Menu Close

Hồi tưởng lúc con còn thơ

Hãy yêu thương mẹ lúc mẹ tươi trẻ, cũng như khi mẹ đau ốm. Và hãy hồi tưởng lúc mình còn thơ mẹ đã âu yếm săn sóc mình như thế nào để càng yêu mẹ hơn.

Mẹ ngồi bất động trước máy truyền hình. Bất kể đó là chương trình gì, mẹ cũng vẫn ngồi yên không bước tới vặn đổi kênh. Việc đi đứng cũng như mọi thứ khác đều trở thành khó khăn đối với mẹ. Mẹ cần có người giúp để thay quần áo, ăn uống, tắm rửa. Chẳng phải vì cơ thể mẹ đã trở nên già yếu, bại liệt – mẹ chỉ mới 48 tuổi -mà vì trí óc mẹ bị suy kiệt. Mẹ tôi bị bệnh Alzheimer.

Nghĩ tới mẹ, đôi khi tôi có cảm tưởng rằng thời gian không hề trôi qua kể từ khi tôi còn bé và vẫn thường đi bên mẹ. Đặc biệt, mẹ rất yêu cảnh thiên nhiên trời đất. Hồi ấy, mẹ thường đưa tôi ra biển tìm những vũng nước thủy triều để lại trên bãi. Chúng tôi thường nhảy từ bờ đá này sang bờ đá khác, cẩn thận né tránh những lượn sóng từ bên ngoài cách vài feet tung vào. Và mẹ cũng thường chỉ cho tôi xem những con nhím biển xù lông màu hồng và những con sao biển sắc màu rực rỡ. Thỉnh thoảng mẹ cũng đưa tôi đi dạo chơi trong rừng redwood sau cơn mưa. Chúng tôi thường len lỏi đi tìm những nải chuối chín vàng, màu của nó như những ngọn đèn nhỏ trong vùng tối của khu rừng. Và chúng tôi có thể ngửi thấy mùi ẩm của lá cây khi đi dưới những hàng cây cao rậm lá và bỗng chốc thấy mình lạc lối giữa vẻ lộng lẫy nguy nga của rừng già.

alt

Bảo Huân

Ảnh hưởng sâu sắc bởi cao trào chính trị của thập niên 1960, mẹ tôi  tin tưởng ở việc chiến đấu cho điều mình cho là đúng và chống lại điều sai. Mẹ không phải là người có đầu óc cấp tiến, mẹ chỉ là người quan tâm tới thế giới mình đang ở và những người trong đó. Tôi còn nhớ một lần đi theo mẹ trong một cuộc diễu hành hòa bình khi tôi lên mười tuổi. Đó là một cuộc tuần hành im lặng qua trung tâm thành phố. Chúng tôi mỗi người cầm một ngọn nến chiếu sáng trong đêm và tượng trưng cho hy vọng của chúng tôi sẽ thắp sáng thế giới này qua cuộc diễu hành lặng lẽ trong đêm.

Giáo dục cũng là một trong những vấn đề quan trọng mẹ hằng quan tâm. Bản thân mẹ cũng là nhà giáo. Việc mẹ chọn trường mẫu giáo cho tôi học cũng mất rất nhiều công. Trong khi phần lớn các phụ huynh bằng lòng với ngôi trường gần nhà thì mẹ đưa tôi đi xem nhiều trường khác trước khi quyết định chọn được trường tốt nhất cho tôi.

Giờ đây tôi thường ngắm con gái mình để nhìn ra hình ảnh mẹ tôi. Tôi thấy mái tóc thật đẹp của mẹ tết thành bím vàng nâu. Tôi thấy cái cằm của mẹ hơi nhô ra một chút trên khuôn mặt hẹp và nếp nhăn thừa ra trên mi mắt – đó chính là những nét mẹ cũng đã nhận ra khi nhìn tôi.

Gần đây tôi chợt nhận thấy mình đang sống trong những hình ảnh ngày xưa của mẹ. Mỗi lần uống một tách trà đậm, mùi trà làm tôi nhớ lại những đêm không ngủ mẹ đã trải qua khi ôm tôi trong tay lúc tôi đau ốm. Buổi sáng thay quần áo, mùi thơm dịu của hương hoa cỏ trong thuốc xịt tóc tôi dùng cũng chính là của mẹ để lại. Khi nghe giọng hát và tiếng búng dây đàn của Joan Baez trong những ca khúc chính trị hoặc giọng trầm bổng của Jimmy Cliff trong một bài reggae, tôi như nghe được chính tiếng hát của mẹ thời trẻ. Không có ngày nào tôi không sống trong những hồi ức quá khứ đầy ắp mùi vị và ảnh bóng của mẹ mình. Những cái này đưa tôi trở về thời thơ ấu khi mẹ còn vui tươi, khỏe mạnh.

Bệnh Alzheimer đã lấy đi người phụ nữ tôi từng biết ngày xưa. Mẹ đã từng linh hoạt biết bao nhưng bây giờ mẹ ngồi bất động. Tôi đọc cho mẹ nghe những câu thơ của ai đó nói về mẹ mình khi trí óc đã chìm trong màn sương quên lãng:

Ôi, mẹ ơi, đôi mắt màu xanh của mẹ ngày nào giờ đây trống rỗng vô hồn, khiến lòng con đau thắt.

Có thể mẹ không còn nhớ những gì đã từng ảnh hưởng lên đời tôi nhưng tôi thì không bao giờ quên được. Điều khó khăn nhất với tôi bây giờ là làm sao cùng một lúc yêu bà mẹ bệnh tật của mình đồng thời vẫn trìu mến những hồi ức về mẹ ngày xưa. Tôi cầu nguyện cho mẹ hầu như mỗi đêm nhưng lời cầu xin của tôi đã có điều khác trước kia. Thay vì “Xin Ơn Trên cho tìm ra phương thuốc chữa lành bệnh của mẹ con” thì nay tôi chỉ xin Ơn Trên cho mẹ vui trong thế giới của mẹ cũng như tôi vui trong thế giới của riêng mình. Và đôi khi, tưởng chừng như mẹ nghe hiểu lời mình, tôi thì thầm “Mẹ ơi, con yêu mẹ, nhớ mẹ biết bao!”

NS
(theo Sasha Williams)