Menu Close

Mùa đông đi về hướng Bắc – Kỳ 4

Lời Tòa soạn: Để săn ảnh loài chim Cú Tuyết, hai nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn đã thực hiện một cuộc hành trình từ Florida lái xe băng qua nhiều tiểu bang, đi và về hơn bốn ngàn bốn trăm miles để đến miền Bắc Canada nơi mà thường xuyên những ngày dưới 0 độ F. Mời quý độc giả theo chân hai nhiếp ảnh gia này trong loạt bài Mùa Đông, Đi Vê Hướng Bắc.

alt

 Thác Móng Ngựa (Horseshoe Fall)

Bên Dòng Thác Đổ

Trời hửng sáng, xe tiến về hướng Buffalo, New York trước khi băng qua cầu Peace Bridge biên giới Mỹ/Canada. Xứ sở sầu đông có cái nickname “Đại Bạch Bắc” (The Great White North) welcome chúng tôi với vẻ ảm đạm của một ngày Đông xám.

Văn phòng Customs and Immigration đón hai du  khách đến từ Mỹ Quốc bằng loạt thủ tục chất vấn rất mực chi li. Sau hơn nửa giờ đồng hồ tra vấn, kiểm soát tận tâm tình trạng sức khỏe người và xe; hai cái passport được trao trả tận tay cho hai “khổ chủ” kèm theo nụ cười và lời chào mừng rất quy tắc của nhân viên hải quan -Welcome to Canada!

alt

Biên giới Mỹ/Canada ở cổng Peace Bridge

Trên xa lộ, chúng tôi chú ý đến biển báo tốc độ 100km/h. Canada dùng đơn vị thập phân khác hệ imperial như ở Mỹ, tài xế Andy phải bấm hoán đổi ra đơn vị km trong cái đồng hồ tốc độ digital của xe cho phù hợp; tôi dán mắt vào cửa xe, cảm giác hiu quạnh khi trực diện với cái giá lạnh vùng Đông Bắc.

Từ cầu Peace Bridge chỉ cách vài chục cây số đường để đến Niagara Falls- một thành phố du lịch nằm ở phía Nam Canada; hai ngọn thác Horseshoe và American Falls hợp dòng tạo thành một kỳ quan thiên nhiên danh tiếng: Niagara Falls.

Sau khi ghé thăm Ontario Welcome Center, được biết vài dữ kiện lý thú về Niagara Falls:

– Thác Horseshoe cao khoảng 60 thước và rộng 633 thước.

– Xếp hạng ba trên thế giới nhờ sự kết hợp của chiều cao, chiều rộng, khối lượng nước khổng lồ với tiềm năng hơn 168,000 m³ nước rơi xuống mỗi phút vào thời điểm nhiều nhất, và trung bình gần 110,000 m³ mỗi phút.

– Là thác nước mạnh nhất ở Bắc Mỹ, thể tích nước rất lớn của thác đã tạo thành sức mạnh cho nhiều nhà máy thủy điện.

– 28 triệu lượt người viếng thăm/năm.

– Được xem là thủ đô trăng mật của thế giới kể từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay. Hơn năm mươi ngàn cặp tân hôn chọn Niagara Falls làm nơi du hưởng trăng mật hàng năm nhờ vẻ lãng mạn cùng những tiện nghi giải trí hấp dẫn.

– Vài điểm thu hút ở Niagara Falls: Maid of the Mist, Journey Behind the Falls, xem ngoạn cảnh bằng trực thăng với Niagara Air Tours, 8 sân cù tiêu chuẩn quốc tế, phố cổ mua sắm và kịch nghệ Niagara-on-the-Lake, chưa kể nhiều khách sạn 5 sao và các sòng casino cao cấp.

Thác Niagara còn là nơi cho những kẻ liều mạng trổ tài thực hiện những trò giỡn mặt với tử thần, và được “gán” biệt danh là “kinh đô tự tử” của Hoa Kỳ chỉ sau cây cầu Golden Gate ở San Francisco.

