Menu Close

Món ăn ở đồng bằng Sông Cửu


Vừa rồi, một ông bạn lớn tuổi cho biết ông thích bài của Nguyễn viết về miếng ngon trong văn tùy bút Vũ Bằng. Được khen, ai chẳng nở mũi, huống chi Nguyễn này vốn ít khi được ai khen mà chỉ toàn nghe những lời, đại loại “cái ông Tim Nguyễn này lúc nào cũng chỉ viết về trăng về hoa về bướm… chẳng ra làm sao cả” hoặc “anh viết chi mà toàn chuyện trên trời dưới đất, chẳng dính dáng chi tới con người cả”… Như rứa đó, nghĩ cũng đáng kiếp, ai bảo bước liêu xiêu giữa đời mà cứ tưởng mình đang đi trên mây. Người ta chê là phước bảy mươi đời, chưa bị chửi là may. Nay được ông bạn khen cho một câu, sướng quá trời là sướng, bèn tự khích lệ “Tới luôn đi bác tài!”. Do đó, hôm nay Nguyễn xin kể các món ngon của đồng bằng sông Cửu Long, mà kể theo Sơn Nam chứ không có gì gọi là kinh nghiệm của mình hay độc sáng cả.


Cũng xin nói ngay ở đây:  Nguyễn không được hân hạnh quen Sơn Nam, nhưng đã từng rất thích ông. Những truyện ngắn trong Hương Rừng Cà Mâu phải nói là có sức thu hút đặc biệt khiến người đọc phải mê Sơn Nam. Rồi còn thơ ông nữa (ông ít làm thơ) cũng có cái gì đó khiến người ta ghi nhớ: Phong sương mấy độ qua đường phố / Hạt bụi nghiêng mình nhớ cố hương… Hay những câu: Thân không làm lính thú / Sao chưa về cố hương… Ngoài ra, Tim Nguyễn cũng có đọc một số đoạn trong tạp bút Dạo Chơi của Sơn Nam và cảm thấy rất hứng khởi. Sau đây, mời các bạn xuôi về các vùng quê Nam Bộ để cùng ông Sơn Nam tưởng nhớ tới “Món ăn ở đồng bằng sông Cửu Long” và nghe ông kể “một vài huyền thoại” của vùng sông nước. Văn Sơn Nam mộc mạc, giản dị, cộng thêm sự tế nhị của người từng trải, nhiều hiểu biết về vùng châu thổ Cửu Long nên có một thi vị đặc biệt. Đây, mời các bạn thưởng thức:

“Vài người tỏ ra sành điệu, đã thưởng thức một vài món mà chưa ai từng thưởng thức. Đã là món địa phương, ít ra nó cũng được phổ biến trong thời gian tương đối dài và lan rộng qua xóm làng lân cận. Bày ra món ăn lạ, lắm khi chỉ vì nghèo túng rồi vận dụng sự xoay trở, tháo vát nhỏ bé, tạm thời. Hoặc dư giả, chán cao lương mỹ vị, bèn thử tìm vài cảm giác lạ, trở lại đời sống hồn nhiên, dân dã. Hoặc bày kiểu ăn uống lập dị, vui chơi trong chốc lát. Dường như đã qua rồi, cái thú vui nướng con vịt với lửa rơm ngoài đồng, lấy đất sét bó trọn con vịt còn lông lá, đốt lửa đến khi nứt ra, bao nhiêu lông vịt dính vào đất. Hoặc trước khi nướng cá lóc thì gói trọn trong lá sen, để lấy mùi thơm. Ngó sen dùng làm rau, trộn gỏi, gẫm lại chẳng có gì độc đáo nhưng người ăn như sung sướng: sen là món tinh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Mùa nước lụt, vùng đồng bằng, bông điên điển (cây điền thanh) nấu canh chua khá ngon, lại còn dưa chua bông điên điển. Ra khỏi đồng bằng, bông này dường như chẳng còn giá trị: mau héo, thêm vị đắng, vì vậy khó bán ra chợ, không phổ biến. Cá trê vàng nướng ăn với nước mắm gừng đã đành, nhưng kèm thêm đọt kèo nèo (cù nèo to lá, còn gọi là tai tượng) thấy tươi mát, đậm đà. Cây môn nước mọc tràn đồng, ven bờ rạch lắm khi trở thành đặc sản, đậm đà hương vị. Hóc Môn, ngọn cùn của con rạch (hóc) đầy môn nước; Đồng Môn (vùng Long Thành) là cánh đồng hoang nhiều môn nước. Phía miền Tây Nam bộ, lắm nơi gọi Lung Môn, Xẻo Môn, cắt về làm dưa chua, khá ngon, xào với thịt heo…”

