Thành phố cổ Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, được Liên Hiệp Quốc xếp vào tài sản văn hóa của nhân loại. Hội An có trường trung học Trần Quí Cáp. Trước 1975, trường nào cũng giống nhau, học trò cũng giống nhau. Hy vọng bạn đọc (lớn tuổi) sẽ thấy trường mình và chính mình trong bài nầy.
Ông bạn XĐ. email, bảo tôi viết một bài để kỷ niệm 60 năm trường Trần Quí Cáp. Trường Trần Quí Cáp 60 tuổi thì tôi cũng 70 tuổi rồi. Nước mất thì trường đổi chủ. Mấy ông chủ Cộng Sản dạy học trò phỉ nhổ, căm thù chính quyền, nhân dân VNCH. Vị nào còn ở lại Việt Nam sau 1975 đều biết học trò trong Nam phải học bài “Mỹ Ngụy ăn thịt người”. Không tin thì cứ về Sài Gòn, nếu không quen ai thì hỏi mấy ông bà bán sách cũ họ bán cho quyển giáo khoa có bài đó mà đọc. Rồi thì sách vở, báo chí miền Nam bị đốt sạch, “phần thư” kiểu Tần Thủy Hoàng, rồi “Yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa”, không nghe nói “Yêu nước Việt Nam”.
Từ năm 1960, Cộng Sản Việt Nam kích động người miền Bắc căm thù nhân dân miền Nam “Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời… Cầm gươm ôm súng xông tới” (bài hát Giải Phóng Miền Nam) rồi kéo rốc vào miền Nam bắn giết, pháo kích, chôn sống dân miền Nam, chiếm luôn nước Việt Nam Cộng Hòa, tịch thu tài sản của dân miền Nam, tống những người dân lương thiện đó lên núi rừng gọi là kinh tế mới, bỏ tù khổ sai biệt xứ lên vùng tây bắc Việt Nam tất cả quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa. Mấy ông thầy tu cũng vô tù luôn. Mà miền Nam chỉ lo làm ăn, sinh sống, đâu có động chạm, gây thù, chuốc oán gì với miền Bắc?
Trường Trần Quí Cáp 60 tuổi, chỉ còn cái tên thì tôi cũng chỉ còn cái tên. Cái tên sắp được khắc vào mộ bia. Già quá rồi! Các “cơ quan đoàn thể” trong người đều rã rệu, chẳng dùng được vào việc gì. Nhất là đầu óc, ngày càng lú lẫn nói trước quên sau. Tay cầm cái kiếng lão mà đi tìm quanh cái kiếng để đọc sách! Bây giờ ông bạn bảo viết chuyện xưa. “Mà phải là chuyện thời đi học trường Trần Quí Cáp cơ!” Làm sao nhớ đây? Không viết thì bạn giận. Người xưa có nói rằng: “Có ba thứ quí nhất trong đời, đó là: Tình yêu, Lòng tự tin và Tình bạn”. Để bạn giận thì mất một trong ba cái “của quí” đó. Thế nên tôi phải viết. Tôi có viết gì tầm bậy tầm bạ, không đàng hoàng thì cứ lôi ông bạn XĐ. của tôi ra mà làm việc, tôi không chịu trách nhiệm gì hết.
Có điều kỳ lạ khiến tôi ngạc nhiên là ngay giờ đây, khi bắt đầu viết thì chuyện cũ ùn ùn kéo đến nhưng lộn xộn như lũ kiến bị động ổ, lung tung, loạn xà ngầu. Tôi định nhớ đâu viết đó rồi sắp xếp lại theo thứ tự thời gian. Chuyện nào không nhớ rõ thì tôi bỏ đi. Viết nhiều, người đọc mất thì giờ chứ chẳng tốt lành gì!
Mời quí bạn nghe tôi kể chuyện trường Trần Quí Cáp.
Trường Trần Quí Cáp là trường trung học. Tôi xin bắt đầu từ lớp thấp nhất là lớp đệ thất.
