Menu Close

Cố nghệ sĩ Trường Kỳ những tâm tình gửi lại – Kỳ 2

Lời Giới Thiệu: Tên tuổi ký giả Trường Kỳ đã khá quen thuộc với độc giả hải ngoại; nhất là độc giả Trẻ qua những bài cộng tác của ông. Ông là nhà biên khảo về tân nhạc Việt Nam; phụ trách chuyên mục “Nghệ sĩ và Đời Sống” trên đài VOA, và là một trong những người tiên phong khai sinh phong trào nhạc trẻ Sài Gòn trước năm 1975 – vì những nỗ lực, đam mê âm nhạc ông còn được mệnh danh là vua nhạc trẻ. Những bài hát nổi tiếng của ông như: “Biết Đến Thuở Nào” (viết chung với Tùng Giang), “Khi Ta Hai Mươi”, “Rồi Mai Đây”, “Yêu Nhau Đi”, “Như Một Giấc Mơ”, v.v

Ông tên thật Joseph Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, từ trần ngày 22 tháng 3 năm 2009 tại Toronto, Canada hưởng thọ 63 tuổi.

Bài được viết lại qua buổi tâm tình ghi âm tại tư gia của Đặng Mỹ Hạnh vào năm 2008, khi ông còn sống và là để riêng tặng ông. Tôi giới thiệu với độc giả Trẻ như một tưởng niệm chân tình dành cho một người anh/đồng nghiệp của riêng tôi nhân ngày giỗ lần thứ 3 của ông. Chính quan niệm sống và viết của cố nghệ sĩ Trường Kỳ qua phần tâm tình này, có thể có được nhiều sự đồng cảm của những người viết thuộc thế hệ trẻ trong cùng lãnh vực này. Bài đăng 2 kỳ.ĐMH.

alt

ĐẶNG MỸ HẠNH (ĐMH): Là người ký giả văn nghệ, anh có sự đồng cảm với những người nghệ sĩ về tính cách hay khía cạnh nào khác trong cuộc sống của họ?

TRƯỜNG KỲ (TK): Nói chuyện thực tế, là theo anh, nghệ sĩ Việt Nam mình – nói ra có thể hơi đụng chạm đó nhưng mà anh cứ nói – nếu ngồi đối diện nhau phỏng vấn thì người ta không nói hết sự thật đâu, giấu nhiều lắm! [cười]. Cái mà nghệ sĩ hay giấu nhất là tuổi tác; trong khi em thấy ngoại quốc họ đâu có care vấn đề tuổi tác bao giờ, nhằm nhò gì đâu. Thế mà 100 người anh hỏi thì đến 99 người giấu tuổi rồi,  sau khi gặp phỏng vấn rồi, phone lại “đừng nói em tuổi này tuổi nọ nhe”; đó là điều đặc biệt nhất của nghệ sĩ Việt Nam, ngay cả đàn ông cũng thế chớ không phải là phái nữ à nhe! Chính anh cũng thắc mắc – anh không muốn so sánh với ngoại quốc – anh bảo, trời cho mình bao nhiêu thì nói vậy; thật ra đó chẳng phải là điều xấu hay dở, nhưng nghệ sĩ không muốn ai biết tuổi của mình.  Tuy nhiên, anh được cái hên là họ nói chuyện với mình có sự tin tưởng lắm, họ nói nhiều, rất là open. Cô Ý Lan, đặc biệt là cô không giấu tuổi và con cái có bao nhiêu nói hết [cười vui], cô còn hãnh diện về có 6 người con nữa, cô rất hạnh phúc, đó cũng là một điều hay lắm!

ĐMH: Anh đã hỏi ca sĩ Chế Linh có bao nhiêu vợ không, vì khi đặt câu hỏi thường bị từ chối trả lời? [cười]

TK: Hơi nhiều đấy chớ nhỉ; không phải ổng không nói mà ổng… không nhớ hết! [cười lớn]

ĐMH: Độc giả thường thích tìm hiểu về đời tư của nghệ sĩ; người ký giả đôi khi cũng cần phải khai thác để đáp ứng thị hiếu của độc giả; với riêng anh thì thế nào?

