Đến Houston nhiều lần, nhưng lần này, tôi mới có dịp ghé thăm làng Thái Xuân. Làng là một khu condo lớn, có hơn 320 căn nhà sinh sống quây quần, có cổng ra vào bãi đậu xe bên trong. Nhưng khi băng ngang qua những hẻm nhỏ dẫn qua các khu nhà, cảm giác làng bất chợt xuất hiện trong tôi một cách rõ nét. Nhất là thong thả đi qua những vạt mồng tơi còn vương vấn trên hàng rào hay giàn mướp khô quăn lá tàn rụi trong mùa đông. Nhưng cái cảm giác gần gũi hơn vẫn là vài cây bưởi, cây quýt lớn theo thời gian xây dựng làng, từng chùm quýt trong tiết trời se lạnh vẫn chín vàng mọng nước.

Sở dĩ làng có tên Thái Xuân là do cha Chỉnh đặt theo tên của một giáo xứ ở vùng Long Khánh. Cha Chỉnh người Thái Bình, di cư vào Xuân Lộc, lấy chữ đầu của hai miền quê hương đặt tên cho giáo xứ. Rồi cha lại ra đi một lần nữa, đến Houston, để giữ ký ức làng, cha đem giáo xứ Thái Xuân đặt thành tên làng cho một khu condo rệu rạo hoang tàn trên đường Broadway thuộc South Houston vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau vài năm làm lụng chắt chiu, bà con người Việt định cư vùng này có tiền mua hẳn cho mình căn hộ trong dự án tái thiết làng Thái Xuân để an cư lạc nghiệp. Hồi đó bà con mua được một căn chung cư như thế cũng là oách lắm rồi. Giá rẻ, sửa chữa chút đỉnh, phòng ốc sang ra phết. Có căn hai phòng ngủ, hai nhà tắm, nghe đâu giá chỉ mười mấy hai chục ngàn. Thuế nhà lại thấp, mỗi năm đóng hai ba trăm đô, có chỗ an cư tương đối tốt, nhiều người kéo đến, trở thành dân làng sống từ đó đến giờ. Đâu chỉ thế, người “ngụ cư” da trắng có, da đen có cũng vào ở thuê, sống với bà con láng giềng da vàng cho vui làng vui xóm.

