Menu Close

8 tháng 3 Hoa nở gượng

Tháng Ba, Sài Gòn bước vào cao điểm mùa khô. Ban trưa, nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 36 độ. Nắng Sài Gòn không còn dễ thương như thời nhà thơ Nguyên Sa, không có những tà áo lụa Hà Đông làm mát mắt người đi đường. Thay vào đó là nón bảo hộ, kính mắt, khẩu trang, áo khoác dài tay, găng tay, vớ… “bịt chằng bịt chịt từ đầu tới đít” chả còn biết già trẻ, xấu đẹp ra sao, đen trắng thể nào!

alt

Một shop hoa dạo trên hè phố Sài Gòn ngày 8/3

Công viên Tao Đàn râm mát với vô số xe nước sâm, sữa đậu nành, chè lạnh, dừa xiêm, cà phê đá, trà đá vỉa hè, vô hình trung, trở thành nơi trú nắng, giải nhiệt được ưa thích nhất giữa lòng Sài Gòn. Từ sáng đến chiều tối, các công viên Lê Văn Tám, công viên Gia Định, công viên 23 tháng 9 cũng tấp nập người chơi cầu lông, tập aerobic, thái cực quyền, người bán vé số, hành khất, bán rong, thậm chí dân chích choác, đi bụi giang hồ.
alt

alt

Phụ huynh đưa con trốn nắng trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Trời nóng làm con người mau mệt, dễ đau ốm, dễ cáu gắt, ngại di chuyển. May mà vào ngày 8 tháng 3, trên hàng loạt con đường trung tâm thành phố, những “shop” hoa tươi di động đã kịp mọc lên, điểm những vệt màu tươi sáng. Nói là nói vậy, nhưng theo ghi nhận của nhiều người, năm nay, ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam khá ảm đạm. Các đấng mày râu có nghĩa vụ tặng quà cho một nửa kia của nhân loại và các vị quần thoa có nghĩa vụ nhận quà của một nửa kia của nhân loại đều “vui gượng kẻo mà…”. Hỏi ra, “đấng”  và “vị”  đều đổ tại môi trường sống ngày càng xấu đi, thời tiết quá cực đoan và quan trọng nhất là giá cả tăng liên tục trong khi thu nhập không tăng khiến cảm hứng lễ hội của họ “chưa thui đã chột”. Hai trong số những mặt hàng bị hài tội tăng giá “dã man”  nhất phải kể đến gaz và sữa. Gaz từ năm ngoái đến nay tăng không dưới năm lần, mỗi lần vài chục ngàn đồng. Ở thời điểm hiện nay, một bình gaz 12 ký ngót nghét nửa triệu đồng. Sữa bột trẻ em của các hãng nổi tiếng như Mead Johnson, Dutch Lady, Nestlé, Abbott đồng loạt “hét” từ 430.000 đồng tới 606.000 đồng/ hộp 900gr… Trước cơn bão giá như vậy, hỏi hoa 8 tháng 3 nào tươi nổi, trừ hoa vải, hoa nilon?

Một phụ nữ bán hoa ngồi trước công viên Hoàng Văn Thụ buồn rầu cho biết, từ hôm 7 tháng 3 tới 8 tháng 3, chị thay đổi điểm bán tới ba lần, vẫn ế. Cô Chín, “bám trụ” trước Đại học Marketing đường Nguyễn Trọng Tuyển cũng than sinh viên không chịu mở hầu bao viện lẽ việc tặng quà “đối tác” đã có lớp, khoa, trường tổ chức giúp. Ngoài ra, dịch vụ tặng nhạc, gửi thiệp, gọi điện chúc mừng cũng được internet, điện thoại “hỗ trợ tận răng” nên chuyện mua hoa ngoài đường không còn cần thiết…

alt

Tâm sự với kẻ viết bài về “hiểm họa” 8/3, nhiều ông tỏ ra rất mờ mịt về nguồn gốc ngày lễ. Đành phải kể ngắn gọn với quý ông rằng vào ngày 8 tháng 3 năm 1899, nữ công nhân ngành dệt ở Chicago và New York Mỹ đã đấu tranh đòi quyền làm việc bình đẳng với nam giới, đưa tới việc 11 năm sau đó, Đại hội Phụ nữ Quốc tế họp ở thủ đô Đan Mạch đã thống nhất lấy ngày 8 tháng 3 hàng năm làm ngày “vùng lên” của phụ nữ toàn thế giới với khẩu hiệu “Ngày làm việc tám tiếng”. Việc làm bằng nhau, lương như nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em… Đối với người Việt, nhất là người lớn tuổi, lễ hội tôn vinh phụ nữ được họ chấp nhận, chỉ duy nhất là ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, năm 43 sau Tây lịch, từng đứng lên phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân Hán để “Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này”; còn ngày 8 tháng 3, chỉ là một ngày lễ “ngoại lai”, nặng tính chính trị, chủ yếu dành cho giới nữ đang đi học, đi làm, cùng lắm cho giới nữ thành phố, “còn khuya” mới tới phần nữ thất nghiệp, nữ nông dân, nữ sơn cước…

alt

Vội vã mua quà ngày 8/3

Quan sát lượng khách mua hoa quả, kẹo bánh, quần áo thời trang, đồ chơi ngày 8/3, kẻ viết bài ngạc nhiên thấy khá nhiều khách nữ. Có người mua biếu mẹ. Có người mua tặng cô giáo, tặng mẹ chồng, tặng xếp nữ. Cũng có người tặng chính mình. Cúc Hoa, sinh viên trường Đại học Bách khoa là một người như vậy- tự mua hoa tặng mình. Cô bé nói thẳng thắn “Thích thì mua đi. Sao cứ phải thụ động ngửa tay chờ sung rụng. Sung không rụng lại cay cú”. Chị Xuân, chủ shop hoa chợ Bến Thành cho biết, hoa hồng không phải là hoa chánh yếu cho Ngày Phụ Nữ mặc dù vẫn được tiêu thụ nhiều. Khách sang chọn hoa lan. Người “có tâm hồn”  lại chọn hoa sen nhưng dễ bán nhất vẫn là “thập cẩm chi hoa”. Trả lời câu hỏi người Sài Gòn chi bao nhiêu tiền cho khoản quà cáp 8/3, mỗi người kinh doanh trả lời một phách nhưng đều đồng ý rằng “muốn phú quý sinh lễ nghĩa chí ít phải có hai trăm ngàn đồng trong túi trở lên”. Chao ôi! Hai trăm ngàn đồng thời lạm phát, bằng giá một ký thịt bò không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, mà sinh được phú quý lễ nghĩa cho con người, thế cũng là quá rẻ, quá mừng!

XH