TK: Đối với riêng anh thì lấy trung bình, tức là dung hòa. Đời tư của nghệ sĩ cũng nói một phần; những gì người ta muốn giấu thì cũng nên tôn trọng họ. Đối với độc giả thì “nha nhá” cái này chút chút, chớ nói cô này hoạt động hát ra CD bao nhiêu, đóng phim này hay được hát trên Asia, Thúy Nga mấy lần v.v. thì nó thường quá rồi, độc giả người ta muốn biết đời tư hơn chút xíu, thì phải hở ra bí mật chút xíu chớ!

alt

Tùng Giang, Trường Kỳ và Nam Lộc

ĐMH: Anh biết nhiều về đời tư của nghệ sĩ nhưng lại ít viết về đề tài này?

TK: Điều này rất khó viết vì đụng chạm ghê lắm; vấn đề tế nhị và nhạy cảm đó; thứ nhất là lương tâm nghề nghiệp, thứ hai là không muốn gây rối rắm cho chính mình, không tốt lành đâu. Anh chỉ viết về nghệ sĩ, giới thiệu họ đến với độc giả, giới thiệu về background, tài nghệ của họ.

Hơn nữa, anh được độc giả thích một phần vì anh viết những phóng sự vui, do tính lười và ít thích chải chuốt mất thời gian lắm, nghĩ sao viết đại vậy mà hay [cười]. Anh nắm bắt được thị hiếu của độc giả; thời buổi thực tế những người lớn tuổi bắt đầu nghĩ đến vấn đề hưởng thụ; đi ăn uống, du lịch; khai thác được hai điểm đó là anh thành công, họ thích lắm, cũng như em viết về thể loại “ký sự hoang dã” như vậy là hay, lạ! Cũng vì hoàn cảnh xã hội nó rush quá và họ phải tận hưởng, đến một lúc nào đó sáu mươi tuổi, chân tay yếu chưa chắc đã đi được.

ĐMH: Anh còn có những “điều răn” gì cho riêng mình?

TK: Điều răn của anh sống từ trước giờ là phải sống thực tình, sống một cách dung hòa, ôn hòa, bởi chính vì ôn hòa như vậy nên nhiều người bảo anh là tính “ba phải” [cười]. Chưa chắc là “ba phải” nhe, nghĩa là sống ôn hòa thôi. Anh chủ trương rằng là có vay có trả: thiếu cái này được bù cái khác, chắc chắn như vậy, từ nhỏ đến lớn anh vẫn thấy đúng vô cùng. Đại khái, thực tế anh xấu xí đen thui, lùn xủn, bù lại Thượng đế cho mình một ưu điểm khác: có được trí nhớ tốt, quen biết nhiều người, vui lắm! Anh nghĩ mọi người đều bằng nhau cả chớ không ai hơn ai; trong một thời điểm nào đó anh hơn tôi, nhưng lúc khác tôi lại hơn anh; không phải là chịu thua hoài; chính vì điều đó anh đã chiến thắng được cái mặc cảm của mình từ hồi bé. Hồi nhỏ mặc cảm lắm, trong lớp hồi bé xíu tụi nó cứ chọc hoài là Kỳ lùn, Kỳ đen,  anh mặc cảm lắm! [cười] nên tự bảo rằng: “Trời ơi sao kỳ vậy, tại sao cả đời mình cứ để nó chọc làm chi vậy, mình phải vươn lên chút xíu chớ!” và anh đã chiến thắng được chính bản thân mình: “Tôi biết tôi lùn, tôi đen, tôi xấu trai nhưng tại sao tôi không làm cách khác đi; tôi thay đổi điểm khác đi chớ, để cho mình thiệt thòi hoài vậy sao?”. Và hồi nhỏ anh bị  “cà lăm” ghê lắm nhe, bây giờ hết rồi; anh vượt qua được những khó khăn, hạn chế bản thân như vậy cũng rất may mắn.