Uớc tính có khoảng từ 20 đến 25 vụ tự tử tại Niagara Falls mỗi năm. Năm 1996, nhà sử học Paul Gromosiak biên soạn một danh sách của 2,780 vụ tự tử được biết đến từ năm 1856 đến năm 1995. Năm 1991, Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ đưa một báo cáo đầy đủ 60 người thiệt mạng tại thác từ năm 1978 đến năm 1988. Trong số đó, 59% là nam giới và 41% là phụ nữ. Độ tuổi trung bình của phụ nữ là 38, và đối với nam giới là 39. Theo tờ báo địa phương The Niagara Falls Reporter, ngày lễ Memorial Day hàng năm theo truyền thống “đánh dấu sự khởi đầu của mùa tự tử”!

Một Viện Bảo Tàng phía bên kia Cầu Mống – Rainbow Bridge lưu trữ các thành tích của những người “liều mạng” vượt thác Niagara. Nơi đây trưng bày một cách biên niên sử đầy đủ hình ảnh, báo chí tường thuật, vật chứng của một số thùng phuy và các dụng cụ khác mà những tay liều mạng dùng để thực hiện những cú nhào xuống thác ngoạn mục có khi chết người.

Những “yên hùng” ấy, họ là ai?! Họ chỉ là những người muốn nổi tiếng hoặc chỉ để thỏa mãn cảm giác vượt qua thách thức và có khi chỉ muốn… tự vẫn!

Dẫu ngay khi tần suất biên độ phần trăm của nguy cơ rối loạn sắc khí trong cuộc đời bạn đang ở mức báo động (là thất tình, là chán đời, là làm biếng sống… đó bạn) chớ nên lầm tưởng đây là một “địa chỉ” lý tưởng để quyên sinh!

alt

 Tác giả trước vực thác Móng Ngựa

Tôi đang đứng bên bờ thác Horseshoe hùng vĩ, mê lực của thác nước chợt đánh thức mọi miền cảm thức; tôi dường như được tắm mình trong dòng xiết chảy-dồn dập những âm thanh thác đổ ầm ầm- những âm lực đầy huyền bí tựa tiếng gầm thét vang vọng. Một dòng chảy khổng lồ bằng bạc tỏa một thứ ánh sáng huyền hoặc giữa muôn vàn bọt nước, cuồng nộ đổ xuống một vực hồ cuốn xoáy. Niagara, tên gọi bắt nguồn từ “Onguiaahra” trong tiếng thổ dân Iroquois có nghĩa là “tiếng gầm của nước”.

Khi tâm tư lắng vào mênh mông của dòng thác chảy, cảm xúc tôi dịch chuyển từ trạng thái gấp gáp nôn nao sang chậm chạp tĩnh lặng, tôi chợt nhiên nghe hồn mình gợi lên một ước vọng về một cõi hoang sơ và an bình nằm sâu trong tâm thức. Và dường như chìm sâu trong những tiếng gầm thét ấy là một sự yên tĩnh lạ thường. Vô thanh và vô ngôn.

Rời Niagara Falls, hai tay săn ảnh chuyển tiếp đoạn trường săn ảnh loài cú tuyết Bắc cực. Chiếc xe hòa vào dòng chảy xô bồ trên xa lộ QEW-một xa lộ được mang tên nữ hoàng Elizabeth của Anh Quốc đã được thành lập trong thời kỳ Canada vẫn còn thuộc địa của xứ Ăng Lê.

Xe chạy ngang một trạm xăng nhỏ, tâm trí tôi luôn ở trạng thái hiếu kỳ trước những sự việc khác lạ dù chỉ là cái giá biểu xăng được biểu thị ở đơn vị xu/lít. Andy nhẩm tính rằng 117 ¢/lít vẫn mắc hơn so với giá xăng ở Mỹ.

