Lời Giới Thiệu: Tên tuổi ký giả Trường Kỳ đã khá quen thuộc với độc giả hải ngoại; nhất là độc giả Trẻ qua những bài cộng tác của ông. Ông là nhà biên khảo về tân nhạc Việt Nam; phụ trách chuyên mục “Nghệ sĩ và Đời Sống” trên đài VOA, và là một trong những người tiên phong khai sinh phong trào nhạc trẻ Sài Gòn trước năm 1975 – vì những nỗ lực, đam mê âm nhạc ông còn được mệnh danh là vua nhạc trẻ. Những bài hát nổi tiếng của ông như: “Biết Đến Thuở Nào” (viết chung với Tùng Giang), “Khi Ta Hai Mươi”, “Rồi Mai Đây”, “Yêu Nhau Đi”, “Như Một Giấc Mơ”, v.v…
Ông tên thật Joseph Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, từ trần ngày 22 tháng 3 năm 2009 tại Toronto, Canada hưởng thọ 63 tuổi.
Bài được viết lại qua buổi tâm tình ghi âm tại tư gia của Đặng Mỹ Hạnh vào năm 2008, khi ông còn sống và là để riêng tặng ông. Tôi giới thiệu với độc giả Trẻ như một tưởng niệm chân tình dành cho một người anh/đồng nghiệp của riêng tôi nhân ngày giỗ lần thứ 3 của ông. Chính quan niệm sống và viết của cố nghệ sĩ Trường Kỳ qua phần tâm tình này, có thể có được nhiều sự đồng cảm của những người viết thuộc thế hệ trẻ trong cùng lãnh vực này. Bài đăng 2 kỳ.ĐMH.

Kỳ 1
Đặng Mỹ Hạnh (ĐMH): Anh có nhận xét gì về sự chi phối của độc giả đối với ngòi bút của người ký giả?
Trường Kỳ: Riêng với cá nhân anh, khi viết anh nhắm vào đối tượng nào trước đã, khẳng định trước nếu anh viết về nghệ sĩ thì anh nhắm vào quần chúng nói chung vì phần lớn những người yêu nhạc mới thích về nghệ sĩ hơn. Những độc giả bây giờ mình phải chia ra hai tầng lớp: giới trẻ thì họ thích lớp nghệ sĩ mới, giới trung niên trở lên khoảng 40-50 họ thích hoài niệm lắm, thích những nghệ sĩ cũ của một thời nổi danh; những người nghệ sĩ cùng thời họ.
Mình phải viết cho kỹ vì những lớp độc giả trẻ thì họ không được biết về thế hệ nghệ sĩ trước nhưng người ta vẫn có thể dùng làm tài liệu để tìm hiểu lớp người cũ; ngược lại đối với những lớp nghệ sĩ mới thì anh nhắm vào giới trẻ để viết nhưng cũng phải có chiều sâu để những độc giả lớn tuổi người ta tìm hiểu xem giới trẻ bây giờ. Khi viết thì anh nhắm vào hai đối tượng như vậy để viết đó: rõ ràng là mình bị chi phối bởi độc giả một phần nào.
ĐMH: Những khía cạnh nào trong cuộc sống thực sự ảnh hưởng đến ngòi bút của anh?
TK: Cuộc sống của anh, anh là người hay đi “giang hồ” đây đó thì từ những kinh nghiệm sống đã ảnh hưởng đến ngòi bút của anh ghê lắm! Anh đi đây đó, tiếp xúc nhiều, đủ mọi tầng lớp từ trẻ chí già, từ ông cụ bà lão đến đứa con nít và tìm hiểu sâu xa tầng lớp đó để mình viết bài. Anh là một người rất thích viết báo ngay từ hồi bé lận, từ hồi 16-17 tuổi đã thích viết rồi, mặc dù anh là người học chương trình Pháp từ bé đó, người ta không ngờ mà chính anh không ngờ là anh có khiếu về Việt văn như vậy. Ngay từ hồi nhỏ trong lớp gần như đứng nhất về văn hoài mặc dầu học chương trình Pháp từ đầu chí cuối nhưng thích văn chương Việt Nam ghê lắm, rất thích từ hồi bé; sách vở đó là niềm đam mê để anh viết.
