Menu Close

Ông lái đò & con sáo – Kỳ 2

(Tiếp theo) Nhưng lần này, ông không chèo đò liên tục như mấy năm trước nữa. Ông chỉ chèo đò kiếm chút đỉnh tiền nuôi lấy miệng ăn vốn cũng chẳng tốn hao bao nhiêu. Với vài con cá muối chiên, thêm cái nồi cơm bằng đất mà người ta nắn từ ngoài hòn chở vô bán dập dìu trên các ghe đồ gốm, chai nước mắm cá linh, một ít muối hột Bạc Liêu, một mớ đọt khoai lang hoặc rau diệu, rau muống, rau má, hay đọt nhãn lồng, một mớ củi tre, một cái cà ràng, thế là ông Tú có một bữa cơm thanh đạm như mọi ngày.

alt

Do vậy, lúc sau này, thỉnh thoảng những người khách sang sông thấy vắng ông Tú nơi bến đò. Và rồi, đi ngang qua vàm sông này, ai cũng nhắc ông Tú. Những người qua sông thường nói với nhau: “Chắc ông Tú bữa nay đi trồng sao cho bá tánh.” Và dường như, người ta, ai cũng thấy mến người chèo đò già này đã quen thuộc với họ quá rồi. Những ngày nghỉ như vậy là những ngày ông Tú không thích bám chặt lấy dòng sông nữa. Ông Tú muốn đi lang thang khắp làng này qua làng nọ như đi chơi, đi dạo, hoặc đi thăm vườn tược, cây trái, rẫy bái, ruộng nương. Nhất là vào mùa hè, mùa bông sao, bông dầu bay bay như những con chuồn chuồn xòe cánh, như bầy chim én liệng rợp trời, ông Tú mang cái thúng về lượm bông sao, bông dầu đựng đầy cả thúng vun trùng. Và rồi, ông đem về giâm những trái sao, trái dầu cho hai cánh hướng lên trời trên một bãi đất bùn phía sau căn chòi ọp ẹp của ông. Những cánh bông sao rợp trên bãi bùn như những con chim sâu nhỏ đang sà xuống mổ những con kiến đất bò ngổn ngang. Khi những cây sao mọc cao vài tấc, ông Tú lại bứng những cây sao con này và bầu lại bằng những bẹ chuối hột, chất đầy chiếc xuồng cũ rong rêu đóng tua tủa bên trong cũng như hai bên be xuồng như những bộ râu ngà ngà vàng của ông Tú dài gần tới ngực. Bắt đầu những ngày đầu mùa mưa, ông Tú nghỉ chèo đò có khi đến năm ba ngày. Những ngày nghỉ như vậy, ông Tú chẳng rảnh rỗi chút nào. Ông Tú bơi những xuồng sao vô đình, chùa, miếu hoặc nơi nào ông Tú thích là ông cứ tấp xuồng vô bờ. Ông buộc sợi dây buộc xuồng bằng những lát bố da đánh xoăn lại và lại è ạch bưng lên từng thúng cây sao con, cây dầu con, rồi lui cui đào đào, xới xới mà đặt những cây sao ấy vào bất cứ nơi nào ông thích. Hoặc có khi ông Tú không cần giâm những bông sao lên cây con, mà ông cứ nhét những trái sao ông vừa lượm được đại đâu đó dọc hai bên con đường làng nơi ông đi qua, rồi tưới cho nó vài mủng dùa nước để cho đất mềm mềm. Thế là trái sao nẩy mầm và lên cây, ngấm mưa, ngấm nắng cứ tháng ngày qua mà lớn mau như một loài cây cỏ bị bỏ quên. Mọi người, ai ai cũng biết và gọi những cây sao, cây dầu mọc như vậy trong đình chùa, trong vườn tược, trong đất của mình là sao, là dầu của ông Tú Thường trồng cho bà con. Bây giờ có nhiều cây sao, cây dầu lớn có bề hoành đo được ba, bốn gang tay người lớn. Riêng ông Tú, chẳng bao giờ ông để tâm đến những cây sao, cây dầu mà ông đã trồng rải rác như vậy. Người ta không ai có thể đếm được ông Tú đã trồng được bao nhiêu cây sao cho thập phương bá tánh khắp nơi. Từ Định Yên, Cái Dầu, Tân Bình, Bàu Hút cho đến Hội An Đông, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Cái Nai, Xẻo Tre, Xẻo Đào… đâu đâu cũng có những cây sao, cây dầu cao lớn chót vót của ông Tú. Sau mỗi lần đi trồng sao về như vậy, thế nào ông Tú cũng có một mớ ớt hiểm mọc hoang trong các khu vườn vắng chủ, vài con châu chấu, vài con cào cào cho con sáo cưng của ông.

