Thời gian đi, tưởng như một đường thẳng. Nhưng hóa ra cũng là một vòng tròn. Xoay vần. Như vũ trụ. Nên mới có cái khái niệm “déja vu,” hoặc tuần hoàn, hay “sinh ký tử quy.” Đi về cũng một nghĩa như nhau. Cũ mới, âm dương – có cái này mới có cái kia. Cả hai hiện diện hỗ tương.
Với chủ đề “Đời Sống Tuần Hoàn,” Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) thực hiện cuộc Triển Lãm Mùa Xuân tại Trung Tâm của hội (1600 N. Broadway, Santa Ana, CA 92706 ) trưng bày tác phẩm của 24 họa sĩ và nhiếp ảnh gia thuộc nhiều thế hệ, từ ngày 17 tháng Ba đến 1 tháng Tư, 2012.
Góp tranh và ảnh trong cuộc triển lãm này là những tác giả sáng tạo quen thuộc của vùng Little Sàigòn, Quận Cam, như Benjamin Vũ, Cao Bá Minh, Đinh Cường, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, v.v. Còn có một số tác giả trẻ từ các nơi xa gửi tác phẩm về tham dự, như Jerry Trương đang cư ngụ tại Hoa Thịnh Đốn, và Julie Thi Underhill từ vùng Bay (họa sĩ Đinh Cường tuy sống ở bờ Đông, nhưng sự hiện diện của ông lại rất ‘thường trực’ tại Quận Cam).

Đốm nắng chiều thu vườn sau nhà sơn dầu trên canvas – Đinh Cường
Với hơn 120 tác phẩm được gửi về tham gia, Ban Giám Tuyển – gồm họa sĩ Ann Phong, Barbara Thomason, và James Đinh – đã vất vả để chọn chỉ một phần ba trong số đó cho cuộc triển lãm. 40 tác phẩm được chọn phản ảnh cả sự đa dạng về tuổi tác lẫn văn hóa, nhưng không theo ‘lẽ thường’ là thế hệ lão thành gắn bó hơn với văn hóa Việt, và thế hệ trẻ hơn chịu ảnh hưởng những văn hóa địa phương và thế giới. Người trẻ vẫn về nguồn, và thế hệ đi trước vẫn hội nhập với văn hóa toàn cầu.
Theo lời của họa sĩ Ann Phong, thì Ban Giám Tuyển “đặc biệt muốn tìm những nghệ sĩ chưa bao giờ triển lãm trong cộng đồng Việt Nam ở Nam California, do đó chúng tôi đã đưa ra thông cáo tuyển tác phẩm, và rất vui khi nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ. Giới thưởng ngoạn sẽ thấy nhiều phong cách khác nhau trong cuộc triển lãm này. Khán giả sẽ được thưởng thức từ phong cách minh họa đến biểu hiện, từ truyền thống đến hiện đại, và ngay cả từ những nét cọ tỉ mỉ cho đến phóng túng.”
Người thưởng ngoạn sẽ có những bất ngờ đặc biệt khi bắt gặp những sáng tác mới của những ‘ảnh sĩ’ (cho tôi gọi như vậy trong bài này cho nó vần) và ‘họa sĩ’ đã thành danh; nhưng cũng sẽ thích thú khi khám phá những tác phẩm có chất lượng ‘thành danh’ của những tác giả lần đầu được trình làng tại quận Cam.
Tranh của Nguyễn Thị Hợp chẳng hạn – “Xuân, Hạ, Thu, Đông.” Một chủ đề quen thuộc, một nét cọ (trứ danh với lụa) quen thuộc – nhưng một cách trình bày chưa hẳn đã quen thuộc. Không còn lụa là nữa, mà màu nước trên canvas. Người thiếu nữ qua bốn mùa vẫn khăn mỏ quạ, áo yếm tứ thân… nhưng cô này không giống với những cô thiếu nữ trong các tranh khác của Nguyễn Thị Hợp. Muốn biết khác như thế nào, thì cần phải đến xem đủ bốn bức, sẽ thấy ngay. Ở đây, chỉ xin ‘bật mí’ cảnh mùa Xuân, vì chúng ta vẫn còn đang trong mùa mãn khai của năm 2012.