Về sau này anh theo nghề ký giả là anh mê đọc sách, mê từ hồi bé lận, đọc từ những truyện nhi đồng, cô tiên, bà phù thủy cho đến tuổi nào là theo lớp tuổi đó; những điều này đã đi vào đầu óc và anh nghĩ rằng mình có thể viết được nên anh cố gắng viết. Cũng từ khía cạnh thích đi rong chơi từ hồi nhỏ mặc dù trong gia đình rất thương anh vô cùng như anh thích sống tự lập hơn, anh thấy ở nhà cưng nhiều quá đi vì anh là con một nên anh thấy kỳ quá, coi mình như con nít hoài vậy nè. Thế nên, anh “bung” ra để anh đi viết báo một mình từ 17 tuổi; ảnh hưởng sách vở một phần,rồi từ đó anh nghĩ mình thử thời vận như thế nào và bắt đầu đi theo con đường viết báo nhưng không cho nhà biết nhe, cứ từ từ đi kiếm việc lấy một mình làm.
ĐMH: Nếu không xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc của riêng mình, anh đã có thể trở thành ký giả văn nghệ của ngày hôm nay không?
TK: Anh quên kể cho em nghe là hồi bé anh đã đi học đàn accordéon rồi thì thích âm nhạc; vừa âm nhạc thấm vào đầu, vừa văn chương, báo chí sách vở thấm dần vào con người mình và cộng với tính thích tự lập nữa thì từ đó nó kết hợp thành một nghề nghiệp của anh sau này.
ĐMH: Là người tiên phong với những đóng góp lớn trong phong trào nhạc trẻ ở những thập niên 60-70, anh có thể chia sẻ cùng độc giả khía cạnh này?
TK: Anh phải cải chính là anh không phải là nhạc sĩ nhe; anh là người biết nhạc, biết nghe nhạc chớ không có khả năng sáng tác nhạc; biết thưởng thức thế nào là hay, dở. Anh lại ảnh hưởng chương trình Pháp từ hồi bé, bởi thế anh mới làm những bản nhạc chuyển lời từ nhạc ngoại quốc thành nhạc Việt Nam thì anh gọi đó là Việt hóa nhạc trẻ. Tại vì anh không muốn người ta hiểu lầm cứ nhạc trẻ phải là nhạc ngoại quốc thì không đúng, tại sao nhạc trẻ không phải là Việt Nam.

Trường Kỳ và Đại Hội Nhạc Trẻ 2 tại sân Tao Đàn Sài Gòn
Nói chung, căn bản của nhạc trẻ Việt Nam tự nó không có đâu, nó ảnh hưởng ghê lắm từ ngoại quốc, từ nhạc khác vào nên anh mới chuyển dần Việt hóa nhạc trẻ. Đi con đường đầu tiên thì mặc dù nhạc trẻ Việt Nam thời đó những nhạc sĩ chưa có khả năng làm đúng nhạc trẻ như mình nghĩ, bước đầu tiên là chuyển từ lời ngoại quốc sang nhạc Việt Nam rồi lần tiến tới tự làm lấy những nhạc trẻ hoàn toàn Việt Nam – nhạc và lời Việt Nam hết thì đến giai đoạn đó là giai đoạn thứ hai là nhạc Phượng Hoàng mà em biết đó.
ĐMH: Theo nhận xét của riêng anh về một người ký giả có lương tâm nghề nghiệp thì họ cần có một thái độ sống và viết như thế nào?
TK: Đối với cá nhân anh thì phải trung thực; cần nhất là sự trung thực không bao giờ bẻ ngòi bút của mình; phải đi, sống, và gặp trực tiếp. Thí dụ anh phỏng vấn một nghệ sĩ nào đó thì không thể ở nhà lấy tài liệu qua sách vở hay nhiều khi nghe người này nói tin đồn nọ kia để viết một bài, không bao giờ. Anh phải trực tiếp mặt đối mặt hoặc phải qua điện thoại; từ đó mình có thể hiểu người ta hơn và người kia nói một cách tự nhiên hơn nếu họ tin tưởng mình. Thứ nhất, khi đã có cái source (nguồn gốc) chính thức thì không ai bắt bẻ mình là một người nói bịa, và đây là chính cô này, cậu này trả lời tôi, trung thực vô cùng. Thứ hai, anh ít khi comment về một lời nói của ai; cũng như họ bảo là tôi thế này thế nọ thì anh cũng để nguyên văn thế thôi, chớ không bao giờ bình luận theo câu nói họ; vì mỗi một con người có ý nghĩ, cách diễn đạt khác nhau.