Năm đệ thất có thầy Tước dạy Anh Văn, quyển L’Anglais Vivant. “This is the dog, the dog is an animal. This is the pencil, the pencil is a thing…” (Đây là con chó, con chó là súc vật. Đây là cây bút chì, cây bút chì là đồ vật). Thầy rất hiền, học trò làm ồn, thầy nói “Keep silence!”, học trò vẫn làm ồn, thầy không nói gì.
Năm tôi lên đệ ngũ, thầy vẫn dạy Anh Văn. Năm đó thầy cưới vợ, là một nữ sinh rất đẹp. Sau tuần trăng mật, thầy về dạy tiếp. Thầy có vẻ bơ phờ. Bọn (cô hồn các đảng) ngồi cuối lớp, giả giọng Huế của người đẹp “Nựa, nựa!” (nữa, nữa!) đứa khác giả giọng Bắc của thầy “Anh mệt nã người zồi”. Cả lớp cười ồ làm thầy ngạc nhiên không hiểu chuyện gì?
Cô Huỳnh Tân dạy Pháp Văn. Cô đã lớn tuổi mà vẫn còn đẹp. Nghe nói thời còn đi học ở Hà Nội, cô là hoa hậu Hà Thành (thời Pháp thuộc). Một lần, cô dạy về thuốc hút. Tabac, cigar, cigarette… gì đó. Trò Hồ Ngọc Đa đưa tay lên thưa: “Thưa cô, còn có xi-ba-rê nữa cô”
Cô hỏi “Xi-ba-rê là gì?” “Thưa cô, là thuốc hút” “Cô không biết tiếng đó. Để cô về tra tự điển xem sao”. Mấy bữa sau, vào lớp, cô nói “Anh nào nói chữ xi-ba-rê. Cô tra tự điển không có. Có phải thuốc hút không?” Trò Đa đứng lên thưa “Thưa cô, xi-ba-rê là thuốc rê. Tiếng Anh gọi là bốc-xe-lăng-le”. Cô càng ngạc nhiên “Tiếng Anh? Cô không biết!” “Thưa cô, là bốc thuốc để lên tờ giấy quyến, xe lại, le lưỡi liếm rồi hút. Là thuốc rê đó cô”. Cả lớp cười rần rần, cô cũng cười (rất đẹp). Cô còn dạy học trò: Muốn xin phép ra khỏi lớp (đi vệ sinh) phải thưa “S il vous plait madame, permettez-moi de sortie” (Xin phép cô cho em ra ngoài). Sau nầy ra đời, làm công chức Việt Nam Cộng Hòa, tôi đi tù Cộng Sản. Ban ngày tù đi lao động, tối vào lán, cán bộ coi tù đóng cửa nhà tù, khóa lại, sáng mở cửa, tù lao động tiếp. Có ông tù thỉnh thoảng, buổi sáng thức dậy ngâm nga “Giấc Nam Kha khéo bất bình. Bừng con mắt dậy, thấy mình sortie!” (bắn thằn lằn) Xin quí ông giải thích cho các bà vợ hiểu “sortie” là được ra khỏi nhà tù.