ĐMH: Anh nói rằng anh luôn “bị thiệt thòi” về ngoại hình, nhưng dường như những “cô đào” của anh trước kia thường thuộc loại có nhan sắc, phải không?! [cười đùa]

TK: Nhưng mà lại được đền bù đấy! Phải công nhận là “đào” anh đẹp lắm đấy! Hay ở chỗ là đào anh đẹp,  sau khi lấy vợ đào vẫn theo, họ đến nhà anh chơi, ôm con anh khóc, trong  khi có mặt bà vợ anh ở đó, nhưng mà vợ  anh rất thông cảm. Khi bả lấy anh thì đã chấp nhận tánh nghệ sĩ của anh;  lại hãnh diện nhiều nữa vì chồng mình như vậy nên có nhiều cô đào chạy theo mới là hay chớ, và rốt cuộc bà chiến thắng được mấy cô kia và được mình, thế mới hay! Bả được cái tính là không ghen nhe, anh đi hoài nhưng bả tin tưởng ghê lắm và khi người vợ đã tin tưởng thì ngược lại mình phải đừng để mất sự tin tưởng đó. Nếu người khác, không phải là anh có thể người ta sẽ lăng nhăng;  vì dễ quá, đi đâu cũng một mình. Anh quen biết nhiều, họ bảo dễ “sa chước cám dỗ” lắm! [cười].  Nhưng anh nghĩ tới vợ, tự bảo: chết cha, bả cho mình đi như vậy là tin tưởng mình lắm, bê bối quá đâu được nên thôi không nghĩ tới nữa.

alt

Trường Kỳ thập niên 1970

ĐMH: Với hơn 40 năm hoạt động báo chí, sự thành tựu ngày hôm nay mang ý nghĩa gì với riêng anh?

TK: Đối với anh nhờ điều này anh mới sống, không có nó, anh không sống được; anh tưởng tượng nếu anh không viết lách, không hoạt động  trong giới ca nhạc nữa thì anh làm gì bây giờ, nó buồn dễ sợ lắm, nhất là mình đã đi theo con đường này, đến bây giờ vẫn còn theo đuổi, gần như cuối đời rồi còn gì nữa, mặc dầu 62 tuổi coi như là waiting list rồi đó.

ĐMH: Anh có nghĩ đến thời điểm anh sẽ phải “gác bút” không?

TK: Anh bắt buộc đến một lúc nào đó sẽ phải gác bút thôi; vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến anh vì anh bị tiểu đường nặng, sau này có thể phá hư con mắt mình hay sức khỏe yếu đi, anh đã nghĩ tới chuyện đó và anh mong rằng sau này có một người nào đó thay thế được anh phần nào tiếp nối con đường anh đi. Giờ đây, không phải tự hào nhưng anh thấy con đường của anh đi ít người theo quá, anh cô đơn lắm chớ; Chỉ vui là vì nhiều độc giả biết mình  và thương mến mình.

ĐMH: Anh có những chia sẻ gì khi lớp thế hệ sau muốn tiếp tục sự nghiệp của anh?

TK: Anh rất mong muốn được như vậy; riêng cá nhân em thì anh tin tưởng em làm được, anh tin tưởng em lắm. Anh sẽ làm cái will (di chúc) để lại cho em tất cả tài liệu anh có – thật tình, thì những tài liệu đó, anh tưởng tượng đến một ngày nào 3-4 hay 10 năm sau khi anh không còn viết nữa thì để đống tài liệu ấy để làm gì, uổng lắm, phải có người biết khai thác. Chứ con cái không biết đem liệng hết; đốt hết thì buồn lắm…! Mặc dù, nó không phải là vật chất quý giá gì; chỉ là những đống băng, đống sách nhưng trong đó nó ghi lại ảnh hưởng của lịch sử nhạc Việt Nam từ nhạc trẻ cho tới tân nhạc, những tài liệu về nghệ sĩ nhiều vô cùng: có tiếng nói, âm thanh, bút tự bút tích rất là hay; em theo con đường anh đi, và anh sẽ để lại cho em, thiệt tình đó!

ĐMH: Đó là điều chắc chắn em sẽ theo đuổi. Anh còn có hoài vọng gì trước khi kết thúc một sự nghiệp hoặc những trăn trở, suy tư trong cuộc đời anh?

TK: Hoài vọng của anh thì nó hơi lý tưởng chút thôi; về văn nghệ, anh chả là một cái gì ở trong sinh hoạt của tân nhạc Việt Nam nói chung, nhưng anh mong muốn nền âm nhạc Việt Nam sẽ khá hơn nữa, có nhiều sự khai phá mới lạ chớ không đi theo con đường cũ hoài. Từ lúc anh bắt đầu vào nghề cho tới bây giờ chưa thay đổi gì; nhiều người muốn thay đổi nhưng chưa được hưởng ứng lắm. Hoài vọng của anh chỉ là như vậy với lý tưởng âm nhạc Việt Nam nói chung và hoài bão riêng là mong muốn có được người tiếp tục con đường của anh là anh rất vui.

