Tình bạn của hai người phụ nữ, một già một trẻ ở đây thật là cảm động và đáng quý. Họ yêu thương nhau, gần gũi nhau cho tới giây phút cuối. Cuộc chia tay có dòng lệ chảy nhưng cũng thật nhiều an ủi.
Bất cứ người đi xa nơi đâu, người vẫn ở trong tim tôi.
Mahatma Gandhi

Đêm qua tôi không yên giấc, cứ nằm trăn trở, lo sợ khi nghĩ tới ngày mai. Tôi cũng biết, dù có hơi mơ hồ, rằng các xét nghiệm của bạn mình không thể nào tốt được. Sáng nay mới tinh mơ tôi đã thức dậy, tắm sơ qua rồi vội vàng tắt nước khi nghe chuông điện thoại reo. Tôi vội vàng chạy tới bắt điện thoại và rồi nhận được cái tin kinh hoàng trong khi người còn ướt sũng nước. Tôi đứng sững, đầm đìa lệ.
“Chào tia nắng ban mai,” bạn tôi Doris nhẹ nhàng nói. Chị ngập ngừng trong giây lát rồi báo tin: “Nó trở lại rồi, cưng ạ. Căn bệnh ung thư của chị tái phát.” Tôi tự nhủ với mình rằng vì Doris tôi phải mạnh mẽ lên. Trí óc của tôi bắt đầu chuyển động, tôi nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp Doris đã làm cho tôi. “Em là người duy nhất chị báo tin đó cưng,” Doris nói thêm.
“Em sẽ đến chị ngay,” Tôi nói.
Tôi gặp Doris sáu năm trước. Chồng tôi và tôi phụ trách một nhà thờ nhỏ ở miền quê, nơi Doris là một thành viên. Chính nụ cười rực rỡ của Doris đã chinh phục tôi. Doris thật ra đáng tuổi mẹ tôi nhưng tôi chưa bao giờ có người bạn thân như thế trong đời. Cha tôi lâm bệnh nặng được chẩn đoán xem như giai đoạn chót. Nghe tin, Doris gọi cho tôi mỗi ngày. “Chào tia nắng ban mai,” Doris nhắc đi nhắc lại trong điện thoại. Mặc dù trời lúc nắng lúc mưa, không phải ngày nào cũng đẹp trời, nhưng khi nghe Doris nói tôi cảm thấy lòng vui rộn rã. Doris đến thăm tôi thường xuyên, đem cho tôi những món quà nhỏ dễ thương.
Vì cha tôi ở một nơi săn sóc đặc biệt dài hạn, cách chỗ tôi ở tới bảy mươi miles khiến tôi gần hụt hơi trong những cuộc thăm viếng. Tôi làm tới hai jobs, dạy lớp giáo lý ngày Chủ Nhật ở nhà thờ, lại mỗi tuần đi thăm cha tới mấy bận. Nhiều lần điện thoại di động của tôi reo vang khi đang lái xe trên xa lộ về nhà.
“Chào tia nắng ban mai,” Doris thường kêu lên. “Về ghé nhà chị nha. Chị sửa soạn bữa ăn tối cho em đây.” Vậy đó, và tôi biết bữa ăn ngon với nào là món khai vị, món rau, bánh mì bột bắp và bánh dừa đang chờ đợi tôi.
Vừa bước chân vào bệnh viện, gõ nhẹ lên cửa, lập tức tôi nghe một giọng nói dịu dàng “Vào đi.” Cánh cửa mở, tôi thấy bạn tôi đang nằm trên giường, mỉm cười với tôi.
“Chào tia nắng ban mai,” Doris thì thầm. “Cám ơn em đã đến.” Căn phòng ngập bóng tối. Những bó hoa người ta mới đem tặng trông cũng buồn bã. Tôi cúi mình xuống giường và ôm Doris. Chúng tôi ôm nhau thật chặt, khóc nức nở trong tay nhau. Những phút đầu tiên không ai nói lời nào. Nói gì nhỉ với bạn mình khi ta biết chẳng bao lâu rồi sẽ chia tay nhau.
“Em thương chị lắm, chị Doris ơi!” Tự nhiên tôi thốt lên. “Em sẽ ở bên chị suốt thời gian này. Chị cứ tin ở em.”