Thời tiểu học, tôi với Nguyễn Hồng Hà thay nhau đứng nhất nhì lớp, được phần thưởng cuối năm. Lên đệ thất, tôi cũng được phần thưởng nhưng từ năm đệ ngũ đến đệ nhất, tôi đứng bét lớp vì không thuộc bài và “đút vở bụi tre” (trốn học) nhiều quá. Đang học, lúc đổi giờ, thầy chưa vô, tôi nhảy cửa sổ, chui hàng rào (lúc đó trường chưa xây tường rào), cùng với vài thằng bạn (hẹn trước) đi tắm sông, cà lơ thất thểu ngoài đường chán chê, chui rào vô học tiếp. Trốn học một số giờ nào đó phải thi lên lớp, vì vậy tôi phải thi lên đệ tam cùng với những đứa thiếu điểm thi “lục cá nguyệt”. Cũng may, năm đó tôi thi đậu trung học đệ nhất cấp nên vào phòng thi, tôi hỏi thầy giám thị: “Thưa thầy, con có bằng trung học đệ nhất cấp có phải thi không thầy?” Thầy giám thị nói: “Về đi. Khỏi thi”
Cuối niên học, trước khi nghỉ hè có lễ phát phần thưởng. Buổi lễ tổ chức ở rạp Phi Anh. Có nhiều loại phần thưởng. Phần thưởng học sinh giỏi toàn trường, phần thưởng hạnh kiểm toàn trường, các lớp có phần thưởng danh dự, phần thưởng hạng nhất, hạng nhì, ba và hạng tư. Chỉ có phần thưởng danh dự và hạng nhất, là trao trên sân khấu, các hạng kia, giáo sư hướng dẫn trao (lặng lẽ) sau hậu trường. Các phần thưởng (trao trên sân khấu) được gói bằng giấy dầu xanh, đỏ rất đẹp. Phần thưởng nào có quyển tự điển lớn, quả địa cầu, hoặc cây đàn măng đô lin thì rất “đồ sộ”, che cả mặt người lãnh thưởng, không thấy lối đi. Sung sướng và hãnh diện nhất là gia đình cô, cậu được lãnh thưỡng. Nhiều gia đình có con được phần thưởng thường mua quà (bút máy, đồng hồ, sách) nhờ nhà trường bỏ vô phần thưởng cho con mình. Trong buổi lễ phát thưởng có văn nghệ, ca hát do học sinh trình diễn nên người xem rất đông… Tôi chỉ được lãnh thưởng hạng nhì một lần duy nhất năm đệ thất, ra sau hậu trường sân khấu nhận mấy quyển sách vở tào lao gì đó, được cột bằng dây ni-lông trông rất thảm hại. Tôi nhét phần thưởng vô trong áo, trước bụng cho người ta khỏi thấy, đỡ mắc cỡ rồi theo cửa sau ra về. Tôi mồ côi cha, má tôi lo chạy gạo cho lũ con, hơi sức đâu mà để ý đến chuyện học hành của con cái. Thời tiểu học tôi nhất lớp, má tôi không biết, lên trung học tôi bét lớp, má tôi cũng chẳng để ý. Thấy tôi ngày nào cũng đi học là bà yên tâm.
Tôi và lũ bạn, không đứa nào có phần thưởng nên coi khinh chuyện đó. Có chuyện lạ là đứa nào học giỏi, học riết cũng chỉ làm giáo viên, giáo sư là cùng, vì các cô cậu đó chỉ biết sách vở, ra đời gặp chuyện không có trong các bài học thì đành ngớ ra, trong khi bọn lười biếng, đứng bét lớp, ra đời khôn lanh, xoay xở rất tài lại thường gặp may. Cậu nào vào quân đội thì phải biết, tung hoành ngang dọc trong lửa đạn, mà vẫn an toàn. “Lấp biển, vá trời, kinh bang tế thế” (?!) mới là chuyện của chúng tôi, học hành để lãnh thưởng là chuyện đàn bà, trẻ con nên chúng tôi không thèm đến xem lễ phát thưởng. Tuy thế, năm nào tôi cũng lẻn vào, chờ cô bé L. T. T. được kêu tên, ngắm cô yểu điệu lên nhận phần thưởng, yểu điệu ôm phần thưởng về chỗ ngồi, xong tôi mới đi ra. Lúc đó thì tôi như người mộng du. Đường sá, nhà cửa trước mắt, tôi không thấy, chỉ thấy cô T. với áo dài trắng thướt tha, với gương mặt sáng như trăng rằm, môi hồng tự nhiên, mái tóc phủ bờ vai… Tôi chẳng cần cô phải biết tôi yêu cô, mà chỉ mong được gặp cô hoặc thoáng thấy cô để tôi được sung sướng, đê mê cả thần trí. Yêu thầm như vậy mà tôi rất hạnh phúc và không hề quên cô. Sau nầy, vào đời, tôi thành con ma xạo. Thấy cô, bà nào vừa mắt là tôi tán tỉnh tía lia, miệng trơn như bôi mỡ… Sau đó thì quên bẵng.

