Từ ba thập niên, khu vực sáu dặm vuông ở phía Tây của thành phố Thiên Thần đã là nơi làm ăn buôn bán, trú ngụ của những người Nam Hàn di dân. Khu phố này được mệnh danh là “Koreantown”. Đây là nơi người Nam Hàn tụ họp đông đúc nhất tại Hoa Kỳ. Thống kê năm 2007 cho thấy số di dân Nam Hàn tại Los Angeles khoảng 50 ngàn người.
Gọi tên như thế, nhận “của mình” như thế nhưng chẳng có bản văn kiện nào, từ bản đồ thành phố đến các văn kiện chính thức của chính phủ gọi khu phố kia là “Koreantown” cả. Chẳng là từ trước cho đến năm 2006, Los Angeles không có một phương cách nào (theo luật lệ) chính thức để gọi tên một khu phố, dù khu phố kia lớn hay nhỏ, nổi tiếng hay không. Thế là những di dân Nam Hàn kia cứ nghiễm nhiên mà tưởng (bở?) rằng khu phố kia là của họ, là Koreantown vì bao nhiêu hàng quán cửa tiệm đều trương bảng treo cờ Nam Hàn!
Đến tháng Mười năm 2008 thì những người Nam Hàn ở thành phố Thiên Thần kia mới ngã ngửa. Một nhóm di dân đến sau nộp đơn xin thành phố chứng nhận cho họ là khu phố (cứ tưởng là Koreantown) kia được mang một cái tên chính thức là “Little Bangladesh”!

Thế là chiến tranh giành tên nổ ra giữa lòng Thiên Thần. Hai nhóm di dân đụng đầu nhau cồm cộp! Cái va chạm nháng lửa kia là hình ảnh rất rõ rệt của một số vấn đề: Dân tộc tính, niềm kiêu hãnh do sự nhìn nhận của thành phố một hình thức nhìn nhận sự có mặt và đóng góp của nhóm di dân mới, sự tranh giành khi đất chật người đông…
Theo sổ sách của Sở Thống Kê Dân Số thì có khoảng 5 ngàn người Bangladesh sinh sống tại Los Angeles nhưng theo tòa Lãnh Sự Bangladesh, có khoảng 10 – 15 ngàn di dân của họ sống tại đó và 25 ngàn người khác sống tại các thành phố miền Nam California. Đây là thành phố tụ họp nhiều di dân Bangladesh đông thứ nhì sau New York.
Ngay tại khu vực mà người Nam Hàn cho là “Koreantown”, đã có khoảng dăm cửa tiệm trương bảng hiệu Bangladeshi, nghĩa là tính theo số đông, di dân Nam Hàn ăn đứt về số người và số các cơ sở buôn bán làm ăn tại khu vực kể trên.

Ít người và còn nghèo tiền nhưng nhóm di dân Bangladesh không sờn lòng chút nào. Họ nói rằng chúng tôi đến đây sinh sống, làm ăn và muốn được nhìn nhận như một nhóm cư dân mới, có căn cước Bangladesh đàng hoàng. Niềm kiêu hãnh kia cũng là niềm kiêu hãnh của nhưng người di dân Nam Hàn lập nghiệp trước đó; cũng muốn con cháu họ kiêu hãnh vì cha ông đã xây dựng được mảnh đất quê hương trên xứ người vạn dặm. Và như thế nên nhóm di dân Nam Hàn thề nguyền rằng họ sẽ tranh đấu đến nơi đến chốn chứ không chịu thua nhóm di dân Bangladesh đến sau kia mà cứ đòi “chơi gác”!