Xuân – màu nước trên canvas – Nguyễn Thi Hợp
Một tác phẩm nhiếp ảnh đặc biệt thu hút tôi là “Boat Dock at North Shore, Salton Sea” của Benjamin Vũ. Vốn là một nhiếp ảnh gia nghệ thuật và báo chí trong gần ba thập niên qua, anh vẫn luôn tha thiết với nghệ thuật nhiếp ảnh – không chỉ trong việc sáng tạo, mà còn cả giảng dạy và thực hiện các chương trình nhiếp ảnh trong cộng đồng tại Quận Cam. Về tác phẩm trắng đen của mình, Benjamin nói, “Cảm tưởng của người làm nghệ thuật khi thấy một cảnh đẹp của ngày xưa không còn là cảnh đẹp của ngày xưa nữa. Đây muốn nói là thời gian và sự thay đổi tuần hoàn của con người và thiên nhiên đã xóa đi cái đẹp đó. Khi làm lên tấm ảnh này, Benjamin không nhìn thấy sự điêu tàn của nó, nhưng đang tưởng tượng mình đứng trước một khung cảnh tuyệt đẹp của ngày xưa, khi những con thuyền đã ghé khu nghỉ mát nơi vùng nổi tiếng Salton Sea này và đã có biết bao nhiêu người đã có những thời gian tuyệt vời nơi đây.”

Boat Dock at North Shore, Salton Sea- Benjamin Vũ
Đó là một cách nhìn. Quá khứ vẫn hiện diện trong hiện tại, cho dù thực thể của quá khứ không còn nguyên vẹn nữa. Nên quá khứ là một cái gì đó rất gần. Và trong đời sống con người, qua lăng kính của Jerry Trương hay Julie Thi Underhill chẳng hạn, thì quá khứ cũng rất thật, rất gần gũi – như chính người thân của mình, còn sống hay đã mất. Cái vòng sống-chết. Tôi cho rằng cuộc triển lãm này còn có thêm một điểm rất đặc biệt: đó là nó mang hơi hướm triết lý, bắt cả người sáng tạo lẫn người thưởng lãm phải đối mặt với một vấn đề cốt lõi của con người.

Một ngày nào đó – Jerry Trương
Là một nhà hoạt động tư tưởng đã từng đi vận động cho tiếng nói của người Chàm tại Liên Hiệp Quốc, cô Julie đoạt nhiều giải thưởng cho cả nghệ thuật lẫn thành tích dấn thân của mình. Tác phẩm “Second Burial” ghi lại tập tục chôn người chết lần thứ hai của người Chàm theo Ấn Giáo tại Phước Lập, Phan Rang, Việt Nam. Theo cô Julie, “Chôn cất lần hai ghi nhận sự đồng-tồn-tại của người sống và người chết.” Vì bà của Julie không được chôn cất đúng theo nghi thức sau khi mất, nên nhiều năm sau, khi có điều kiện để chôn bà lại trên đất lành, cả dòng họ đã quây quần và cầu nguyện trong suốt ba ngày, hàn huyên và dâng cúng cho bà cũng như những thân nhân đã khuất. Theo Julie, “Một số nhỏ người Chàm Bà La Môn, hay Chàm theo Ấn Giáo, vẫn giữ phong tục này. Nhưng rất ít người Mỹ gốc Việt biết đến nghi thức và những nét văn hóa khác của dân tộc Chàm. Do đó, tôi rất cảm kích có cơ hội triển lãm phần chân dung gia đình này.”