Thời trẻ, tình yêu không ăn nhập gì đến vật chất. Hai thứ cách biệt nhau như cô tiên trong trắng, tinh khiết, bay lượn trên mây so với chị đàn bà hấp dẫn dưới trần thế. Bọn học trò con trai cũng có những vấn đề sinh lý của nó. Tôi biết một cậu ở thôn quê về Hội An trọ học, nhằm bà chủ trọ không chồng, chỉ mấy tháng sau, cậu ta xanh lè, gia đình phải tìm chỗ trọ khác cho cậu ta. Một chuyện khác: Một buổi tối, ba đứa tôi đi lang thang trên đường Trần Hưng Đạo ngang trường Xuân Lâm, chỗ “cây da kèn”. Chỗ đó tối vắng. Chúng tôi thấy một cô bưng hai tay hai tô mì, phở gì đó đi vào trong hẻm. Hai cậu bạn tôi đi theo vào hẻm. Một lúc sau đi ra. Tôi hỏi: “Tụi bây làm gì em?” Hai cậu cười khì khì: “Em bưng hai tay hai tô phở, sợ đổ phở chủ la nên không dám nhúc nhích… Em hẹn ra đây chờ em”. Cả bọn ngồi xuống lề đường, chờ hoài, đến khuya chẳng thấy em ra, đành bỏ đi. Hai cậu nầy hiện ở Cali, nói tên ra đây, mụ vợ xé xác.
Thời đó nam, nữ học sinh có thích nhau cũng không dám gặp gỡ chuyện trò, cùng lắm là viết thư, nhờ bạn bè trao giùm. Có cậu H. D., học trên tôi mấy lớp, viết thư tỏ tình lung tung, cô nào cũng gửi. Có cô được thư tỏ tình đem khoe với bạn, cô bạn nầy cũng khoe, mình cũng có người gửi thư. Trao nhau đọc. Hóa ra, hai lá thư giống hệt nhau, chỉ khác tên người nhận. Tôi cũng từng viết thư tỏ tình một cô nữ sinh. Đó là cuối năm đệ nhất. Tôi viết bảy, tám trang. Đọc đi, đọc lại, sửa chữa, thêm bớt cho thật hoàn hảo rồi đọc to lên, lên bổng xuống trầm, nghe rất lâm ly, thống thiết để tự thưởng thức và để “khẳng định”, chắc chắn nàng đọc sẽ cảm động đến rơi lệ, sẽ tìm tôi mà nghẹn ngào: “Em không ngờ anh yêu em tha thiết như thế nầy. Em xin thưa. Em cũng để ý và yêu anh từ lâu…” (đại khái như thế). Tôi để lá thư tình trong quyển Literature Francaise đem đến trao cho nàng (nàng hỏi mượn vì nàng học sau tôi hai lớp). Tôi đâu có ngờ nàng đem lá tình thư của tôi cho gia đình, bạn bè nghiên cứu đến nhàu rách mới long trọng trả lại tôi. Bên lề mấy trang tình thư đó, chi chít những lời “phê bình, góp ý”. “Văn chương sến!”, “Trời ơi là trời!”. Có những câu rất mê ly, thắm thiết dễ làm nhỏ lệ những con tim yếu mềm thì lại bị “chơi” bằng cách gạch đít rồi có mũi tên chỉ ra lề lá thư với lời chú thích.