Doris khóc một lúc rồi nói với tôi điều chị lo lắng nhất. “Chị ưu tư vì nỗi phải xa em, cưng ơi.” Chị bộc lộ tâm tư. “Chị muốn em được mọi bề tốt đẹp.” Ôi, bạn tôi sắp lìa bỏ cõi đời rồi mà lòng vẫn lo lắng cho tôi. Tôi cam đoan với chị rằng tôi sẽ ổn thôi, nhưng sự vắng mặt của chị rồi đây sẽ để lại một khoảng trống lớn trong đời tôi.
Trong ngày hôm đó chúng tôi qua nhiều giờ với nhau bàn về cách báo tin cho những người thân trong gia đình chị. Chúng tôi nói về những việc phải làm lúc chị lâm chung và những loại thuốc giảm đau cho chị dùng tới phút cuối cùng. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác nữa. Mấy tuần lễ sau đó như chìm trong làn sương.
Thế rồi một sáng Chủ Nhật sau khi thức dậy tôi gọi điện vào nhà thương hỏi thăm tình trạng chị. Người ta cho biết chị yếu lắm rồi. Tôi chạy vào đưa chị sang cấp cứu. Chị vào nằm đó rồi không về nữa.
Trong tuần lễ trước khi chị qua đời, tôi vào nhà thương thăm chị mỗi ngày tới năm, sáu lần. Đêm xuống tôi đọc Thánh Kinh cho chị nghe tới lúc chị ngủ thiếp đi. Nhiều buổi sáng tôi tới thăm lúc chị chưa thức dậy. Chị xuống sức nhưng không mất đi nụ cười tươi đẹp. Mỗi sáng, chị vẫn chào tôi bằng câu: “Chào tia nắng ban mai.” Rồi tôi nghĩ không biết tôi còn nghe được câu chào dễ thương đó bao lâu nữa khi chị ngày một yếu lả đi.
Thế rồi một buổi chiều tôi nhận được tin nhắn phải vào với chị gấp. Bác sĩ đang cố gắng hồi sức chị. “Tôi có thể nói chuyện với Doris một lát không?” Tôi xin phép bác sĩ.
“Được chứ,” bác sĩ nói. Rồi mọi người lần lượt rời phòng. Tôi cầm bàn tay xanh lướt của chị thật chặt và cùng cầu nguyện. “Em yêu chị mãi mãi nghe Doris.”
“Chị cũng yêu em, tia nắng ban mai của chị ơi.” Chị nói, giọng thều thào.
Các bác sĩ đang dùng tới những phương cách cho chị hồi sinh. Tôi bước ra ngoài chờ trong tâm trạng đau đớn đến cùng cực. Một lát, bác sĩ bước ra nói: “Chúng tôi đã dùng hết mọi phương cách cứu chữa rồi.” Tôi cám ơn và trở lại phòng.
“Bác sĩ còn làm gì được nữa không em?” Tôi trả lời, “Em e rằng không, chị ạ.” Tôi trả lời và bật khóc.
“Mọi việc rồi ổn thôi, em ạ.” Doris hứa với tôi. “Em đừng khóc nữa.” Căn phòng yên tĩnh trong giây lát. Doris cố gắng đưa tay cầm tay tôi. “Em ơi, những năm vừa qua có em đời chị tươi sáng lên. Em thật là có ý nghĩa đối với chị.” Một lát sau thì Doris chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, tôi lại vào thăm Doris. Chị đang phải chịu đau đớn và không nói được nữa. Tôi cầu nguyện với chị và hỏi chị có biết tôi yêu chị biết bao nhiêu không. Chị gật đầu. Vừa lúc đó, ánh nắng chợt bừng lên trong phòng.
Đêm đó Doris ra đi về cõi trời miên viễn. Như đã hứa, tôi ngồi cầm tay chị cho tới phút chót.
Tới hừng sáng, tôi bước ra ngoài và mặt trời tháng Tám chiếu tràn khuôn mặt tôi. Tôi nghĩ tới tình yêu của Doris. “Chào tia nắng ban mai”. Tôi thì thầm khi ngước nhìn lên. Trong trí óc mình, tôi nhìn thấy nụ cười của Doris và biết rằng mọi việc đều tốt đẹp. Chị đã về nhà mình.
(theo Nancy B. Gibbs)