Hôm đi lòng vòng các chợ ở Houston, tôi tình cờ nghe được các bà nội trợ than thở “giá tôm sao đắt thế”. Bình thường tôi không lưu tâm vấn đề này, nhưng ở vùng biển đa số hàng tôm không phong phú về số lượng, giá lại cao như các bà ca cẩm, nên tôi thử tìm hiểu về vấn đề này qua vựa tôm Hillman’s Seafood ở vùng Dickinson, Galveston. Theo quan sát, giá tôm ở các vựa vùng Corpus Christi, Galveston (Texas), Westwego (Louisiana), Biloxi (Mississippi) đều cao hơn ở chợ từ 1 đến 1.5 đô/lbs. Vì sao? Tôm tươi lúc nào cũng đắt hơn tôm xả đông bán ở chợ. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Hillman’s Seafood, Dickinson, cho rằng sản lượng tôm giảm 80% so với năm ngoái. Mùa tôm bắt đầu từ ngày 15/8 hàng năm và tình trạng đã trở nên tồi tệ hơn theo từng năm. Thiếu nước ngọt do hạn hán năm 2011 phá vỡ chu kỳ sinh sản và hệ thực vật tầng đáy phát triển quá mạnh khiến ngư dân không thể dùng lưới đánh bắt tôm. Vụ tôm thất bát là đề tài tranh cãi của nhiều người, bên cạnh hạn hán, nhiều ngư dân cho rằng còn có những nguyên nhân khác nữa như hậu quả của vụ tràn dầu BP. Từ đầu năm tới nay giá tôm vẫn giữ vững do nguồn cung ổn định từ tôm nhập cảng và tôm khai thác ở những vùng khác trên Vịnh đã ngăn không cho giá tôm tăng lên cao. Thực ra, số lượng tôm tiêu thụ quanh vùng Vịnh Mexico chỉ có 8% do đánh bắt tại đây, phần còn lại hầu hết là tôm nhập cảng từ Thái Lan, Trung Quốc hoặc đánh bắt từ các vùng xa hơn, nhưng số lượng không đáng kể.

Vùng vịnh Mexico mỗi năm cung cấp 20% lượng hải sản bán ra thị trường, chừng 1.2 tỉ lbs chủ yếu là tôm. Nhưng kể từ khi vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon ngoài khơi Louisiana ngày 25/4/2010 gây nên thảm họa môi trường làm ảnh hưởng đối với các loài hải sản trên biển. Sau thời gian tám tháng kể từ vụ dầu tràn, vùng Vịnh Mexico gần như trở lại bình thường và ngư dân được phép đánh bắt ở những ngư trường xa hơn. Tuy thế, số lượng tàu đánh bắt đã giảm đi nhiều trong khi đó tàu đánh tôm của người Việt vẫn cố duy trì sự hoạt động. Mặc dù vậy, số lượng vô cùng ít ỏi khiến thu nhập không đủ trang trải những chi phí dầu nhớt, nhân công cho một chuyến ra khơi dài ngày.

Anh Trần Thanh Phong quê Nha Trang, ngư dân đánh tôm 15 năm ở vùng Biloxi cho biết: “Trước khi xảy ra vụ nổ giàn khoan tràn dầu, tàu tôi đi một chuyến hai tuần thu được bảy, tám ngàn pounds tôm. Còn bây giờ, đi bốn năm ngày, chỉ mang về năm sáu trăm pounds”. Tôi hỏi sao không đi dài ngày hơn và xa hơn. Anh trả lời: “Vô ích! Chi phí xăng dầu rất tốn kém, hơn nữa luồng tôm dưới nước không nhiều, kéo dài thời gian thêm lỗ”. Hình như là vậy. Tôi đi dọc theo cầu cảng, nhiều con tàu cuộn lưới nằm phơi mình dưới nắng gió. Tiếng chuông gió leng keng treo trên đỉnh anten cột tàu nghe thật vui tai, nhưng không khí ồn ào thường lệ của cảng cá chìm trong trầm lắng. Một số tàu đã lâu rồi không ra biển và cũng không được tu sửa, gỉ sét bắt đầu nham nhở bám trên nóc cabin, sàn tàu khô mốc không còn mùi tôm cá hấp dẫn lũ hải âu tụ về tìm mồi. Sinh hoạt đánh bắt chậm lại, thu nhập ít đi khiến những gương mặt người ngư dân buồn dàu dàu.