Trường Kỳ trong một buổi phỏng vấn ca sĩ Thái Thanh trên truyền hình
ĐMH: Anh có gặp phải sự hạn chế trong nghề nghiệp?
TK: Anh ít bị hạn chế lắm vì anh chủ trương khi viết anh thường nghĩ sao hỏi vậy chớ không bị gò bó, phải giữ kẽ. Tính anh hơi phóng khoáng tí xíu; quan trọng là làm thế nào để cho người đối diện, đối thoại với mình họ cũng được cảm giác phóng khoáng với mình một chút thì dễ lắm; chớ một bên cứ phóng khoáng, một bên lại giữ kẽ; bên cứ open còn bên cứ close như vậy thì khó nói chuyện lắm! Làm cách nào để họ nói ra hết thì đỡ bị hạn chế hơn.
ĐMH: Yếu tố nào đã giúp anh duy trì một vị trí riêng trong làng báo chí tại hải ngoại? Dường như anh đã có một định hướng cho riêng mình?
TK: Anh cũng không phải là người viết hoàn toàn về nghệ sĩ độc nhất ở đây vì nhiều người viết lắm; định hướng của anh thế nào thì anh viết vậy, con đường của anh đi không bị ảnh hưởng tay trái, tay phải, anh vạch ra con đường và anh viết theo những gì anh nghĩ và thích gì thì viết. Khi viết, dĩ nhiên là mình phải hạn chế, phải tôn trọng độc giả nữa chớ không phải nói bậy bạ; phải luôn luôn đưa ra chủ trương tôn trọng độc giả bằng sự trung thực và bất kỳ gặp nghệ sĩ nào từ lớn chí bé, từ già đến trẻ, mình hướng họ đi theo những gì mình muốn hỏi và họ sẽ trả lời thì đúng hơn.
ĐMH: Với nhận xét của riêng anh, ký giả cần có sự đa dạng trong nhiều thể loại thích hợp với sở trường của mình để thu hút độc giả không?
TK: Người viết nào cũng có sở trường riêng, không biết em có đồng ý không?
ĐMH: [cười, đồng tình]
TK: Hiện giờ, với anh đã là sở trường thì chỉ một thôi, nhưng thật ra anh có tới hai [cười], không phải kiêu ngạo gì. Anh là một người thích đi đây đó; thích ăn uống thì ngoài khía cạnh văn nghệ thì anh viết kiểu ký sự; anh chủ trương là thấy sao ghi vậy, nghe sao ghi thế thôi, ít khi comment (bình luận) lắm! Đường đi của anh là viết về nghệ sĩ, độc giả và nhiều người đã biết nhiều đó là một sở trường riêng rồi. Sở trường thứ hai là đi, sống và để viết; muốn viết được hay thì phải đi thật tình, đi sát và đi sâu vào những điều mình muốn viết. Ăn uống không phải nghe nói chuyện về ăn là a, b, c ngon; nghe là không được mà anh phải tới tận nơi à.
Khi viết, tính chủ quan cũng có nhưng anh không phải nương theo 10 người nói ngon thì khi anh ăn anh cũng thấy là ngon đâu, chưa chắc đó! Anh có con đường đi riêng là hương vị tôi nếm, khẩu vị tôi có hạp không; khi anh thấy ngon thì anh viết là ngon; có khi anh viết là dở mà người khác thấy là ngon thì khó lắm! Viết về vấn đề ăn uống là khó lắm! Anh sợ nhất là đi du lịch lấy brochure rồi viết lại, và internet thì thiếu gì…
Anh thường ít khi ghi lại, lười ghi nhưng được cái trí nhớ tốt lắm! Anh đi về Việt Nam viết 14 kỳ báo nhe, mà không ghi gì hết, chỉ ghi vài cái tên vớ vẩn tiệm này nọ thôi. Khi viết, là bắt nằm nhớ lại, bắt đầu quay cuốn phim (review). Anh nhớ từ A tới Z liền rồi ngược lại; nó nằm trong phạm vi đó thôi chớ không ra ngoài thời gian đó; anh sợ viết theo thứ tự, không vui và không theo nhật ký, chỉ tổng hợp những gì và anh ghi lại theo trí nhớ của mình nhiều hơn; may mắn già rồi còn trí nhớ tốt, đỡ lắm!