ĐMH: Với sự dạn dày trong kinh nghiệm sống và viết, anh đã cảm nhận điều gì cho riêng mình về cuộc sống và con người?

TK: Đối với anh thì rất yêu cuộc đời. Thật sự từ lúc bé cho tới lớn anh không khổ mấy, nhưng lại chứng kiến nhiều cảnh khổ lắm rồi. Riêng cá nhân anh, anh nhìn bi quan bằng sự lạc quan; vì khi thấy sự khổ đau thì nên bớt bi quan để sáng sủa hơn chớ. Cũng đã có lần anh ở trong tình trạng bi quan, nhưng anh đã vượt qua được. Và anh vẫn yêu cuộc đời và con người, rất nhiều.

alt

Tùng Giang, Trường Kỳ và Jo Marcel

ĐMH: Và anh cũng đã được đáp trả lại? [cười]

TK: [gật gù cười] Công nhận anh có được đáp lại!

ĐMH: Xin được nhắc lại câu nói của anh: “Có được tên tuổi đã khó nhưng giữ được tên tuổi của mình mới là điều khó hơn”.

TK: Em nhớ được câu nói của anh, rất hay, đó là điều nhắc cho anh đó. Tạo được tên tuổi thật cũng không phải khó vì với thời gian và sự chịu đựng, sự kiên nhẫn thì sẽ có được, và mình biết cách, trong đó có sự xoay xở nữa để mà nổi tiếng. Nếu so sánh thì tạo cái tên dễ hơn giữ cái tên. Người giữ được tên khó ở chỗ là đã nổi tiếng và muốn người ta cứ nhìn mình bằng sự tin tưởng, và như vậy nên rất bị hạn chế là khi viết gì đều phải nghĩ ngợi ghê lắm; vì đã giữ hay được 10 năm, chỉ lỡ một câu ngắn mà sai là chết. Phải luôn tạo sự tin tưởng, họ đã tin tưởng mình gần như tuyệt đối mà chỉ lỡ một lần nào đó thôi là viết sai điều gì; viết không đúng sự thật là mất đi sự tin tưởng. Phải luôn cẩn thận vì đã viết thì phải “lách”, và lách thì khó hơn viết đó. Viết-hành văn thì ai cũng làm được cả nhưng biết cách “lách” tức là đừng đụng chạm quá lố; đừng để họ đọc văn mà coi thường mình là phải “lách” đó chớ;  và khi nổi tiếng lúc nào cũng phải cẩn thận vì được người ta chú ý, soi mói, kể cả những đối thủ hay những người không ưa mình rình mò, hay có sự ganh tị, sẩy một cái là chết, nguy hiểm lắm! [cười].

ĐMH: Nhuận bút và lương của ký giả rất ít ỏi và hạn chế nhưng anh lại có được điều kiện đi đó đây rất nhiều?

TK: Điều kiện đi như vậy phần đông là người ta bảo trợ anh đi chớ tiền đâu đi nổi, chết! [cười] Như vé máy bay kỳ này qua đây (California) thực tế là có người bao $700. Một năm anh đi trung bình khoảng mười mấy cái trip đó, chưa kể về Việt Nam thì mình phải bỏ tiền vì về thăm gia đình nhân tiện làm phóng sự luôn; một công hai việc thôi chớ lấy tiền báo của hải ngoại mà đi như thế này thì cả năm may ra đi được một chuyến thôi, không được ở hotel luôn, ăn cơm bụi đời [hahaha] khổ lắm! Cái nghề của anh với em theo là cái nghề nghèo nhất thế giới đó; đối với người Việt Nam mình thì nghèo lắm đó, nghề làm báo là nghề nghèo nhất! Anh bị (hay được không biết) hiểu lầm nhiều lắm, họ tưởng ông này tiền cao lắm nhe; đi nhiều thì chắc là báo trả cao lắm, một bài trả một ngàn hay mấy ngàn. Như anh đã nói là anh nhiều connection ghê lắm, bạn bè học của anh hồi xưa, giới văn nghệ, giới báo chí; ba cái giới đó không biết bao nhiêu bạn rồi, và anh quen đủ giới hết. May mắn là nhiều người thương vì họ thấy mình viết báo nghèo quá nên người ta bảo trợ; vấn đề như vậy đó [cười], nếu tính tiền máy bay không đã gần chục ngàn rồi.

