Buổi chiều nay quỡn, tôi pha ly cà phê rồi ra sân ngồi ngó trời ngó đất làm vui. Trong cái đời sống hiện đại mà con người phải chạy muốn hụt hơi mới theo kịp, lâu rồi tôi mới có cái thú nhàn tản như thế này. Sài Gòn đang chuyển mùa, thỉnh thoảng lại có những cơn mưa vội làm mát dịu lại cái nóng mùa hè, lúc nào cũng hầm hập 35 – 36 độ C.
Bất chợt, tôi nhìn qua bên kia hàng rào của nhà hàng xóm, thấy bầy gà đang bươi đống rác nhỏ tìm thức ăn, trong bầy có hai anh chị gà dường như đang tán tỉnh nhau rất là mùi mẫn. Tôi quan sát chúng, thử nhập vai vào chúng, và tưởng tượng ra câu chuyện tình sau đây.
Ngậm trong mỏ một cành hoa hồng, chàng gà trống đến bên chị gà mái, rù rì với nàng,“ Em yêu dấu, anh trân trọng tặng em, nàng công chúa xinh xắn nhất của loài gà trên mặt địa cầu.” Chị gà mái cười : “Anh dzăn chương lãng mạn quá, nhưng em là mái dầu, gốc ba đời bần nông chính hiệu, chưa từng nhập được hộ khẩu vào đời sống thị dân tiểu tư sản, nên hổng biết ngắm hoa thưởng nguyệt đâu anh à.”
Chàng gà trống không vội nản lòng, chàng lại gại mỏ viết mấy câu thơ tình trên nền đất ẩm sau cơn mưa, những câu thơ mà chàng đã thức bao đêm rị mọ sáng tác cho nàng. Nàng phì cười với vẻ khinh thị vì anh chàng si tình mà dở hơi: “Anh thơ mộng và quý phái quá xá, nhưng tiếc thay lại hổng phải ‘gu’ của em, hổng phải là chàng trống hiện đại của lòng em. Gà hiện đại nên sống thực tế, biết thích nghi với thời đại, chứ hổng nên tốn phí thời gian ngô thóc (ý nàng muốn nói là ‘thời gian vàng bạc’ như trong thế giới con người) để làm chuyện vớ vẩn như mần thi.” Thi sĩ gà trống thất vọng, buồn tủi, đau đớn lắm, rồi tự hỏi thế giới này sẽ đi về đâu nếu đến loài gà cũng từ bỏ thi ca? Chàng lủi thủi bỏ đi ra góc sân đứng chiêm nghiệm về sự thay đổi, phù phiếm và nhạt nhẽo của ‘kê tình thế thái’.
Hôm sau, sau một đêm thức trắng nghĩ ngợi, chàng ngộ ra một giải pháp khả dĩ có thể chuyển xoay được tình thế. Từ đó, chàng cật lực lao động, bươi móc và dành dụm, lấn lướt và giành giật, bỏ hẳn chuyện thi phú chữ nghĩa qua một bên, để thực hiện ước mơ làm giàu, đổi đời. Rồi với nỗ lực đó, chàng trở thành một doanh gia rất thành đạt trong xã hội loài gà. Một hôm, sau khi tự tin về sự thành đạt của mình, chàng bèn mang đến một bội thực phẩm, gồm lúa bắp, bột thực phẩm công nghiệp, và cả một sợi dây thun được giấu kỹ trong đó, đặt trước mặt nàng như lễ vật dâng hiến của tình yêu. Lập tức, nàng mái dầu thay đổi hẳn thái độ trước đây, nàng reo lên quang quác: “Ôi! người yêu của em, chàng trống thông minh, tài hoa, đẹp giai và dũng cảm. Bây giờ anh mới là một chàng gà hiện đại. Xin chúc mừng sự thành đạt của hoàng tử trong lòng em. Hãy thực hiện những gì chàng và em cùng mong đợi lâu nay.”
“Được lời như cỡi lưng gà” (trích thơ của thi hào Nguyễn Kê), chàng gà trống – từng là thi sĩ, nay là đại gia (cũng trích thơ lục bát của thi hào Nguyễn Kê) – vui mừng và hãnh diện lắm. Chàng nhảy lên lưng ả mái dầu, hùng hục trong vài giây phù du, vừa hưởng lạc thú trần gian vừa thực thi chủ quyền. Thỏa mãn, chàng nhảy lên đậu ở hàng rào, đập cánh gáy to một tràng, như lãnh tụ đọc tuyên ngôn trước quần chúng ở quảng trường.