Tháng Ba vừa qua, nhóm Nam Hàn chính thức nộp đơn xin chứng nhận khu vực 6 dặm vuông kia, nằm giữa phố chính và Hancock Park, bao gồm cả khu đất tí hon được nhóm Bangladesh xí chỗ, được gọi là “Koreantown”. Nói một cách khác, nhóm Nam Hàn không chịu nhường chút đất nào cho nhóm Bangladesh! Họ biểu nhóm người đến sau kia đi chỗ khác mà cắm dùi. Đến chỗ không ai (muốn) ở, nơi bỏ hoang vì tội ác, mà xây dựng, mà biến khu phố ấy thành chỗ an ninh, sửa sang mà buôn bán làm ăn… Ôi chao là hận thù!
Sự xích mích giữa các nhóm dân không phải là điều mới lạ, ngày trước di dân đến lập nghiệp thường bị bài xích bởi người đến trước (phần đông là người da trắng). Ngày nay thì sự xích mích kia xảy ra giữa những nhóm di dân. Thành phố Thiên Thần không phải là nơi xa lạ với những nhóm di dân: Tại Hollywood, “Thai Town” nằm gọn trong khu “Little Armenia”; “Little Tokyo và “Chinatown” chiếm hai khu vực cạnh nhau nhưng riêng biệt trong lòng phố Thiên Thần; phố “Salvadorian” nằm sát một bên Koreantown hiện nay. Nghĩa là những nhóm di dân thiết lập những khu vực làm ăn sinh sống tương đối hòa bình với nhau từ bao nhiêu năm. Thế thì cớ sự làm sao giữa Nam Hàn và Bangladesh?
Người Nam Hàn biểu rằng họ gắn bó với khu phố kia ngay cả sau khi trận nổi loạn (vụ Rodney King năm 1992). Họ đã biến bộ mặt thê thảm nghèo khó của khu vực này thành một nơi sầm uất ngày nay; cửa hàng mang bảng hiệu Korean nhan nhản khắp nơi, và đã được báo chí so sánh với Hán Thành! Nghĩa là không có lý do chi để thành phố phủ nhận sự đóng góp của di dân Nam Hàn trong việc sửa sang, tân trang thành phố!
Người Bangladesh có phần dịu giọng, họ nhỏ nhẹ rằng trương bảng hiệu chưa hẳn là chúng tôi đòi là của mình (?), đấy chỉ là một hình thức chứng nhận sự hiện diện của di dân Bangladesh! Đóng góp để xây dựng cộng đồng, chúng tôi cũng muốn được nhìn nhận như di dân Nam Hàn.
Thiên Thần bị lôi kéo giữa hai nhóm di dân, mỗi bên lôi một cánh thì thành phố biết làm sao? Chặt đôi như vua Solomon hồi xưa thì chắc chắn là nhóm Nam Hàn lắc đầu quầy quậy, đứa con của mình đâu có ai chịu chia hai?
Theo lệ thì tên nào cũng phải chiếm đa số số phiếu. Nghĩa là Hội Đồng Thành Phố sẽ bỏ phiếu bầu cho một trong hai cái tên được đưa ra để biểu quyết. Nam Hàn có vẻ thắng thế vì nhóm di dân này sinh sống ở đó lâu hơn, bỏ phiếu và có người đại diện.
Nghị Viên Tom LaBonge cho rằng cái tên Koreantown đã có từ lâu, trước khi có luật lệ đặt tên nữa kia, nên chẳng có lý do gì mà không dùng cái tên sẵn có! Ông này còn hân hoan đề nghị rằng nhóm Bangladesh hãy trương một cái bảng tên ở đâu đó như một nơi bắt đầu, rồi từ đó mà xây dựng cơ sở của mình. Đại khái là biểu người Bangladesh đi chỗ khác mà cắm dùi nhưng nghe có vẻ nhẹ nhàng tử tế hơn thay vì lấy thịt đè người như nhóm di dân Nam Hàn!
Khi được hỏi về bảng tên của nhóm Bangladesh, ông Brad Lee của nhóm Nam Hàn nói rằng mở rộng vòng tay cho mọi nhóm di dân khác là điều tử tế và nên làm lắm lắm nhưng họ không thể ở ngay trong vườn sau hay vườn trước của nhà tui được!