Ngay tại vàm Tân Bình, dòng nước chảy làm xoáy lở để lòi ra những gốc tre đầy rễ già tua tủa. Cái chòi của ông Tú nằm thoi loi với bụi tre bông cản gió nằm xiên xiên như muốn ngã nhào xuống sông. Nơi này cũng có một cây sao lớn do ông Tú trồng từ hồi mới che chòi, có bề hoành bằng cái hũ đường, luôn che chở cái chòi của ông Tú trống trước, trống sau mát rượi vào mùa hè khi gió thổi là là qua mặt nước của con sông cặp hai bên hông…
Dòng sông phía trước mặt chảy ngang qua căn chòi ông Tú dường như chẳng để lại cảm xúc gì. Nhưng bến sông, con đò, cái chòi cùng cuộc đời ông Tú Thường như một trong nhiều trạm đo mực nước lên cao xuống thấp hằng năm mà người ta thường đặt rải rác hai bên bờ con sông Cửu Long từ trên An Phú chạy dài xuống tới Cần Thơ bên này, Vĩnh Long bên kia, ra tới các cửa biển. Ông Tú nhìn thấy hết thời cuộc lướt qua vùng này như con nước sông trôi qua từng ngày để lại những ngấn nước nơi bến đò. Những thời kỳ 45 rồi 54, cho chí đến những năm tháng sau này, không một mảy may nào mà ông không chứng kiến. Trong dòng thế sự, nhiều lúc việc đời đổi thay, ngang trái quá đã làm ông bàng hoàng, rụng rời tay chân như cánh tay trái của ông run run theo tuổi đời buông thòng, mỏi mệt…

Và rồi, một hôm, người quen trong xóm không nghe con sáo liến thoắng  “đò…, đò…”, “đò…, đò…”, hay “sao…, dầu…”, “sao…, dầu…” nữa mặc dù người ta đến gần bên cái lồng của nó. Con sáo dường như co ro trong sắc mặt không vui . Nó chỉ chợt giựt mình khi thấy người quen lối xóm đến gần. Do tinh ý, người quen mới phát giác ông Tú nằm chết chèo queo trong cái chòi rách nơi vàm Tân Bình với lòng thương tiếc và quí mến một người chèo đò nghèo trên bến sông xưa. Bình sinh, ông Tú không làm buồn lòng bất cứ người nào dù người ấy sang sông với vẻ gấp rút, cằn nhằn đò ông qua chậm, qua nhanh. Người ta thông báo cho nhau về tin ông Tú Thường qua đời. Mọi người, khắp nơi nơi đổ xô về cái doi nơi căn chòi rách của ông Tú; kẻ tiền người của lo hòm rương chôn cất ông Tú thật chu đáo, tử tế như một lần được tỏ lòng nhớ ơn ông. Người ta, ai cũng mang ơn ông biết bao lần đưa họ qua bến sông xưa. Và dường như, khắp các làng quanh vùng chợ quận này, ai ai cũng đã có những cây sao, cây dầu dưới bến sông hoặc trong vườn, bên bờ mương mà hơn một lần ông Tú quá bước qua trước mảnh vườn của họ. Nhiều người cũng tỏ ra hối tiếc về một điều tưởng chừng không bao giờ còn có dịp nào để có thể thực hiện được. Họ tự trách mình nhiều lúc cũng quá vô tình. Phải chi lúc ông Tú Thường còn sống, có một người nào đó bán một cây sao hay cây dầu do ông trồng, rồi mang đến cho ông chút đỉnh tiền, có lẽ ông Tú đỡ cực nhọc với những ngày nắng mưa kiếm sống trên bến sông. Thông thường, khi người ta nhớ ra và hối tiếc về một điều sơ suất nào đó thì mọi điều đã muộn màng hết rồi. Bà con, ai cũng nhận ra con sáo buồn ủ rũ trong cái lồng tre bên bụi tre xiêm. Sau nhiều ý kiến, người nào cũng muốn đem con sáo về nuôi, nhưng có một cụ già râu tóc bạc phơ, chậm rãi đưa ra ý kiến là nên thả con sáo để cho nó bay tự do như làm phước. Ai ai cũng tiếc, nhưng rồi làm theo lời dạy của cụ già. Con sáo được thả ra bay vù lên bụi tre xiêm, đứng trên cái nhánh tre gần mái chòi nhìn xuống như nhớ về một điều gì. Con sáo vẫn im lặng và mọi người đang nhìn theo nó như chờ đợi nó bay đi luôn về cái chốn vườn cây của nó ở một nơi nào xa vời vợi… Nhưng con sáo vẫn đứng yên như chẳng muốn bay nhảy làm gì. Mọi người bàn tán với nhau: “Con sáo, nó nhớ ông Tú Thường.”

alt

Vàm Tân Bình và Xáng Lớn với doi ông Tú Thường.

