trong một chuyến vận động tranh cử của ông mới đây, để vào cửa tham dự nghe Obama diễn thuyết ở khách sạn Biltmore Hotel (Florida), người ta phải trả $500. Tại một tư dinh kia ở Pinecrest, khoảng 100 người mua vé $15,000 / người để vào gặp gỡ Obama.

Đến nay, trước thềm Super Tuesday, ƯCV Mitt Romney nhận được nhiều phiếu nhất từ các cuộc bầu cử sơ bộ. Ông đã nắm trong tay ít nhất 108 phiếu sau khi thắng các tiểu bang New Hampshire, Florida, Nevada và Maine. ƯCV Rick Santorum cũng thắng 4 tiểu bang nhỏ hơn – Iowa, Missouri, Minnesota, và Colorado – nên chỉ thu được 72 phiếu. Đảng Cộng Hoà có tổng cộng 2,286 phái đoàn đại diện. Người chiến thắng phải giành được ít nhất 1,144 phiếu phái đoàn đại diện tại hội nghị đảng toàn quốc “National Convention” vào Tháng Tám tới.

alt

ƯCV Mitt Romney (trái), cựu Thống Đốc tiểu bang Massachusetts, là người nhận được sự bảo vệ của Mật Vụ Hoa Kỳ “U.S. Secret Service” sớm nhất. ảnh Getty Images
Các phái đoàn xếp theo tiểu bang, và được tính dựa trên kích cỡ và tầm quan trọng của tiểu bang đó. Thí dụ California có phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội lớn nhất, cũng được nhận số phiếu phái đoàn cao nhất: 172. Sự phân phối phiếu cũng dựa trên ảnh hưởng và uy tín của đảng Cộng Hoà tiểu bang đó. Phái đoàn được thêm  phiếu bầu nếu tiểu bang có thống đốc Cộng Hoà, hoặc chiếm thế đa số ở quốc hội tiểu bang, v.v…

“Super Tuesday” diễn ra hôm 6-3-2012 với 10 tiểu bang cùng lúc tổ chức bầu cử sơ bộ. Trong số này, tiểu bang Georgia có số phiếu phái đoàn cao nhất: 76. Đây là sự kiện rất quan trọng. Nhìn lại các cuộc đua trong quá khứ thường ngã ngũ sau thời điểm này. Năm 2008, ƯCV John McCain giành ít nhất 707 phái đoàn (60%) sau ngày “Super Tuesday”. Đối thủ chánh là ƯCV Mitt Romney liền tuyên bố rút lui. Mặc dù ƯCV Mike Huckabee vẫn tiếp tục… còn nước còn tát, chính đài CNN huỷ các cuộc tranh luận sau đó, tuyên bố ông McCain đã là người thắng cuộc. 

Cuộc đua 2004 bên đảng Dân Chủ chọn người nghênh chống TT Cộng Hoà khi đó là George W. Bush. Lúc đầu, ƯCV Howard Dean khí thế rất mạnh mẽ, nhưng sớm rơi đài. Đến “Super Tuesday”, ƯCV John Kerry thắng một loạt 9 tiểu bang. Đối thủ duy nhất còn lại, John Edwards, đành chào thua.

Ngược về năm 2000. Bên đảng Cộng Hoà, ngày “Super Tuesday”, ƯCV John McCain chỉ thắng 4/13 tiểu bang, trong khi ƯCV George W. Bush thắng 9/13 tiểu bang. Theo đà này, ông Bush tấn tới, giành hết phiếu phái đoàn các tiểu bang còn lại, lấy luôn quyền ứng cử bên đảng Cộng Hoà.

Năm đó, phe Dân Chủ hầu như là màn độc diễn của Phó Tổng Thống Al Gore. Ông là nhân vật được ưa chuộng từ năm 1997 sau khi TT Bill Clinton chiếm Toà Bạch Ốc lần thứ hai. Người thách thức Al Gore là ƯCV Bill Bradley, cựu TNS. Ông Bradley bị thua về mọi mặt ngay từ đầu, không thể thiết lập được thế cạnh tranh. Sau các trận thua tan tác hôm “Super Tuesday”, không thắng nổi tiểu bang nào, Bradley rút lui. Ông Al Gore dễ dàng thắng hết các tiểu bang còn lại, ra ứng cử tổng thống.

Sơ lược chút lịch sử có thể thấy ƯCV nào thắng thế trong các cuộc bầu cử sơ bộ ngày “Super Tuesday” sẽ chiếm thế thượng phong, thậm chí có thể đoạt luôn quyền ứng cử đảng Cộng Hoà. Nhân vật này sẽ  đương đầu với TT Obama ở cuộc bầu cử toàn quốc vào Tháng Mười Một cuối năm.
TD