Chẳng hạn câu “Anh nguyện hiến dâng đời anh cho em” thì được phụ đề “Cám ơn, nhưng em không quen nhận quà rẻ tiền”. Câu “Anh nguyện đi cùng trời cuối đất vì em” cũng được phụ đề “Anh hãy lên đường ngay. Đi đi và… đi luôn. Xin đừng quay lại nhìn em nữa. Em biết anh đi chẳng trở về”, nhiều lắm, tôi nhớ hết nhưng không kể ra đây, không phải vì mắc cỡ mà vì không đáng để cho quí vị biết trình độ thưởng ngoạn văn chương “ấu trĩ” của họ.
Tình yêu học trò bao giờ cũng được ca tụng vì rất lãng mạn nhưng trong trắng. Các nhà văn, nhà thơ cả đến ca, kịch, cải lương cũng khai thác triệt để. Ở hải ngoại, xem mấy cái DVD ca nhạc thường có cảnh chị áo dài trắng, ôm cặp đứng trên hiên lớp học liếc mắt đưa tình với ông quần xanh áo trắng rồi cùng nhau hát những bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, “Ngày Xưa Hoàng Thị” gì đó. Khổ nỗi, bà ca sĩ già gấp đôi vợ tôi, ông ca sĩ hơn tôi vài chục tuổi mà làm bộ ngây thơ, nhí nhảnh… khiến tôi nổi da gà! Lại còn cảnh đuổi bắt nhau, chạy quanh gốc cây trong sân trường mấy vòng, miệng nàng cười hắc, hắc như mụ điên rồi quay lại hót cổ chàng, một chân co lên như trong phim Đại Hàn. Thấy mà ghê! Vậy chứ mấy bà xem, cảm động lắm, ngồi sững sờ vì tưởng nhớ đến người xưa với bao kỷ niệm êm đềm (!?) cách đây hơn nửa thế kỷ, thời mình còn là cô nữ sinh ngây thơ…, để rồi thở dài áo não, ước sao mình có đôi cánh để bay đi tìm mấy chàng, để nói biết bao lời nhớ nhung, đau khổ. Xin can mấy bà! Làm ơn bảo cháu nội, cháu ngoại bắt cho cái ghế để leo lên bàn thờ mà ngồi nhìn chúng sì sụp lạy.
Đi học là nhiệm vụ. Đứa nào cũng đi học, mình không thể ở nhà. Không đi học là ăn đòn, là bị đi quân dịch, chỉ vậy thôi, chứ không cậu nào nghĩ mình đi học để sau nầy làm vương, làm tướng gì. Ngược lại, được nghỉ học (hợp pháp) mới là hạnh phúc. Hợp pháp là trường cho nghỉ. Ngồi trong lớp, giờ kế tiếp mà thầy giám thị vào bảo “Giáo sư không dạy giờ nầy, các trò ngồi yên, không được làm ồn”. Ngồi yên cũng sướng, nhưng khi thầy giám thị vừa bước ra là lớp học ồn ào còn hơn cái chợ. Bởi vậy mới có chuyện vui. Thầy hỏi tro: “Trò hãy nói công ơn của Hai Bà Trưng?” Trò thưa “Thưa thầy, nhờ có Hai Bà Trưng mà em được nghỉ học một ngày”. Ở Hội An còn có cái thú được nghỉ học vì nước lụt. Dù biết nước lụt đã lên cao nhưng học trò phải đến lớp điểm danh rồi ngồi chờ, khi thầy giám thị nói to “Về!” là ùa nhau tuông ra khỏi lớp. Trừ những đứa con nhà gia giáo, chúng tôi rủ nhau lội nước lụt. Cứ bì bõm trên đường Nguyễn Thái Học, từ chợ Hội An lên đến Chùa Cầu, quần áo ướt mem. Học trò tiểu học nhét vở vô bụng, chỗ lưng quần, lội một lúc, vở rớt xuống nước, chữ nghĩa “nhạt nhòa”!