“Bây giờ như thế là đỡ lắm rồi. Cách đây hơn một năm, sau khi thu dọn dầu tràn, chúng tôi đâu có được giong tàu đánh bắt. Vùng biển bị cấm hoạt động chờ các cơ quan nghiên cứu môi trường làm việc, thử nghiệm hóa chất dầu ảnh hưởng lên loài hải sản ra sao. Đến tận bây giờ họ vẫn tiếp tục nghiên cứu và chúng tôi đã được phép khai thác hải sản. Duy có điều, mức độ sản lượng không còn được như lúc trước khi cơn bão Ike năm 2008 đổ vào vùng Vịnh”. Anh Gonzalez – một thuyền trưởng tàu đánh bắt trên vịnh Mexico hơn 20 năm nay cho biết. Anh còn cho biết thêm, hiện anh đang kêu bán con tàu và chuyển nghề khác làm ăn.
Môi trường biển vùng Vịnh Mexico được cải thiện rất nhiều, bây giờ gần như bình thường. Ngay sau đó, công ty BP đã xuất quỹ dự phòng cho việc đền bù tạm thời. Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm luật sư Kenneth Feinberg, một người có kinh nghiệm trong việc bồi thường cho nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9 tại New York, đứng đầu cơ quan bồi thường, quản lý 20 tỉ đô do công ty BP chuyển giao. Đợt đầu đền bù 6 tỉ và mới đây, công ty BP tiếp tục đồng ý giải ngân 7,8 tỉ đô trong số 20 tỉ để đền bù tiếp cho những ngư dân bị mất thu nhập dựa trên thu nhập trong các năm qua. Đây là một tin vui đối với riêng bà con ngư dân người Việt hành nghề ngư nghiệp quanh vùng Vịnh Mexico. Thỏa thuận bồi thường này sẽ đem lại lợi ích cho khoảng một trăm ngàn ngư dân địa phương và công nhân chuyên làm công việc dọn sạch môi trường do những thiệt hại tới công ăn việc làm và sức khỏe của họ.
Cũng cần phải nói một điều rằng, công ty BP đã cố gắng làm tròn trách nhiệm khắc phục thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, khiến 4.9 triệu thùng dầu rò rỉ trong vùng vịnh Mexico. Và chúng ta cũng cần biết, cứ mỗi thùng dầu loang trên biển, công ty BP phải chịu án phạt môi trường theo Đạo luật nước sạch (Clean Water Act của Mỹ từ 1,100 cho đến 4,300 đô la. Do đó BP đã phải bỏ ra khoảng 41 tỉ đô trong kinh phí bồi thường cho ngư dân và nhà nước. Một con số không nhỏ so với tài sản tương đương 150 tỉ đô la hoạt động của công ty. Rất may, chỉ riêng trong quý 4 năm vừa qua, BP đạt lợi nhuận 7,7 tỉ đô theo báo cáo của Robert W. Dudley, giám đốc điều hành của BP với các phóng viên tại London, sau khi ban giám đốc BP công bố quyết định bồi thường thêm 7,8 tỉ đô cho ngư dân vùng vịnh Mexico. Và hiện nay, các viện nghiên cứu vẫn được tài trợ hàng chục triệu đô trích từ quỹ bồi thường để tiếp tục theo dõi môi sinh trong vùng Vịnh.
Anh Tony Nguyễn, có tàu đánh tôm dài 30 mét tại cảng Port Arthur, Texas, là một trong số hàng trăm ngư dân Việt theo vụ kiện bồi thường của BP. Anh từ chối nhận 5,000 đô bồi thường trong thỏa thuận một lần. Anh nói: “Như thế sao được, thu nhập mỗi năm của tôi hơn trăm ngàn đô, sau vụ nổ giàn khoan, tàu tôi không hoạt động được, nằm ụ, nào tiền trả cho ngân hàng hàng tháng, tiền bảo hiểm, trăm thứ tiền đổ lên gia đình, làm sao có thể nhận số tiền bồi thường như muối bỏ biển ấy. Tôi đệ đơn nhờ qua một văn phòng luật của người Việt thụ lý đại diện giải quyết quyền lợi ít ra cũng phải được đền bù tương đối. Tôi rất mừng khi nghe ngân sách đền bù đã được thông qua. Chắc nay mai có tiền bù đắp vào khoản thiếu hụt hai năm trước. Tàu tôi vẫn ra khơi, Mẹ Thiên Nhiên cho đánh bắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tôi hành nghề ngư nghiệp này từ hồi còn ở VN, vượt biên sang đây, tiếp tục theo nghiệp này. Bao nhiêu lần bị KKK hăm dọa, không cho đánh bắt hoặc chúng đến quăng lựu đạn phá hoại tàu thuyền chúng tôi còn không sợ. Vậy thì chờ đợi thêm hai hay ba năm nữa khi môi trường vùng biển trở lại như trước kia, cho chúng tôi con tôm con cá thì vẫn cứ chờ. Chuyện con tôm vùng vịnh thiếu hụt chỉ là tạm thời thôi”.
Quả thật, người ngư dân Việt sống trên vùng Vịnh Mexico khá kiên trì. Tôi đã đi qua các cảng cá từ Port Arthur, Corpus Christi, Galveston, đến Baton Rouge, Westwego, New Orleans hay Biloxi, thấy ngư dân ít bỏ nghề như nhiều chủ tàu bản xứ. Họ có điều kiện làm những công việc khác thay thế, còn người Việt mình ít khi thay đổi một nghề nghiệp. Làm nghề đánh bắt hải sản, cực nhưng có tiền. Và sắp tới đây, chắc hẳn họ sẽ còn hài lòng hơn khi tiền bồi thường do vụ nổ giàn khoan làm mất đi con tôm con cá, nhưng bù lại cho họ một khoản thu nhập khác.