Vì bận rộn việc lo chôn cất ông Tú, nên người ta cũng quên luôn con sáo bay về đâu. Lạ lùng thay, khi gần đến giờ động quan, con sáo từ đâu lại sà xuống đậu vào cái nóc chòi của ông Tú làm mọi người có mặt vô cùng ngạc nhiên và xúc động về một nghĩa tình giữa người chủ già và con sáo nhỏ… Vả lại, ông Tú Thường như một người sống ở giữa chợ đời nhộn nhịp nhưng tâm ông bình thản lắm, nên làm sao mà người ta sánh kịp với ông về cái lòng nhân nghĩa được gói kín bằng chiếc áo rách chèo đò. Và rồi, thỉnh thoảng, một vài người trong xóm đi ngang qua bụi tre xiêm bên cái chòi ông Tú, lại gặp con sáo của ông đậu trên nhánh tre nơi cái lồng cũ nhưng không còn nghe nó nói “đò, đò”, “sao, dầu” như trước nữa.

Từ dạo ấy, căn chòi của ông Tú Thường bị dây bìm bìm, hắc sửu, dây giác leo đầy, hoang vắng. Mọi người trong xóm đưa ra ý kiến mình nên dỡ căn chòi xếp lại và cùng nhau lập cái miễu thờ ông Tú dưới gốc cây sao như để tạ ơn ông. Chạng vạng nào, một cụ già tóc bạc phơ ở gần bến đò đều ra đây thắp một cây nhang cho ông Tú như một cái lệ sáng nào cụ cũng sang đò uống ly cà phê đen nhiều đường. Mỗi lần đi qua bến đò chợ quận này, hoặc đi ngang cái chòi cũ nơi mà bây giờ cái miễu nhỏ thờ ông Tú nằm dưới gốc cây sao, người ta mới sực nhận ra, trên đời này muốn sống được một đời thật bình thường như ông Tú Thường chèo đò, không phải ai cũng sống được!

Và rồi, bẵng đi khá lâu, người ta không còn gặp con sáo của ông Tú trở lại bụi tre xiêm nơi cái chòi cũ nữa. Có lẽ, con sáo cũng đã già lắm rồi! Người ta không biết chắc có lần nào con sáo của ông Tú bay qua bên kia sông với chợ búa ồn ào hay không? Nhưng mọi người đinh ninh rằng nơi chợ búa náo nhiệt đó không phải là nơi chốn của nó được ăn những trái ớt hiểm, những trái chuối chín muồi, những con châu chấu, những con cào cào như hồi ông Tú Thường còn sống! Nhưng, một hôm, người con trai của cụ già hằng đêm thắp nhang trong cái miễu, trèo lên ngọn sao nơi cái doi ông Tú để chặt những nhánh sao um tùm làm củi và người ấy gặp một ổ sáo trên mấy cái nhánh cây nơi cháng ba cao vòi vọi. Con sáo mẹ giống hệt con sáo của ông Tú vụt bay ra một cái vù và trong ổ bằng cỏ khô còn lại một bầy sáo con vừa mới ra ràng, nằm cựa quậy há miệng kêu chíu chít chờ mẹ đút mồi! Người thanh niên đang leo trên đọt sao cảm thấy hai lòng bàn chân nhột nhột, chợt nhớ con sáo của ông Tú Thường, nên lật đật tuột xuống đất vì sợ con sáo bỏ ổ đi xa. Anh ngồi dưới gốc sao nghỉ mệt một hồi và chăm chú chờ con sáo mẹ bay trở về với bầy con trong cái ổ bằng cỏ khô ở trên cao…

Gió đang thổi ngang qua dòng sông mát rượi …

LTT
Massachusetts, tháng Tư, 1999.
Houston, ngày 29-02-2012, đọc lại và bổ túc.
(Trích trong Bến Bờ Còn Lại)