Được nghỉ hè, đã sướng còn được đi trại hè thì quá tuyệt. Từ tiểu học đến trung học, tôi thường được đi trại hè, có lẽ trường tội nghiệp bọn con nhà nghèo. Đi trại hè Huế, Quảng Trị, Lăng Cô… Trại hè Lăng Cô thích nhất vì ăn xong là tắm biển, leo núi, lên suối Cô Ba, gần ga xe lửa tắm suối. Không hiểu sao, tôi còn nhớ vài chuyện ở trại Lăng Cô. Năm đó tôi học lớp đệ thất (lớp sáu). Sáng nào trại cũng cho ăn cháo đậu xanh với đường tán. Mười đứa ngồi quanh, có mười tô cháo với một tô đựng mười viên đường tán, cỡ hai ngón tay. Có đứa lanh tay lấy một tán nhận chìm dưới cháo rồi lấy một tán đường nữa, để trên cháo cho thấy mình cũng chỉ có một tán đường thôi, thành ra bữa nào cũng có đứa phải ăn cháo không có đường. Một buổi chiều ăn cơm, có cậu đem con gián trong dĩa cá kho, lên thưa với ban quản trại ngồi ăn gần đó. Một ông trong ban quản trại nạt: “Trò thấy chiếc nhẫn vàng có đem lên đây không?” Tôi còn nhớ một trại hè nữa. Năm tôi học đệ nhị (lớp mười một) đi trại hè Mỹ Khê, Đà Nẵng. Buổi sáng, học sinh tập trung ở sân trường Trần Quí Cáp chờ xe đến chở đi. Thầy hiệu trưởng Hoàng Trung thấy tôi, kêu lại “Mi giở mũ tao coi”. Tôi giở mũ. Thấy tóc dài phủ ót, thầy móc túi cho tiền “Mi đi hớt tóc ngắn tao mới cho lên xe”. Tôi cầm tiền đi loanh quanh chẳng thấy chỗ hớt tóc mà xe thì đến rồi, tôi phóng lên xe, chui vào trốn im trong đó, thầy không thấy. Tôi học ban C, gọi là ban Văn Chương lại để tóc dài cho ra “ta đây nghệ sĩ”! Ra Mỹ Khê, lúc tắm biển, tôi muốn chơi trội, biểu diễn tài nghệ cho thiên hạ “lé mắt” nên bơi thẳng một mạch ra ngoài khơi xa, nhìn vô bờ, thấy người nhỏ chút xíu. Giáo sư hướng dẫn sợ quá mới nhờ một anh ở cái chòi cao, trạm cấp cứu của ty Thanh Niên bơi ra kêu vào. Anh ta bơi đến sau lưng tôi rồi quay vào nói: “Có anh thanh niên nào đó, tóc dài lắm, chứ không phải học sinh, nên tôi không biểu anh ta bơi vô”.
Tôi biết, đọc đến đây, bạn muốn hỏi “Ông trốn học, lười biếng… Làm sao thi đậu tú tài trong khi nhiều cô, cậu học xanh mặt mà lại rớt?” Xin thưa trước là tôi không thông minh, học một hiểu mười, học đâu nhớ đó mà sự thực, tôi cũng học bù đầu, thức khuya dậy sớm như mọi cô, cậu học trò khác, chỉ có điều tôi chơi ra chơi, học ra học, không ngồi ngủ gục mà coi như là học bài. Gần đến ngày thi, độ ba, bốn tháng tôi mới bắt đầu “gạo”. Ngoài giờ học ở trường, tôi tự ra lịnh cho mình phải học thêm tám tiếng nữa. Tôi để sẵn một thời khóa biểu, ngày nào học môn gì. Học được năm phút, ghi vào năm phút, một giờ ghi một giờ, nếu thiếu thì hôm sau phải học bù. Buồn ngủ thì lăn ra ngủ, đồng hồ reo dậy học tiếp. Học không vô nữa thì ra đường lang thang cho tỉnh trí. Bọn học trụ điện (thời đó có phong trào học trò ngồi học dưới trụ đèn điện, mỗi cậu một trụ đèn, cho đỡ buồn ngủ), về khuya còn thấy tôi cà lơ, thất thểu ngoài đường vắng, không hiểu tôi đi đâu mà không về nhà học thi? Tôi còn biết cách học của sinh viên đại học bằng cách gạch xanh đỏ những câu quan trọng trong bài, chép riêng ra một tờ giấy nhỏ, chỉ học ôn trên tờ giấy đó. Nhờ vậy bài nào tôi cũng thuộc nhưng thuộc đại khái nên đi thi tôi cầu cho được đậu vớt là may rồi. Thời còn trung học, nghe hai tiếng “sinh viên” mê lắm. Đậu tú tài hai, tôi vô Sài Gòn, ghi danh học luật, cầm cái thẻ sinh viên của mình, ngắm hoài không chán. Đôi khi tôi đạp xe vô đường ngược chiều để cảnh sát chận lại xét giấy, tôi đưa thẻ sinh viên ra và nói: “Em ngoài Trung vô học “đại học” (!), không biết đường” Anh cảnh sát cười nói: “Đi ngược chiều rồi. Quay lại kẻo xe tung”.