Không biết trên nước Mỹ còn có ngôi làng Việt nào nữa không, chứ tôi đã đến làng Versailles phía Đông New Orleans, đi lòng vòng trên những con đường, ngắm nhìn từng bụi chuối xanh um, luống rau quen thuộc bên hè, chỉ để cảm nhận một thoáng hương vị của làng quê Việt. Làng Versailles lớn hơn làng Thái Xuân. Nhưng với số dân hơn ngàn cũng có thể hình thành một ngôi làng be bé giữa thành phố lớn, sầm uất như Houston thì thật là hiếm. Trong khi một số ngôi làng nơi quê nhà đang dần mất đi nhường chỗ cho đô thị hóa, thì ở nơi xứ người, vài nơi, bà con người Việt tụm lại cùng nhau sinh sống trong một ngôi làng, dù chỉ là ước lệ, chẳng qua họ muốn sống trong cái phong vị thôn làng để hình ảnh làng không thể phôi phai trong ký ức.
Những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, bờ tre, ruộng lúa và cả cô thôn nữ thấp thoáng trong mảnh vườn cây trái đã đi vào ký ức, làm tôi luôn nhớ mãi. Nhiều năm trước đây, do công việc, tôi được may mắn đi qua nhiều ngôi làng ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam, dù nơi tôi đến vỏn vẹn một hai đêm. Bấy nhiêu cũng đủ cho tôi nhiều cảm nhận về làng. Làng quê mỗi vùng mỗi khác, nhưng vẫn có điểm chung. Đó là sự giản dị của cuộc sống. Nó có sức hấp dẫn kỳ lạ khiến tâm trí tôi lúc nào cũng cảm thấy bình yên mỗi khi xa rời cuộc sống bộn bề thành phố. Những lúc mệt mỏi nợ áo cơm, tôi lại dong xe trở về căn nhà nhỏ bên sông của bà chị trong một ngôi làng ở ngoại vi thành phố Mỹ Tho. Đơn giản thôi, đi tìm giấc ngủ đong đưa trên chiếc võng miên man gió đồng, một bữa cơm rau đúng nghĩa, và mùi của hoa ngọc lan, tự tay tôi trồng giờ đã thành lão. Ký ức làng đối với tôi luôn là hình bóng đẹp cho dù ngày nay “Ngôi trường tuổi thơ không còn/ Ụ rơm ruộng vườn không còn/ Chỉ còn tháng ngày mưa, nắng/ Trong không gian hẹp chung cư” (Ký ức làng – thơ Nguyễn Nguy Anh).
Anh Hùng – trưởng làng dẫn tôi đi một vòng. Trong không gian hẹp chung cư, xuyên qua các lối ngang ngõ tắt, san sát những ngôi nhà hình chữ nhật, mặt tiền hẹp được bà con rào kín bằng những vật liệu theo thị hiếu riêng mình, không theo một qui định chuẩn nhất. Chính những mặt tiền như thế này càng làm tôi có cảm giác mình đang đứng giữa ngôi làng nông thôn mới như ở ngoại ô Thủ Dầu Một. Bình Dương đã và đang thay đổi rất nhiều trong cơn lốc đô thị hóa nông thôn. Cuộc sống kinh tế thay đổi, sinh hoạt ăn ở làng quê cần tiến lên một bước hiện đại, tiện nghi hơn. Tất nhiên khi ta được cái này thì cũng là lúc chúng ta đánh mất đi những cái khác. Mất nhiều, mất ít hay mất hẳn – một vấn đề ưu tư của những người làm công việc kiến trúc quy hoạch hiện nay. Nhưng cũng có người lòng thì cứ mãi vấn vương “Con sông quanh làng không còn/ Cây đa đầu đình không còn/ Chỉ còn những chiều thương nhớ/ Bước chân hoang hoải mỏi mòn” (Ký ức làng).
Chúng tôi thả chậm từng bước chân trên con hẻm bê tông ướt sũng sau cơn mưa bất chợt, đi qua từng ngôi nhà ngủ muộn. Anh trưởng làng nói, giá hôm nay trời không mưa, thì sinh hoạt của bà con trong làng sinh động lắm. Cuối tuần, mấy người già dẫn các cháu nhỏ đi chơi lòng vòng trong xóm, ghé thăm nhà bạn bè hoặc tạt qua nguyện đường cầu kinh. Ngoài nguyện đường, tôi thấy trong làng Thái Xuân còn có am thờ Phật Quan Âm dành cho bà con Phật giáo. Một số bà con còn giữ nếp tín ngưỡng, thờ Ông Thiên trên trang trước nhà, hương hoa đầy đủ. Tôi nghĩ nếp tín ngưỡng từ bao đời nay nơi quê nhà mà bà con mình mang theo và còn gìn giữ được nơi xứ người thật là quí. Không có gì gọi là nếp sống lạc hậu khi một số người quan niệm sống ở đất nước văn minh hiện đại, nhập gia phải tùy tục.

Sau cơn mưa, cỏ cây dường như xanh tươi hơn làm cảnh vật trong làng Thái Xuân tràn thêm sức sống. Chúng tôi đến gốc bưởi nhà ai mùa hè sai trái lúc lỉu trên cành mà anh Hùng đã chụp tấm ảnh phóng to treo trong văn phòng. Anh nói, cây bưởi này mỗi năm ra trái đầy cành, nhìn thích mắt. Nhiều nhà bà con còn trồng mít, xoài, ổi trước sân, gặp năm nào mùa đông khắt nghiệt, chịu không nổi, cây chết lạnh thấy tiếc lắm. Cây chết, đến mùa xuân, bà con nhổ đi, làm đất trồng lại cây khác. Xuất thân từ đất nước nông nghiệp, hẳn nhiên trồng trọt trở thành sở thích và là bản chất của người Việt mình dù sống bất kỳ nơi đâu trên trái đất này. Có điều kiện, dù một mảnh vườn con cũng trở thành luống rau, giàn bầu, giàn mướp trước sân, sau hè. Những thứ rau màu thân quen này, gắn bó với người Việt mình như là nét điểm xuyết cho cuộc sống nơi xứ người thêm thuần Việt.

Tôi vẫn thích những mảnh đất trồng các loại rau màu, cây trái xứ mình. Một vài lần bước chân vào những khu vườn quê xum xuê đầy lê hay táo, tôi chẳng có một cảm giác gì chộn rộn trong lòng. Nhưng khi lạc bước vào vườn xoài vườn ổi ở California, lòng lại hân hoan một cách lạ kỳ. Đúng là nó quá gần gũi nên mình thiên vị chăng? Có thể là vậy, một thứ cảm giác làng mà ông bà, cha mẹ ta từ đó ra đi, để rồi lòng lại nhớ về làng mỗi khi nhìn thấy những thứ rau nhà ấy.