Đất nước Canada có diện tích rộng lớn hơn Hoa Kỳ nhưng dân số chỉ bằng một phần mười dân số của Mỹ. Đoạn đường từ Niagara Falls đến Toronto hơn 120 cây số và chỉ lác đác vài làng nhỏ dọc xa lộ.

Thành phố Toronto với khoảng hai triệu năm trăm ngàn dân, có một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất Bắc Mỹ Châu với hơn 120,000 người sống trong vùng Greater Toronto Area (GTA), không thua kém cộng đồng Việt ở Cali, Houston, Virginia. GTA tập trung 4 khu phố Tàu nằm ở 4 góc của đại đô thị Toronto: phố Tàu Toronto nằm trong khu vực Downtown; phố Tàu North York ở phía Bắc; phố Tàu Mississauga về phía Tây; và phố Tàu East York bên hướng Đông. Gọi là phố “Tàu” nhưng xen kẽ nhiều cơ sở thương mại được làm chủ bởi người Việt gốc Hoa hoặc người Việt Nam. Sinh hoạt của người Việt và Hoa tại đây ngoài những điều dị biệt về ngôn ngữ và phong tục cũng có những điểm tương đồng nói chung của những người di dân đến từ Châu Á.

Chiều, trực chỉ vào Phố Tàu, bốn mươi phút lòng vòng căng thẳng tìm bãi đậu trong khu chợ chật hẹp, hỗn tạp, cuối cùng cũng rời được cái xe để hối hả cuốc bộ viếng khu Chinatown.

alt

Phố Tàu Spadina

Khu phố Tàu – chợ Việt cũ kỹ với những building trăm tuổi, lòe loẹt vô số bảng hiệu đầy màu mè với chữ Hoa, chữ Anh, chữ Việt; phố Tàu xưa chỉ quanh quẩn với hai nghề bán ăn và giặt mướn; phố Tàu thời nay sầm uất chen chúc những cơ sở thương mại Đông phương.

alt

 Sạp trái cây ở khu Phố Tàu

Lịch sử phố Tàu Toronto là lịch sử của vấn đề hội nhập một chủng tộc da vàng đến định cư trên đất nước Canada lạnh lẽo và trù phú. Theo tài liệu ghi nhận của thành phố vào năm 1877 chỉ có hai Hoa kiều hiện diện tại đây:
đó là ông Sam Ching ở số 8 đường Adelaide East và ông Wo Kee ở số 385 của đường Yonge. Hai xếnh xáng này là chủ nhân của 2 tiệm giặt quần áo bằng tay.

Dừng chân ở một sạp trái cây, tôi hờ hững liếc qua thùng chôm chôm queo quắt và chẳng mấy mặn mà với mấy trái mãng cầu, măng cụt èo ọt; chợt tiếc rẻ đây chẳng phải là dịp Hè để thỏa mãn cơn ghiền trái cây nhiệt đới.

alt

Bên trong một tiệm food-to-go của người Việt ở khu Phố Tàu

Rời khỏi tiệm Chè và Bánh Mì Cali ở số 318 Spadina Avenue, hai du khách lỉnh kỉnh xách theo vài bịch food-to-go, bao tử luôn mường tượng đến những món ăn Việt sau nhiều ngày ngao ngán với fastfood.

Hình ảnh cuối ngày bất chợt gợi trong tôi nhiều cảm xúc – một cụ già người Việt co ro trong chiếc áo dạ Đông đứng bán những món quà bánh tự làm bên lề đường. Một thoáng quê hương giữa dòng đời hối hả…

Xe rẽ ra xa lộ 401 tiến về hướng Quebec, tiếp nối cuộc hành trình xuyên đêm đến miền hoang lạnh – một cuộc hành trình săn ảnh cú tuyết kỳ thú đầy hứa hẹn.

ĐMH
Email:songlove@ndshow.com