Chuyện thời đi học, kể cả năm không hết. Mỗi lớp là một chuỗi kỷ niệm, mỗi người bạn cũng có biết bao chuyện để kể, vì từ nhỏ đến lớn tôi chỉ ở Hội An, học trường Ông Voi rồi lên trường Trần Quí Cáp, loay hoay với cũng chừng đó đứa bạn, lang thang cũng chừng đó con đường trong cái thành phố còm cõi, già nua. Gia cảnh giàu nghèo có khác nhưng tâm hồn suy nghĩ, tình cảm của cô, cậu học trò nào cũng giống nhau. Đến khi trưởng thành, xa trường, xa thành phố, lăn vào đời vì sinh kế, đôi khi bị đời đá lên, đá xuống, bầm giập như cái mền rách, tưởng chừng mình ngã gục, không gượng dậy nổi. Lúc đó mà gặp được một người bạn cũ thì tay bắt mặt mừng, quí còn hơn ruột thịt, chuyện trò sôi nổi, vui vẻ như thời còn đi học. Khi chia tay bỗng nhiên lại thấy như vừa được bạn tặng cho một nguồn an ủi với những niềm vui. Thế là lại thấy mình yêu đời và tự tin như ngày xưa vô tư. Lại cố mà đứng lên, lại lăn vào đời.
Có một lần, tôi về Hội An, đứng trước trường xưa, tần ngần nhìn cái bảng hiệu Trần Quí Cáp mà bỗng thấy xa lạ, như đứng trước ngôi nhà của mình đã bị người ta cướp mất. Nước mất rồi thì chẳng còn cái gì thuộc về mình, kể cả tình cảm, suy nghĩ, muốn thương ngôi trường cũng không có tư cách gì để thương được. Nếu bạn bước vô trường, lúc đó, có thể có một lớp đang học bài “Mỹ Ngụy ăn thịt người”. Giáo viên sẽ chỉ cho học trò thấy tận mắt tên “ngụy ăn thịt người” đang đứng ngơ ngáo trong sân trường. Học trò vẫn được dạy để tiếp tục căm thù quân, cán, chính, tư sản (bóc lột?!), tu sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng có thể “bảo vệ” đuổi bạn ra khi biết bạn là “ngụy”. Trong sách giáo khoa ngày trước, có chuyện ông Cạt-Nô về thăm trường cũ, ông nói đủ thứ nhưng nếu ông làm người dân mất nước, ông sẽ nghĩ gì, nói gì về trường cũ của ông? Xin đừng lãng mạn một cách giả tạo khi đến thăm trường cũ. Trường Trần Quí Cáp của chúng ta, giờ đây chỉ là cái xác không hồn. Kỷ niệm sáu mươi năm trường xưa chỉ như kỷ niệm ngày sinh của một người bạn đã quá cố với tấm hình trên bàn thờ.