Câu chuyện tôi bịa tới đây thì bí, quý vị nào hào hứng thì xin mời tiếp tục viết thêm hồi kết; tuy nhiên, nếu quý vị gởi đăng báo thì nhớ chia nhuận bút sòng phẳng nhé.
Buổi chiều chưa hết, đêm chưa tới, tôi xin kể thêm một câu chuyện quỡn khác, cũng về lễ vật tình yêu, mà tôi nghe được ở đâu đó trong các cuộc trà dư tửu hậu. Chuyện như sau.
Ngày nọ, người ta đào được ở làng Phù Đổng hai vật thể kỳ dị, chúng trông giống như một con ngựa sắt và một cái roi, đều làm bằng một loại hợp kim mà dân làng chưa từng thấy qua. Nghe tin, các chuyên gia khảo cổ và nghệ thuật tạo hình người Ý là những người đầu tiên đến xem, rồi họ cho rằng, “Đây là các kiệt tác điêu khắc mà mọi bảo tàng trên thế giới đều khao khát được sở hữu. Chúng được tạo hình một cách quá sức tinh tế. Chúng đáng được chiêm ngưỡng và nghiên cứu.” Một nhóm chuyên gia công nghệ nặng người Mỹ cũng đến xem, rồi kết luận, “Đây là đỉnh cao của kỹ nghệ luyện kim. Thế giới cần phải học hỏi ngay, loại chất liệu này có thể dùng để chế tạo những phi thuyền trong tương lai.” Cùng lúc đó, có một anh trí thức đẹp giai, con nhà giàu học giỏi, lý lịch ba đời và thành phần giai cấp cực tốt, ở thủ đô, đang cố tìm một món lễ vật để tặng người yêu làm sính lễ cầu hôn; chàng nghe tin bèn đưa người yêu đến làng xem. Xem xong, chàng âu yếm thì thầm với nàng rằng, “Di sản cái quái gì. Hàng đểu, giả đồ cổ đấy, em ạ.” Quay sang các chuyên gia, chàng nói, “Quả thật con ngựa sắt và cái roi này từng là di vật của tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi là cháu chắt của chủ nhân hai vật này. Các ông muốn mua thì chúng tôi xin nhượng lại với giá phải chăng.” Chàng lại thì thầm với người yêu, “Gượm chút, để anh cố đánh thắng quả này em nhé. Roi với chả ngựa! Những cái của nợ này chẳng mang lại ích lợi gì. Thậm chí, chúng còn gây nên sự hiểu lầm về tinh thần hòa hiếu và hợp tác với ông anh láng giềng có cùng lịch sử và chí hướng. Bọn tư bản này mà không mua thì phải mau mau làm sao cho chúng biến mất đi, vĩnh viễn, kể cả trong trí nhớ con người. Để không còn ai nhớ đến chúng, mà rách việc! Tốt nhất là mang nấu cho chảy ra, đúc thành nồi nấu cám lợn; thế mới đúng với tinh thần hiện đại và thực tiễn.” Chuyện này tới đây cũng hết, mà không có hồi kết. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, bọn tư bản luôn luôn phải ngu như bò, cho đúng với chân lý và niềm tin của thời đại, thì chắc hẳn trước sau gì cũng mua phải những thứ đồ đểu ấy về làm gia bảo.
Ôi giời, không bàn nữa, vì có khi lại làm hỏng mất buổi chiều này! Thôi, tôi xin đền bạn bằng một đoạn thơ tuyệt đẹp, cũng nói về lễ vật tình yêu, của thi hào Tagore, ngheng.
“Sáng tinh sương tôi ra khơi giăng lưới.
Chiều đến, tôi mang về nhiều vật lạ kỳ.
Có món rạng rỡ như nụ cười, có món long lanh như nước mắt.
Tôi đặt chúng trước mặt em.
Em hỏi: “ Những thứ này dùng để làm gì?”
Buồn rầu tôi ném từng món ra đường.
Những người khách lạ đi qua nhặt lấy rồi mang tất cả về một chốn xa xôi.”
Ừ, vậy đó, những thứ long lanh thì thường phải mang về, một chốn xa xôi.
