Ngoài ông… chồng, mối bận tâm lớn nhất còn lại của cô dâu là áo cưới. Tìm một chiếc áo cưới xinh đẹp, hợp thời trang và không quá đắt đỏ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

Các cô dâu trong trang phục… Eva
Nếu bạn sắp trở thành cô dâu và cảm thấy phiền hà trong việc này, có thể bạn nên tham dự một lễ cưới tại Jamaica. Tuần qua, nơi đây tổ chức một lễ cưới chung cho 9 cặp mà cô dâu và chú rể không cần… mặc gì cả. Họ đến từ Mỹ và Canada, nơi mà quốc gia của họ vẫn còn nhiều định kiến, lễ nghi mà không Mục sư hay Linh mục nào đủ can đảm để đứng ra nhận lãnh.
Cô dâu Milly Salas, tại Bergen County, tiểu bang New Jersey cho biết “Quá đẹp! Tất cả đều… hoang sơ, giống như trong chuyện thần thoại”. Kevin Young và vợ, cô Shannon Witherspoon, cư dân ở Land O’ Lakes, Florida vô cùng thích thú, anh cho biết anh từng tham gia các câu lạc bộ khoả thân, do vậy chuyện này với anh rất tự nhiên, thoải mái.
Đây không phải là lần đầu nơi đây tổ chức đám cưới khoả thân. Năm 2003 đã có những đám cưới tương tự nhưng ở tầm nhỏ hơn. Các trung tâm du lịch Jamaica hy vọng sẽ thu hút thêm du khách phương Tây qua loại dịch vụ mới mẻ và… hấp dẫn này.

Trái hoa dầu vun vút…như tên

Một du khách và trái thông bunya trước cây bunya tree
Nếu bạn chưa đến tuổi… dậy thì thì cũng chẳng bận tâm đến việc áo quần cưới làm gì. Bạn có thể nghĩ đến một chuyến du lịch đến vương quốc chuột túi chẳng hạn. Quả vậy, Úc châu là một nơi khá hấp dẫn cho những chuyến viên du, tìm một khoảng trời xanh trong như mắt ngọc, nhất là trong thời gian này, khí hậu ở Úc bắt đầu ấm áp, các dịch vụ du lịch ở Úc đang trở nên rộn ràng.

Để bảo vệ an toàn du khách, mới đây chính quyền Úc thông báo khách nên cẩn thận khi loanh quanh dưới bóng cây “bunya pine”, vì đang mùa trái rụng. Đây là một loại thông đặc trưng ở địa phương, cao đến 40 mét. Nhiều du khách thích chụp hình với cây bunya. Tuy nhiên trái thông bunya pine không “xoay tít bay bay” như hoa dầu Sài Gòn hoặc chỉ be bé, xinh xắn như hạt thông Đà Lạt mà bự sư như ông… địa. Mỗi “hạt” to gấp đôi trái dừa, nặng khoảng 22 lbs. Hễ rơi trúng đầu là xong đời… cô Lựu.
Cho em hỏi, núi có biết buồn không…
Trong khi khí hậu thiên nhiên ở Úc dần ấm lên thì “khí hậu chính trị” giữa hai quốc gia láng giềng Nepal và Trung Quốc đang mỗi lúc một lạnh đi. Nhất là họ không có quan hệ “môi hở răng lạnh” như hai nước “anh em Việt-Trung” ta. Cả hai phân cách bởi một ranh giới thiên nhiên là dãy Hy Mã Lạp Sơn, và chung một phần của ngọn Everest nổi tiếng, ngọn núi cao nhất thế giới. Mới đây Nepal và Trung Quốc lại cãi nhau sùi bọp mép vì chuyên gia hai bên đo đạc khác nhau. Nepal đo Everest cao 29,028 feet, Trung cộng thì quả quyết chiều cao của Everest là 29,017 feet. Chênh nhau 11 feet. Không chấp nhận kết quả này, Nepal lên tiếng nhờ các chuyên gia đo đạc thế giới can thiệp.
Chiều cao của ngọn Everest vốn là… chuyện dài nhiều tập. Năm 1856, các khoa học gia Anh lần đầu công bố độ cao của nó là 29,002 feet (khoảng 8,840 mét). Cũng vào tháng Ba năm 1856, một nhóm khoa học gia Ấn lại cả quyết Everest đúng y bon 29,000 feet (8,839.2 mét). Năm 1999, một nhóm nhà địa chất học người Mỹ do Bradford Washburn thủ xướng dùng kỹ thuật GPS và tuyên bố đỉnh cao của Everest là 29,035 feet (8,850 mét). Theo họ, những đo đạc khác không chính xác vì những chỏm băng trên chóp núi. Nepal không chấp nhận nhưng con số này trở thành được sử dụng chính thức trên thế giới. Nhưng các chuyên gia cả quyết rằng, chúng ta sẽ không bao giờ có số đo chính xác của Everest vì nó phập phềnh lên xuống do những chấn động bên trong lòng địa cầu.