Easter là một trong những dịp lễ hội quan trọng nhất hằng năm trong văn hoá Tây Phương. Ngày lễ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Giáo (TCG), để tưởng nhớ cuộc khổ nạn, lìa trần, và sống lại của Chúa Giê-Su. Vì lý do này, người TCG Việt Nam gọi “Easter Sunday” là “Chúa Nhật Phục Sinh”. Ngoài Giáng Sinh “Christmas”, Phục Sinh là một lễ hệ trọng khác trong truyền thống TCG, mà rất nhiều người không muốn bỏ qua. Điều này lý giải vì sao các giáo đường TCG thường đông nghẹt người mỗi năm, khi đến dịp lễ Christmas và Easter…

Thanh Dũng
N ăm nay, lễ Chúa Nhật Phục Sinh nhằm ngày 8-4-2012. Ngày lễ này tiếp nối 3 ngày lễ “Tuần Thánh” (từ Thứ Năm đến Thứ Bảy — tiếng Anh gọi là “Maundy Thursday”, “Good Friday”, và “Holy Saturday”). Lễ Phục Sinh bao giờ cũng khép lại mùa chay “Lent”, kéo dài 40 ngày trước đó — chú trọng ăn chay, ép xác, cầu nguyện, chiêm niệm sám hối…
Theo tinh thần này, người Công Giáo “Catholic” có thông lệ không tổ chức đám cưới trong “Tuần Thánh”, hay vào lễ Phục Sinh. Truyền thống xưa kia, đám cưới thậm chí bị cấm trọn mùa chay. Về hình thức, đến tận ngày nay, trong nhiều giáo đường Công Giáo, người ta vẫn tránh chưng bông hoa. Trong khoảng 2 tuần dẫn đến lễ Phục Sinh, một số nơi còn dùng vải che phủ tất cả thập giá cùng tượng ảnh chư thánh, hàm ý tôn kính, thương xót cuộc khổ nạn của Chúa Jesus.
Đa phần tín đồ Thiên Chúa Giáo Việt Nam theo đạo Công Giáo (CG), với giáo triều đặt tại Vatican. Từ xa xưa thời nhà Nguyễn, người CG Việt đã biết… sáng chế ra nhiều nghi thức Phục Sinh có thể nói mang không ít nét văn hoá Việt. Ở Bắc Kỳ, có thể kể riêng 2 loại nghi thức khá độc đáo là “Ngắm Lễ” và “Ngắm 15 Sự Thương Khó”.
Trong hoàn cảnh đao binh liên miên, chưa có chữ viết hoàn chỉnh, lại thiếu tầng lớp học giả, lúc đó người CG Việt đành học thuộc lòng và truyền nhau nhiều lời kinh “ngắm lễ” nhờ vần điệu du dương, ngân nga, lên bổng xuống trầm. Có thể ví lời kinh “ngắm lễ” như một loại “dân ca” mang hồn tôn giáo, có khi thêm đi kèm tiếng chuông, mõ, chiêng trống, v.v… rộn ràng. Các câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Jesus, từ thánh kinh “Bible”, sau khi hoá thành lời kinh “ngắm lễ”, đã được ai đó… sửa đổi, thêm thắt chi tiết khá linh hoạt, cho phù hợp tâm tình người Việt.
Nói chung, trước năm 1954, khi chưa bị đảng cộng sản khống chế, gây khó dễ, nhiều xứ đạo Bắc phần Việt Nam thường tổ chức sinh hoạt lễ Phục Sinh, với nhiều nghi thức “ngắm” rất trọng thể, tưng bừng.

Bên Pháp “France”, nhiều nhà thờ vẫn giữ truyền thống không kéo chuông từ “Thứ Năm Tuần Thánh”, và chỉ gióng lại vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh.
Brazil ngày nay, vào dịp lễ Easter, ở nhiều nơi, người ta vẫn giữ tục lệ “Burning of Judas”: treo cổ rồi thiêu đốt hình nộm Judas, kẻ bán Chúa Jesus cho quân lính La Mã.
Với xứ Do Thái “Israel”, Easter vẫn còn là một ngày lễ tôn giáo được tôn kính rất mực. Hằng ngàn tín đồ sùng đạo từ khắp thế giới đổ về Thánh Địa Jerusalem. Người hành hương viếng thăm huyệt mộ chôn Chúa Giê-Su; hoặc dự phần vào các cuộc “Chặng Đàng Thánh Giá” (Stations of the Cross), tái hiện cuộc khổ nạn của Chúa Jesus.
Trong đời sống hiện đại, lễ Phục Sinh “Easter” quan trọng bậc nhất theo truyền thống Thiên Chúa Giáo, song cũng không tránh khỏi… lây nhiễm phong cách hội hè. Các thú vui “festival” có thể làm mất đi phần nào ý nghĩa tôn giáo nguyên thuỷ. Và cũng như Christmas, lễ Easter ngày càng trở nên trần tục, bị thương mại hoá phần nhiều. Ngày nay, có nhiều kiểu vui chơi “Easter” không dính dáng gì tới truyền thống Phục Sinh hồi xưa.
Đã nhiều thế kỷ trôi qua, xuất phát từ các nước Ai Cập “Egypt”, Hy Lạp “Greece”, mỗi khi đến Easter người ta quen dần thói quen lấy… trứng tặng nhau. Trứng vốn là biểu tượng của sự sinh nở, tái hồi. Loài thỏ “rabbit”, nổi tiếng… mắn đẻ, cũng trở nên hình ảnh biểu tượng cho sự sinh sản. Ở Bắc bán cầu, lễ Easter đến vào mùa xuân, cùng thời điểm của mùa vạn vật đâm chồi lộc, sinh sôi nảy nở.

Ngày nay, các trò chơi lượm trứng trên sân cỏ Toà Bạch Ốc, tên gọi “White House Easter Egg Roll”, có thể là một trong những sự kiện Easter nổi tiếng nhất. Truyền thống khởi nguồn từ năm 1878, lúc ông bà Tổng Thống Hayes quyết định mở cửa Toà Bạch Ốc, đón các trẻ quanh vùng, đến chơi trò lượm trứng .

Mỗi năm, người Mỹ chi ra ít nhất $2 tỉ cho các mua sắm, dịch vụ nhân dịp lễ Phục Sinh. Easter cũng là thời điểm vàng cho kỹ nghệ làm bánh kẹo. Theo số liệu của hiệp hội “National Confectioner’s Association”, lễ Phục Sinh là dịp khách hàng tiêu thụ bánh kẹo nhiều chỉ sau… Halloween. Có thống kê chưa chánh thức, năm 2010, người Mỹ… ngậm đến 7 tỉ pounds kẹo.
Một sản phẩm cũng rất phổ biến mùa Easter là bông huệ trắng “white lily”. Có chỉ khoảng 1 chục nhà chuyên trồng bông huệ trắng, đa phần tập trung dọc biên giới California-Oregon. Vùng này nổi tiếng đến nỗi chết danh “Easter Lily Capital of the World” (thủ phủ của kỹ nghệ bông huệ mùa Easter). Chỉ riêng khu này sản xuất 95% bông huệ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ trong khoảng 2 tuần ngắn ngủi, mà giao dịch mua bán bông huệ đạt đến 1/4 thị trường bông hoa tươi trong suốt năm tại Mỹ.