ĐMH: Đọc “Một Thời Nhạc Trẻ” của anh với văn phong sống động, đầy cảm xúc, dường như anh được sống lại bằng những hoài niệm của riêng mình?
TK: Đúng! Em nói rất đúng, vì anh sống lại một thời của anh, diễn đạt đúng với lứa tuổi anh thì những người cùng thời sẽ cảm nhận được. Đây không phải là lịch sử nhạc trẻ đâu nhé; chỉ là một biography của một cá nhân viết ra trong thời kỳ đó thôi, anh không có tính cách là nhà sử học; nhạc trẻ xuất phát từ đâu; nguồn gốc thế nào. Anh viết về đời của mình từ lúc sanh ra cho tới năm 75 thôi; thời gian đó anh làm gì và trong bối cảnh nhạc trẻ nó xảy ra chớ không phải theo lịch sử; lịch sử nhạc trẻ viết khó lắm! [cười]


Trường Kỳ thập niên 1970
ĐMH: Thường thì văn phong thể hiện tính cách của con người nhưng đời thường anh lại rất trầm ngâm và hơi kiệm lời!
TK: [cười, biện hộ] anh tếu lắm chớ bộ không tếu sao!
ĐMH: Anh có thể cởi mở hơn về mình, những khía cạnh mà độc giả chưa được biết đến, không?
TK: Em là độc giả, hãy hỏi anh đi, em thắc mắc gì về anh thì em hỏi đi, bất cứ cái gì [cười hóm hỉnh].
ĐMH: [cười] okie! một ngày làm việc của anh bắt đầu như thế nào?
TK: Hiện thời, trong thời điểm này, anh dậy từ 6, hoặc 7 giờ 30 sáng; việc đầu tiên là mở computer (đã như vậy bao năm nay) để check email, rồi mới đi làm vệ sinh cá nhân; ăn sáng xong là ngồi luôn đến tối (trừ giờ break và ăn cơm). Chính vì vậy mà bà xã bị chờ hoài à; bảo rằng “ôm máy còn hơn ôm vợ nữa”[cười sảng khoái].
Thực tình, khi “dính” vào thì rất khó bỏ; anh tìm thấy đó là thế giới đối với anh rất quan trọng, thời buổi internet, “high-tech” giúp ích rất nhiều. Anh tưởng tượng một ngày không có internet; không telephone thì chắc anh cảm tưởng như đang ở hoang đảo quá, vì mình quen biết, connection quá nhiều mà ngày nào thiếu một cái gì đó, trời ơi thấy hãi hùng lắm, thấy cô đơn ghê lắm!
ĐMH: Anh có nhận được những feedback từ độc giả?
TK: Về độc giả thì anh có khá nhưng không biết nhiều hay không; có rất nhiều người rất thương quý anh từ bao nhiêu năm nay rồi, tội lắm, có những người bao nhiêu năm không gặp; có những người đọc báo anh từ ở Việt Nam, qua đây ở tiểu bang xa xôi như bên Úc hay bên Tây xa lắc mà nhờ “thế giới ảo” (internet) mới liên kết được, nhiều lắm.
Từ đó, anh được nối kết lại với tất cả những độc giả cũ hồi xưa và lớp trẻ giờ nữa. Lớp trẻ bây giờ thực sự họ không biết cái background của mình, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi những người lớn tuổi bảo rằng ông này viết về nhạc trẻ hay viết về văn nghệ hay lắm thì họ tìm đọc. Độc giả càng ngày đủ mọi lứa tuổi.
(xem tiếp kỳ 2)