“Second Burial” – Julie Thi Underhill
Tôi chợt nhớ đến tục lệ ‘sang cát’ hay ‘thay áo’ tại một số vùng ở phía Bắc Việt Nam, như ở làng Cẩm Phả, thuộc Hải Phòng. Sau khi chôn cha mẹ được hai hoặc ba năm, con cái lại mở áo quan, nhặt xương cốt của người thân, rửa sạch, rồi chôn lại trong một mộ mới tốt hơn. Lần đầu tôi được nghe về tập tục này là tại Gothernberg, Thụy Điển, khi thực hiện nghiên cứu về người Việt tại nước này trong thời gian 2004-05 qua học bổng Fulbright toàn phần. Lần thứ hai, là ở Berlin, khi được Ủy Ban Fulbright của Đức mời thuyết trình chủ đề “Chim Việt, Trời Âu” trong Đại hội Fulbright thứ 51 tại nước này. Sau Đại hội, tôi thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu tại Berlin vào mùa đông 2005, và một người Việt có sạp quần áo ngoài trời gần Ostbahnhof đã nói cho tôi biết ông đang chuẩn bị về quê để lo ‘sang cát’ cho mẹ. Tác phẩm “Second Burial” của Julie Thi Underhill làm tôi thắc mắc, không biết tục lệ ‘sang cát’ và ‘second burial’ của người Chàm có quan hệ gốc gác với nhau không, và nếu có, thì liên quan như thế nào.
Từ vòng tử, trở lại vòng sinh, tôi gặp bộ tam-ảnh của Jerry Trương với cái tên “Một ngày nào đó.” Jerry vừa hoàn tất một loạt ảnh ghi lại đời sống gia đình, và chọn ba tấm tiêu biểu để tham dự. “Mẹ tôi là con cả trong gia đình 11 người con, và khi lớn lên ở Việt Nam, đã thay ông bà Ngoại tôi nuôi nấng các dì các cậu. Gia đình tôi đã dọn sang Portland, Oregon và trong 10 năm vừa qua khi tôi xa nhà theo học đại học, em gái tôi (cũng là trưởng nữ) đã đảm đương trọng trách nuôi dạy các em trong khi ba mẹ tôi phải làm việc nhiều giờ khi ông bà đứng bán tiệm phở của gia đình. Tôi như bị mê hoặc khi nhìn lại những hình ảnh này – vì ngay cả khi gia đình tôi đã sống ở một đất nước và thời đại khác, những vai trò trong gia đình hình như vẫn tự lặp lại và tuân theo những chu kỳ tương tự.”
Jerry còn nói thêm, “Được tham dự trong cuộc triển lãm này là một vinh dự cho tôi. Tôi luôn quy hướng sáng tác của mình về di sản Việt Nam của mình, và là một họa sĩ mới vào làng, tôi chưa có dịp giới thiệu tác phẩm của mình đến với cộng đồng Việt Mỹ nói chung.” May thay, VAALA đã giúp cho Jerry thực hiện điều mong ước.
Có nhiều háo hức, huyền nhiệm, và lắng đọng đang chờ đợi quý vị tại “Đời Sống Tuần Hoàn.” Và có lẽ khi đã xem tranh, nhiều vị sẽ đồng ý với Benjamin Vũ khi anh nói, “Nhưng hôm nay khác ngày hôm qua là thế, bởi thời gian đã thay đổi nó và nơi đây không còn như ngày xưa nữa, chỉ còn ảo giác và tưởng tượng. Ống kiếng chỉ có thâu lại hiện tại của ngày hôm nay, ngày mai ra sao, chỉ có thời gian mới trả lời và đó cũng là sự tuần hoàn của tạo hóa và thiên nhiên.”
Cái tuần hoàn của trời đất, có lẽ vì vậy, mà vẫn giữ lại những dư hương của một thời đã qua – trong sự tưởng tượng hay trong vùng sáng tạo của con người. Mãn Giác Thiền Sư, vào một mùa Xuân rất xa, đã nhắc:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai
(bản dịch Thích Thanh Từ)
Phải chăng, triết lý trong bài thơ trứ danh này cũng chính là tâm niệm của nhiều tác giả trong cuộc triển lãm ảnh-họa “Đời Sống Tuần Hoàn.”