Menu Close

Lốc xoáy (tornado)

Tháng Giêng vừa qua ở Mỹ đã có 95 cơn gió xoáy (twister), vượt xa giai đoạn 1991-2010 trung bình thường có khoảng 35. Và chỉ nguyên tuần qua thôi đã có 440 cảnh báo (warnings) về lốc xoáy (tornado) được phổ biến, còn bão (storm) thì đã làm thiệt mạng 39 người ở 5 tiểu bang.

alt

Những hiện tượng mở đầu sớm sủa như thế thường chỉ xảy ra mỗi 10 hoặc 20 năm.Yếu tố tạo thành bão là không khí ẩm và nóng ở tầng dưới khí quyển và không khí khô, tương đối mát ở tầng khí quyển trên. Còn yếu tố lớn để tạo thành lốc xoáy được gọi là “wind shear” đó là những đợt gió thay đổi tốc độ và hướng đi ở những cao độ khác nhau trên khí quyển, tạo ra động tác xoay tròn trong cơn bão. Nhiều động tác xoay tròn tức là có nhiều lốc xoáy. Do đó, lốc xoáy được định nghĩa là một luồng không khí xoáy tròn mở rộng từ cơn dông xuống tới mặt đất.

Đường kính của lốc xoáy có thể từ mấy chục mét cho tới hàng kilômét. Khi di chuyển, nó cuốn theo hoặc phá hủy mọi thứ và ném ở một nơi khác. Nhìn từ xa, lốc xoáy giống như hình cái phễu (quặng) chuyển động, hoặc như một cái vòi từ trên bầu trời thò xuống, nên người Việt chúng ta gọi là “vòi rồng”, còn người Tàu gọi là “long quyển phong” (Lóng juăn fèng).

Xếp loại lốc xoáy

Lốc xoáy là một trong những hiện tượng rất nguy hiểm nên các nhà khí tượng cố tìm cách cảnh báo sớm cho dân chúng bằng cách xếp loại mức độ nặng nhẹ dựa trên sức tàn phá và sức gió. Sau đây là 6 cấp bậc áp dụng từ 1971 tính theo Thang Fujita (Fujita Scale, đặt theo tên nhà khí tượng T. Theodore Fujita thuộc trường đại học Chicago):

– F0    Sức gió: 40-72 mile/giờ (64-116 km/giờ)
Thiệt hại nhẹ: Cây bị gãy cành, trốc gốc nếu rễ nông; đèn báo hiệu, cột ống khói nhà bị hư hại.
– F1    Sức gió: 73-112 mile/giờ (117 – 180 km/giờ)
Thiệt hại vừa: Trốc nóc mái nhà; làm sập mobile home; có thể làm xe đang chạy mất thăng bằng và lật
– F2    Sức gió: 113-157 mile/giờ (181-253 km/giờ)
Thiệt hại đáng kể: Làm trốc gốc cây rễ sâu, hủy hoại mobile home, làm cả mái nhà bị tróc, xe lửa xe hàng bị lật nghiêng, làm bay các đồ vật nhỏ
– F3    Sức gió: 158-206 mile/giờ (254-332 km/giờ)
Thiệt hại nặng: Đa số cây cối trong rừng bị tàn hại, trốc gốc; cả đoàn xe lửa trật đường rầy và đổ; tường nhà, mái nhà sập
– F4    Sức gió: 207-260 mile/giờ (333-418 km/giờ)
Thiệt hại tàn phá: Nhà cửa và các kiến trúc nhỏ có thể bị san bằng hoàn toàn; xe có thể bị cuốn bay lên trời
– F5    Sức gió: 261-318 mile/giờ (419-512 km/giờ)
Thiệt hại khủng khiếp: Xe trở thành những vật bắn lên không; nhà cửa bị hủy hoại hoàn toàn, bứng khỏi nền và đưa đi xa; cơ sở xây bằng xi măng cốt sắt cũng có thể bị hư nặng.

Tháng 2 năm 2007 Fujita Scale được thay thế bằng Thang Fujita Cải tiến (Enhanced Fujita Scale), cũng tương tự như trước, nhưng thay thế từ F0 đến F5 bằng từ EF0 đến EF5 và cách quy định về mức tai hại có đôi chút khác biệt.

Đề phòng lốc xoáy

Trận lốc xoáy tai hại gần đây nhất ở Mỹ xảy ra ngày 22 tháng 4 năm 2011 tại Joplin, Missouri làm 138 người thiệt mạng. Trong cơn lốc xoáy, việc phòng tránh là điều rất khó. Nên tìm ngay chỗ trú ẩn an toàn như tầng hầm, góc tường…đừng ở nơi có mái rộng như siêu thị là chỗ dễ bị sụp đổ. Đừng ở trong xe hơi hay mobile home vì có thể bị thổi bay.