Các bạn thấy sao, nhất là các bạn sinh trưởng ở miền đồng bằng châu thổ Cửu Long – như Nguyên Nhi và chàng Phan nhà văn vỉa hè… – Sơn Nam tả các món ăn dân dã miền Nam nghe cũng “có lý” lắm đấy chứ? Riêng Nguyễn đặc biệt thích cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng có chút ớt ăn với cơm nóng, ôi tuyệt cú mèo, ăn mà thấy sướng. Còn món dưa môn xào với thịt heo (có khi hiền nội làm món dưa cải chua (tự tay nàng muối) xào với thịt ba rọi có dính tí mỡ và da) cũng là món khoái khẩu. Lúc ăn nhớ rưới thêm chút nước mắm ớt thiệt cay, nha các bạn, sẽ thấy đời nghèo mà vui biết bao! Ngoài ra, ông Sơn Nam còn tả tới món cháo lươn nấu với cọng môn có nêm mặn với mắm kho, Nguyễn tôi chưa được ăn bao giờ, nhưng tưởng tượng lúc trời vào thu gió vàng hiu hắt thổi trong cây lá mà được ăn món cháo lươn này chắc cũng thú vị lắm lắm đấy bạn nhỉ.
Bây giờ, ta hãy nghe Sơn Nam nói về cá đồng:

“Cuối mùa nắng, đồng ruộng cạn khô, ít cá. Mưa đầu mùa vài đám, cá non xuất hiện. Khi cá còn nhỏ, ăn nhão, nhưng vẫn ngon nếu biết kỹ thuật. Cá trê, cá lia thia con nảy nở trong lung vừa đầy nước, xúc đem về, kho lạt, lại thêm vài lát gừng để xóa tan mùi cỏ dại. Cá trê con còn gọi cá trê năn (loại cỏ cọng tròn ở đất phèn). Lại còn cá rô con, gọi cá cò cưỡng, kho mắm, ăn với đọt rau dừa chỉ, gọi chỉ vì cọng nhỏ so với rau dừa trâu, to hơn. Rau dừa có phao nhỏ, màu trắng, xem khá đẹp, sạch sẽ. Những món ngon như trên, kể còn nhiều, thí dụ như cua đồng xào với mái dầm (loại cỏ lá to, mỗi cọng một lá như cây dầm bơi xuồng), thường mọc nơi bãi bùn, gần bụi dừa nước. Ngon vì bây giờ thiếu thức ăn, mùa mưa bắt đầu, buồn bã, chân trời rộng chưa phủ màu xanh, hoặc khi nước nổi bao la, vài cụm rừng tràm soi bóng, bông điên điển trổ vàng hực. Màu vàng của xứ nắng, ta nhớ đến những đóa hướng dương miền Nam nước Pháp trong tranh của Van Gogh. Không thể nào quên mùa cá linh trên sông Cửu Long hoặc sông Hậu: vớt cá, đem nướng trên vỉ, ăn với đọt cây xộp, hoặc nấu canh chua. Lại còn chuột đồng xào lá lốt, băm nhỏ, ăn với bánh tráng nướng hoặc xoài chua đầu mùa.”

Ôi, những món ngon của đồng bằng Sông Cửu, nghe tả mà thèm. Đặc biệt như bạn nhìn thấy qua văn Sơn Nam, miền Nam giàu tôm cá và các loại rau. Về rau, ta gặp ở đây lá sen, ngó sen, bông điên điển, đọt kèo nèo, môn nước, rau dừa, mái dầm, đọt cây xộp, lá lốt, xoài chua… Có tới mười món rau, làm Nguyễn tôi nhớ tới một lần ăn bánh canh Trảng Bàng ở khu Bình Quới, Thanh Đa, trước khi bỏ nước sang đây. Nhà hàng dọn lên, cùng với thịt heo luộc và nước mắm, một mẹt rau xanh (có nhiều loại Nguyễn tôi không biết tên), thấy mà mê. Có vị thơm của sen, súng, xoài, chua, ngọt, chát… đủ gây hứng cho khẩu vị. Cho tới bây giờ, ngồi ở xứ Mỹ này, đọc văn Sơn Nam, Nguyễn thấy nhớ vô cùng thổ ngơi, sông nước miền Nam.
Ôi, nhớ ơi là nhớ. Bạn ơi…

alt

TN