ĐMH: Nhưng vấn đề là bao nhiêu năm thì mới có được sự “bảo trợ” đó?!

TK: [hahaha] Cũng… lâu à!

ĐMH: Mỗi vùng đất anh đi qua đã để lại trong anh những kỷ niệm hay ấn tượng gì?

TK: Anh đi cũng nhiều như nghệ sĩ đi show, nhưng ở đó anh ở lâu hơn nghệ sĩ. Nghệ sĩ tới đó hát đêm Thứ Bảy thì Chủ Nhật hay Thứ Hai về thôi, anh ít nhất là một tuần; hồi xưa anh đi qua California cả 1, 2 tháng, rành rẽ vui lắm; đi nhiều tiểu bang và mỗi lần đi thì anh ở lâu hơn, bạn bè địa phương nhiều hơn. Nghệ sĩ mới xuống phi trường là vào hotel ngủ, tập dợt và hát xong là ngày mốt đi về rồi: đi nhiều mà lại không biết nhiều bằng mình.

ĐMH: Hoạt động báo chí đã khá lâu anh có bị cảm giác nhàm chán trong nghề nghiệp?

TK: Có chớ em! Em hỏi một câu cũng là hay lắm! Nói thiệt nhiều khi viết một bài mà hứng thú thì viết lẹ lắm, viết vài tiếng đồng hồ là xong; còn có những bài anh viết cả tuần lễ không ra, đi tới đi lui vò đầu bứt tai hoài nhiều lúc muốn bỏ nghề cho rồi, chán nản dễ sợ; câu hỏi rất là hay! Về nghệ sĩ thì nghệ sĩ nào cho mình hứng thú thì dễ viết lắm và khi người ta chịu nói nhiều thì dễ viết hơn; một điểm nữa là những người có hoạt động lâu dài thì viết dễ hơn nữa vì đã có background, dễ khai thác hơn; còn những người mới quá lại nhát nữa; trả lời nhát gừng lắm! [chuyển giọng Bắc sang Nam] “dạ, dạ hết rồi”, hỏi thế anh thích cái này cái nọ không “dạ, dạ thích, dạ, thôi hết rồi”. Viết sao được nữa, vì trường hợp đó là họ không develop trong câu hỏi của mình, nhiều khi viết chừng mười dòng là hết biết viết cái gì nữa. Anh kỵ nhất là ai ra điều kiện viết bài xong cho người ta coi, anh không bao giờ theo điều kiện này ca: “Tôi viết sao kệ tôi chớ đâu phải cần sự approve của cô, của bà đâu!”

ĐMH: Anh còn điều gì mong muốn được chia sẻ cùng độc giả?

TK: Anh chia sẻ như vậy là đã nhiều lắm rồi. Anh mong rằng những lời anh nói hôm nay đến độc giả là một sự chia sẻ của anh với cá nhân, để thông cảm cho anh nhiều hơn, thông cảm cho nghề ký giả, thông cảm cho nghệ thuật. Dù trong nghệ thuật anh không có tài cán gì nhưng muốn giúp một phần cho sự xây dựng nền âm nhạc Việt Nam nói chung và nghệ thuật nói riêng, vì anh là một người rất yêu và có lòng đối với nghệ thuật.

Dẫu đã qua hơn 40 năm nghiệp dĩ, Trường Kỳ vẫn giữ riêng nét mộc mạc của một tâm hồn bình dị từ những khía cạnh sống và viết. Những cống hiến thầm lặng đầy ý nghĩa của ông, dù chỉ từ những điều giản dị trong cuộc sống, thế nhưng, tên tuổi Trường Kỳ chẳng dễ hề thay thế; dẫu ông vẫn đang cô miên ở ngàn thu, và đời vẫn luôn gọi tên ông trong niềm ưu ái…

alt

Cố nghệ sĩ Trường Kỳ

ĐMH
Email: songlove@ndshow.com